2014
Các Bậc Cha Mẹ: Những Người Giảng Dạy Phúc Âm Chính của Con Cái Họ
Tháng Mười Một năm 2014


Các Bậc Cha Mẹ: Những Người Giảng Dạy Phúc Âm Chính của Con Cái Họ

Cuối cùng, mái gia đình là khung cảnh lý tưởng cho việc giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ben Carson tự nhủ: “Mình là học sinh dốt nhất trong cả lớp 5.” Một ngày nọ, Ben làm một bài kiểm tra toán có 30 bài toán. Đứa học sinh ngồi đằng sau sửa bài của nó và đưa trở lại. Cô Williamson, là cô giáo của nó, bắt đầu gọi tên mỗi học sinh để biết số điểm của mỗi đứa. Cuối cùng, cô gọi đến Ben. Lòng đầy bối rối, nó lầm bầm trả lời. Cô Williamson vì nghĩ rằng nó nói “9” nên trả lời rằng đối với Ben đạt được 9 trong số 30 bài toán là một tiến bộ tuyệt vời. Đứa học sinh ngồi ở đằng sau nó hét lên: “Không phải chín! Bạn ấy không có bài nào đúng cả.” Ben nói là nó chỉ muốn độn thổ.

Cùng lúc ấy mẹ của Ben là Sonya, phải đối phó với những trở ngại của riêng mình. Bà là con trong một gia đình có 24 người con, chỉ học tới lớp ba, và bà không biết đọc. Bà kết hôn lúc 13 tuổi, ly dị, có hai đứa con trai, và nuôi chúng lớn lên trong khu ổ chuột ở thành phố Detroit. Tuy nhiên, bà quyết tâm tự lực cánh sinh và có một niềm tin vững chắc rằng Thượng Đế sẽ giúp bà và hai đứa con trai của bà nếu họ làm phần vụ của họ.

Một ngày nọ, một bước ngoặt đã đến với cuộc sống của bà và của hai đứa con trai của bà. Bà chợt nhận ra rằng những người thành công mà bà đã dọn dẹp nhà cửa cho họ đều có thư viện—họ đều đọc sách. Sau khi làm việc xong, bà đi về nhà và tắt máy truyền hình mà anh em Ben đang xem. Bà nói đại khái như sau: Hai con xem truyền hình quá nhiều. Từ bây giờ, hai con có thể xem ba chương trình một tuần. Trong thời gian rảnh rỗi, hai con sẽ đi đến thư viện—đọc hai cuốn sách trong một tuần và báo cáo với mẹ về việc đọc sách.

Hai đứa con trai sửng sốt. Ben cho biết là nó chưa từng bao giờ đọc một cuốn sách trong suốt cuộc đời nó, trừ khi được yêu cầu phải đọc sách ở trường. Chúng phản đối, chúng phàn nàn, chúng cãi lẽ, nhưng cũng vô ích. Sau đó, Ben nhớ lại: “Mẹ tôi đã nói rõ điều lệ. Tôi không thích điều lệ đó, nhưng quyết tâm của mẹ tôi để chắc chắn là chúng tôi sẽ tiến bộ đã thay đổi cuộc đời tôi.”

Và điều đó đã thay đổi cuộc đời của Ben rất nhiều. Đến lớp bảy nó đứng đầu lớp. Ben nhận được học bổng để theo học trường Yale University, rồi trường y khoa Johns Hopkins, là nơi mà ở tuổi 33, Ben đã trở thành chủ nhiệm khoa giải phẫu thần kinh nhi đồng và bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thế giới. Làm sao điều đó có thể xảy ra được? Vì phần lớn là nhờ vào một người mẹ bị nhiều thiệt thòi trong cuộc đời đã làm vinh hiển sự kêu gọi của mình với tư cách là một người mẹ.1

Thánh thư nói về vai trò của cha mẹ—đó là bổn phận của họ để dạy con cái của mình “biết giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh” (GLGƯ 68:25).

