2020
7 Lời Khuyên để Khắc Phục Việc Sử Dụng Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm
Tháng Mười năm 2020


Những Người Thành Niên Trẻ Tuổ

7 Lời Khuyên để Khắc Phục Việc Sử Dụng Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm

Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Khi làm việc với những người thành niên trẻ tuổi độc thân đang cố gắng khắc phục việc thôi thúc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm, tôi đã tìm thấy một số lời khuyên mà các em cũng có thể thấy là hữu ích.

flow chart

Hình người que từ Getty Images

Khi tôi được phong nhiệm làm giám trợ mới của một tiểu giáo khu người thành niên trẻ tuổi độc thân thì có một hàng người thành niên trẻ tuổi độc thân đang chờ ở ngoài cửa văn phòng để gặp tôi. Hãy đoán xem chúng tôi đã thảo luận điều gì trong cuộc phỏng vấn đầu tiên đó?

Hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Và trong ba năm kế tiếp, việc cố gắng giúp những người thành niên trẻ tuổi khắc phục thói quen là một khía cạnh lớn trong chức vụ kêu gọi của tôi, vì vậy tôi biết rằng mình cần phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt. Tôi đã nhịn ăn, cầu nguyện, tham dự đền thờ, bàn thảo với các vị lãnh đạo khác, xem xét tất cả các tài liệu có sẵn, tham dự các lớp học khắc phục thói nghiện, và tìm hiểu từ những người đang cố gắng tìm kiếm sự bình phục. Tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ đầy hy vọng về những gì tôi đã học được.

1. Biết Rằng Các Em Là Con Cái Yêu Dấu của Cha Mẹ Thiên Thượng

Nếu đang khắc phục việc thôi thúc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm, các em có thể cảm thấy muốn lánh xa Cha Thiên Thượng vì các em nghĩ rằng mình không xứng đáng với tình yêu thương hay sự giúp đỡ cho đến khi các em giải quyết vấn đề đó. Đây chính là điều mà Sa Tan muốn—cô lập các em khỏi tất cả những ai yêu thương các em với ý tưởng rằng các em có thể tự mình khắc phục việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm và chỉ sau đó thì các em mới xứng đáng với tình yêu thương.

Nhờ vào thiên tính của mình, các em luôn luôn xứng đáng để nhận được niềm hy vọng, sự soi dẫn, và sự mặc khải cá nhân từ Cha Thiên Thượng và quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô để khắc phục việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm.1 Đừng xa lánh hai Ngài hoặc những người yêu thương các em.

2. Hãy Loại Bỏ Nỗi Xấu Hổ

Tôi đã biết được rằng việc loại bỏ nỗi xấu hổ là rất thiết yếu để khắc phục việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm. Nỗi xấu hổ là cảm giác như các em đã hư hỏng hoặc là một người xấu. Việc tin vào những ý kiến tai hại này về bản thân các em có thể thực sự làm cho các em bị mắc kẹt trong một chu kỳ về thói nghiện. Việc cảm thấy hối hận về một điều gì đó mà các em đã làm là một phần của tiến trình hối cải và có thể giúp các em thay đổi hành vi của mình. Nhưng nỗi xấu hổ làm cho các em cảm thấy như toàn bộ tính nết của mình là xấu và các em nằm ngoài sự giúp đỡ từ Đấng Cứu Rỗi.2

Cha Thiên Thượng muốn các em có hy vọng trọn vẹn nơi Chúa Giê Su Ky Tô và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài. Nỗi xấu hổ khiến các em luôn nghĩ lại quá khứ và các em rơi vào vòng xoáy của sự dối trá và ghê tởm bản thân. Hãy loại bỏ cảm giác xấu hổ.

3. Đừng Nhanh Chóng Sử Dụng Cái Mác “Thói Nghiện”

Nhiều người tự coi mình là “nghiện” hình ảnh sách báo khiêu dâm. Tôi khuyên các em không nên gán lên cái mác đó một cách sai lầm. Hầu hết những người trẻ tuổi đang vật lộn với hình ảnh sách báo khiêu dâm đều thực sự không bị nghiện ngập.3 Và việc sử dụng cái mác này một cách sai lầm có thể khiến các em khó khăn hơn để chấm dứt sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm vì nỗi xấu hổ, niềm hy vọng đã bị giảm bớt, và sự tự ghê tởm đi kèm với nó.

