Lớp Giáo Lý
Đánh Giá Việc Học Tập của Em 1: 1 Nê Phi 1–15


“Đánh Giá Việc Học Tập của Em 1: 1 Nê Phi 1–15” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Đánh Giá Việc Học Tập của Em 1: 1 Nê Phi 1–15” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Đánh Giá Việc Học Tập của Em 1

1 Nê Phi 1–15

Đọc Thánh Thư ở Châu Phi

Bài học này nhằm giúp em đánh giá những mục tiêu đã đặt ra và sự phát triển cá nhân em đã có được cho đến nay khi học Sách Mặc Môn.

Giúp học viên đánh giá việc học tập của các em.Cho học viên cơ hội đánh giá việc học tập của các em. Một cách là mời các em chia sẻ cách các em đã trưởng thành hoặc phát triển nhờ sự học tập và đức tin của mình.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ một điều các em đã học được từ Sách Mặc Môn cho đến nay mà giúp các em cảm thấy gần gũi hơn với Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học này nhằm giúp học viên đánh giá các mục tiêu các em đã đặt ra, khả năng giải thích những lời giảng dạy trong Sách Mặc Môn, hoặc thái độ, mong muốn và khả năng sống theo phúc âm của các em đang thay đổi như thế nào. Lớp của anh chị em khi học về 1 Nê Phi 1–15 có thể đã nhấn mạnh những lẽ thật khác với những lẽ thật trong các sinh hoạt sau đây. Nếu vậy, có thể cần điều chỉnh các sinh hoạt để gồm vào những lẽ thật đó.

Nghiên Cứu Sách Mặc Môn Hằng Ngày

Phần này nhằm giúp học viên đánh giá cách các em đang thực hiện những mục tiêu học tập thánh thư của cá nhân mình và cảm nhận được giá trị và tầm quan trọng của việc nghiên cứu Sách Mặc Môn.

  • Một số việc em làm hằng ngày hoặc hằng đêm là gì?

Học viên có thể trả lời bằng các câu như đánh răng, ăn, ngủ, v.v.

  • Điều gì có thể xảy ra nếu em bỏ qua những sinh hoạt này một ngày hay lâu hơn?

  • Tại sao việc nghiên cứu thánh thư hằng ngày là điều chúng ta nên cố gắng thực hiện?

Trưng ra phần tự đánh giá sau. Học viên có thể suy ngẫm về câu trả lời của mình một cách riêng tư hoặc ghi lại câu trả lời trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

Hãy chọn một trong những điều sau đây để mô tả việc học Sách Mặc Môn hằng ngày của em đang diễn ra như thế nào:

  1. Việc học của tôi có ý nghĩa và luôn đều đặn.

  2. Mỗi lần tôi học thì đều tốt nhưng tôi không học thường xuyên.

  3. Tôi luôn học tập đều đặn nhưng không học hỏi được gì nhiều.

  4. Tôi đang gặp khó khăn để hiểu những điều mình đọc và hiếm khi tự học.

  5. Tôi đã không làm bất cứ điều gì để hướng tới một mục tiêu học tập thánh thư.

  6. Lựa chọn khác: giải thích câu trả lời của em.

Việc có những trở ngại khi thực hiện một mục tiêu hằng ngày như thế này là lẽ tự nhiên. Điều quan trọng là hãy tiếp tục cố gắng.

Cân nhắc viết những trở ngại của học viên lên trên bảng và mời cả lớp thảo luận về cách các em đã hoặc có thể đối phó với những trở ngại này.

  • Điều gì em cảm thấy tốt khi học Sách Mặc Môn? Em muốn làm điều gì tốt hơn hoặc khác đi?

Cân nhắc lựa chọn một hoặc nhiều sinh hoạt sau đây để giúp học viên cảm nhận được giá trị và lẽ thật của Sách Mặc Môn.

Suy nghĩ và cảm nhận của cá nhân về Sách Mặc Môn

Sinh hoạt 1: Buổi chia sẻ chứng ngôn

Nếu em phải đưa ra chứng ngôn của mình trong lễ Tiệc Thánh về Sách Mặc Môn, thì em sẽ nói gì để truyền đạt những cảm nghĩ của mình?

Sinh hoạt 2: Tại sao em học tập?

Hãy tưởng tượng rằng em đang nghiên cứu Sách Mặc Môn thì em của em bước vào và hỏi: “Anh/Chị đang đọc gì vậy?” Em trả lời: “Sách Mặc Môn.” Em của em hỏi: “Tại sao vậy ạ?” Viết hai hoặc ba câu mô tả những điều em có thể nói với em của mình để giúp em ấy hiểu lý do tại sao em chọn học Sách Mặc Môn.

Sinh hoạt 3: Một bài đăng trên mạng xã hội

Một người bạn viết bài đăng trên mạng xã hội như sau: “Gần đây tôi đã bắt đầu đọc Sách Mặc Môn và tôi rất thích sách này! Bất kỳ người nào trong số bạn đã từng đọc Sách Mặc Môn, vui lòng chia sẻ câu yêu thích của bạn với tôi và giải thích ngắn về lý do tại sao bạn thích câu đó?”

