2014
Được Tự Do Mãi Mãi, Tự Hành Động Lấy Một Mình
Tháng Mười Một năm 2014


Được Tự Do Mãi Mãi, Tự Hành Động Lấy Một Mình

Ý muốn của Thượng Đế là chúng ta phải là những người tự do được ban cho khả năng để đạt đến tiềm năng trọn vẹn của mình về mặt vật chất lẫn thuộc linh.

Vở kịch The Life of King Henry V (Cuộc Đời của Vua Henry Đệ Ngũ) của William Shakespeare gồm có một cảnh ban đêm trong trại lính Anh tại Agincourt ngay trước khi cuộc chiến với quân đội Pháp. Trong ánh sáng lờ mờ và phần nào ngụy trang, Vua Henry đi lang thang trong số những người lính của ông mà không ai nhận ra. Ông nói chuyện với họ, cố gắng đánh giá lòng tự tin của quân lính của ông vì số lính của ông ít hơn nhiều so với số lính của đối thủ, và vì họ không nhận ra ông là ai, nên họ đưa ra ý kiến thẳng thắn. Trong khi trò chuyện, họ nói về ai là người chịu trách nhiệm về điều xảy ra cho những người lâm chiến—nhà vua hay là từng người lính.

Có một lúc, Vua Henry nói: “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ hài lòng hơn để chết trong tay quân đội của nhà vua hơn bất cứ nơi nào, vì nhà vua có chính nghĩa.”

Michael Williams đáp: “Lối suy nghĩ đó vượt quá sự hiểu biết của chúng tôi.”

Người bạn lính của ông đồng ý: “Vâng, và lối suy nghĩ đó cao hơn sự hiểu biết của chúng ta, vì chúng ta đủ biết rằng chúng ta là thần dân của nhà vua. Nếu nhà vua không có chính nghĩa thì chúng ta không có tội vì chúng ta chỉ tuân theo nhà vua.”

Williams nói thêm: “Nếu nhà vua không có chính nghĩa thì một mình nhà vua chịu trách nhiệm về tất cả những gì được thực hiện để hoàn thành những điều đó.”

Không ngạc nhiên gì khi Vua Henry không đồng ý: “Nhà vua chịu trách nhiệm cho mỗi thần dân; nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm cho linh hồn của mình.”1

Shakespeare không cố gắng giải quyết cuộc tranh luận này trong vở kịch đó, và trong bất cứ hình thức nào, thì đó là một cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục đến thời kỳ chúng ta—ai là người chịu trách nhiệm cho điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta?

Khi những sự việc trở nên tồi tệ, thì người ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác hoặc thậm chí cả Thượng Đế. Đôi khi người ta bắt đầu cảm thấy được quyền, và các cá nhân hoặc các nhóm cố gắng trút trách nhiệm về sự an lạc của họ cho người khác hoặc cho chính phủ. Trong những vấn đề thuộc linh, một số người cho rằng, người nam và người nữ không cần phải cố gắng để bản thân mình được ngay chính—bởi vì Thượng Đế yêu thương và cứu “con người thật của chúng ta”.

Nhưng Thượng Đế muốn con cái của Ngài phải hành động theo quyền tự quyết về mặt đạo đức mà Ngài đã ban cho họ, “để mọi người có thể chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình vào ngày phán xét.”2 Chính là kế hoạch của Ngài và ý muốn của Ngài rằng chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định trong cuộc đời mình. Ngài sẽ không sống cuộc sống thay cho chúng ta hay điều khiển và kiềm chế chúng ta, như Lu Xi Phe đã có lần mong muốn làm như thế. Các vị tiên tri của Ngài cũng sẽ không kiềm chế chúng ta. Brigham Young nói: “Tôi không muốn bất cứ Thánh Hữu Ngày Sau nào trên thế gian này, hoặc trên thiên thượng, phải mãn nguyện với những gì tôi làm, trừ khi Thánh Linh của Chúa Giê Su Ky Tô—là tinh thần mặc khải, bắt họ phải hài lòng. Tôi muốn họ tự mình biết và hiểu được lẽ thật.”3

Vậy thì Thượng Đế không cứu chúng ta theo “đúng như con người thật của chúng ta”, thứ nhất là bởi vì “đúng như con người thật của chúng ta” thì chúng ta ô uế và “không có một vật ô uế nào có thể ở trong … chốn hiện diện của Ngài; vì, theo ngôn ngữ của A Đam, Đấng Thánh Thiện là danh Ngài, và danh của Con Độc Sinh của Ngài là con của Người [của Đấng Thánh Thiện]”4 Và thứ hai, Thượng Đế sẽ không hành động để bắt chúng ta làm điều gì chúng ta không chọn để làm. Ngài thật sự yêu thương chúng ta, và bởi vì Ngài yêu thương chúng ta nên Ngài sẽ không ép buộc hay bỏ rơi chúng ta. Thay vì thế, Ngài giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta. Quả thật, các giáo lệnh của Ngài chính là cách Ngài bày tỏ tình yêu thương thực sự cho chúng ta.

