2014
Chúa Có một Kế Hoạch cho Chúng Ta!
Tháng Mười Một năm 2014


Chúa Có một Kế Hoạch cho Chúng Ta!

Nếu chúng ta tiếp tục sống như chúng ta đang sống, thì các phước lành đã được hứa sẽ được làm tròn không?

Thật là một đặc ân được dự phần vào giây phút lịch sử này khi những người nói chuyện trong đại hội trung ương có thể chọn để nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Lần trước tôi nói chuyện tại bục giảng này, tôi đã lo lắng về giọng tiếng Anh của tôi. Bây giờ, tôi đang lo lắng về tốc độ của tiếng Bồ Đào Nha của tôi. Tôi không muốn nói nhanh hơn phụ đề.

Tất cả chúng ta đều đã trải qua hoặc chưa trải qua những khoảnh khắc quyết định quan trọng trong cuộc sống của mình. Tôi có nên theo đuổi sự nghiệp này hoặc sự nghiệp kia không? Tôi có nên phục vụ truyền giáo không? Đây có đúng là người tôi nên kết hôn không?

Đây là những tình huống trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống chúng ta, mà một thay đổi nhỏ trong hướng đi cũng có thể gây ra hậu quả đáng kể trong tương lai. Theo lời của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf: “Qua bao nhiêu năm phục vụ Chúa … , tôi đã học biết được rằng sự khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ nơi các cá nhân, hôn nhân, và gia đình thường bắt đầu từ một sai lầm nhỏ.” (“Vấn Đề Một Vài Độ,” Liahona, tháng Năm năm 2008, 58).

Làm thế nào chúng ta có thể tránh được những lỗi nhỏ này trong cách tính toán?

Tôi sẽ sử dụng một kinh nghiệm cá nhân để minh họa cho sứ điệp của tôi.

Vào cuối thập niên 1980, gia đình có con còn nhỏ của chúng tôi gồm có vợ tôi là Mônica, hai trong số bốn đứa con của chúng tôi, và tôi. Chúng tôi sống ở São Paulo, Brazil, tôi làm việc cho một công ty rất tốt, tôi đã học xong đại học, và vừa mới được giải nhiệm với tư cách là giám trợ của tiểu giáo khu nơi chúng tôi đang sống. Cuộc sống rất tốt đẹp, và mọi điều dường như đúng theo như dự định—cho đến một ngày nọ khi một người bạn cũ đến thăm chúng tôi.

Khi ra về, anh ấy đã đưa ra một lời nhận xét và đặt một câu hỏi mà làm đảo lộn niềm tin vững chắc của tôi. Anh ấy nói: “Carlos nè, mọi điều dường như là tốt đẹp đối với anh, gia đình, sự nghiệp, và sự phục vụ của anh trong Giáo Hội, nhưng—” và sau đó là tới câu hỏi: “nếu anh tiếp tục sống như anh đang sống, thì các phước lành đã được hứa trong phước lành tộc trưởng của anh sẽ được làm tròn không?”

Tôi chưa hề nghĩ về phước lành tộc trưởng của tôi theo cách này. Thỉnh thoảng tôi đọc nó nhưng không bao giờ với ý định trông mong các phước lành đã được hứa trong tương lai và đánh giá cách tôi đang sống hiện nay.

Sau khi anh ấy ra về, tôi chuyển sự chú ý đến phước lành tộc trưởng của tôi và tự hỏi: “Nếu chúng ta tiếp tục sống như mình đang sống, thì các phước lành đã được hứa sẽ được làm tròn không?” Sau khi suy ngẫm, tôi đã có cảm giác rằng cần phải có một số thay đổi, nhất là liên quan đến việc học hành và nghề nghiệp của tôi.

Đó không phải là một quyết định giữa điều đúng và điều sai, mà là giữa điều tốt và điều tốt hơn, như Anh Cả Dallin H. Oaks đã dạy chúng ta khi ông nói: “Khi chúng ta cân nhắc những điều lựa chọn khác nhau, thì chúng ta cần phải nhớ rằng một điều gì tốt thì chưa đủ. Có những điều lựa chọn khác thì tốt hơn, và còn có những điều lựa chọn khác nữa thì tốt nhất.” (“Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 104–5).

Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng mình đang chọn quyết định tốt nhất?