Đây có thể là một cơ hội tốt để mời học viên chia sẻ những suy nghĩ của các em từ phần chuẩn bị của học viên. Hãy cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của em về việc Sách Mặc Môn đã giúp em cảm thấy gần hơn với Chúa Giê Su Ky Tô trong học kỳ này như thế nào.

Giấc Mơ của Lê Hi

Phần này nhằm giúp học viên giải thích các phần và ý nghĩa giấc mơ của Lê Hi và suy ngẫm xem các em thấy bản thân mình đang ở đâu trong giấc mơ.

Một cách anh chị em có thể giúp học viên của mình ôn lại nội dung này là mời các em tự xem các hình minh họa và câu hỏi sau đây. Sau đó, chia học viên thành từng cặp và mời các em luân phiên giải thích cho bạn của mình các chi tiết và ý nghĩa về giấc mơ của Lê Hi càng nhiều càng tốt trong vòng 30 giây.

Việc trưng ra các câu hỏi kèm theo hình ảnh có thể hữu ích.

Khải tượng về cây sự sống của Lê Hi với cái cây phát sáng rực rỡ, mọi người đang giữ chặt thanh sắt, và tòa nhà rộng lớn vĩ đại.
Giấc Mơ của Lê Hi
  • Em nhớ được những phần hoặc biểu tượng nào khác về giấc mơ?

  • Biểu tượng nào nổi bật nhất đối với em? Tại sao?

  • Giấc mơ của Lê Hi giống với thế gian của chúng ta ngày nay như thế nào?

Suy ngẫm xem các phần khác nhau trong giấc mơ của Lê Hi có thể giúp ích như thế nào cho các cá nhân trong các tình huống sau:

  • Một thiếu niên đang đi chơi cùng một nhóm bạn chọn để vi phạm Lời Thông Sáng và ép cậu ta làm điều tương tự.

  • Một thiếu nữ nghĩ rằng cô ấy sẽ học thánh thư một cách nghiêm túc hơn khi cuộc sống của cô ấy đỡ căng thẳng.

  • Một thiếu niên bắt đầu cảm thấy xấu hổ về tư cách tín hữu của mình trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô khi cậu ta nghe những người khác chế nhạo những người theo đạo.

  • Em có thể sử dụng giấc mơ của Lê Hi để giải quyết từng tình huống như thế nào?

  • Em cảm thấy lời giảng dạy hay lẽ thật nào từ giấc mơ của Lê Hi có thể giúp em đến gần tình thương yêu của Thượng Đế hơn trong cuộc sống của mình?

Em có thể tuân giữ các giáo lệnh

Phần này nhằm cho học viên nhìn thấy cách các em đang thực hiện kế hoạch của mình (từ 1 Nê Phi 3) để hành động theo các giáo lệnh của Thượng Đế một cách trọn vẹn hơn.

Trong bài học về 1 Nê Phi 3, em có thể đã đặt ra một mục tiêu là phải vâng theo tốt hơn một lệnh truyền mà khó tuân giữ. Hãy suy ngẫm về sự tiến triển của em đối với mục tiêu này, và ghi lại những suy nghĩ của mình trong nhật ký ghi chép việc học tập hoặc nhật ký cá nhân. Suy ngẫm các câu hỏi sau đây khi em suy ngẫm về bản thân mình và viết:

  • Nỗ lực của em trong việc vâng theo lệnh truyền này đang như thế nào?

  • Em đã có được những thành công hoặc trở ngại nào?

  • Em có thể điều chỉnh kế hoạch của mình ra sao?

  • Em đã được ban phước như thế nào nhờ những nỗ lực của mình?

  • Chúa đã chuẩn bị một cách thức như thế nào để em trở nên vâng lời?

Nếu em chưa nghĩ ra lệnh truyền nào mình có thể khó tuân giữ, thì hãy nghĩ về lệnh truyền đó bây giờ. Hãy quyết định những hành động em có thể thực hiện để vâng lời một cách trọn vẹn hơn.

Cân nhắc cho học viên cơ hội để chia sẻ bất kỳ câu trả lời nào cho những câu hỏi này hoặc những điều các em đã học với cả lớp, nếu những điều đó không quá riêng tư. Anh chị em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về việc Thượng Đế sẽ ban phước cho chúng ta như thế nào để làm trọn vẹn các lệnh truyền của Ngài khi chúng ta thực hiện những nỗ lực có ý nghĩa để tin cậy và vâng theo Ngài.

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy rằng sự tin cậy của Nê Phi nơi Chúa có thể khuyến khích chúng ta khi chúng ta cảm thấy khó tuân giữ những lệnh truyền của Chúa:

Nê Phi, người thanh niên trẻ tuổi trong Sách Mặc Môn khơi dậy một ước muốn nơi chúng ta để phát triển sự tin cậy nơi Chúa nhằm tuân theo các lệnh truyền của Ngài, cho dù có khó khăn đến đâu đi nữa đối với chúng ta. Nê Phi đối diện với cảnh hiểm nguy và có thể là cái chết khi ông nói những lời đầy tin cậy này mà chúng ta có thể và cần phải thường xuyên cảm thấy trong lòng mình: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một con đường để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền” [1 Nê Phi 3:7]. (Henry B. Eyring, “Tin Cậy nơi Thượng Đế, Rồi Hãy Đi và Làm,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 71)