4. Viết Ra Kế Hoạch Phòng Ngừa cho Cá Nhân

Một kế hoạch phòng ngừa cho cá nhân là một tài liệu gồm có ba phần mà có thể giúp các em khắc phục việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Phần 1: Liệt kê những tác nhân gây kích thích của các em. Việc bị kích thích là bước đầu tiên trong chu kỳ dẫn đến việc xem hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Có một vài loại tác nhân gây kích thích:

  • Tình huống: những môi trường tạo ra một tác nhân gây kích thích vì những suy nghĩ hoặc hành vi trong quá khứ (giống như ở cùng phòng hoặc vào một thời điểm nhất định trong ngày)

  • Tình trạng căng thẳng/lo âu/cô đơn/những sự kiện đau thương: những cảm xúc hoặc tình huống khó khăn mà tác động các em tìm tới hình ảnh sách báo khiêu dâm như một cách để trốn thoát và đối phó với những cảm xúc này

  • Hình ảnh: tiếp xúc một cách vô tư với một cái gì đó không phải là hình ảnh sách báo khiêu dâm nhưng gây kích thích qua phương tiện truyền thông xã hội, phim ảnh, hình ảnh, v.v.

Phần 2: Lập kế hoạch về cách giảm thiểu các tác nhân gây kích thích.

Ví dụ, nếu các em có một tác nhân gây kích thích tình huống giống như cảm thấy dễ bị tổn thương vào đêm khuya, thì có thể hữu ích để tắt điện thoại 30 phút trước khi đi ngủ hoặc ngủ mà không có điện thoại trong phòng mình. Nếu hình ảnh sách báo khiêu dâm là một cách để các em đối phó với những cảm nghĩ khó khăn, thì hãy tìm cách tốt hơn để đối phó với những cảm xúc này. Việc tập thể dục hoặc thuốc men có thể giúp các em giảm bớt mức độ căng thẳng hoặc lo âu của các em không? Việc đi chơi với bạn bè hoặc ghi danh vào một lớp học trong viện giáo lý có thể làm giảm nỗi cô đơn không? Hãy xem xét điều các em đang vật lộn và những lựa chọn nào có thể là hữu ích cho các em.

Ngoài ra, chớ đánh giá thấp các công cụ thiêng liêng. Việc cầu nguyện, học thánh thư, phục vụ, và tham dự nhà thờ cùng đền thờ là những công cụ mạnh mẽ rất quan trọng trong việc giảm bớt những tác nhân gây kích thích và giúp các em luôn vững mạnh.

Phần 3: Lập kế hoạch về những gì các em sẽ làm khi cảm thấy bị cám dỗ. Đối với mỗi cảm giác bị cám dỗ, hãy viết xuống kế hoạch có nhiều bước của các em.

Ví dụ, khi có cảm giác bị cám dỗ, các em có thể nhanh chóng tắt điện thoại, không nhắn tin hoặc gọi điện cho ai đó, đi dạo hoặc tập thể dục, đọc từ Sách Mặc Môn hoặc làm bất cứ điều gì khác mà có thể giúp các em chuyển hướng những suy nghĩ của mình.

Viết xuống các bước mà hữu hiệu đối với các em! Đôi khi những cảm giác bị cám dỗ đó sẽ qua đi mà không cần phải đi qua tất cả các bước trong kế hoạch phòng ngừa của các em. Nhưng các bước của các em có thể giúp kéo các em ra khỏi giây phút bị cám dỗ. Một khi cảm giác bị cám dỗ qua đi, thì hãy cập nhật kế hoạch phòng ngừa của các em về điều gì đã là hữu hiệu và làm thế nào để nó có thể được sửa đổi để được hiệu quả hơn vào lần tới. Giữ nó ở một nơi nào mà các em có thể nhìn thấy nó hằng ngày.

flow chart part 2

5. Hiểu Sai Sót so với Tái Phạm

Sai sót là khi các em phạm lỗi, nhưng các em nhanh chóng khắc phục và dùng việc đó như là một kinh nghiệm học hỏi để cải thiện kế hoạch phòng ngừa của các em. Tái phạm là khi các em bỏ cuộc, sống thụ hưởng, và không quan tâm.

Hãy biết rằng sai sót là một phần của việc cải thiện kế hoạch phòng ngừa của các em. Đừng kết luận rằng các em đã mất tất cả sự tiến bộ hoặc tất cả công việc các em đã làm thì không quan trọng—vì điều đó thật sự quan trọng. Hãy hy vọng với một thái độ tích cực và biết rằng các em đang càng ngày càng tiến gần hơn đến sự bình phục.

Khi các em sai sót, thì hãy tự hỏi:

  • Điều gì đã xảy ra?

  • Tại sao tác nhân gây kích thích này lại khác biệt?

  • Gần đây các em có bị căng thẳng không? Các em cảm thấy như thế nào về mặt cảm xúc?

  • Việc không học thánh thư trong một thời gian có làm suy yếu các em không?

  • Gần đây các em đã không tập thể dục nhiều?

  • Có điều gì trong kế hoạch phòng ngừa của các em không hữu ích không?

  • Lần sau các em có thể làm gì khác?