Dưới đây là một số nguyên tắc tôi đã học được:

Nguyên Tắc Số Một: Chúng Ta Cần Cân Nhắc Những Chọn Lựa của Mình trong khi Suy Nghĩ về Mục Tiêu Cuối Cùng

Việc đưa ra quyết định mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và những người chúng ta yêu thương mà không hiểu rõ hơn về hậu quả của những quyết định này có thể mang lại một số rủi ro. Tuy nhiên, nếu chúng ta cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai từ những quyết định này, thì chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn con đường tốt nhất để chọn theo trong hiện tại.

Việc hiểu rằng chúng ta là ai, tại sao chúng ta đang ở đây, và Chúa kỳ vọng ở chúng ta điều gì trong cuộc sống này sẽ giúp cho chúng ta có tầm nhìn xa hơn mà chúng ta cần.

Chúng ta có thể tìm thấy các tấm gương trong thánh thư trong đó việc có được một tầm nhìn xa hơn đã cho thấy rõ con đường nào để chọn theo.

Môi Se nói chuyện mặt đối mặt với Chúa, đã học về kế hoạch cứu rỗi, và do đó hiểu rõ hơn vai trò của ông với tư cách là vị tiên tri cho sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên.

“Và Thượng Đế phán cùng Môi Se rằng: Này, ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng;…

“… Và ta sẽ cho ngươi thấy tác phẩm của bàn tay ta;…

“Và ta có một công việc cho ngươi, hỡi Môi Se, con trai của ta” (Môi Se 1:3–4, 6).

Với sự hiểu biết này, Môi Se đã có thể chịu đựng nhiều năm hoạn nạn trong đồng vắng và dẫn dắt dân Y Sơ Ra Ên trở về quê hương họ.

Lê Hi, vị tiên tri vĩ đại của Sách Mặc Môn, có một giấc mộng, và trong khải tượng của mình, ông đã biết được sứ mệnh của ông để đem gia đình ông đi đến một vùng đất hứa.

“Và chuyện rằng Chúa đã truyền lệnh cho cha tôi, phải, trong một giấc mộng, rằng ông phải đem gia đình đi vào vùng hoang dã.

“… Và ông bỏ lại nhà cửa và đất thừa hưởng, cùng vàng bạc và các vật quý báu” (1 Nê Phi 2:2, 4).

Lê Hi vẫn trung thành với khải tượng này bất kể những khó khăn của cuộc hành trình và phải bỏ lại đằng sau một cuộc sống sung túc ở Giê Ru Sa Lem.

Tiên Tri Joseph Smith là một tấm gương tuyệt vời khác. Qua nhiều mặc khải, bắt đầu với Khải Tượng Thứ Nhất, ông đã có thể hoàn thành sứ mệnh của mình để phục hồi lại tất cả mọi điều (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26).

Còn chúng ta thì sao? Chúa kỳ vọng điều gì ở mỗi người chúng ta?

Chúng ta không cần phải nhìn thấy một thiên sứ để đạt được sự hiểu biết. Chúng ta có thánh thư, đền thờ, các vị tiên tri tại thế, phước lành tộc trưởng, các vị lãnh đạo đầy soi dẫn, và quan trọng hơn hết là quyền được nhận sự mặc khải cá nhân để hướng dẫn các quyết định của chúng ta.

Nguyên Tắc Số Hai: Chúng Ta Cần Phải Chuẩn Bị cho Những Thử Thách Sẽ Xảy Đến

Các con đường tốt nhất trong cuộc sống hiếm khi là dễ dàng nhất. Thường là hoàn toàn ngược lại. Chúng ta có thể nhìn vào các tấm gương của các vị tiên tri tôi vừa đề cập đến.

Môi Se, Lê Hi và Joseph Smith đã không có cuộc sống dễ dàng mặc dù họ đều có các quyết định đúng.

Chúng ta có sẵn lòng trả giá cho các quyết định của mình không? Chúng ta có sẵn sàng để rời bỏ tiện nghi của mình để đạt được một vị trí tốt hơn không?

Trở lại với kinh nghiệm về phước lành tộc trưởng của tôi, tôi đã đi đến kết luận vào lúc đó rằng tôi nên đi học tiếp và xin học bổng từ một trường đại học ở Hoa Kỳ. Nếu được chọn, tôi sẽ phải bỏ lại công việc của mình, bán tất cả mọi thứ chúng tôi có, và đến sống ở Hoa Kỳ với tư cách là một sinh viên được học bổng trong hai năm.

Những bài thi như TOEFL và GMAT trở thành những thử thách đầu tiên phải được khắc phục. Phải mất ba năm dài chuẩn bị, nhiều lời từ chối, và một số hứa hẹn mỏng manh, rồi tôi mới được nhận vào một trường đại học. Tôi vẫn còn nhớ đã nhận được một cú điện thoại từ người đảm trách về học bổng vào cuối năm thứ ba.