Chúng ta nên (và phải) vui mừng đối với kế hoạch do Thượng Đế quy định để cho phép chúng ta lựa chọn để hành động cho chính mình và trải qua những hậu quả, hoặc như thánh thư chép rằng để chúng ta “nếm mùi cay đắng, để [chúng ta] có thể hiểu giá trị của điều thiện.”5 Chúng ta mãi mãi biết ơn rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã khắc phục tội nguyên thủy để chúng ta có thể được sinh ra trong thế gian này nhưng vẫn không bị trừng phạt vì sự phạm giới của A Đam.6 Do đó, chúng ta được cứu chuộc khỏi Sự Sa Ngã, chúng ta bắt đầu cuộc sống vô tội trước mặt Thượng Đế và “được tự do mãi mãi, phân biệt được thiện ác, và tự hành động lấy một mình, chứ không bị tác động.”7 Chúng ta có thể chọn để trở thành con người mà chúng ta muốn trở thành, và với sự giúp đỡ của Thượng Đế, chúng ta còn có thể trở thành giống như Ngài.8

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mở đường cho chúng ta để trở thành con người mình có thể trở thành. Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và ân điển của Ngài, những thất bại của chúng ta để sống theo luật thượng thiên một cách hoàn hảo và kiên định trong cuộc sống trần thế có thể được xóa tan và chúng ta có thể phát triển một cá tính giống như Đấng Ky Tô. Tuy nhiên, công lý đòi hỏi rằng nếu chúng ta không sẵn lòng cam kết và tham gia thì không có một điều nào trong số những điều này xảy ra được. Điều này đã từng như vậy. Sự hiện diện của con người chúng ta trên thế gian là kết quả của sự lựa chọn của mỗi người để tham gia vào kế hoạch của Đức Chúa Cha.9 Do đó, sự cứu rỗi chắc hẳn không phải là kết quả của các quyết định không dự đoán trước của Thượng Đế, hay là xảy ra chỉ vì đó là ý muốn của Thượng Đế.10

Công lý là một thuộc tính quan trọng của Thượng Đế. Chúng ta có thể có đức tin nơi Thượng Đế vì Ngài là Đấng chúng ta hoàn toàn tin cậy. Thánh thư dạy chúng ta rằng “Thượng Đế không bước trên những con đường quanh co, Ngài không rẽ qua tay phải hay tay trái, Ngài cũng không thay đổi những gì Ngài đã phán, vậy nên những con đường của Ngài rất thẳng, và lộ trình của Ngài là một vòng tròn vĩnh cửu”11 và rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa.”12 Chúng ta dựa vào tính chất thiêng liêng của công lý để có được đức tin, sự tin tưởng, và hy vọng.

Nhưng vì phải hoàn toàn công bình, nên có một số điều Thượng Đế không thể làm. Ngài không thể tự ý cứu một số người và trục xuất những người khác. Ngài “chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận.”13 Ngài không thể cho phép nguyên tắc của sự thương xót chế ngự công lý.14

Việc Thượng Đế đã thiết lập nguyên tắc của sự thương xót là bằng chứng đầy thuyết phục rằng Ngài là Đấng công bình. Chính vì Ngài là Đấng công bình nên Ngài đã thiết lập một cách để lòng thương xót đóng một vai trò cần thiết trong số mệnh vĩnh cửu của chúng ta. Vì vậy, bây giờ “công lý thi hành tất cả những đòi hỏi của nó, và luôn cả lòng thương xót cũng đòi hỏi tất cả những gì thuộc quyền nó nữa.”15

Chúng ta biết rằng đó là “những sự đau khổ và cái chết của người mà không hề phạm tội, người mà Cha rất hài lòng; … máu Con của Cha đã đổ ra”16 nhằm đáp ứng những đòi hỏi của công lý, mở rộng lòng thương xót và cứu chuộc chúng ta.17 Tuy vậy, “theo công lý, kế hoạch cứu chuộc chỉ có thể được thực hiện với điều kiện là loài người phải hối cải.18 Đây là điều kiện và cơ hội cho sự hối cải mà cho phép lòng thương xót có thể thực hiện được mà không hủy diệt công lý.

