2014
Các Con Gái Giao Ước của Thượng Đế
Tháng Mười Một năm 2014


Các Con Gái Giao Ước của Thượng Đế

Khi các con gái của Thượng Đế tập trung vào đền thờ và vào các giao ước thiêng liêng của họ, thì Thượng Đế có thể gửi đến các phước lành trong những cách riêng rẽ và mạnh mẽ.

Các chị em thân mến, tôi chào đón các chị em với tình yêu thương bao la. Ngay bây giờ, bất cứ các chị em đang ở nơi đâu trên thế giới, tôi cũng hy vọng các chị em cảm nhận được tình yêu thương của Chúa dành riêng cho các chị em và Thánh Linh làm chứng cùng tâm hồn của các chị em về sứ điệp vừa được ca đoàn tuyệt vời này hát lên. Tôi xin thêm chứng ngôn của tôi vào chứng ngôn của họ: Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống và Ngài yêu thương mỗi người chúng ta.

Buổi tối hôm nay chúng ta quy tụ lại với tư cách là các con gái đã lập giao ước với Thượng Đế. Tuổi tác, hoàn cảnh, và cá tính không thể phân chia chúng ta vì quan trọng hơn hết, chúng ta thuộc về Ngài. Chúng ta đã lập một giao ước để luôn luôn tưởng nhớ tới Vị Nam Tử của Ngài.

Quyền năng của giao ước cá nhân đó đã ghi khắc vào lòng tôi cách đây ba tuần khi tôi tham dự một buổi lễ báp têm. Trước mặt tôi là tám đứa trẻ xinh đẹp ngồi nghiêm trang và đầy phấn khởi rằng ngày đặc biệt của chúng cuối cùng đã đến. Nhưng khi tôi nhìn vào các gương mặt rạng rỡ của chúng, tôi đã không chỉ nhìn thấy một nhóm trẻ em. Thay vì thế, tôi thấy chúng như tôi nghĩ rằng Chúa cũng thấy như vậy—từng đứa một. Tôi thấy Emma, Sophia, Ian, Logan, Aden, William, Sophie và Micah. Mỗi giao ước báp têm được thực hiện cho từng đứa một. Mỗi đứa đều mặc bộ đồ trắng, và các đứa trẻ này đều sẵn sàng và sẵn lòng với tất cả tâm hồn của các đứa trẻ tám tuổi để lập giao ước đầu tiên của chúng với Thượng Đế.

Hãy nhớ và hình dung lại ngày báp têm của các chị em. Cho dù các chị em có thể nhớ lại nhiều chi tiết hay chỉ có một chút thôi, thì cũng hãy cố gắng để cảm nhận vào lúc này ý nghĩa của giao ước mà cá nhân các chị em đã lập. Sau khi được gọi bằng tên của mình, các chị em được dìm mình xuống nước và ra khỏi nước với tư cách là con gái của Thượng Đế—con gái giao ước của Ngài, một người sẵn lòng để được gọi bằng danh của Vị Nam Tử của Ngài và hứa tuân theo Ngài cùng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

Các giao ước lập với Thượng Đế giúp chúng ta biết chúng ta thực sự là ai. Các giao ước này kết nối chúng ta với Ngài trong một cách riêng tư mà qua đó chúng ta tiến đến việc cảm nhận được giá trị của mình đối với Ngài và vị trí của mình trong vương quốc của Ngài. Về một phương diện nào đó chúng ta không thể thấu hiểu được một cách trọn vẹn rằng cá nhân chúng ta được Ngài biết đến và yêu thương. Hãy nghĩ về điều đó—mỗi người chúng ta đều quý báu đối với Ngài. Ước muốn của Ngài là chúng ta sẽ chọn con đường mà sẽ đưa chúng ta về nhà cùng Ngài.

