2020
Các Sứ Đồ Chia Sẻ Những Sứ Điệp về Niềm Hy Vọng
Tháng Mười năm 2020


Các Sứ Đồ Chia Sẻ Những Sứ Điệp về Niềm Hy Vọng

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra những hiểu biết sâu sắc về việc luôn gần gũi với Thượng Đế, phục sự trong tình yêu thương, và kiên nhẫn tiến bước trong cơn đại dịch.

women holding out their arms

Ảnh của Getty Images

Để đối phó với nạn vi rút lây lan khắp thế giới, các chính quyền cấm công chúng tụ tập và thực hiện những biện pháp cách ly. Trường học đóng cửa, các vị lãnh đạo Giáo Hội hủy bỏ các buổi họp nhà thờ, và những người mạo hiểm đi ra ngoài đều được yêu cầu phải đeo khẩu trang để bảo vệ.

Đó là năm 1919, và cơn đại dịch cúm hoành hành mà bắt đầu từ năm trước đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng.1 Vị tiên tri mới của Giáo Hội, Chủ Tịch Heber J. Grant (1856–1945), được phong nhiệm vào tháng Mười Một năm 1918 nhưng không được tán trợ cho đến tháng Sáu năm 1919 vì đại hội trung ương tháng Tư bị hoãn lại.

Trong suốt giáo vụ của ông tiếp theo những ngày thử thách đó và những ngày khó khăn khác, Chủ Tịch Grant đã đưa ra lời khuyên dạy phù hợp với thời kỳ của chúng ta khi ông nói: “Chúng ta đến thế gian này để có được sự hiểu biết, sự khôn ngoan, và kinh nghiệm, để học những bài học, chịu đau đớn, chịu đựng những cám dỗ, và đạt được những chiến thắng trên trần thế.” Từ sự hiểu biết có được qua kinh nghiệm cá nhân đầy cam go, ông đã nói thêm: “Tôi … biết rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau được an ủi, ban phước và khuyên giải trong lúc gặp nghịch cảnh mà không có người nào khác được như vậy!”2

Trong “lúc gặp nghịch cảnh” hiện tại của mình với con vi rút corona mới, chúng ta tìm được sự an ủi và khuyên giải từ phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự hiểu biết của chúng ta rằng Cha Thiên Thượng yêu thương con cái của Ngài và Ngài đã kêu gọi các vị tiên tri và sứ đồ trong thời kỳ của chúng ta để hướng dẫn chúng ta vượt qua những cơn bão tố trên trần thế là một phước lành lớn.

Từ lời khuyên dạy được chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn gần đây, một số thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có thể cảm thấy niềm vui và hướng tới tương lai với niềm hy vọng bất kể điều gì đang diễn tiến xung quanh chúng ta.3

couple on computer

Ảnh do Welden C. Andersen chụp

Công Việc Tiến Bước

Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–85) đã có lần ví Giáo Hội là “một đoàn lữ hành vĩ đại” tiến bước bất chấp sự chống đối.4 Anh Cả David A. Bednar cho rằng đà tiến triển vững vàng của đoàn lữ hành là nhờ sự chuẩn bị đầy soi dẫn của Giáo Hội và lịch sử của Giáo Hội với nghịch cảnh.

Ông nói: “‘Không có một bàn tay phàm tục nào có thể chặn đứng không cho công việc này tiến triển,’5 và cũng không có cơn đại dịch nào sẽ ngăn cản công việc này tiến triển cả.” “Ở giữa tất cả những thử thách mà chúng ta gặp phải bây giờ để đối phó với con vi rút này, công việc vẫn tiến bước. … Chúng ta không biết sẽ mất bao lâu nữa nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Và chúng ta có thể không tiếp tục lối sống trước đây của mình giống y như chúng ta đã biết, nhưng nhiều điều chỉnh và thay đổi đó sẽ rất tích cực.”

