2014
Chức Tư Tế Dự Bị
Tháng Mười Một năm 2014


Chức Tư Tế Dự Bị

Trong việc chuẩn bị cho chức tư tế, nêu gương tốt còn quan trọng hơn là đưa ra những chỉ dẫn tốt.

Tôi biết ơn được quy tụ cùng với chức tư tế của Thượng Đế đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Tôi cảm kích trước đức tin, sự phục vụ, và những lời cầu nguyện của các anh em.

Sứ điệp của tôi vào buổi tối hôm nay là về Chức Tư Tế A Rôn. Sứ điệp này cũng nhắm vào tất cả chúng ta là những người giúp đỡ trong việc thực hiện lời hứa của Chúa dành cho những người nắm giữ điều được mô tả trong thánh thư là “chức tư tế thấp hơn.”1 Chức tư tế này cũng được gọi là chức tư tế dự bị. Tôi sẽ nói chuyện buổi tối hôm nay về sự chuẩn bị vinh quang đó.

Kế hoạch của Chúa cho công việc của Ngài đầy dẫy sự chuẩn bị. Ngài chuẩn bị thế gian cho chúng ta để trải qua những thử thách và cơ hội của trần thế. Trong khi đang ở đây, chúng ta ở trong trạng thái mà thánh thư gọi là “trạng thái chuẩn bị.”2

Tiên tri An Ma mô tả tầm quan trọng thiết yếu của sự chuẩn bị đó cho cuộc sống vĩnh cửu, là nơi chúng ta có thể sống vĩnh viễn trong gia đình với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô.

Ông giải thích về sự cần thiết để chuẩn bị theo cách này: “Và chúng ta thấy rằng: Cái chết đã đến với nhân loại, phải, cái chết mà A Mu Léc đã nói là cái chết thể chất; tuy nhiên, phải có một kỳ hạn dành cho loài người để họ có thể hối cải; vậy nên, cuộc đời này trở thành một trạng thái thử thách, một thời gian chuẩn bị để gặp Thượng Đế; một thời gian chuẩn bị cho trạng thái bất tận mà chúng tôi đã nói đến, đó là trạng thái sau sự phục sinh của người chết.”3

Cũng như thời gian chúng ta đã được ban cho để sống trên trần thế là để chuẩn bị gặp Thượng Đế, thì thời gian chúng ta được ban cho để phục vụ trong Chức Tư Tế A Rôn là một cơ hội để chuẩn bị cho chúng ta học hỏi cách mang đến sự giúp đỡ quan trọng cho những người khác. Cũng như Chúa ban cho sự giúp đỡ chúng ta cần để vượt qua những thử thách của cuộc sống trần thế, Ngài cũng gửi sự giúp đỡ để chuẩn bị cho chức tư tế của chúng ta.

Sứ điệp của tôi là dành cho những người Chúa gửi đến để giúp chuẩn bị những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn cũng như cho chính những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn. Tôi ngỏ lời cùng những người cha. Tôi ngỏ lời cùng các vị giám trợ. Và tôi ngỏ lời cùng những người mang Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được tin cậy để làm người bạn đồng hành và giảng viên của các thiếu niên đang mang chức tư tế dự bị.

Tôi nói với lời khen ngợi và lòng biết ơn đối với nhiều anh em trên khắp thế giới hiện đang lắng nghe vào lúc này và về sau.

Tôi sẽ có lỗi nếu tôi không nói về một chủ tịch chi nhánh và một giám trợ lúc tôi còn nhỏ. Tôi trở thành một thầy trợ tế lúc 12 tuổi tại một chi nhánh nhỏ ở phía Đông Hoa Kỳ. Chi nhánh nhỏ đến mức anh trai tôi và tôi là hai người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn duy nhất trong chi nhánh cho đến khi cha tôi, là chủ tịch chi nhánh, mời một người đàn ông trung niên vào Giáo Hội.

Người mới cải đạo đó nhận được Chức Tư Tế A Rôn và kèm theo chức này là sự kêu gọi để trông coi những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn. Tôi vẫn còn nhớ như thể đó là ngày hôm qua: Tôi có thể nhớ lại những chiếc lá mùa thu đẹp đẽ khi người mới cải đạo này đi cùng anh trai tôi và tôi làm một điều gì đó cho một góa phụ. Tôi không nhớ dự án đó là gì, nhưng tôi quả thật nhớ được cảm nghĩ rằng quyền năng chức tư tế đã giúp chúng tôi làm điều mà về sau tôi biết được rằng Chúa đã phán là chúng ta đều cần phải làm để tội lỗi của chúng ta được tha thứ và do đó, được chuẩn bị để gặp Ngài.