Đấng Ky Tô chết không phải để tự ý cứu loài người mà để ban cho loài người cơ hội để hối cải. Chúng ta trông cậy “hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi.”19 trong tiến trình hối cải, nhưng hành động dẫn đến sự hối cải là một sự thay đổi đòi hỏi chúng ta phải sử dụng ý muốn riêng của mình. Vì vậy, việc làm cho sự hối cải thành một điều kiện để nhận được ân tứ về ân điển, Thượng Đế làm cho chúng ta có khả năng giữ lại trách nhiệm cho bản thân mình. Sự hối cải tôn trọng và duy trì quyền tự quyết về mặt đạo đức của chúng ta: “Và do đó, lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý, và bao quanh nó bởi vòng tay an toàn, trong lúc đó kẻ nào không thực hành đức tin đưa đến sự hối cải thì sẽ bị phơi bày ra trước luật pháp trọn vẹn về những đòi hỏi của công lý; vậy nên, chỉ có kẻ nào có đức tin đưa lại sự hối cải mới hưởng được kế hoạch cứu chuộc vĩ đại và vĩnh cửu.”20

Hiểu lầm về công lý và lòng thương xót của Thượng Đế là một chuyện; phủ nhận sự hiện hữu hay thẩm quyền và quyền năng tối cao của Thượng Đế là một chuyện khác, nhưng cả hai đều dẫn đến việc chúng ta đạt được ít hơn—đôi khi còn ít hơn nhiều—so với tiềm năng trọn vẹn và thiêng liêng của mình. Một Thượng Đế mà không đòi hỏi gì từ dân Ngài thì cũng giống như là một Thượng Đế không hiện hữu. Một thế giới mà không có Thượng Đế, Thượng Đế hằng sống là đấng thiết lập các quy luật về đạo đức để cai quản và làm hoàn hảo con cái Ngài, thì cũng là một thế giới không có lẽ thật hay công lý tuyệt đối. Đó là một thế giới trong đó mọi người chấp nhận rằng điều đúng và điều sai đều khác nhau đối với mọi người.

Thuyết tương đối có nghĩa là mỗi người có thẩm quyền cao nhất của riêng mình. Dĩ nhiên, đó không phải là chỉ những người nào phủ nhận Thượng Đế và tin theo thuyết này. Một số người tin vào Thượng Đế vẫn tin rằng chính bản thân họ, riêng cá nhân, quyết định điều gì là đúng và điều gì là sai. Một thanh niên đã bày tỏ điều đó theo cách này: “Tôi không nghĩ là tôi có thể nói rằng Ấn Độ giáo là sai hay Công giáo là sai hay Tân giáo là sai—tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn tùy thuộc vào điều mình tin … Tôi không nghĩ rằng có điều đúng và điều sai ở đó.”21 Một người khác, khi được hỏi về căn bản của niềm tin tôn giáo, đã trả lời: “Bản thân tôi tin rằng—điều đó thực sự là như thế. Ý tôi muốn nói là làm thế nào có thể có thẩm quyền nào về một điều nào đó bắt ta phải tin?22

Đối với những người tin rằng bất cứ điều gì hay tất cả mọi điều đều có thể là đúng, thì lời tuyên bố về lẽ thật khách quan, vững chắc, và phổ biến cảm thấy như là sự ép buộc—“Tôi không nên bị bắt buộc phải tin rằng một điều gì đó mà tôi không thích là đúng.” Nhưng khái niệm đó không thay đổi được thực tế. Việc ghét định luật của sức hút sẽ không giữ cho một người khỏi rơi xuống nếu người ấy bước ra khỏi một vách đá. Điều này cũng đúng đối với luật pháp vĩnh cửu và công lý. Tự do không đến từ việc chống lại mà là từ việc áp dụng luật pháp và công lý đó. Đó là nền tảng của quyền năng của Thượng Đế. Nếu không phải là thực tế của các lẽ thật vững chắc và cố định thì ân tứ về quyền tự quyết sẽ là vô nghĩa vì chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấy trước và hoạch định kết quả của hành động của mình. Như Lê Hi đã nói: “Và nếu con bảo rằng không có luật pháp tức là con bảo rằng không có tội lỗi. Nếu con bảo rằng không có tội lỗi tức là con bảo rằng không có sự ngay chính. Và nếu không có sự ngay chính thì làm gì có hạnh phúc. Và nếu không có sự ngay chính lẫn hạnh phúc thì cũng không có sự trừng phạt hay sự khốn cùng. Và nếu không có những điều ấy, thì Thượng Đế cũng không có. Và nếu không có Thượng Đế thì làm gì có chúng ta, làm gì có thế gian này; vì không thể có sự sáng tạo ra vạn vật, để hành động hay bị tác động; vậy thì ắt là vạn vật đã tan biến hết.”23