Giao ước báp têm là cần thiết và quan trọng nhưng đó chỉ là khởi đầu mà thôi—cánh cổng báp têm đặt chúng ta trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Phía trước cuộc hành trình của chúng ta là các giao ước đền thờ phải được lập và các giáo lễ của chức tư tế phải nhận được. Như Anh Cả David A. Bednar nhắc nhở chúng ta: “Khi chịu phép báp têm, thì chúng ta bắt đầu hướng về đền thờ.”1

Chúng ta sẽ được sẵn sàng để tiếp nhận cuộc sống vĩnh cửu không phải chỉ qua việc lập giao ước mà còn qua việc trung thành tuân giữ các giao ước đó. Đó là hy vọng, mục tiêu, và niềm vui của chúng ta.

Chính tôi đã chứng kiến quyền năng của giao ước khi tôi nhìn thấy cha mẹ ngay chính của tôi yêu mến và sống theo phúc âm. Tôi đã có đặc ân để nhìn thấy rõ ràng các quyết định hàng ngày của người mẹ hiền của tôi là một người con gái giao ước của Thượng Đế. Ngay cả khi bà còn nhỏ, những lựa chọn của bà cho thấy các ưu tiên của bà và xác định rằng bà là một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đã thấy sự bình an, quyền năng, và sự bảo vệ đó đến với cuộc sống của bà khi bà lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng trong cuộc sống. Cuộc sống của bà trên thế gian này cho thấy tình yêu thương của bà đối với Đấng Cứu Rỗi và ước muốn của bà để noi theo Ngài. Ôi, tôi muốn noi theo tấm gương của bà biết bao.

Mối quan hệ của cha mẹ tôi bắt đầu một cách không bình thường. Đó là năm 1936. Họ đã hẹn hò thật nghiêm túc và dự định kết hôn thì cha tôi nhận được thư mời ông đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian ở Nam Phi. Bức thư đó nói rằng nếu ông xứng đáng và sẵn lòng phục vụ, thì ông nên liên lạc với vị giám trợ của ông. Các chị em có thể nhanh chóng thấy rằng tiến trình của việc được kêu gọi làm người truyền giáo rất khác biệt trong thời kỳ đó! Cha tôi cho người yêu của mình là Helen, xem bức thư đó và họ đã quyết định chắc chắn rằng ông sẽ đi phục vụ.

Hai tuần trước khi cha tôi ra đi, mẹ tôi gặp cha tôi mỗi ngày trong một bữa ăn trưa ngoài trời ở Memory Grove gần khu trung tâm thương mại Salt Lake City. Trong một bữa ăn trưa của họ, vì đã tìm kiếm sự hướng dẫn qua việc nhịn ăn và cầu nguyện, nên mẹ tôi nói với Claron yêu quý của bà rằng nếu ông muốn, thì bà sẽ kết hôn với ông trước khi ông ra đi. Trong những ngày đầu của Giáo Hội, đôi khi người đàn ông được kêu gọi phục vụ truyền giáo và để lại người vợ và gia đình ở nhà. Điều này đã xảy đến với cha mẹ tôi. Với sự chấp thuận của các vị lãnh đạo chức tư tế của ông, họ đã quyết định kết hôn trước khi ông đi truyền giáo.

Trong Đền Thờ Salt Lake, mẹ tôi đã tiếp nhận lễ thiên ân của bà, rồi sau đó họ đã được Chủ Tịch David O. McKay làm lễ cưới cho cả thời tại thế lẫn suốt vĩnh cửu. Cuộc hôn nhân của họ đã có một khởi đầu thật là khiêm tốn. Không có chụp hình, không có áo cưới đẹp, không có hoa, và không có tiệc tùng để ăn mừng ngày cưới. Sự tập trung hiển nhiên của họ là vào đền thờ và các giao ước của họ. Đối với họ các giao ước là quan trọng hơn hết. Chỉ sáu ngày sau khi kết hôn và trong cảnh chia tay đầy nước mắt, cha tôi đã lên đường đi Nam Phi.

