“Những Cuộc Trò Chuyện Thiết Yếu trong Gia Đình,” Liahona, tháng Một năm 2023.
Những Cuộc Trò Chuyện Thiết Yếu trong Gia Đình
Những cuộc trò chuyện thiết yếu sẽ giúp con cái của chúng ta biết điều chúng tin tưởng và lý do chúng tin tưởng điều đó.
Một cậu con trai nhờ cha mình dạy cho cậu ấy leo núi. Người cha đã dạy tất cả những điều cần thiết, kể cả cách hoạch định, sự an toàn, sự chuẩn bị, và thiết bị. Cậu con trai hỏi khi nào họ sẽ nói về những điều cần phải làm trong trường hợp khẩn cấp. Người cha nói rằng ông không muốn làm cho con trai mình sợ và cuộc trò chuyện này có thể chờ cho đến lúc cần thiết.
Họ đã hoàn tất khóa huấn luyện của mình và bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên leo lên đỉnh Rainier gần Seattle, Washington. Họ đã có khởi đầu thuận lợi về điều kiện thời tiết lẫn trải nghiệm tuyệt vời cho đến khi thời tiết chuyển xấu, và họ sớm nhận ra một trận tuyết lở đang ập tới trước mặt.
Họ không biết phải làm gì vì họ chưa từng thảo luận về điều đó. Cậu con trai hỏi cha mình: “Cha ơi, bây giờ con có sẵn sàng cho cuộc trò chuyện về những điều cần phải làm trong trường hợp khẩn cấp chưa?”
Những cuộc trò chuyện thiết yếu—trong sự an toàn của mái gia đình chúng ta—có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho những trận tuyết lở của cuộc đời.
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói “lẽ thật vĩ đại đầu tiên trong vũ trụ là Thượng Đế yêu thương chúng ta.”1 Những lời của ông nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu thương là nền tảng cho suốt thời vĩnh cửu và cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Với tình yêu thương đó làm tiền đề, thì những cuộc trò chuyện và sự kết nối mà chúng ta có với gia đình của mình là điều thiết yếu.
Là một người chồng, người cha, cố vấn học đường, và là cố vấn sức khỏe tâm thần được cấp giấy phép, tôi đã thấy rằng những cuộc trò chuyện trong gia đình rất quan trọng và không nên bị trì hoãn. Joy D. Jones, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nhi đã nói: “Chúng ta không thể đợi cho những cuộc trò chuyện vô tình xảy ra với con cái mình. … Hãy cân nhắc giá trị các cuộc trò chuyện trong gia đình về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, những cuộc trò chuyện thiết yếu, … có thể mời Thánh Linh đến.”2
Những cuộc trò chuyện thiết yếu là gì?
Chị Jones đã định nghĩa những cuộc trò chuyện thiết yếu là “những cuộc trò chuyện giản dị, đầy quan tâm [mà] có thể giúp con cái [và mỗi người chúng ta] không chỉ biết điều gì chúng tin tưởng, mà quan trọng nhất là, lý do mà chúng tin tưởng điều đó.”3 Một từ mà tôi yêu thích trong định nghĩa này là từ giản dị. Cuộc đối thoại của chúng ta không cần phải sâu sắc hay phức tạp hoặc thậm chí phải được hoạch định. Thực ra, một số cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất chúng ta sẽ có thì không thể nào được hoạch định trước, ngoài việc chuẩn bị bằng cách luôn có Thánh Linh ở cùng chúng ta để giúp đỡ chúng ta.
Chị Jones nói thêm: “Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên không phải là một nguyên tắc trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc trở nên giống Đấng Cứu Rỗi của chúng ta sẽ không xảy đến tình cờ.”4 Nó xảy ra dần dần, theo thời gian và nỗ lực có chủ đích.
Các cuộc trò chuyện thiết yếu nên diễn ra bao lâu một lần?
Chúng ta nên trò chuyện với con cái mình hằng ngày. Chúng ta càng có nhiều những cuộc trò chuyện thiết yếu thường xuyên, thì những cuộc trò chuyện ấy càng trở nên bình thường, tự nhiên, và đầy soi dẫn hơn.
Cách tệ nhất để có những cuộc trò chuyện thiết yếu là không trò chuyện! Chúng ta thường nghĩ rằng đó không phải là thời điểm thích hợp, quá phức tạp, hoặc con cái chúng ta sẽ không hiểu đâu. Chúng ta không muốn xúc phạm hay nói điều sai hoặc làm cho người nào đó cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, ít ra việc cố gắng để có một cuộc trò chuyện vẫn tốt hơn là không nói gì cả.
