2014
Hãy Ở trong Thuyền và Bám Chặt!
Tháng Mười Một năm 2014


Hãy Ở trong Thuyền và Bám Chặt!

Nếu tiếp tục tập trung vào Chúa, thì chúng ta được hứa một phước lành không thể so sánh được.

Mới gần đây, một người bạn của tôi dẫn con trai mình đi lái bè trên Sông Colorado qua hẻm núi Cataract Canyon, nằm ở phía đông nam Utah. Hẻm núi này nổi tiếng với dòng nước xiết dài 14 dặm (23 kilômét) có thể đặc biệt nguy hiểm.

Để chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu này, họ đã nghiên cứu kỹ trang mạng của National Park Service (Sở Công Viên Quốc Gia), trong đó có chứa thông tin quan trọng về sự chuẩn bị cá nhân và những mối nguy hiểm thông thường, tiềm ẩn.

Vào lúc bắt đầu chuyến đi, một hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm về sông nước giải thích những chỉ dẫn an toàn quan trọng, nhấn mạnh đến ba điều lệ mà sẽ bảo đảm an toàn cho nhóm khi đi qua các ghềnh nước. “Điều lệ số một: phải ở trong thuyền! Điều lệ số hai: luôn luôn mặc áo phao! Điều lệ số ba: luôn luôn bám chặt bằng cả hai tay!” Sau đó người ấy lại nhấn mạnh thêm: “Quan trọng hơn hết, hãy nhớ điều lệ số một: Phải ở trong thuyền!!”

Cuộc phiêu lưu này nhắc nhở tôi về cuộc hành trình hữu diệt của chúng ta. Hầu hết chúng ta đều trải qua những thời kỳ trong cuộc sống của mình khi thời gian êm ả với ít chông gai trong cuộc đời được biết ơn rất nhiều. Vào những lúc khác, chúng ta gặp phải những lúc khó khăn mà có thể so sánh với ẩn dụ về những điều được tìm thấy trong đoạn đường 14 dặm xuyên qua hẻm núi Cataract Canyon—những thử thách mà có thể bao gồm các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, cái chết của một người thân, ước mơ và hy vọng tiêu tan, và đối với một số người, ngay cả một cuộc khủng hoảng về đức tin khi gặp phải những vấn đề, thắc mắc và nghi ngờ trong cuộc sống.

0:17

Với lòng nhân từ, Chúa đã cung cấp đầy đủ sự giúp đỡ, kể cả một chiếc thuyền, những đồ tiếp liệu thiết yếu như áo phao, và những hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm về sông nước hướng dẫn và đưa ra những chỉ dẫn về an toàn để giúp chúng ta đi trên dòng sông của cuộc đời đến đích cuối cùng của mình.

Hãy suy nghĩ về điều lệ số một: “phải ở trong thuyền!”

Chủ Tịch Brigham Young thường sử dụng cụm từ “Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ” như là một ẩn dụ cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong một dịp nọ, ông đã nói: “Chúng ta đang ở giữa đại dương. Một cơn bão nổi lên, và như các thủy thủ nói, con tàu cố gắng hết sức. Một người nói: ‘Tôi sẽ không ở lại đây, tôi không tin đây là “Con Tàu Si Ôn.’” ‘Nhưng mà chúng ta đang ở giữa đại dương.’ ‘Tôi không cần biết, tôi sẽ không ở lại đây.’ Người ấy cởi chiếc áo khoác ra, và nhảy ra khỏi tàu. Người ấy sẽ không bị chết đuối à? Có chứ. Điều này cũng xảy ra với những người rời khỏi Giáo Hội này. Đây là ‘Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ,’ chúng ta hãy ở lại trong tàu.”1