Ông nói, “Anh Carlos, tôi có một số tin vui và một số tin buồn cho anh đây. Tin vui là anh là một trong số ba người lọt vào vòng chung kết năm nay.” Chỉ có một chỗ trống vào lúc đó. “Tin buồn là một người trong số những người kia là con trai của một nhân vật quan trọng, người kia là con trai của nhân vật quan trọng khác, và sau đó là anh.”

Tôi nhanh nhẩu đáp: “Còn tôi … Tôi là con của Thượng Đế.”

May mắn thay, cha mẹ trên trần thế không phải là một yếu tố quyết định, và tôi đã được chấp nhận trong năm đó, năm 1992.

Chúng ta là con cái của Thượng Đế Toàn Năng. Ngài là Cha chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta, và Ngài có một kế hoạch cho chúng ta. Chúng ta không ở đây trong cuộc đời này chỉ để lãng phí thời gian của mình, trở nên già và chết. Thượng Đế muốn chúng ta tăng trưởng và đạt được tiềm năng của mình.

Theo lời của Chủ Tịch Thomas S. Monson: “Mỗi chị em, cho dù còn độc thân hay đã kết hôn, bất kể tuổi tác, đều có cơ hội để học hỏi và tăng trưởng. Hãy mở rộng kiến thức của các chị em, về mặt cả trí tuệ lẫn thuộc linh, với sự trọn vẹn của tiềm năng thiêng liêng của các chị em” (“The Mighty Strength of the Relief Society,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 95).

Nguyên Tắc Số Ba: Chúng Ta Cần phải Chia Sẻ Sự Hiểu Biết với Những Người Mình Yêu Thương

Lê Hi đã nhiều lần giúp La Man và Lê Mu Ên hiểu tầm quan trọng về sự thay đổi của họ. Việc họ đã không chia sẻ sự hiểu biết của cha họ làm cho họ ta thán trong suốt cuộc hành trình. Trái lại, Nê Phi đã tìm kiếm Chúa để thấy được điều mà cha ông đã thấy.

“Và chuyện rằng, tôi, Nê Phi, sau khi nghe được tất cả những lời cha tôi thuật lại về những điều mà ông đã được trông thấy trong khải tượng, … thì tôi … cũng ước ao được nghe thấy và biết những điều này nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh” (1 Nê Phi 10:17).

Với khải tượng này, Nê Phi đã có thể không những khắc phục những thử thách của cuộc hành trình mà còn hướng dẫn gia đình ông khi cần thiết.

Rất có thể rằng khi chúng ta quyết định đi theo con đường nào đó, thì những người chúng ta yêu thương sẽ bị ảnh hưởng, và một số người sẽ còn chia sẻ với chúng ta những kết quả của sự lựa chọn này. Lý tưởng nhất, họ sẽ có thể thấy điều chúng ta thấy và chia sẻ niềm tin chắc của chúng ta nữa. Không phải là lúc nào điều này cũng có thể xảy ra như vậy được, nhưng khi điều đó xảy ra, thì cuộc hành trình sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Trong kinh nghiệm cá nhân mà tôi đã sử dụng làm minh họa, tôi chắc chắn cần được vợ tôi ủng hộ. Mặc dù con cái vẫn còn nhỏ và không có nhiều ý kiến, nhưng sự ủng hộ của vợ tôi là cần thiết. Tôi nhớ lúc đầu, Mônica và tôi đã cần phải thảo luận kỹ sự thay đổi trong kế hoạch cho đến khi cô ấy cảm thấy thoải mái và cũng bắt đầu cam kết. Sự hiểu biết được chia sẻ này làm cho cô ấy không những ủng hộ sự thay đổi đó mà còn trở thành một phần thiết yếu trong sự thành công của điều đó nữa.

Tôi biết rằng Chúa có một kế hoạch cho chúng ta trong cuộc sống này. Ngài biết rõ chúng ta. Ngài biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Nếu mọi điều đều đang diễn tiến tốt đẹp thì không có nghĩa là chúng ta không nên thỉnh thoảng xem xét lại để xem có thể có một điều gì đó tốt hơn chăng. Nếu chúng ta tiếp tục sống như chúng ta đang sống, thì phước lành đã được hứa có được làm tròn không?

Thượng Đế hằng sống. Ngài là Cha của chúng ta. Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, và tôi biết rằng qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để khắc phục những thử thách hàng ngày của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.