2014
Luật Nhịn Ăn: Một Trách Nhiệm Cá Nhân để Chăm Sóc Người Nghèo Khó và Túng Thiếu
Tháng Mười Một năm 2014


Luật Nhịn Ăn: Một Trách Nhiệm Cá Nhân để Chăm Sóc Người Nghèo Khó và Túng Thiếu

Là những tín đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có một trách nhiệm cá nhân để chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu.

Các anh em thân mến, tôi yêu mến chức tư tế, và tôi rất thích được có mặt với các anh em. Tôi vô cùng biết ơn rằng chúng ta có thể phục vụ với nhau trong đại nghĩa này.

Chúng ta đang sống trong những thời kỳ khác thường. Những tiến bộ kỳ diệu trong y học, khoa học và công nghệ đã và đang cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng về nỗi đau khổ và đau buồn lớn lao của con người. Ngoài chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh ra còn có nhiều thiên tai hơn—kể cả lũ lụt, hỏa hoạn, động đất, và bệnh tật— đang ảnh huởng đến cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội nhận biết và ý thức về sự an lạc của con cái Thượng Đế ở khắp nơi. Khi nào và nơi nào có thể, các phương tiện khẩn cấp của Giáo Hội được cung cấp để trợ giúp những người hoạn nạn. Ví dụ, tháng Mười Một năm ngoái, cơn Bão Typhoon Haiyan đã giáng xuống đảo quốc Philippines.

Cơn bão Haiyan cấp 5 đã gây ra cảnh tàn phá dữ dội và đau khổ. Các thành phố đã bị tàn phá hoàn toàn; nhiều người bị thiệt mạng; hàng triệu ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy trầm trọng; và các dịch vụ cơ bản như nước, cầu cống, và điện đều ngừng hoạt động.

Giáo Hội đã có sẵn các phương tiện để cứu giúp chỉ trong vài giờ ngay sau cơn thảm họa này. Các tín hữu Giáo Hội đang sống ở Philippines tập hợp các nỗ lực giải cứu các anh chị em của họ bằng cách cung cấp thực phẩm, nước, quần áo và dụng cụ vệ sinh cho các tín hữu cũng như những người ngoại đạo.

Các nhà hội của Giáo Hội đã trở thành nơi trú ẩn cho hàng ngàn người vô gia cư. Dưới sự lãnh đạo của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng và các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương, nhiều người trong số họ đã mất tất cả mọi thứ họ có, những đánh giá đã được thực hiện để xác định tình trạng và sự an toàn của tất cả các tín hữu. Các kế hoạch đầy soi dẫn bắt đầu hình thành để giúp khôi phục lại hoàn cảnh sống có thể chấp nhận được cho các tín hữu và giúp họ tự túc.

Những phương tiện khiêm tốn đã được cung cấp để giúp các tín hữu Giáo Hội xây dựng lại nơi trú ngụ bằng gỗ và nhà cửa. Các phương tiện đó không phải được dùng để phân phát miễn phí. Các tín hữu đã được huấn luyện và làm công việc cần thiết cho bản thân họ và sau đó cho người khác.

Một phước lành đã đến vì khi các tín hữu phát triển các kỹ năng thợ mộc, thợ ống nước, và xây dựng khác, thì họ đã có thể tìm ra các cơ hội làm việc đầy ý nghĩa khi các thành phố và cộng đồng lân cận bắt đầu được thiết lập lại.

Việc chăm sóc cho người nghèo và người hoạn nạn là một giáo lý phúc âm cơ bản và là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch cứu rỗi vĩnh cửu.

Trước khi giáo vụ trên trần thế của Ngài, Đức Giê Hô Va đã phán qua vị tiên tri của Ngài: “Vì sẽ có kẻ nghèo trong xứ luôn luôn, nên ta mới dặn biểu ngươi mà rằng: Khá sè tay mình ra cho anh em bị âu lo và nghèo khó ở trong xứ ngươi.”1

Trong thời kỳ chúng ta, việc chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu là một trong bốn trách nhiệm đã được Chúa chỉ định cho Giáo Hội để giúp các cá nhân và gia đình được xứng đáng cho sự tôn cao.2

Việc chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu được coi như là sự cứu rỗi về mặt vật chất lẫn thuộc linh. Việc này gồm có sự phục vụ của mỗi tín hữu Giáo Hội khi họ đích thân chăm sóc người nghèo khó và túng thiếu, cũng như chương trình an sinh chính thức của Giáo Hội được điều hành qua thẩm quyền chức tư tế.