Vào một dịp khác, Chủ tịch Young nói rằng ông cũng lo lắng về những người bị lạc lối khi họ đã được ban phước—khi cuộc sống của họ được tốt đẹp: “Đó là trong lúc thời tiết êm ả, khi con tàu Si Ôn cũ kỹ đang đi trên biển với làn gió thổi nhẹ, [và] khi tất cả đều yên tĩnh trên con tàu, một số anh em muốn đi ra ngoài bằng những chiếc thuyền nhỏ để … bơi lội; và một số người bị chết đuối, những người khác bị trôi dạt, và những người khác nữa quay trở lại tàu. Chúng ta hãy ở lại với con tàu cũ kỹ và nó sẽ đưa chúng ta an toàn đến bến cảng; ta không cần phải lo lắng.”2

Và cuối cùng, Chủ Tịch Young nhắc nhở các Thánh Hữu: “Chúng ta đang ở trên con tàu Si Ôn cũ kỹ. … [Thượng Đế] đang lèo lái con tàu và sẽ ở lại đó. … Tất cả đều đúng. Hãy hát lên Ha Lê Lu Gia, vì Chúa đang ở đây. Ngài ra lệnh, hướng dẫn và chỉ dẫn. Nếu các tín hữu tin tưởng tuyệt đối vào Thượng Đế của mình, thì sẽ không bao giờ từ bỏ các giao ước cũng như Thượng Đế của mình, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta đi đúng.”3

Với những thử thách chúng ta đều phải gặp ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể ở lại trên Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ được?

Đây là cách. Chúng ta cần phải trải qua một sự cải đạo liên tục bằng cách gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và lòng trung tín của mình đối với phúc âm của Ngài trong suốt cuộc đời—không phải chỉ một lần, mà phải là thường xuyên. An Ma hỏi: “Và giờ đây này, hỡi anh em [và chị em], tôi nói cho các người hay, nếu các người có cảm thấy được một sự thay đổi trong lòng mình, và các người có muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc, tôi xin hỏi, các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”4

Những hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm về sông nước ngày nay có thể được so sánh với các sứ đồ, các vị tiên tri, và các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương và tổ chức bổ trợ của Giáo Hội. Họ giúp chúng ta an toàn đến đích tới cuối cùng của chúng ta.

Mới gần đây, tôi đã nói chuyện tại hội nghị các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới và khuyên nhủ các vị lãnh đạo này:

“Hãy giúp mọi người phục vụ trong phái bộ truyền giáo của các anh em tập trung vào các vị lãnh đạo của Giáo Hội…. Chúng tôi sẽ không và … không thể dẫn dắt [các anh em] đi lạc lối.

“Và trong khi các anh em giảng dạy cho những người truyền giáo của mình phải tập trung chú ý vào chúng tôi, thì hãy giảng dạy cho họ đừng bao giờ đi theo những người nghĩ rằng họ biết nhiều về cách điều hành các công việc của Giáo Hội qua các vị lãnh đạo chức tư tế có các chìa khóa để chủ tọa hơn là … Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

“Tôi đã khám phá ra trong giáo vụ của mình rằng những người nào trở nên bị lạc lối [và] hoang mang thường là những người đã thường xuyên … quên rằng khi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai nói với một tiếng nói thống nhất, thì đó là tiếng nói của Chúa cho thời kỳ đó. Chúa nhắc nhở chúng ta: ‘Dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của các tôi tớ ta thì cũng như nhau’ [GLGƯ 1:38].”5

Nói cách khác, họ rời khỏi Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ—họ sa ngã; họ bội giáo. Buồn thay, họ thường trải qua những hậu quả ngắn hạn và cuối cùng trở thành dài hạn một cách không định trước, không những cho bản thân mà còn cho gia đình họ.

Giống như những hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm về sông nước, các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương của chúng ta đã được giảng dạy từ những kinh nghiệm của cuộc sống; đã được các sứ đồ, các vị tiên tri và các chức sắc khác của Giáo Hội huấn luyện và giảng dạy; quan trọng hơn hết, đã được chính Chúa giảng dạy.