Làm thế nào để chúng ta có những cuộc trò chuyện thiết yếu với con cái mình?
Công thức đơn giản mà tôi đã khám phá ra để có những cuộc trò chuyện thiết yếu là yêu thương, lắng nghe, và thay đổi. Mặc dù chúng ta có thể không hoàn hảo trong bất kỳ điều nào kể trên, nhưng chúng ta có thể cố gắng tuân theo mẫu mực đó một cách kiên định.
Yêu thương: Nếu tình yêu thương không là nền tảng và không được áp dụng, thì chúng ta không thể có những cuộc trò chuyện thiết yếu hiệu quả nhất. Tình yêu thương là động lực để chúng ta làm tất cả mọi việc trong gia đình mình. Con cái chúng ta cần cảm thấy an toàn khi kết nối với chúng ta, và tình yêu thương mang lại bầu không khí quan trọng đó. Chúng ta có thể luôn cho thấy tình yêu thương. Chúa Giê Su Ky Tô đã cho chúng ta thấy cách làm điều đó.
Chị Jones nói: “Khi nuôi dưỡng và chuẩn bị con cái mình, chúng ta cho phép chúng có quyền tự quyết, chúng ta yêu thương chúng với hết lòng mình, chúng ta dạy chúng những giáo lệnh của Thượng Đế và ân tứ của Ngài về sự hối cải, và chúng ta, không bao giờ, từ bỏ chúng. Suy cho cùng, đây chẳng phải là cách thức của Chúa với mỗi người chúng ta đó sao?”5
Lắng nghe: Tôi đã học được từ những sai lầm của chính mình rằng chủ động lắng nghe là một phần quan trọng trong bất cứ cuộc trò chuyện thiết yếu nào. Phần lắng nghe cần phải được thực hiện trước và nhiều gấp đôi phần nói. Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo nhất về cách để có những cuộc trò chuyện thiết yếu và chủ động lắng nghe. Chúng ta học được trong Giăng 8 rằng khi những người Pha Ri Si đưa người đàn bà bị bắt phạm tội tà dâm đến chỗ Ngài, thì những điều đầu tiên Ngài nói với người đó là những câu hỏi: “Những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao?” (câu 10). Để giúp sự học tập thiết yếu diễn ra, Ngài đã đặt câu hỏi và lắng nghe trước khi giảng dạy.
Thay đổi: Một khi chúng ta đã yêu thương, lắng nghe, và kết nối, thì chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Chúng ta có cần phải hối cải, giảng dạy, lắng nghe nhiều hơn, phục vụ, xin lỗi, tha thứ không? Những cuộc trò chuyện thiết yếu sẽ tạo cơ hội cho chúng ta thay đổi. Hy vọng rằng chúng ta luôn cố gắng để được giống như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói, “mỗi ngày tốt hơn một chút.”6
Làm thế nào để chúng ta có thể có những cuộc trò chuyện thiết yếu thường xuyên hơn?
Anh chị em sẽ được hướng dẫn bởi sự mặc khải về điều gì là hiệu quả cho gia đình mình. Hãy xem xét những đề nghị này từ kinh nghiệm của gia đình chúng tôi:
Học thánh thư chung với gia đình: Khi tôi hỏi con cái mình về điều hữu hiệu nhất chúng tôi làm để giúp chúng có những cuộc trò chuyện về phúc âm, thì chúng nói rằng đó là cùng nhau học thánh thư mỗi buổi tối bằng cách sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta.
Buổi họp chia sẻ chứng ngôn của gia đình vào mỗi ngày Chủ Nhật nhịn ăn: Đó không phải là một buổi họp chứng ngôn trang trọng mà là thời gian để mỗi người trong gia đình chúng tôi chia sẻ những cảm nghĩ, niềm tin, những khó khăn, và thành công. Vợ chồng tôi luôn cố gắng làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Buổi họp này đã trở thành một trong những kinh nghiệm có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong nhà chúng tôi.
Bữa ăn tối gia đình: Khi chúng tôi nói: “Mấy giờ rồi?” trong bữa ăn tối, thì bọn trẻ đều biết là đã đến lúc mỗi người chia sẻ một điều đã diễn ra tốt đẹp và một điều chúng ước đã có thể tốt hơn vào ngày đó. Điều đó thường dẫn đến những lời bày tỏ lòng biết ơn, tình yêu thương, đôi khi là sự thất vọng, và thường dẫn đến những cuộc chuyện trò tràn ngập phúc âm mà không thể có được bằng bất cứ cách nào khác.