Trọng tâm kế hoạch của Chúa để chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu là luật nhịn ăn. “Chúa đã thiết lập luật nhịn ăn và của lễ nhịn ăn để ban phước cho dân Ngài và nhằm cung cấp một cách cho họ để phục vụ những người hoạn nạn.”3

Là những tín đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có một trách nhiệm cá nhân để chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu. Các tín hữu Giáo Hội trung thành ở khắp mọi nơi phụ giúp bằng cách nhịn ăn mỗi tháng—nhịn ăn và uống trong vòng 24 giờ—và sau đó hiến tặng cho Giáo Hội một số tiền nhịn ăn tương đương với ít nhất giá trị của thức ăn mà đáng lẽ họ đã ăn.

Những lời của Ê Sai cần được xem xét và giảng dạy một cách thành tâm trong mỗi gia đình:

“Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách, hay sao?”

“Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh những kẻ cốt nhục mình, hay sao?”4

Sau đó, Ê Sai tiếp tục liệt kê các phước lành tuyệt vời đã được Chúa hứa với những người tuân theo luật nhịn ăn. Ông nói:

“Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự sáng ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức; sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của Đức Giê Hô Va sẽ gìn giữ sau ngươi.

“Bấy giờ ngươi cầu, Đức Giê Hô Va sẽ ứng; ngươi kêu, Ngài sẽ phán rằng: Có ta đây!

“Nếu ngươi mở lòng cho kẻ đói, và làm no kẻ khốn khổ, thì sự sáng ngươi sẽ sáng ra trong tối tăm, và sự tối tăm ngươi sẽ như ban trưa.

“Đức Giê Hô Va sẽ cứ dắt đưa ngươi; làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn.”5

Chủ Tịch Harold B. Lee đã nói như sau về đoạn thánh thư này: “Các phước lành to lớn đến [từ việc nhịn ăn] đã được cho thấy rõ trong mỗi gian kỳ, và trong đoạn thánh thư này Chúa đang cho chúng ta biết qua lời tiên tri trọng đại này lý do tại sao có việc nhịn ăn, và các phước lành đến từ việc nhịn ăn. Nếu phân tích chương 58 của sách Ê Sai thì ta sẽ thấy lý do tại sao Chúa muốn chúng ta phải đóng tiền nhịn ăn, tại sao Ngài muốn chúng ta phải nhịn ăn. Vì qua việc hội đủ điều kiện như vậy, chúng ta có thể kêu cầu và Chúa có thể đáp ứng. Chúng ta có thể cầu nguyện và Chúa sẽ phán: ‘Có ta đây.’”

Chủ Tịch Lee nói thêm: “Chúng ta có bao giờ muốn ở trong một tình trạng mà khi kêu cầu, Ngài sẽ không đáp ứng không? Chúng ta sẽ kêu cầu trong đau khổ và Ngài sẽ không ở với chúng ta không? Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta suy nghĩ về những nền tảng này vì đây là những ngày trong tương lai, khi chúng ta sẽ cần càng ngày càng nhiều hơn các phước lành của Chúa, khi những sự phán xét được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian.”6

Chủ Tịch Thomas S. Monson, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, đã chia sẻ chứng ngôn về những nguyên tắc này—một chứng ngôn phát sinh từ kinh nghiệm cá nhân. Ông nói: “Mỗi tín hữu của Giáo Hội đã giúp lo liệu cho những người hoạn nạn sẽ không bao giờ quên hoặc hối tiếc về kinh nghiệm đó. Tính cần cù, cần kiệm, tự lực cánh sinh, và chia sẻ với những người khác không phải là mới mẻ đối với chúng ta.”7

Thưa các anh em, các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là những người lập giao ước và tuân giữ giáo lệnh. Tôi không thể nghĩ đến bất cứ luật pháp, giáo lệnh nào mà nếu vẫn trung thành tuân giữ, lai dễ dàng hơn để tuân theo và mang đến các phước lành lớn lao hơn luật nhịn ăn. Khi nhịn ăn và đóng của lễ nhịn ăn một cách trung thực, thì chúng ta đóng góp vào nhà kho của Chúa số tiền mà đáng lẽ là chi phí cho các bữa ăn. Điều này không đòi hỏi sự hy sinh về tiền bạc vượt quá số tiền thường chi tiêu. Đồng thời, chúng ta được hứa về các phước lành đặc biệt, như đã được đề cập đến lúc trước.

Luật nhịn ăn áp dụng cho tất cả các tín hữu Giáo Hội. Ngay cả trẻ em cũng có thể được dạy để nhịn ăn, bắt đầu bằng một bữa ăn và sau đó là hai bữa ăn, khi chúng có thể hiểu và tuân giữ luật nhịn ăn về mặt thể chất. Vợ chồng, các tín hữu độc thân, giới trẻ, và trẻ em nên bắt đầu nhịn ăn bằng lời cầu nguyện, cảm tạ về các phước lành trong cuộc sống của mình trong khi tìm kiếm các phước lành và sức mạnh của Chúa trong thời gian nhịn ăn. Việc làm tròn hoàn toàn luật nhịn ăn xảy ra khi của lễ nhịn ăn được đưa cho người đại diện của Chúa, là vị giám trợ.

