“Giải Quyết Những Khó Khăn trong Các Mối Quan Hệ,” Liahona, tháng Một năm 2023.
Giải Quyết Những Khó Khăn trong Các Mối Quan Hệ
Những thử thách trong gia đình có thể được khắc phục nếu chúng ta sẵn lòng tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để thay đổi và cải thiện.
Việc giải quyết những khó khăn trong các mối quan hệ gia đình có thể thử thách chúng ta đến tận cùng giới hạn cảm xúc của mình. Là một chuyên gia trị liệu, tôi đã thấy nhiều trường hợp đau lòng. Nhưng tôi cũng đã chứng kiến các phước lành trong cuộc sống của những người đã đối mặt với những thử thách trong gia đình họ bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để cải thiện giao tiếp, gia tăng tình yêu thương và sự thấu hiểu, và cùng nhau thực hiện những thay đổi quan trọng. Với sự giúp đỡ của Chúa, họ đã tìm thấy sức mạnh để phát triển qua các vấn đề của họ.
Cách giao tiếp giống như Đấng Ky Tô có thể mang lại tình yêu thương và sự thấu hiểu
Cả anh Tom lẫn chị Joan (tên đã được thay đổi) đều đã mất đi người phối ngẫu của họ. Vợ của anh Tom qua đời vì bệnh ung thư, và chồng của chị Joan, vì thói nghiện ngập, đã chạy theo những mối quan hệ khác. Anh Tom và chị Joan gặp nhau tại một đại hội dành cho người độc thân và mong mỏi được kết hôn.
Mỗi người họ đều có con riêng, từ 15 tuổi trở xuống. Hai gia đình đã đi chơi với nhau vài lần, và cả anh Tom lẫn chị Joan đều có thể thấy được những vấn đề có thể xảy ra trong việc hòa hợp hai gia đình. Họ đến để được tư vấn một số ý kiến về cách giao tiếp lành mạnh, để tìm ra hướng đi cho chương mới này của cuộc đời họ.
Tôi đã đề nghị họ hãy xem lại sứ điệp về các hội đồng gia đình của Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Ông dạy rằng: “Con cái rất cần cha mẹ sẵn lòng lắng nghe chúng, và hội đồng gia đình có thể cung cấp một thời gian mà trong đó những người trong gia đình có thể học cách hiểu và yêu thương nhau.”1
Đối với các hội đồng gia đình của họ, họ đã quyết định những điều cần làm sau đây:
-
Xác định vấn đề.
-
Đóng góp bất kỳ giải pháp nào.
-
Chọn một kế hoạch.
-
Thực hiện kế hoạch.
-
Đánh giá mức độ thành công của kế hoạch này vào tuần kế tiếp và thảo luận lại kế hoạch nếu cần thiết.
Ngoài việc cả gia đình cùng hội ý với nhau, anh Tom và chị Joan đã học được rằng khi căng thẳng trong mối quan hệ lên cao, thì có thể cần phải học cách cải thiện giao tiếp giữa hai người với nhau.
Anh Tom và chị Joan đã học được một vài phương thức mà đã giúp họ cải thiện khả năng giao tiếp và mối quan hệ của họ với con cái.
-
Cha mẹ cùng nhất trí tìm ra giải pháp cho các vấn đề với con cái.
-
Nếu một đứa trẻ gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ hằng ngày của mình, thì cha hoặc mẹ nên dành thời gian với chúng, thảo luận về ngày đó trong khi hỗ trợ chúng hoàn tất nhiệm vụ.
-
Họ dành thời gian mỗi tuần để phát triển mối quan hệ của họ với mỗi đứa con.
-
Họ đã xác định trước rằng họ sẽ tạm dừng khi phần não “cảm xúc” (đang hét lên) lấn át phần não “lý trí”, là phần não tập trung vào việc giải quyết vấn đề (thảo luận).
-
Bất cứ khi nào có cuộc tranh giành quyền kiểm soát giữa cha mẹ và con cái, thì cha mẹ cần rời khỏi cuộc tranh luận ngay khi được ấn tượng để làm vậy, và hãy quay trở lại sau để thảo luận về một giải pháp mới.
Khi gia đình họ cố gắng hết sức để giải quyết các vấn đề khó khăn trong mối quan hệ một cách cách trung tín, lành mạnh—như là trao đổi về những thử thách của họ và cùng nhau giải quyết—anh Tom và chị Joan đã nhận thấy sự tiến triển quan trọng ở con cái cũng như bản thân họ.
Sự thấu hiểu và yêu thương mang chúng ta lại gần nhau hơn
Khi con cái trưởng thành, không phải lúc nào chúng cũng đưa ra những lựa chọn mà chúng ta mong muốn. Chúng ta giải quyết những tình huống như thế bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta có thể duy trì hoặc thậm chí củng cố các mối quan hệ của mình để chúng ta có thể tiếp tục hỗ trợ và có ảnh hưởng ngay chính trong cuộc sống của chúng?
Bà Terry và ông Bruce đến văn phòng của tôi ngay sau khi bà Terry và con trai của họ, Seth, có một cuộc tranh cãi qua điện thoại. Seth đã đi học xa ba năm. Anh ấy bị bệnh nặng và vẫn phải được bác sĩ theo dõi. Vì chứng bệnh của mình, nên anh ấy không đi phục vụ truyền giáo. Bà Terry và ông Bruce không biết chứng ngôn của con mình nằm ở mức độ nào, thậm chí cả việc anh ấy có tham dự nhà thờ hay không. Họ lo lắng rằng Jolyn, cô bạn gái mới của Seth, không phải là người ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của Seth như họ mong mỏi. Cả hai ông bà đều buồn khổ về con đường mà con trai đang theo.