Bây giờ, khi nhìn lại, tôi cảm thấy biết ơn đối với một chủ tịch chi nhánh, là người đã kêu gọi một người mới cải đạo để giúp Chúa chuẩn bị cho hai đứa con trai để một ngày nào đó sẽ lần lượt trở thành giám trợ và được lệnh phải chăm sóc cho người nghèo khó và cả người túng thiếu cũng như chủ tọa chức tư tế dự bị.

Tôi vẫn còn là một thầy trợ tế khi gia đình chúng tôi dọn đến một tiểu giáo khu lớn ở Utah. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy được sức mạnh của nhóm túc số đầy đủ trong Chức Tư Tế A Rôn. Thật ra, đó là lần đầu tiên tôi thấy được một nhóm túc số đầy đủ như vậy. Và về sau, đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy khả năng và phước lành của một giám trợ chủ tọa trong một nhóm túc số các thầy tư tế.

Vị giám trợ kêu gọi tôi làm người phụ tá thứ nhất của ông trong nhóm túc số các thầy tư tế. Tôi nhớ rằng ông đã tự mình giảng dạy nhóm túc số mặc dù ông rất bận rộn và với những người đàn ông tài giỏi khác mà ông có thể kêu gọi để giảng dạy chúng tôi. Ông sắp xếp ghế trong lớp học theo vòng tròn. Ông đã cho tôi ngồi ở cái ghế cạnh ông phía bên phải.

Tôi có thể nhìn qua vai ông khi ông giảng dạy. Thỉnh thoảng ông nhìn xuống những điều ghi chép đã được đánh máy cẩn thận trong cái bìa rời nhỏ bằng da đặt trên một đầu gối và quyển thánh thư cũ sờn có đánh dấu ông để mở ra trên đầu gối kia. Tôi có thể nhớ ông đã rất phấn khởi khi kể lại những câu chuyện về lòng dũng cảm trong sách Đa Ni Ên và chứng ngôn của ông về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi sẽ luôn luôn nhớ đến cách Chúa kêu gọi những người bạn đồng hành đã được chọn kỹ để làm việc với những người nắm giữ chức tư tế dự bị.

Vị giám trợ của tôi có những người cố vấn vững mạnh, và vì lý do mà tôi đã không hiểu được lúc bấy giờ, ông đã gọi điện thoại cho tôi ở nhà hơn một lần và nói: “Hal này, tôi cần em làm bạn đồng hành của tôi để đi thăm vài người.” Có lần, tôi được đi cùng ông đến nhà của một góa phụ sống một mình và không có thức ăn trong nhà. Trên đường về nhà, ông dừng xe lại, mở ra quyển thánh thư của mình, và cho tôi biết lý do tại sao ông đã đối xử với người góa phụ đó như thể bà ấy có khả năng không những để tự chăm sóc cho bà, mà vào một thời điểm nào đó trong tương lai, sẽ có thể giúp đỡ người khác nữa.

Lần khác là chuyến đi thăm một người đàn ông đã không đi nhà thờ từ lâu lắm rồi. Vị giám trợ của tôi mời người ấy trở lại với các Thánh Hữu. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của vị giám trợ của tôi dành cho một người mà dường như đối với tôi là một kẻ thù khó ưa và hay chống đối.

Vào một dịp khác nữa, chúng tôi đến thăm một ngôi nhà có hai đứa bé gái được cha mẹ nghiện rượu sai ra gặp chúng tôi ở cửa. Hai đứa bé gái nói qua cánh cửa lưới rằng cha mẹ của chúng đang ngủ. Vị giám trợ tiếp tục nói chuyện với chúng, mỉm cười và khen chúng hiền lành và can đảm, trong thời gian dường như là 10 phút hoặc lâu hơn nữa đối với tôi. Khi chúng tôi ra về, ông lặng lẽ nói: “Đó là một chuyến đi thăm tốt. Hai đứa bé gái đó sẽ không bao giờ quên rằng chúng ta đã đến thăm.”

Hai trong số các phước lành mà một người bạn đồng hành thâm niên trong chức tư tế có thể mang đến là sự tin cậy và tấm gương chăm sóc. Tôi thấy được điều đó khi con trai tôi được chỉ định một người bạn đồng hành giảng dạy tại gia có nhiều kinh nghiệm về chức tư tế hơn nó. Người bạn đồng hành thâm niên của nó đã hai lần là chủ tịch phái bộ truyền giáo và đã phục vụ trong các chức vụ lãnh đạo khác.