Hãy viết xuống điều các em đang học được và cứ tiếp tục!

6. Hãy Tin nơi Quyền Năng Chữa Lành của Đấng Cứu Rỗi

Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp các em trong tiến trình hối cải càng ngày càng gia tăng, và Ngài có quyền năng giúp đỡ các em khi các em cố gắng khắc phục việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm. Ngài hiểu cảm nghĩ của các em và đang chờ đợi để nhận gánh nặng đó từ các em. Đừng nghĩ rằng việc tìm đến Ngài sẽ tăng thêm gánh nặng của Ngài. Ngài đã trả cái giá đó cho các em. Thay vì thế, hãy cố gắng hết sức mình, đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn và cầu xin Ngài giúp chữa lành các em, thay đổi những ham muốn của các em và ban thêm cho các em sức mạnh để tiến bước.

Như Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Khi chúng ta tiếp tục cố gắng vượt qua những thử thách của mình thì Thượng Đế sẽ ban phước cho chúng ta với các ân tứ về đức tin để được chữa lành và khả năng làm phép lạ. Ngài sẽ làm cho chúng ta điều mà chúng ta không thể tự mình làm được.”4

7. Đừng Làm Việc Này Một Mình

Sự kết nối và tình bằng hữu cũng có thể mang đến cho các em sức mạnh và giúp các em thành công. Các em nên có một người nào đó có thể giúp các em giữ cho mình có trách nhiệm giải trình và giúp đỡ các em qua những thăng trầm của các em. Họ nên hỗ trợ các em mà không phê phán các em. Và các em cũng có thể mang đến cho họ sự hỗ trợ tương tự. Hãy tìm kiếm lời khuyên từ các vị lãnh đạo của Giáo Hội hoặc những người trong gia đình của các em. Và nếu cần, một nhà trị liệu hoặc tư vấn chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần cũng có thể giúp các em khám phá ra những lý do tiềm ẩn tại sao các em có thể phải vật lộn với hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Hãy Nhớ Rằng Các Em Sẽ Là Các Bậc Cha Mẹ và Các Vị Lãnh Đạo Tương Lai

Các em là thế hệ đầu tiên có thể truy cập liên tục hình ảnh sách báo khiêu dâm 24/7. Tôi tin rằng thử thách này đang đạt đến cực điểm với thế hệ của các em vì các em sẽ có những công cụ và sự khôn ngoan tốt hơn để dẫn dắt người khác thoát khỏi cái bẫy này khi các em là các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo một ngày nào đó. “Cha Thiên Thượng không đặt chúng ta trên thế gian để thất bại mà là để thành công một cách vinh quang.”5

Mặc dù những lời khuyên này có thể giúp các em trong việc khắc phục việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm, nhưng cũng đừng sợ để sử dụng các phương tiện khác. Tiến trình bình phục của mỗi người mỗi khác. Hãy tìm điều giúp ích cho các em. Đừng bỏ cuộc. Tập trung vào từng điều một mỗi ngày. Các em có thể làm được. Các em thật sự có thể làm được (xin xem Phi Líp 4:13). Và các em sẽ trở thành người mà các em dự định sẽ trở thành.

Ghi Chú

  1. Chị Joy D. Jones giải thích sự khác biệt giữa giá trị và sự xứng đáng trong “Giá Trị quá Mức Đo Lường,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 14.

  2. Xin xem Wendy Ulrich, “Yếu Kém Không Phải Là Một Tội Lỗi,” Liahona, tháng Tư năm 2015, trang 23; “Shame versus Guilt: Help for Discerning God’s Voice from Satan’s Lies” (bài viết chỉ dành cho kỹ thuật số), Ensign, tháng Giêng năm 2020.

  3. Xin xem Dallin H. Oaks, “Khắc Phục Cạm Bẫy Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm,” Liahona, tháng Mười năm 2015, trang 52. Chủ Tịch Oaks mô tả sự phân biệt giữa các mức độ khác nhau của việc bị cuốn vào hình ảnh sách báo khiêu dâm: “(1) vô tình tiếp xúc, (2) thỉnh thoảng sử dụng, (3) thường xuyên sử dụng, và (4) bắt buộc sử dụng (thói nghiện).” Sẽ hữu ích cho các em để nhận ra rằng không phải ai sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm cũng bị “nghiện.” Luôn có hy vọng để khắc phục hình ảnh sách báo khiêu dâm bất kể các em đang bị thu hút ở mức độ nào.

  4. Ulisses Soares, “Hãy Vác Thập Tự Giá Mình,” Liahona, Tháng Mười Một năm 2019, trang 114.

  5. Richard G. Scott, “Learning to Recognize Answers to Prayer,” Ensign, tháng Mười Một năm 1989, trang 30.