Những cuộc trò chuyện riêng với nhau: Tôi trân trọng thời gian mỗi tháng vào ngày Chủ Nhật nhịn ăn để ngồi cùng với từng đứa con của mình, cầu nguyện cho chúng với tên của chúng, nhìn vào mắt chúng, và đặt ra các câu hỏi cho chúng. Tôi cố gắng lắng nghe và kết nối với những cảm nghĩ và nhu cầu của chúng. Ban đầu có thể rất lạ đối với chúng, nhưng giờ thì chúng sẽ nhớ nếu chúng tôi không làm điều đó. Tôi hy vọng chúng biết rằng thời gian của tôi dành chúng quan trọng hơn bất cứ điều gì khác và tôi muốn có những cuộc trò chuyện thiết yếu với chúng hằng ngày.
Đánh giá mục tiêu: Chúng tôi đặt ra các mục tiêu cá nhân, mục tiêu chung của cả hai vợ chồng, và của cả gia đình vào mỗi tháng Một. Sau đó, chúng tôi thảo luận về sự phát triển và tiến triển của chúng tôi trong những mục tiêu đó vào mỗi tháng trong một buổi học thánh thư hoặc một bài học trong buổi họp tối gia đình. Việc này dẫn đến những cuộc trò chuyện thiết yếu.
Sự phối hợp của hai vợ chồng hoặc cha mẹ: Mỗi tối Chủ Nhật, khi vợ chồng tôi xem lại thời gian biểu hằng tuần của mình, chúng tôi cũng hỏi han cảm xúc của nhau và những điều mà chúng tôi đang gặp khó khăn hoặc cần được giúp đỡ. Chúng tôi có những cuộc trò chuyện thiết yếu về cuộc sống hôn nhân của mình và về mỗi đứa con của chúng tôi và về điều chúng tôi cần phải làm để lòng mình tiếp tục thấm nhuần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Vợ tôi là một người biết lắng nghe tốt hơn tôi và giỏi hơn nhiều trong việc giúp chúng tôi luôn được cân bằng và tập trung vào con đường giao ước. Tôi học được rất nhiều từ cô ấy và thật phước lành biết bao khi cô ấy đã chọn tôi cho thời vĩnh cửu.
Gia đình chúng tôi không hoàn hảo trong việc thực hiện tất cả những điều này, nhưng chúng tôi nỗ lực hết mình và tiếp tục cố gắng.
Chuẩn bị sẵn sàng trước khi trận tuyết lở ập đến
Đừng chờ cho đến khi những trận tuyết lở của cuộc đời đến gần mối quan hệ hôn nhân, con cái, hoặc các mối quan hệ khác của anh chị em. Chắc chắn nó sẽ đến, chúng ta chỉ không biết khi nào mà thôi. Những cuộc trò chuyện thiết yếu về phúc âm và những vấn đề khác chỉ chuẩn bị chúng ta tốt nhất nếu chúng diễn ra một cách có chủ đích và thường xuyên.
Việc ở bên vợ con và gia đình mình cho thời vĩnh cửu là mục tiêu lớn nhất của tôi và là mục đích của mọi điều tôi làm, kể cả mỗi cuộc trò chuyện thiết yếu.
Như tất cả chúng ta, tôi cũng có thiếu sót, nhưng qua quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải, tôi được nâng đỡ. Đấng Cứu Rỗi đã hứa sẽ củng cố chúng ta bằng quyền năng của Ngài và niềm hy vọng hết sức xán lạn mà Ngài ban cho chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Ngài. Chúng ta không cần phải hoàn hảo, nhưng chúng ta cần phải cố gắng để cải thiện! Mỗi người chúng ta đều có quyền năng đó dành sẵn cho mình. Anh chị em sẽ không thất bại đâu. Thành công luôn nằm trong sự nỗ lực.
Chủ Tịch Nelson đã hứa rằng “khi chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình thì anh chị em sẽ tự mình cảm nhận rằng Thượng Đế của chúng ta là ‘một Thượng Đế có nhiều phép lạ’ [Mặc Môn 9:11].”7 Điều đó có thể bao gồm việc để cho Thượng Đế ngự trị trong những cuộc trò chuyện thiết yếu của chúng ta. Tất cả mọi việc đều có thể thực hiện được qua Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, kể cả những cuộc trò chuyện thiết yếu này. Tình yêu thương luôn luôn là câu trả lời của Ngài!
Tác giả sống ở Washington, Hoa Kỳ.