Trước khi họ đến thăm một trong số các gia đình được chỉ định cho họ, thì vị lãnh đạo chức tư tế dày dạn kinh nghiệm này đã xin đến thăm con trai tôi ở nhà của chúng tôi trước đó. Họ cho phép tôi ngồi nghe. Người bạn đồng hành thâm niên đó mở đầu bằng lời cầu nguyện, cầu xin được giúp đỡ. Sau đó, vị ấy nói với con trai tôi như sau: “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên dạy một bài học mà đối với gia đình này sẽ nghe giống như một lời kêu gọi hối cải. Tôi nghĩ rằng họ sẽ không chấp nhận sứ điệp đó được tốt lắm từ tôi. Tôi nghĩ rằng họ sẽ nhận sứ điệp đó tốt hơn từ em. Em cảm thấy như thế nào về điều đó?”

Tôi còn nhớ đã thấy nỗi kinh hoàng trong mắt con trai tôi. Tôi vẫn còn có thể cảm thấy vui mừng vào giây phút đó khi con trai tôi chấp nhận sự tin cậy đó.

Không phải là điều tình cờ mà vị giám trợ chọn những người bạn đồng hành với nhau, mà là bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng để người bạn đồng hành thâm niên là người đã biết được về những cảm nghĩ của gia đình mà họ sắp giảng dạy. Chính là qua nguồn soi dẫn mà ông cảm thấy rằng ông không nên là người chia sẻ sứ điệp, mà phải tin cậy vào một người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm để kêu gọi con cái lớn tuổi hơn của Thượng Đế phải hối cải và được an toàn.

Tôi không biết kết quả của chuyến đi thăm của họ, nhưng tôi thật sự biết rằng một giám trợ, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, và Chúa đã chuẩn bị cho một cậu bé trở thành một người đàn ông nắm giữ chức tư tế và một ngày nào đó làm giám trợ.

Vậy thì, những câu chuyện như vậy về sự thành công trong việc chuẩn bị chức tư tế đều quen thuộc với các em từ điều các em đã thấy và điều các em đã có kinh nghiệm rồi trong cuộc sống của mình. Các em đã biết và từng có các giám trợ, những người bạn đồng hành, và cha mẹ giống như vậy. Các em đã thấy bàn tay của Chúa trong việc chuẩn bị cho các bổn phận chức tư tế mà Ngài biết sẽ ở trước mắt các em.

Tất cả chúng ta trong chức tư tế đều có nghĩa vụ để giúp Chúa chuẩn bị cho những người khác. Có một số điều chúng ta có thể làm là quan trọng nhất. Tấm gương của chúng ta để sống theo giáo lý thì còn mạnh mẽ hơn việc sử dụng lời nói trong việc giảng dạy giáo lý nữa.

Điều thiết yếu trong sự phục vụ của chức tư tế của chúng ta là mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô bằng đức tin, sự hối cải, phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Ví dụ, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã đưa ra những bài giảng để soi dẫn lòng người về tất cả các giáo lý đó. Nhưng điều tôi biết ông đã làm với các tín hữu và những người truyền giáo và bạn bè của Giáo Hội khi chủ tọa phái bộ truyền giáo ở Toronto đã thúc đẩy tôi phải hành động.

Trong việc chuẩn bị cho chức tư tế, nêu gương tốt còn quan trọng hơn là đưa ra những chỉ dẫn tốt.

Đó là lý do tại sao thánh thư vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho chúng ta trong chức tư tế. Thánh thư chứa đầy các tấm gương. Tôi cảm thấy như tôi có thể thấy An Ma tuân theo lệnh của vị thiên sứ và sau đó vội vã quay trở lại để giảng dạy cho những người tà ác ở Am Mô Ni Ha đã khước từ ông.4 Tôi có thể cảm thấy cảnh phòng giam lạnh lẽo khi Tiên Tri Joseph được Thượng Đế phán bảo phải có can đảm và rằng ông đang được che chở.5 Khi hình dung ra những cảnh trong câu thánh thư đó, chúng ta có thể sẵn sàng để kiên trì trong sự phục vụ của mình khi công việc đó dường như là khó khăn.

Một người cha hay một vị giám trợ hay một người bạn đồng hành giảng dạy tại gia thâm niên cho thấy rằng ông tin cậy một người trẻ tuổi nắm giữ chức tư tế đều có thể thay đổi cuộc sống của người ấy. Có lần, cha tôi đã được một thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ yêu cầu để viết một bài ngắn về khoa học và tôn giáo. Cha tôi là một nhà khoa học nổi tiếng và một người nắm giữ chức tư tế trung tín. Nhưng tôi vẫn còn nhớ lúc cha tôi đưa cho tôi tờ giấy ông đã viết và nói: “Đây này, trước khi cha gửi bài này cho Nhóm Túc Số Mười Hai, cha muốn con đọc trước. Con sẽ biết là có đúng không.” Cha tôi lớn hơn tôi 32 tuổi, ông thông minh và hiểu biết sâu rộng hơn tôi vô cùng.

