“Cháu Đã Ở Đâu?,” Liahona, tháng Một năm 2023.
Tiếng Nói của Thánh Hữu Ngày Sau
Cháu Đã Ở Đâu?
Tôi đã phải chấp nhận kỳ định và mục đích của Thượng Đế khi tôi học cách yêu thương bà ngoại của mình như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương bà.
Khi tôi gõ cửa nhà bà, bà đã đáp lại bằng câu hỏi: “Cháu à, cháu đã ở đâu?”. Tôi vừa trở về từ công việc truyền giáo toàn thời gian ở El Salvador. Đôi mắt bà chan chứa niềm vui khi gặp lại tôi. Đôi cánh tay bà mềm mại và ấm áp khi bà ôm choàng lấy cổ tôi.
Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thật vui khi tôi trả lời các câu hỏi của bà về công việc truyền giáo của mình. Tôi cảm thấy xúc động khi nói với bà về những người tôi đã gặp, về thức ăn, sự vất vả, và các phép lạ trong công việc truyền giáo của tôi. Sau khi tôi kết thúc, bỗng dưng bà trở nên yên lặng. Rồi bà hỏi: “Cháu à, cháu đã ở đâu?”
Rõ ràng là bà đã không lắng nghe. Vậy nên chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện của mình một lần nữa. Chỉ 20 phút sau, bà lại hỏi lần thứ ba: “Cháu à, cháu đã ở đâu?”
Có điều gì đó không ổn ở đây. Chẳng bao lâu tôi biết được rằng khoảng một năm sau khi tôi đi truyền giáo, bà ngoại tôi được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer.
Tôi cảm thấy có một ước muốn lớn lao để giúp Bà Ngoại. Trong hai năm, tôi đã thuyết giảng về tình yêu thương mà Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Giờ đây tôi có cơ hội để sống theo những lời giảng dạy đó. Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi đã đề nghị chuyển đến sống cùng bà để tôi có thể giúp bà.
Những tháng đầu tiên là khó khăn nhất. Giống như trong công việc truyền giáo, việc kiên nhẫn và kiềm chế cảm giác bực bội chiếm toàn bộ thời gian. Và cũng như trong công việc truyền giáo của mình, tôi đã phải chấp nhận kỳ định và mục đích của Thượng Đế khi tôi học cách yêu thương bà ngoại của mình như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương bà.
Việc sống với Bà Ngoại đôi khi giống như sống với ba người khác nhau. Đôi khi bà không thể chịu đựng được việc có một người nào khác trong nhà. Đôi khi bà muốn có được sự chăm sóc và quan tâm của tôi, để bà cảm thấy hạnh phúc vì bà không đơn độc. Đôi khi tất cả những gì bà có thể nghĩ đến là cho đứa cháu trai mới vừa trở về từ công việc truyền giáo ăn gì. “Đừng làm điều đó!” có thể nhanh chóng chuyển thành “Tại sao con không làm điều đó?”
Tuy nhiên, bà ngoại là một phước lành lớn lao đối với tôi. Tôi biết rằng ngoại trừ căn bệnh của bà, thì mọi điều bà làm cho tôi là vì bà yêu thương tôi.
Những lời nói ngọt ngào và chân thành nhất của bà ngoại tôi đều dành cho tôi mỗi lần tôi đi học hay đi làm về. Với ánh nhìn ấm áp, bà ôm lấy tôi, hôn má tôi, và trìu mến hỏi: “Cháu à, cháu đã ở đâu?”