“Khi Anh Chị Em Biết Mình Mắc Bệnh Mãn Tính,” Liahona, tháng Một năm 2023.
Tuổi Già Trung Tín
Khi Anh Chị Em Biết Mình Mắc Bệnh Mãn Tính
Việc đối phó với nghịch cảnh hằng ngày có thể giúp chúng ta phát huy lòng trắc ẩn, sự thấu cảm và tính kiên cường.
Trước khi qua đời vì một căn bệnh gây suy nhược sức khỏe, mẹ tôi thường mỉm cười và nói: “Không một ai trong chúng ta có thể từ giã cuộc sống này mà không trải qua cái chết, vậy nên chúng ta có thể tận dụng tối đa những gì mình có.”
Đó là vào những ngày vui vẻ của bà. Và trong cuộc đời của bà, bà đã có nhiều ngày vui vẻ.
Nhưng bà cũng có những ngày không vui lắm. Vào những ngày đó, bà nói: “Hãy đón nhận những điều xảy đến với con và xem liệu con vẫn có thể làm một số điều tốt lành trên thế gian không.”
Trên toàn cầu, con người ta đang sống thọ hơn so với trước đây.1 Mặc dù chúng ta đang sống thọ hơn, nhưng chúng ta cũng có nhiều khả năng mắc một căn bệnh mãn tính như: tiểu đường, Parkinson, ung thư, trầm cảm, bệnh Alzheimer, và cả một danh sách dài dằng dặc. Vì vậy, khi biết mình mắc bệnh mãn tính, thì anh chị em nên đối phó như thế nào?
Tiến Bước với Đức Tin
Có một người bị bắt buộc phải nghỉ làm do thương tật và vợ ông phải đi làm trở lại để hỗ trợ cho gia đình, đã nói: “Hãy cứ dũng cảm đối mặt thực tế, dù anh chị em không thể kiểm soát nó.” Ông tin rằng việc chúng ta thường xuyên khoác lên mình một bộ mặt hạnh phúc khiến chúng ta không thể hiểu được cảm xúc hoặc cải thiện quan điểm của mình. Ông nói: “Thay vì tiến bước với đức tin, chúng ta lại trì trệ khi chờ đợi một phép lạ hoặc ta thán khi điều đó không xảy ra.” Ông đối phó bằng cách nghe thánh thư và các bài nói chuyện trong đại hội trung ương và trò chuyện thăm hỏi bạn bè và gia đình qua điện thoại.
Một chị phụ nữ có chồng mắc bệnh mãn tính nói: “Chính sự bình thường với mỗi ngày lặp đi lặp lại mới khiến tôi chán chường”. Bà nói tiếp: “Sức khỏe của chồng tôi sẽ chẳng thể cải thiện đâu. Tôi chấp nhận điều đó. Nhưng sự nhàm chán của các công việc thường nhật, vặt vãnh khiến tôi mệt mỏi về tinh thần, thể chất và thuộc linh.” Bà biết ơn những lần thăm viếng của các chị em phục sự. “Khi họ đến, điều đó thực sự khiến cả ngày hôm đó của tôi tươi sáng hơn.”
Một bác lớn tuổi khác nói: “Đôi khi, vợ chồng tôi hay quên trước quên sau và trở nên cáu kỉnh với nhau.” “Chúng tôi cảm thấy bực bội vì quá đãng trí, và đặc biệt hối tiếc sau khi buông ra những lời giận dữ với nhau.” Họ đã học cách ghi chú để giúp họ ghi nhớ. Họ cho nhau thời gian để bình tĩnh lại trước khi nói. “Và,” ông nói, “chúng tôi đã học được thêm về tầm quan trọng của những câu như: ‘Cảm ơn em,’ và ‘Anh yêu em.’”
Một cặp vợ chồng cao niên khác sống nhờ vào nguồn thu nhập cố định cho đến khi giá thuốc của họ tăng gấp đôi. Nhờ những người trong gia đình và tiểu giáo khu của họ, mà nhu cầu của họ đã được giải quyết. Ông nói: “Lúc đầu, chúng tôi cảm thấy ngượng khi xin sự giúp đỡ, nhất là từ con cái của mình”. “Nhưng mọi người đều mong muốn được hỗ trợ.”
Những Đề Nghị và Kinh Nghiệm
Sau đây là một số đề nghị và kinh nghiệm từ những người đang đối phó với bệnh mãn tính:
-
Những người tìm đến Đấng Cứu Rỗi sẽ tìm thấy hy vọng. Một cụ ông bị mắc hội chứng suy nhược mãn tính (CFS) nói: “Tôi nghĩ rằng không ai có thể hiểu được những gì tôi đang trải qua”. “Rồi một ngày Chủ Nhật nọ trong khi dự phần Tiệc Thánh, tôi nhận ra rằng Đấng Cứu Rỗi hiểu được nỗi đau của tôi. Tôi biết mình có thể chịu đựng bằng cách đến gần Ngài.” (Xin xem An Ma 7:11–12; Giáo Lý và Giao Ước 121:8; 122:8.)
-
Lòng trắc ẩn gia tăng ở những người biết “kiên trì chịu đựng” (Giáo Lý và Giao Ước 121:8). “Chúng ta tìm đến ai trong những ngày đau buồn và tai ương để được giúp đỡ và an ủi? … Họ là những người nam và người nữ đã chịu đau khổ, và từ kinh nghiệm đau khổ của mình, họ hình thành nên khả năng thấu hiểu và an ủi quý báu như là một phước lành cho những người đang hoạn nạn. Liệu họ có thể làm được điều này nếu chính họ không chịu đau khổ không?”2
-
Cố gắng từng ngày một. “Cách đây vài năm, cơn đau dữ dội đến nỗi tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy muốn tự tử,” một cụ bà mắc bệnh đa xơ cứng (MS) nói. Bà đã đi khám sức khỏe tâm thần tại một bệnh viện. Trong quá trình tư vấn, phương châm của bà không phải chỉ “kiên trì đến cùng” (1 Nê Phi 22:31) mà là “kiên trì cho đến cuối ngày.”
-
Phát triển những sở thích mới và tìm ra những cách thức mới để phục vụ. Thay vì đau buồn về những gì anh chị em không thể làm được nữa, thì hãy khám phá những đam mê mới. Một phụ nữ cao niên mắc chứng đa xơ cứng nhận thấy rằng bà không thể làm được những điều mà trước đây mình yêu thích, như cưỡi ngựa hoặc chơi bóng mềm. Thay vào đó, bà ấy học thư pháp. Giờ đây bà dùng tài năng mới được phát triển của mình để tạo ra các quyển Sách Mặc Môn được viết tay tuyệt đẹp cho gia đình mình.
Khi bệnh mãn tính trở thành một phần của cuộc sống, thì đó quả thật là một thử thách. Nhưng với đức tin, hy vọng nơi Đấng Ky Tô, và một ước muốn để tiếp tục phục vụ, thì việc đối phó với nghịch cảnh hằng ngày có thể giúp chúng ta phát triển lòng trắc ẩn, sự cảm thông và tính kiên cường.
Tác giả hiện đang sống ở Utah, Hoa Kỳ.