Nhưng cuộc hôn nhân của họ còn có ý nghĩa nhiều hơn là tình yêu sâu đậm mà họ đã dành cho nhau. Họ cũng đã có một tình yêu mến Chúa và ước muốn phục vụ Ngài. Các giao ước đền thờ thiêng liêng mà họ đã lập đã mang đến cho họ sức mạnh và khả năng để giúp họ kiên trì trong hai năm xa nhau. Họ đã có một viễn cảnh vĩnh cửu về mục đích của cuộc sống và về các phước lành đến với những người trung thành với giao ước của họ. Tất cả những phước lành này quan trọng hơn sự hy sinh và thời gian xa nhau ngắn hạn của họ.

Mặc dù việc đó chắc chắn không phải là một cách dễ dàng để bắt đầu cuộc sống hôn nhân, nhưng điều đó chứng tỏ là một cách lý tưởng để đặt nền móng cho một gia đình vĩnh cửu. Khi con cái được sinh ra trong gia đình, chúng ta biết điều gì là quan trọng nhất đối với cha mẹ của mình. Đó là tình yêu mến của họ đối với Chúa và lòng cam kết vững chắc của họ để tuân giữ các giao ước mà họ đã lập. Mặc dù cha mẹ tôi đều đã qua đời, nhưng mẫu mực về sự ngay chính của họ vẫn còn ban phước cho gia đình chúng tôi.

Các tấm gương về cuộc sống của họ được bày tỏ trong những lời của Chị Linda K. Burton: “Cách tốt nhất để củng cố một mái gia đình, hiện tại hoặc trong tương lai, chính là tuân giữ các giao ước.”2

Thời gian khó khăn và thử thách của họ vẫn chưa chấm dứt. Ba năm sau khi cha tôi trở về từ công việc truyền giáo, Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, và như nhiều người khác, ông đã nhập ngũ. Ông xa nhà thêm bốn năm nữa khi ông phục vụ trong hải quân, trên các tàu chiến ở Thái Bình Dương.

Đó là một thời gian khó khăn đối với cha mẹ tôi để sống xa nhau một lần nữa. Nhưng đối với mẹ tôi, những ngày cô đơn, lo lắng, và bấp bênh đó cũng gồm có cả những lời mách bảo của Thánh Linh về những lời hứa vĩnh cửu, sự an ủi và bình an trong cơn bão tố.

Mặc dù có những thử thách, nhưng mẹ tôi đã sống một cuộc sống tràn đầy phước lành, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu thương, và phục vụ. Tình yêu mến của bà đối với Đấng Cứu Rỗi đã được cho thấy trong cách bà sống cuộc sống của bà. Bà đã có một mối liên kết đặc biệt với thiên thượng cũng như một ân tứ và khả năng để yêu thương và ban phước cho mọi người xung quanh. Đức tin của bà nơi Thượng Đế và hy vọng vào những lời hứa của Ngài đã được phản ảnh trong những lời của Chủ Tịch Thomas S. Monson về đền thờ khi ông nói: “Không có một sự hy sinh nào quá lớn lao, không có một cái giá nào quá cao, không có nỗi vất vả nào quá khó khăn để nhận được các phước lành đó.”3

Trong suốt những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của bà, mẹ tôi đã được củng cố và ban phước bởi tình yêu mến của bà dành cho Chúa và các giao ước mà bà đã trung thành lập và tuân giữ.

Dĩ nhiên, các chi tiết trong câu chuyện về các chị em sẽ khác với câu chuyện về mẹ tôi. Nhưng các nguyên tắc của cuộc sống của bà vẫn áp dụng cho tất cả chúng ta. Khi các con gái của Thượng Đế tập trung vào đền thờ và vào các giao ước thiêng liêng của họ, thì Thượng Đế có thể gửi đến các phước lành trong những cách riêng rẽ và mạnh mẽ. Giống như tấm gương của mẹ tôi đối với tôi, sự lựa chọn của các chị em để tin tưởng và tuân giữ các giao ước sẽ để lại một di sản phong phú về đức tin cho con cháu của các chị em. Do đó, các chị em thân mến, làm thế nào chúng ta có thể tiếp cận với quyền năng và các phước lành của các giao ước đền thờ? Chúng ta có thể làm gì bây giờ để chuẩn bị cho các phước lành đó?