Trong các vấn đề về vật chất lẫn thuộc linh, cơ hội để chịu trách nhiệm cho bản thân mình là một ân tứ được Thượng Đế ban cho mà nếu không có ân tứ đó thì chúng ta không thể nào đạt được tiềm năng trọn vẹn của mình với tư cách là các con gái và con trai của Thượng Đế. Trách nhiệm cá nhân trở thành cả quyền năng lẫn bổn phận mà chúng ta phải thường xuyên bảo vệ; Trách nhiệm cá nhân đã bị tấn công từ trước khi Buổi Sáng Thế. Chúng ta phải bảo vệ trách nhiệm chống lại những người và những chương trình mà sẽ (đôi khi có ý định tốt nhất) làm cho chúng ta phụ thuộc vào họ. Và chúng ta phải bảo vệ trách nhiệm này chống lại khuynh hướng của mình để tránh việc làm cần thiết nhằm phát huy tài năng, khả năng và đức tính giống như Đấng Ky Tô.

Câu chuyện kể về một người không làm việc. Người ấy muốn mọi nhu cầu của mình được người khác lo liệu. Theo lối suy nghĩ của người ấy, thì Giáo Hội hoặc chính phủ, hoặc cả hai, nợ người ấy vì người ấy đã đóng thuế và tiền thập phân của mình. Người ấy không có gì để ăn, nhưng từ chối làm việc để tự lo liệu cho mình. Trong nỗi tuyệt vọng và ghê tởm, những người đã cố gắng giúp đỡ người ấy đã quyết định rằng vì người ấy không chịu cố gắng để làm việc để tự nuôi sống, thì họ chỉ có thể đưa người ấy đến nghĩa trang và để cho người ấy chết mà thôi. Trên đường đến nghĩa trang, một người đàn ông nói: “Chúng ta không thể làm việc này được. Tôi có một số bắp tôi sẽ cho anh ấy.”

Vậy nên họ giải thích điều này cho người ấy nghe và người ấy hỏi: “Bắp đã được lột vỏ chưa?”

Họ đáp: “Chưa.”

Người ấy nói: “Vậy thì, hãy tiếp tục lái xe đưa tôi đến nghĩa trang đi.”

Ý muốn của Thượng Đế là chúng ta phải là những người tự do được ban cho khả năng để đạt đến tiềm năng trọn vẹn của mình về mặt vật chất lẫn thuộc linh, chúng ta phải được giải thoát khỏi những hạn chế nhục nhã của cảnh nghèo khó và ách nô lệ của tội lỗi, chúng ta phải vui hưởng lòng tự trọng và độc lập, chúng ta được chuẩn bị cho tất cả mọi điều để đến với Ngài trong thượng thiên giới của Ngài.

Tôi không tin vào ảo tưởng rằng điều này có thể đạt được chỉ nhờ vào các nỗ lực của riêng chúng ta mà không cần sự giúp đỡ vô cùng quan trọng và liên tục của Ngài. “Chúng ta biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.”24 Và chúng ta không phải đạt được đến một mức độ tối thiểu nào đó về năng lực hay là sự tốt lành trước khi Thượng Đế giúp đỡ—chúng ta có thể có được sự giúp đỡ thiêng liêng mỗi giờ mỗi ngày, bất kể chúng ta đang ở đâu trên con đường vâng lời của mình. Nhưng tôi biết rằng ngoài việc mong muốn được Ngài giúp đỡ, chúng ta phải luôn luôn cố gắng, hối cải, và chọn Thượng Đế để Ngài có thể hành động trong cuộc sống của chúng ta phù hợp với công lý và quyền tự quyết về mặt đạo đức. Tôi khẩn nài các anh chị em hãy chấp nhận trách nhiệm và đi làm việc để Thượng Đế có thể sử dụng ước muốn và nỗ lực của chúng ta để giúp đỡ chúng ta.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống, rằng Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và rằng Thánh Linh hiện diện với chúng ta. Chắc chắn là các Ngài muốn giúp đỡ chúng ta, và khả năng của các Ngài để làm như vậy là vô hạn. Chúng ta “hãy thức tỉnh và chỗi dậy khỏi bụi đất, ngõ hầu những giao ước của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu đã lập với [chúng ta] có thể được làm tròn.”25 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.