Thưa các giám trợ, các anh em là người hướng dẫn chương trình an sinh trong tiểu giáo khu. Các anh em có một trách nhiệm thiêng liêng để tìm kiếm và chăm sóc cho người nghèo khó. Với sự hỗ trợ của chủ tịch Hội Phụ Nữ và những người lãnh đạo nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, mục tiêu của các anh em là để giúp các tín hữu tự giúp họ và trở nên tự lực cánh sinh. Các anh em phục sự cho các nhu cầu vật chất và tinh thần của các tín hữu bằng cách sử dụng các của lễ nhịn ăn một cách cẩn thận như là một sự phụ giúp tạm thời và là một phần bổ sung cho các phương tiện của thân quyến và cộng đồng. Khi thành tâm sử dụng các chìa khóa chức tư tế và khả năng nhận thức trong việc giúp đỡ người nghèo khó và túng thiếu, thì các anh em sẽ nhận biết rằng việc sử dụng đúng các của lễ nhịn ăn là nhằm giúp đỡ cuộc sống, chứ không phải lối sống.

Hỡi các chủ tịch nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn, các em nắm giữ các chìa khóa và có quyền năng thực hiện các giáo lễ bên ngoài. Các em làm việc với vị giám trợ và chỉ dẫn các thành viên trong nhóm túc số liên quan đến các bổn phận của họ trong chức tư tế và trong việc tìm kiếm các tín hữu Giáo Hội nhằm cung cấp cho họ cơ hội để đóng góp của lễ nhịn ăn. Khi những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn như các em làm vinh hiển những trách nhiệm về chức tư tế của mình và mở rộng cơ hội này cho tất cả các tín hữu Giáo Hội, thì các em thường xuyên tạo điều kiện cho các phước lành đã được hứa về sự nhịn ăn cho những người có thể cần các phước lành đó nhiều nhất. Các em sẽ chứng kiến rằng việc chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu có khả năng để xoa dịu những người cứng lòng và ban phước cho cuộc sống của những người có thể không thường xuyên tham dự nhà thờ.

Chủ Tịch Monson đã nói: “Các giám trợ tổ chức các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn của họ để tham gia vào việc thu góp của lễ nhịn ăn sẽ thấy có nhiều thành công hơn trong trách nhiệm thiêng liêng này.”8

Thưa các giám trợ, xin hãy nhớ rằng hoàn cảnh rất khác nhau giữa khu vực này đến khu vực khác và từ quốc gia này đến quốc gia khác. Việc các thành viên trong nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn đến tận nhà để tiếp xúc với mỗi tín hữu có thể là không thiết thực trong khu vực nơi các anh em sống. Tuy nhiên, chúng tôi mời các anh em hãy thành tâm xem xét lời khuyên dạy của vị tiên tri và tìm kiếm sự soi dẫn theo cách thích hợp trong đó những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn trong tiểu giáo khu của các anh em có thể làm vinh hiển chức tư tế của họ bằng cách tham gia vào việc thu góp các của lễ nhịn ăn.

Trong chương 27 của 3 Nê Phi, Chúa phục sinh đã hỏi: “Các ngươi nên là những người như thế nào?” Rồi Ngài đáp: “Các ngươi phải giống như ta vậy.”9 Khi mang danh của Đấng Ky Tô và cố gắng noi theo Ngài, thì chúng ta sẽ thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình và trở thành giống như Ngài hơn. Việc chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu là vốn có trong giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, trong tất cả mọi điều Ngài làm. Ngài tìm đến tất cả mọi người và nâng chúng ta lên. Ách của Ngài là dễ dàng, và gánh nặng của Ngài là nhẹ nhàng. Tôi mời gọi mỗi người chúng ta nên trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu, bằng việc trung thành tuân giữ luật nhịn ăn, và bằng cách đóng góp một của lễ nhịn ăn rộng rãi. Tôi khiêm nhường làm chứng rằng việc trung thành chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu là một cách phản ảnh mức độ trưởng thành về mặt thuộc linh và sẽ ban phước cho cả người cho lẫn người nhận. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:11.

  2. Xin xem Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 2.2.

  3. Sách Hướng Dẫn 2, 6.1.2.

  4. Ê Sai 58:6–7.

  5. Ê Sai 58:8–11.

  6. Harold B. Lee, “Listen, and Obey” (Buổi Họp Phúc Lợi Nông Nghiệp, ngày 3 tháng Tư năm 1971), bản sao đánh máy, 14, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  7. Thomas S. Monson, “Are We Prepared?” Liahona, tháng Chín năm 2014, 4.

  8. Thomas S. Monson, trong một buổi họp với Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, ngày 28 tháng Hai năm 2014.

  9. 3 Nê Phi 27:27.