Khi đi khắp nơi, tôi đã tiến đến việc biết rằng cuộc sống của các chị em thuộc mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh, đều mang đến những câu trả lời cho những câu hỏi này.

Tôi đã gặp Mary ngay sau sinh nhật thứ 8 của em. Giống như rất nhiều người khác, em rất phấn khởi làm công việc lịch sử gia đình và đã đóng góp hơn 1.000 tên cho công việc đền thờ. Mary đang tự chuẩn bị bản thân cho phước lành để bước vào đền thờ khi em được 12 tuổi.

Brianna 13 tuổi và thích làm công việc lịch sử gia đình và công việc đền thờ. Em đã chấp nhận lời mời gọi của Anh Cả Neil L. Andersen để làm công việc đền thờ.4 Em đã chuẩn bị hàng trăm tên cho công việc đền thờ và em đã mời gia đình và bạn bè cùng với em chịu phép báp têm cho người chết. Trong công việc thiêng liêng này, lòng của Brianna không những trở lại cùng những người cha trần thế mà còn trở lại cùng Cha Thiên Thượng nữa.

Mặc dù Anfissa là một thiếu nữ vô cùng bận rộn với việc làm và theo học hậu đại học, nhưng em ấy vẫn dành thời gian để đi đền thờ mỗi tuần. Em ấy tìm kiếm sự mặc khải và có được bình an khi phục vụ trong nhà của Chúa.

Một chị phụ nữ đáng mến ở Ukraine là Katya vô cùng yêu mến đền thờ. Trước khi ngôi đền thờ ở Kyiv được xây cất, chị và những người khác trong chi nhánh của chị đã hy sinh để đi xe đò trong 36 giờ nhằm tham dự đền thờ mỗi năm một lần ở Đức. Các Thánh Hữu tận tụy này cầu nguyện, học thánh thư, hát thánh ca, và thảo luận phúc âm trong chuyến đi của họ. Katya nói với tôi: “Cuối cùng khi chúng tôi đến đền thờ, chúng tôi đã sẵn sàng để tiếp nhận điều Chúa có để ban cho chúng tôi.”

Nếu chúng ta muốn nhận được tất cả các phước lành mà Thượng Đế đã ban cho một cách vô cùng rộng rãi, thì con đường trần thế của chúng ta phải dẫn đến đền thờ. Đền thờ là một biểu hiện về tình yêu thương của Thượng Đế. Ngài mời gọi tất cả chúng ta hãy đến, học hỏi về Ngài, cảm nhận tình yêu thương của Ngài, và tiếp nhận các giáo lễ của chức tư tế cần thiết cho cuộc sống vĩnh cửu với Ngài. Mỗi giao ước đều được lập một cách riêng rẽ. Mỗi sự thay đổi lớn lao trong lòng đều quan trọng đối với Chúa. Và sự thay đổi trong lòng của các chị em sẽ tạo ra sự khác biệt cho các chị em. Vì khi đi đến ngôi nhà thánh của Ngài, chúng ta có thể được “mang quyền năng của Ngài, và danh Ngài có thể ở cùng [chúng ta], … vinh quang của Ngài bao bọc [chúng ta], và các thiên sứ của Ngài chăm sóc [chúng ta].”5

Tôi chia sẻ với các chị em lời chứng chắc chắn của tôi rằng Cha Thiên Thượng nhân từ hằng sống. Chính là qua Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, mà mọi hy vọng, mọi lời hứa, và mọi phước lành của đền thờ được làm tròn. Cầu xin cho chúng ta có thể có đức tin để tin cậy vào Ngài và các giao ước của Ngài, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. David A. Bednar, “Tôn Kính Giữ Danh và Vị Thế,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 98.

  2. Linda K. Burton, “Cần Những Bàn Tay và Tấm Lòng để Gấp Rút Làm Công Việc Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 123.

  3. Thomas S. Monson, “Đền Thờ Thánh—Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 92.

  4. Xin xem templechallenge.lds.org.

  5. Giáo Lý và Giao Ước 109:22.