Anh Cả Quentin L. Cook đã nói rằng sự chuẩn bị đầy soi dẫn của Giáo Hội gồm có những ví dụ kịp thời như sự nhấn mạnh vào việc tuân giữ ngày Sa Bát, củng cố các nhóm túc số Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và các Hội Phụ Nữ, chuyển sang việc phục sự và giới thiệu sách Hãy Đến Mà Theo Ta, các video về Sách Mặc Môn và chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ.

Ông nói: “Chúng ta sẽ nhìn lại điều này như là thời gian chuẩn bị cơ bản chứ không chỉ là điều mà chúng ta phải chịu đựng.”

Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, cũng đồng ý. Mặc dù các đền thờ và các nhà hội tạm thời đóng cửa nhưng các tín hữu của Giáo Hội cũng có các công cụ thuộc linh mà họ cần để tiếp tục tiến bước.

Chủ Tịch Ballard nhớ lại cảm giác của ông khi rời nhà thờ đi về vào ngày 7 tháng Mười Hai năm 1941 và biết rằng Trân Châu Cảng đã bị tấn công và Hoa Kỳ sắp bị lôi kéo vào Đệ Nhị Thế Chiến. Giống như nhiều người ngày nay, ông đã lo lắng về tương lai và tự hỏi liệu tương lai của ông sẽ bị mất chăng.

Ông nói: “Nhưng điều đó đã không xảy ra như thế.” Giống y như những người tự do trên thế giới đã thắng cuộc chiến đó thì thế giới cũng sẽ thắng cuộc chiến chống lại con vi rút corona. Ông nói: “Tất cả mọi thứ đều sẽ trở nên tốt đẹp khi chúng ta hướng lòng tới Cha Trên Trời và trông cậy Ngài cùng Đấng Cứu Rỗi là Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại.”

Một cách khác mà Giáo Hội tiến bước là qua các nỗ lực truyền giáo để ứng phó với những tình trạng của thế giới đang thay đổi. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf nói rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội đã nghiên cứu những cách thức mới mẻ để chia sẻ phúc âm ngay cả trước khi COVID-19 bắt đầu làm gián đoạn công việc truyền giáo. Sự gián đoạn đó gồm có việc chuyên chở hàng ngàn người truyền giáo về quê hương của họ, giải nhiệm sớm một số người, và tái chỉ định những người khác.

Ông nói: “COVID-19 đã thúc đẩy lối suy nghĩ của chúng ta một cách gấp rút về điều này và mở mắt chúng ta ra.” Do đó, công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội hiện đang mở ra những cánh cửa trước đây đã bị đóng lại bởi các cộng đồng biệt lập, những ngôi nhà và những tòa nhà chung cư không thể tiếp cận được.

Anh Cả Uchtdorf nói thêm: “Công việc truyền giáo sẽ tiếp tục tiến bước bất chấp cơn đại dịch.” “Chúng ta đang tiếp tục học cách cải thiện công việc truyền giáo bây giờ và cho tương lai. Chúa đã hứa sẽ gấp rút làm công việc của Ngài để ban phước cho tất cả con cái của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:73). Tôi cảm thấy rằng chúng ta đang ở ngay giữa tiến trình này trong khi sống suốt thời gian thử thách này. Những người truyền giáo quý báu của chúng ta là những người tiền phong trong thời kỳ của chúng ta, tạo ra một con đường để chia sẻ sứ điệp phúc âm theo những cách thức mới mẻ và phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta để Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tiếp tục ‘lăn đi cho đến khi nào nó lăn cùng khắp thế gian’” (Giáo Lý và Giao Ước 65:2).

Những cơ hội mới để chia sẻ phúc âm không phải là những điều duy nhất đang mở ra. Anh Cả D. Todd Christofferson nói rằng những tấm lòng cũng đang mở ra vì những thời điểm khó khăn thường làm cho người ta khiêm nhường và hướng họ tới Thượng Đế.

Ông nói: “Họ có thể cởi mở hơn một chút để suy nghĩ: ‘Có lẽ tôi cần điều gì đó ngoài tài khoản ngân hàng của mình. Có lẽ còn có nhiều điều hơn là cuộc sống mà tôi đang sống.’”