Vào một dịp khác trong năm nay, tôi đã nói chuyện với những người thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội trong chương trình phát sóng buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội vào tháng Năm. Tôi đã nói:

“Tôi nghe nói là có một số người nghĩ rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội đang sống trong một cái ‘tháp ngà.’ Họ quên rằng chúng tôi là những người có kinh nghiệm, và chúng tôi đã sống ở nhiều nơi và làm việc với nhiều người có gia cảnh, kiến thức khác nhau. Những chỉ định hiện tại của chúng tôi đã mang chúng tôi đi khắp thế giới, ở đó chúng tôi đã gặp các vị lãnh đạo chính trị, tôn giáo, thương mại, và nhân đạo của thế giới. Mặc dù đã đến thăm [các vị lãnh đạo trong] Nhà Trắng ở Washington, DC và các vị lãnh đạo của các quốc gia [và tôn giáo] trên khắp thế giới, nhưng chúng tôi cũng đã đến thăm những [gia đình và dân chúng] nghèo khổ nhất trên thế giới. …

“Khi suy nghĩ kỹ về cuộc sống và giáo vụ của chúng tôi, có thể các em sẽ đồng ý rằng chúng tôi thấy và trải qua nhiều kinh nghiệm trên thế giới theo những cách mà ít có người trải qua. Các em sẽ nhận ra rằng chúng tôi không sống xa cách với hầu hết mọi người đâu. …

“… Có một điều gì đó về sự khôn ngoan của cá nhân và của [các vị lãnh đạo Giáo Hội] phối hợp lại để mang đến điều khuyên giải nào đó. Chúng tôi đã trải qua hết các kinh nghiệm đó rồi, kể cả những hậu quả của công pháp, chính sách, những thất vọng, thảm cảnh, và cái chết trong gia đình của chúng tôi. Chúng tôi hiểu điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của các em.”6

Cùng với điều lệ số một như tôi đã áp dụng rồi, thì hãy nhớ tới điều lệ số hai và số ba: luôn luôn mặc áo phao, và bám chặt bằng cả hai tay. Những lời của Chúa được tìm thấy trong thánh thư và những lời dạy của các vị sứ đồ và các vị tiên tri, mang đến cho chúng ta lời khuyên dạy và hướng dẫn, mà nếu chúng ta tuân theo, sẽ đóng vai trò như áo phao và sẽ giúp chúng ta biết cách bám chặt bằng cả hai tay.

Chúng ta cần phải trở thành giống như các con trai của Mô Si A đã “trở nên mạnh mẽ trong sự hiểu biết lẽ thật.” Chúng ta có thể trở thành những người “có một sự hiểu biết vững chắc.” Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách “chuyên tâm tìm tòi thánh thư để [chúng ta] có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế.”7

Trong việc tra cứu thánh thư và những lời của các sứ đồ và các vị tiên tri thời xưa lẫn hiện nay, chúng ta nên tập trung vào việc học hỏi, sống theo, và yêu mến giáo lý của Đấng Ky Tô.

Ngoài việc phát triển thói quen đọc thánh thư riêng, chúng ta còn cần phải giống như các con trai của Mô Si A và “hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn”8 nữa.

Dường như những điều không dễ đo lường này lại có tầm quan trọng lớn lao. Hãy luôn tập trung vào những điều giản dị này, và tránh trở nên xao lãng.

Như tôi đã biết những người đã không ở lại trong thuyền, và đã không bám chặt bằng cả hai tay trong những thời gian thử thách và rắc rối hoặc những người đã không ở lại trong thuyền vào những thời gian tương đối yên tĩnh. Tôi đã quan sát thấy rằng nhiều người trong số họ đã bị mất tập trung vào những lẽ thật chính yếu của phúc âm—những lý do tại sao thoạt tiên họ gia nhập Giáo Hội, những lý do tại sao họ vẫn hoàn toàn cam kết và tích cực trong việc sống theo các tiêu chuẩn phúc âm và ban phước cho những người khác qua sự phục vụ tận tâm, nhiệt tình; và làm thế nào cuộc sống của họ trong Giáo Hội là “một nơi nuôi dưỡng và tăng trưởng phần thuộc linh.”9

Joseph Smith đã dạy lẽ thật chính yếu này: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của các sứ đồ và các vị tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô, … ‘rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời;’ và tất cả những điều khác chỉ là phụ thuộc vào những điều này, mà liên quan đến tôn giáo của chúng ta.”10