Tôi vẫn còn được củng cố bởi sự tin cậy đó từ một người cha tuyệt vời và là một người nắm giữ chức tư tế. Tôi biết rằng không phải là ông tin cậy tôi, nhưng Thượng Đế có thể và sẽ cho tôi biết điều gì là đúng. Các anh em là những người bạn đồng hành dày dạn kinh nghiệm có thể ban phước cho những người trẻ tuổi nắm giữ chức tư tế để chuẩn bị bất cứ khi nào các anh em có thể cho em ấy thấy loại tin cậy đó. Điều này sẽ giúp em ấy tin cậy vào cảm nghĩ dịu dàng cho chính mình khi sự soi dẫn đến vào một ngày nào đó khi em ấy đặt tay mình để ấn chứng phước lành nhằm chữa lành một đứa trẻ mà các bác sĩ nói rằng sẽ chết. Sự tin cậy đó đã giúp tôi hơn một lần.

Thành công của chúng ta trong việc chuẩn bị cho những người khác trong chức tư tế sẽ đến và tương xứng với bao nhiêu tình yêu thương chúng ta dành cho họ. Điều đó sẽ đặc biệt đúng khi chúng ta phải sửa chỉnh họ. Hãy suy nghĩ về giây phút khi một người nắm giữ chức tư tế A Rôn, có lẽ tại bàn Tiệc Thánh, có một lỗi lầm trong khi thực hiện một giáo lễ. Đó là một vấn đề nghiêm trọng. Đôi khi lỗi lầm đó cần được sửa chỉnh công khai với khả năng là sẽ có sự oán giận, một cảm giác bị sỉ nhục hoặc thậm chí bị khước từ.

Các anh em sẽ nhớ lời dạy của Chúa: “Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù.”6

Từ gấp bội có ý nghĩa đặc biệt trong việc chuẩn bị cho những người nắm giữ chức tư tế khi họ cần phải được sửa chỉnh. Từ này gợi ý một sự gia tăng tình yêu thương vốn đã có. Điều “cần phải cho thấy” là về việc gia tăng tình yêu thương đó. Những người trong các anh em đang chuẩn bị cho những người nắm giữ chức tư tế chắc chắn sẽ thấy họ làm điều lầm lỗi. Trước khi họ được các anh em sửa chỉnh, thì chắc hẳn đã sớm cảm thấy được tình yêu thương của các anh em và một cách đều đặn. Họ chắc hẳn đã cảm thấy lời khen ngợi chân thành của các anh em dành cho họ trước khi chấp nhận điều các anh em sửa chỉnh.

Chính Chúa cũng quan tâm đến những người có chức tư tế thấp hơn mà làm vinh danh tiềm năng và giá trị của họ đối với Ngài. Hãy nghe những lời này của Giăng Báp Tít khi Chức Tư Tế A Rôn được phục hồi: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; và chức tư tế này sẽ không bao giờ lại bị cất khỏi thế gian, cho đến ngày các con trai của Lê Vi lại hiến dâng một của lễ lên Chúa trong sự ngay chính.”7

Chức Tư Tế A Rôn là một chức tư tế phụ thuộc vào Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc lớn hơn.8 Là chủ tịch của tất cả chức tư tế, Chủ Tịch Giáo Hội cũng chủ tọa chức tư tế dự bị. Các sứ điệp của ông trong những năm qua về việc đi giải cứu phù hợp hoàn toàn với lệnh truyền phải mang phúc âm về sự hối cải và phép báp têm vào cuộc sống của những người khác.

Các nhóm túc số thầy trợ tế, thầy giảng, và thầy tư tế hội ý thường xuyên để mang mỗi thành viên trong nhóm túc số đến gần Chúa. Các chủ tịch đoàn chỉ định các thành viên tìm đến giúp đỡ trong đức tin và tình yêu thương. Các thầy trợ tế chuyền Tiệc Thánh với sự tôn kính và với đức tin rằng các tín hữu sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của Sự Chuộc Tội và quyết tâm tuân giữ các giáo lệnh khi họ dự phần vào những biểu tượng thiêng liêng đó.

Các thầy giảng và các thầy tư tế cầu nguyện với những người bạn đồng hành của mình để làm tròn lệnh truyền phải trông coi Giáo Hội, từng người một. Và những người bạn đồng hành cùng nhau cầu nguyện khi họ tìm hiểu về những nhu cầu và hy vọng của người chủ gia đình. Khi làm như vậy, họ đang được chuẩn bị cho ngày trọng đại khi họ sẽ chủ tọa trong đức tin với tư cách là một người cha trong một gia đình của riêng họ.

Tôi làm chứng rằng tất cả những người phục vụ với nhau trong chức chức tư tế đều đang chuẩn bị cho một dân tộc về sự hiện đến của Chúa cùng Giáo Hội của Ngài. Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống. Tôi biết—tôi biết—rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và Ngài yêu thương chúng ta. Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri tại thế của Chúa. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.