Anh Cả Christofferson khuyến khích các tín hữu Giáo Hội nên tìm kiếm các cơ hội truyền giáo, chẳng hạn như chia sẻ các sứ điệp liên quan đến phúc âm và các hình mẫu meme qua phương tiện truyền thông xã hội, liên lạc với những người truyền giáo toàn thời gian về việc giúp kết tình bằng hữu với những người mà họ đang giảng dạy trực tuyến, và giữ liên lạc với những người mà họ không thể gặp được thường xuyên.

Giữ Khoảng Cách với Người Khác và Giữ Khoảng Cách với Phần Thuộc Linh

Một cách khác mà Giáo Hội tiến bước là qua sự đáp ứng về phần thuộc linh của Các Thánh Hữu Ngày Sau đối với những thử thách tạm thời như COVID-19. Để bảo vệ phần thể chất của mình, chúng ta gia tăng khoảng cách của mình với những người khác, nhưng để bảo vệ phần thuộc linh của mình, chúng ta đến gần Cha Trên Trời và Con Trai của Ngài. Cơn đại dịch COVID-19 đã mang đến cho nhiều tín hữu Giáo Hội nhiều cơ hội hơn để gia tăng sự bảo vệ phần thuộc linh của họ bằng cách tuân theo lời khuyên bảo của Chủ Tịch Russell M. Nelson, để nghe lời Chúa.

Chủ Tịch Nelson đã nói trong đại hội trung ương vào tháng Tư năm 2020: “Đức Chúa Cha của chúng ta biết rằng khi nào chúng ta bị bao vây bởi sự không chắc chắn và nỗi sợ hãi, thì điều mà sẽ giúp chúng ta rất nhiều chính là nghe lời Con Trai của Ngài.” Ông nói thêm: “Khi chúng ta tìm cách làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những nỗ lực của chúng ta để nghe lời Ngài cần phải có chủ ý hơn bao giờ hết. Cần phải có nỗ lực có ý thức và kiên định để làm tràn đầy cuộc sống hằng ngày của chúng ta với những lời phán, lời dạy, và các lẽ thật của Ngài.”6

Anh Cả Cook nói: Mặc dù chúng ta không hoan nghênh việc đình chỉ các buổi họp của Giáo Hội, đóng cửa các đền thờ, hoặc mất việc làm, nhưng việc dành nhiều thời gian hơn ở nhà đã cho chúng ta “cơ hội để suy nghĩ về việc thức tỉnh trong Thượng Đế” (xin xem An Ma 5:7). “Có lẽ các sự kiện gần đây có thể đánh thức phần thuộc linh để tập trung chúng ta vào những điều quan trọng nhất. Nếu vậy, đó sẽ là một phước lành lớn trong thời kỳ này để tập trung vào những điều mà chúng ta có thể làm cho hoàn thiện trong cuộc sống của mình và cách chúng ta có thể ban phước cho cuộc sống của những người khác khi chúng ta thức tỉnh trong Thượng Đế và đi theo con đường giao ước.”

Anh Cả Jeffrey R. Holland nói thêm: “Những lúc như vậy khuyến khích chúng ta xem xét lòng mình để thấy liệu chúng ta có hài lòng với điều chúng ta thấy bên trong tâm hồn mình không. Đó là khi [chúng ta] nghĩ về việc [mình] thực sự là ai và điều gì thực sự quan trọng.”

Anh Cả Holland nói: Những lúc như vậy cũng khuyến khích chúng ta gia tăng đức tin, sự phục vụ, và lòng biết ơn của mình, thúc đẩy chúng ta phải “cân nhắc sự phụ thuộc của mình vào Thượng Đế và các phước lành từ Ngài mà chúng ta rất thường coi là chuyện đương nhiên.” “Chúng ta nợ Cha Trên Trời để biết cảm tạ hơn một chút, biết cảm ơn hơn một chút, và sẵn sàng hơn một chút để nhớ tới có bao nhiêu vấn đề đã được giải quyết nhờ vào Thượng Đế, các thiên sứ, những lời hứa trong giao ước và sự cầu nguyện.”