Nếu tiếp tục tập trung vào Chúa, thì chúng ta được hứa một phước lành không thể so sánh được: “Vậy nên, các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”11

Đôi khi Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín và những người tầm đạo chân thành bắt đầu tập trung vào “phần phụ thuộc” thay vì các nguyên tắc cơ bản. Đó là vì Sa Tan cám dỗ chúng ta để trở nên xao lãng khỏi sứ điệp giản dị và rõ ràng về phúc âm phục hồi. Những người bị xao lãng như vậy thường bỏ không dự phần Tiệc Thánh, vì họ đã trở nên tập trung, thậm chí còn bận tâm, vào những lối thực hành hoặc những lời giảng dạy ít quan trọng hơn.

Những người khác có thể tập trung vào các thắc mắc và nỗi nghi ngờ mà họ trải qua. Dĩ nhiên, việc có những thắc mắc và trải qua những nỗi nghi ngờ đều là thích hợp với các môn đồ tận tụy. Mới gần đây, Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Chúng tôi hiểu rằng thỉnh thoảng các tín hữu Giáo Hội sẽ có những thắc mắc về giáo lý, lịch sử hoặc lối thực hành của Giáo Hội. Các tín hữu đều được tự do để đặt câu hỏi như vậy và tha thiết tìm kiếm sự hiểu biết thêm.”12

Hãy nhớ rằng chính Joseph Smith cũng có những câu hỏi mà đã bắt đầu cho Sự Phục Hồi. Ông là một người đi tìm kiếm và như Áp Ra Ham, đã tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống.

Các câu hỏi quan trọng tập trung vào điều quan trọng nhất—đó là kế hoạch của Cha Thiên Thượng và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Việc tìm kiếm của chúng ta sẽ dẫn dắt chúng ta trở thành các môn đồ tử tế, hiền lành, nhân từ, biết tha thứ, kiên nhẫn, và tận tụy. Như Phao Lô đã dạy, chúng ta phải sẵn lòng “mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Ky Tô.”13

Việc mang lấy gánh nặng cho nhau gồm có giúp đỡ, tán trợ, và hiểu tất cả mọi người, kể cả người bệnh, ốm yếu, khốn khó trong tinh thần và thể xác, người tìm kiếm và người gặp rắc rối, và cũng như các môn đồ tín hữu khác—kể cả các vị lãnh đạo Giáo Hội là những người đã được Chúa kêu gọi để phục vụ trong một thời gian.

Thưa các anh chị em, hãy ở lại trong thuyền, sử dụng áo phao của mình, và bám chặt bằng cả hai tay. Tránh xao lãng! Và nếu có bất cứ ai trong các anh chị em rơi ra khỏi thuyền, thì chúng tôi sẽ tìm kiếm các anh chị em, phục sự các anh chị em và kéo các anh chị em trở lại Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ, nơi đó Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô đang đứng lèo lái và sẽ hướng dẫn chúng ta đi đúng, tôi khiêm nhường làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (1997), 82–83.

  2. Brigham Young, “Discourse,” Deseret News, ngày 27 tháng Giêng năm 1858, 373.

  3. Brigham Young, “Remarks,” Deseret News, ngày 18 tháng Mười Một năm 1857, 291.

  4. An Ma 5:26.

  5. M. Russell Ballard, “Mission Leadership” (bài nói chuyện được đưa ra tại buổi hội thảo dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới, ngày 25 tháng Sáu năm 2014), 8.

  6. M. Russell Ballard, “Be Still, and Know That I Am God” (Buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thông Giáo Dục Giáo Hội, ngày 4 tháng Năm năm 2014); lds.org/broadcasts.

  7. An Ma 17:2.

  8. An Ma 17:3.

  9. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, ngày 28 tháng Sáu năm 2014.

  10. Joseph Smith, Elders’ Journal, tháng Bảy năm 1838, 44.

  11. 2 Nê Phi 31:20.

  12. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, ngày 28 tháng Sáu năm 2014.

  13. Ga La Ti 6:2.