Là cha mẹ, chúng ta phải là những người giảng dạy phúc âm chính và là tấm gương cho con cái mình—không phải là vị giám trợ, Trường Chủ Nhật, Hội Thiếu Nữ hay Hội Thiếu Niên, mà chính là các bậc cha mẹ. Là những người giảng dạy phúc âm chính của chúng, chúng ta có thể dạy chúng biết quyền năng và thực tế của Sự Chuộc Tội—về nguồn gốc và số mệnh thiêng liêng của chúng—và khi làm như vậy mang đến cho chúng một nền tảng kiên cố để xây dựng trên đó. Cuối cùng, mái gia đình là khung cảnh lý tưởng cho việc giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cách đây khoảng một năm, tôi được chỉ định đi Beirut, Lebanon. Trong khi ở đó, tôi đã biết được một em gái 12 tuổi tên là Sarah. Cha mẹ và hai anh chị của em đã cải đạo vào Giáo Hội ở Romania, nhưng sau đó được yêu cầu phải trở về quê hương của họ khi Sarah mới được 7 tuổi. Quê hương của họ không có Giáo Hội, không có đơn vị được tổ chức, không có Trường Chủ Nhật, hoặc chương trình Hội Thiếu Nữ. Sau năm năm thì gia đình này biết được có một chi nhánh ở Beirut và ngay trước khi tôi đến đã gửi đứa con gái 12 tuổi tên là Sarah của họ, cùng với anh chị của em ấy, đến chịu phép báp têm. Trong khi ở đó, tôi đã tổ chức một buổi họp đặc biệt về kế hoạch cứu rỗi. Sarah thường giơ tay lên và trả lời các câu hỏi.

Sau buổi họp, và khi biết được rằng Sarah có rất ít cơ hội tiếp xúc với Giáo Hội, nên tôi đến gần em ấy và hỏi: “Sarah, làm thế nào em biết câu trả lời cho những câu hỏi đó vậy?” Em đáp ngay: “Mẹ em dạy em.” Họ không có Giáo Hội trong cộng đồng của họ, nhưng họ thật sự có phúc âm trong nhà của họ. Mẹ của em ấy là người dạy phúc âm chính của em ấy.

Chính Ê Nót đã nói: “Những lời mà tôi thường nghe cha tôi nói về cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ in sâu vào tim tôi” (Ê Nót 1:3). Chắc chắn ai là người giảng dạy phúc âm chính của Ê Nót rồi.

Tôi nhớ cha tôi đã nằm dài ra bên lò sưởi và đọc thánh thư và những cuốn sách hay khác, và tôi cũng nằm dài ra bên cạnh ông. Tôi nhớ những tấm thẻ mà ông thường giữ trong túi áo sơ mi của ông với những lời trích dẫn trong thánh thư và Shakespeare và những từ mới mà ông sẽ thuộc lòng và học. Tôi nhớ những câu hỏi và các cuộc thảo luận về phúc âm tại bàn ăn tối. Tôi nhớ nhiều lần cha tôi đã dẫn tôi đi thăm người già cả—cách chúng tôi thường dừng lại để mua kem cho một người nào đó hoặc mua một bữa ăn tối với thịt gà cho một người khác, hoặc một số tiền nhét kèm theo một cái bắt tay tạm biệt của ông. Tôi nhớ đã cảm thấy vui và mong muốn được như ông.

Tôi nhớ mẹ tôi, lúc khoảng 90 tuổi, đã nấu ăn trong nhà bếp của căn hộ chung cư của bà rồi sau đó mang đi một khay thức ăn. Tôi hỏi bà đi đâu vậy. Bà đáp: “Ồ, mẹ mang thức ăn đến cho người già cả.” Tôi tự nhủ: “Mẹ ơi, chính mẹ là người già cả mà.” Tôi không bao giờ có thể bày tỏ đủ lòng biết ơn đối với cha mẹ tôi, là những người giảng dạy phúc âm chính của tôi.

Một trong những điều có ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể làm với tư cách là cha mẹ là dạy con cái của chúng ta về quyền năng của việc cầu nguyện, không phải chỉ là thói quen cầu nguyện. Khi khoảng 17 tuổi, tôi quỳ xuống cầu nguyện buổi tối cạnh giường của mình. Tôi không biết là mẹ tôi đứng ở ngay cửa. Khi tôi cầu nguyện xong, bà nói: “Tad, con đang cầu xin Chúa giúp con tìm một người vợ hiền à?”

Câu hỏi của bà làm tôi ngạc nhiên. Tôi không hề nghĩ đến điều đó chút nào cả. Tôi đang suy nghĩ về bóng rổ và việc học hành. Vậy nên, tôi đáp: “Không ạ”, bà trả lời: “Ờ, con nên đấy, Con Trai à; đó sẽ là quyết định quan trọng nhất mà con từng chọn đó.” Những lời nói đó khắc sâu vào lòng tôi, và vì vậy, trong sáu năm tiếp theo đó, tôi đã cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ giúp tôi tìm được một người vợ hiền. Và, ôi Ngài đã thực sự đáp ứng lời cầu nguyện đó.