Trọng tâm của lòng biết ơn của chúng ta là phước lành của việc nhớ đến “Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao, kể từ lúc sáng tạo ra A Đam cho đến [lúc này]” (Mô Rô Ni 10:3). Các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai đã nói rằng bất cứ khi nào chúng ta được yêu cầu phải “ở trong nhà,” thì chúng ta có thể noi theo gương của Nê Phi và An Ma, khi nhớ rằng Ngài “là Đấng mà [mình] đã đặt lòng tin cậy,” Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, “sẽ còn giải thoát cho [chúng ta] nữa” (2 Nê Phi 4:19; An Ma 36:27). Và chúng ta có thể nhớ, như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy, rằng không có gì có thể “phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta” (xin xem Rô Ma 8:35).

Anh Cả Holland nói rằng Chúa Giê Su Ky Tô “là nơi nương náu cho tôi” (xin xem Thi Thiên 61:1–4). “Cho dù có bất cứ điều gì khác xảy ra, chúng ta cũng sẽ không bao giờ bị tách rời khỏi tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi và sự đồng hành của Ngài, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều đó vào lúc ấy. Thánh Linh không bị ngăn chặn bởi con vi rút hoặc bởi những biên giới quốc gia hay bởi các dự báo y tế.”

woman on a walk talking to women at window

Ảnh của Getty Images

“Hãy Làm Điều Tử Tế”

Gần đây, trong khi đọc một bản báo cáo do một ủy ban của Giáo Hội lập ra, Anh Cả Christofferson đã trở nên lo lắng về những ảnh hưởng của “sự ép buộc phải bị cô độc” có thể có đối với các tín hữu độc thân của Giáo Hội—lớn tuổi lẫn trẻ tuổi.

Ông nói: “Sự ép buộc phải bị cô độc có thể dẫn đến sự cô đơn, và sự cô đơn có thể có những hậu quả tiêu cực về sức khỏe thể chất và tâm thần.” “Để đối phó với điều đó, một số người ủng hộ sức khỏe công chúng đã đề nghị rằng những người nào đang trải qua nỗi cô đơn hãy tìm cách để ‘làm điều tử tế’ cho ai đó.”

Anh Cả Christofferson nói: Các Thánh Hữu Ngày Sau có thể tìm cách phục vụ, giúp đỡ, và đóng góp cho những người khác, nhất là cho những người cô đơn, và các tín hữu cô đơn mà phục vụ cho người khác thì có thể làm giảm bớt những cảm giác bị cô lập của họ.

Ông nói: “Hãy tập trung vào việc phục sự.” “Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm cho nhau để có được cảm giác thuộc vào và tình anh em và tình chị em. Đây là thời gian mà nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ có thể thực sự trở nên xứng đáng với danh của họ và cung cấp những gì mà chỉ có họ mới được tổ chức để làm mà thôi.”

Và thay vì luôn luôn nhắn tin trên điện thoại cho ai đó thì ông đã đề nghị: “Tôi nghĩ là thật lành mạnh để gọi cho ai đó bằng cách sử dụng công nghệ cũ xưa đó gọi là điện thoại. Chỉ cần gọi để nói chuyện và giao tiếp với nhau. Hãy để cho họ nghe một giọng nói.”

Các nỗ lực nhỏ để tiếp cận với những người khác có thể tạo ra một sự khác biệt lớn, làm cho ai đó có được một ngày vui vẻ theo những cách mà chúng ta có thể không biết. Anh Cả Cook nói: “Việc phục sự của chúng ta rất cần thiết với những người đang bị cô lập.”

Anh Cả Holland đề nghị: “Chúng ta nên dành ra một thời gian nhất định trong ngày của mình để giao tiếp với những người cần được nâng cao tinh thần. Dĩ nhiên, chúng ta cũng được nâng cao tinh thần vì làm điều đó, như vậy mọi người đều được ‘nhấc lên’ (3 Nê Phi 27:14, 15), như Đấng Cứu Rỗi phán rằng Ngài được phái đến thế gian để làm điều đó.”