Khi nói về những gì mà họ có thể làm, chúng tôi đã thảo luận câu chuyện ngụ ngôn về con chiên đi lạc. Người chăn chiên có lẽ đã nghe thấy tiếng kêu rên của con chiên trước khi tìm thấy nó, yêu thương nó, và mang nó trở lại đàn chiên (xin xem Lu Ca 15:6). Bà Terry và ông Bruce nhận ra rằng họ không thể thay đổi Seth, nhưng họ quyết định cố gắng lắng nghe anh ấy, yêu thương anh ấy, và gọi mời anh ấy về nhà. Họ không thể chọn người vợ hoặc con đường đời thay cho anh, nhưng họ có thể nhắc nhở anh về tình yêu thương của gia đình dành cho anh và cho phúc âm.
Bà Terry đã gọi cho Seth và xin lỗi về cuộc tranh cãi ấy. Bà chỉ lắng nghe khi anh nói với bà rằng anh cảm thấy xấu hổ vì không đi phục vụ truyền giáo. Anh đã tự hỏi làm sao anh có thể hẹn hò với một cô gái trong nhà thờ. Họ mời Seth và Jolyn về nhà trong một kỳ nghỉ ở trường.
Seth và Jolyn đã đến. Các chị em của Seth xúm xít quanh cặp đôi này. Cả cha mẹ đều thích có Seth về thăm nhà và họ cũng nói điều này với anh. Bà Terry và ông Bruce liên lạc với Seth thường xuyên hơn. Bà Terry nhắn tin vài lần một tuần. Cả gia đình họp trực tuyến vào mỗi Chủ Nhật. Cha của Seth dành thời gian chơi gôn và đi câu cá với anh. Tuy chậm, nhưng Seth đã dần hòa hợp lại với gia đình. Cuối cùng, Seth đã quyết định rằng con đường Jolyn đã chọn không phù hợp với anh. Về sau, anh kết hôn với một người phụ nữ tuyệt vời và làm phép báp têm cho cô.
Bà Terry và ông Bruce đã tìm được con chiên đi lạc của họ bằng cách lắng nghe, yêu thương, và mời anh trở lại với đàn chiên.
Cùng nhau cố gắng để thay đổi có thể củng cố các mối quan hệ và thúc đẩy sự phát triển
Chị Marie và chồng của chị, anh David, đã kết hôn được nhiều năm và được kính trọng trong cộng đồng tín hữu của họ. Nhưng rồi một ngày nọ, anh David không hề hay biết là chị Marie đã biết được rằng anh đã có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác.
Chị Marie đến văn phòng tôi với mớ cảm xúc rối bời đan xen giữa tức giận, đau buồn, và chua xót. Khi thổn thức kể lại câu chuyện của mình, chị biết mình phải nói cho anh David biết cảm nhận của chị nhưng không được giận dữ, để được Thánh Linh ở cùng họ.
Sau khi thành tâm chuẩn bị, chị nói với anh David rằng chị yêu anh nhưng chị suy sụp khi biết về mối quan hệ của anh với một người phụ nữ khác. Họ sẽ cần phải gặp vị giám trợ và xem xét cuộc hôn nhân của mình. Anh David không muốn mất vợ và gia đình. Với sự giúp đỡ của vị giám trợ, anh bắt đầu tiến trình hối cải.
Chị Marie biết có những điều mà mỗi người họ sẽ cần phải làm để được chữa lành cho cá nhân và cho mối quan hệ vợ chồng của họ. Chị Marie yêu cầu anh David sang ở nhà cha mẹ của anh một thời gian trong thời gian chị cân bằng lại cảm xúc của mình. Chị dành thời gian ở đền thờ, cầu xin Chúa giúp đỡ. Chị vẫn tiếp tục điều trị tâm lý, củng cố các kỹ năng giao tiếp và học cách đặt ra các giới hạn thích hợp.
Chị Marie và anh David đã cùng nhau:
-
Đọc thánh thư hằng đêm.
-
Cầu nguyện.
-
Đã chia sẻ những việc diễn ra trong mỗi ngày.
-
Có buổi tối hẹn hò mỗi tuần một lần.
Họ trò chuyện cởi mở hơn. Chị Marie nói những điều chị ấy nghĩ, và anh David lắng nghe. Họ bắt đầu trò chuyện với nhau như thời họ mới kết hôn.
Chị Marie kể rằng không phải chỉ mình anh David là người đã thay đổi; mà chính chị ấy cũng thay đổi. Chị cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn vào bản thân mình. Anh David vẫn tiếp tục hối cải và đã trở về nhà của họ.
Việc mời Chúa vào cuộc sống hằng ngày của họ đã mang lại sự tin tưởng và yêu thương nhiều hơn cho mối quan hệ của họ. Cả hai đều cảm thấy rằng nỗ lực để vượt qua thử thách này với sự giúp đỡ của Chúa đã tiếp thêm sức mạnh cho họ.
Lời của Đấng Ky Tô sẽ hướng dẫn chúng ta
Khi dàn xếp về các mối quan hệ khó khăn trong gia đình, cầu xin cho tất cả chúng ta đều nhớ hội ý với Chúa. Đôi khi Ngài sẽ phán bảo chúng ta điều phải làm. Đôi khi chúng ta có thể lựa chọn. “Điều không đúng cho ta khi phải ra lệnh về mọi việc”.(Giáo Lý và Giao Ước 58:26). Nhưng có những lúc, chúng ta phải nương cậy hoàn toàn nơi Chúa. Nếu chúng ta giữ một quan điểm vĩnh cửu, thì các của cải vĩnh cửu sẽ thuộc về chúng ta, “rồi mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho [chúng ta]” (Giáo Lý và Giao Ước 90:24).