Là cha mẹ, chúng ta có thể dạy con cái mình cầu nguyện về những điều mang đến kết quả vĩnh cửu—cầu nguyện nhằm có được sức mạnh để trở nên trong sạch về mặt đạo đức trong một thế giới đầy khó khăn, để biết vâng lời, và để có can đảm bênh vực lẽ phải.

Chắc chắn là hầu hết giới trẻ của chúng ta đều dâng lên những lời cầu nguyện buổi tối, nhưng có lẽ nhiều em trong số đó gặp khó khăn với thói quen cầu nguyện riêng buổi sáng. Là cha mẹ, là những người giảng dạy phúc âm chính của chúng, chúng ta có thể sửa chỉnh điều này. Có cha mẹ nào trong thời kỳ Sách Mặc Môn để cho các con trai của mình xông pha trận chiến mà không có giáp che ngực, tấm khiên che và thanh kiếm để bảo vệ chúng chống lại những đòn có thể chí tử của kẻ thù không? Nhưng có bao nhiêu người chúng ta để cho con cái mình rời nhà mỗi buổi sáng để đi vào tất cả các chiến trường nguy hiểm nhất, để đối phó với Sa Tan, và vô số cám dỗ của nó, mà không có giáp che ngực, tấm khiên che và thanh kiếm thuộc linh đến từ quyền năng bảo vệ của việc cầu nguyện? Chúa phán: “Hãy cầu nguyện luôn luôn… để ngươi có thể chiến thắng được quỷ Sa Tan (GLGƯ 10:5). Là cha mẹ, chúng ta có thể giúp tạo ra bên trong lòng con cái chúng ta thói quen và quyền năng của việc cầu nguyện buổi sáng.

Chúng ta có thể dạy cho con cái mình sử dụng thời gian của chúng một cách khôn ngoan. Như Sonya Carson, thỉnh thoảng chúng ta cũng sẽ cần phải đưa ra một quyết định đầy yêu thương nhưng kiên quyết để giới hạn thời gian xem truyền hình và chơi các thiết bị điện tử khác mà trong nhiều trường hợp chiếm nhiều thời gian trong cuộc sống của chúng. Thay vì thế chúng ta có thể cần phải chuyển hướng để cho thời gian của chúng tập trung trở lại vào các nỗ lực về phúc âm một cách hiệu quả hơn. Lúc đầu có thể có một chút chống đối, một số lời phàn nàn, nhưng giống như Sonya Carson, chúng ta cần phải hiểu và muốn tiếp tục với quyết định đó vì tương lai của con cái. Một ngày nào đó, con cái chúng ta sẽ hiểu và biết ơn việc chúng ta đã làm. Nếu chúng ta không làm được điều này, thì ai sẽ làm được?

Chúng ta đều có thể tự hỏi: con cái chúng ta có nhận được các nỗ lực thuộc linh, trí tuệ và sáng tạo tốt nhất của chúng ta không, hay là chúng chỉ nhận được thời gian và tài năng còn sót lại của chúng ta, sau khi chúng ta đã dâng hiến hết tất cả cho sự kêu gọi của Giáo Hội hoặc theo đuổi nghề nghiệp? Trong cuộc sống mai sau, tôi không biết là các danh hiệu như giám trợ hay chủ tịch Hội Phụ Nữ sẽ còn tồn tại không, nhưng tôi quả thật biết rằng các danh hiệu vợ chồng, cha mẹ, sẽ tiếp tục và được kính trọng trong những thế giới vô tận. Đó là lý do tại sao rất quan trọng để tôn vinh trách nhiệm làm cha mẹ ở nơi đây trên thế gian để chúng ta có thể chuẩn bị cho các trách nhiệm còn lớn lao hơn nhưng tương tự trong cuộc sống mai sau.

Là cha mẹ, chúng ta có thể tiến bước với sự bảo đảm rằng Thượng Đế sẽ không bao giờ bỏ mặc chúng ta một mình. Thượng Đế không bao giờ ban cho chúng ta một trách nhiệm mà không ban cho một sự giúp đỡ thiêng liêng—tôi có thể làm chứng về điều đó. Cầu xin cho chúng ta, trong vai trò thiêng liêng là cha mẹ, và cùng hợp tác với Thượng Đế, trở thành những người giảng dạy phúc âm chính và tấm gương cho con cái chúng ta, tôi cầu nguyện như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Ben Carson, Gifted Hands: The Ben Carson Story (1990).