Một cách khác để chúng ta có thể tự nâng mình và nâng những người khác lên là chuẩn bị cho ngày mà các ngôi đền thờ mở cửa trở lại. Anh Cả Bednar nói: Việc đền thờ đóng cửa—cho dù đó là do cơn đại dịch, sự tu sửa, hay dọn dẹp—thì cũng “mang đến một cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu thêm về sự nghiên cứu lịch sử gia đình, lập dữ liệu chỉ mục về thông tin của những người đã qua đời, và cách chuẩn bị rất nhiều cái tên cho ngày mà đền thờ sẽ mở cửa trở lại.”

Anh Cả Bednar nói thêm: Bất kể các đền thờ có mở hay đóng cửa thì các tín hữu của Giáo Hội vẫn có thể cố gắng để được xứng đáng và có được giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành.

Các Bài Học mà Chúa Muốn cho Chúng Ta Học

Như Anh Cả Bednar đã nêu ra, trong khi không một ai chịu chọn trải nghiệm cơn đại dịch COVID-19, thì một bệnh dịch ngày sau vẫn giáng xuống chúng ta.

Ông nói: “Với quan điểm vĩnh cửu mà phúc âm phục hồi mang đến và ân điển mà có được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể học được những bài học từ nghịch cảnh của trần thế để chuẩn bị cho chúng ta nhận được các phước lành của thời vĩnh cửu.” “Chúng ta phải cầu nguyện. Chúng ta phải tìm kiếm. Chúng ta phải cầu xin. Chúng ta phải có mắt để thấy và tai để nghe. Nhưng chúng ta có thể được ban phước theo những cách phi thường để học những bài học mà sẽ ban phước cho chúng ta bây giờ và vĩnh viễn.”

Chủ Tịch Ballard nói: Với ảnh hưởng đầy sức tàn phá của nó đối với các gia đình trên khắp thế giới, COVID-19 đã dạy cho mọi người biết cách cho thấy mối quan tâm càng ngày càng gia tăng đối với những người khác.

Ông nói: “Chúng ta đang tiến đến việc nhận biết rằng gia đình, hàng xóm và các tín hữu Giáo Hội của chúng ta là quý báu biết bao.” “Có những bài học mà chúng ta đang học bây giờ sẽ giúp chúng ta thành những người tốt hơn.”

Và khi cơn bão hiện tại qua đi, thì chúng ta có thể mong đợi điều gì? Anh Cả Uchtdorf nói: Cũng khá giống như vậy. Con cái của Thượng Đế ở bên trong và bên ngoài Giáo Hội sẽ tiếp tục gặp phải những thử thách.

Ông nói: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà chúng ta cần phải học hỏi.” Và bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể học được là câu trả lời cho những thử thách sắp tới cũng là câu trả lời cho thử thách hiện tại: phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh Cả Holland nói: Vì Các Thánh Hữu Ngày Sau có phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô nên họ có thể học cách sống tích cực và lạc quan, làm hết sức họ và tin theo lời Ngài khi Ngài phán: “Chúng ta hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta; và rồi chúng ta có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra” (Giáo Lý và Giao Ước 123:17).

Anh Cả Holland nói: “Có rất nhiều điều để vui mừng khi chúng ta tinh luyện đức tin của mình, tin cậy nhiều hơn nơi Chúa, và nhìn thấy phép lạ giải thoát của Ngài.”

Ghi Chú

  1. Xin xem William G. Hartley, “The Church Grows in Strength,” Ensign, tháng Chín năm 1999, trang 35.

  2. Teachings of Presidents of the Church: Heber J. Grant (năm 2002), trang 49, 48.

  3. Xin xem Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82.

  4. Bruce R. McConkie, “The Caravan Moves On,” Ensign, tháng Mười Một năm 1984, trang 85.

  5. Joseph Smith, trong History of the Church, 4:540.

  6. Russell M. Nelson, “Nghe Lời Ngài,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89.