Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:25: “A Đam Sa Ngã Để Loài Người Sinh Tồn, và Loài Người Có Sinh Tồn Thì Họ Mới Hưởng Được Niềm Vui”


“Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:25: ‘A Đam Sa Ngã Để Loài Người Sinh Tồn, và Loài Người Có Sinh Tồn Thì Họ Mới Hưởng Được Niềm Vui’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:25: ‘A Đam Sa Ngã Để Loài Người Sinh Tồn, và Loài Người Có Sinh Tồn Thì Họ Mới Hưởng Được Niềm Vui’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:25

“A Đam Sa Ngã Để Loài Người Sinh Tồn, và Loài Người Có Sinh Tồn Thì Họ Mới Hưởng Được Niềm Vui”

Gia Đình của A Đam và Ê Va

Trong bài học “2 Nê Phi 2:17–26”, em đã học về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Việc biết về Sự Sa Ngã có thể giúp em trông cậy nơi Đấng Cứu Rỗi khi đương đầu với những thử thách trong cuộc sống trần thế. Bài học này có thể giúp em học thuộc lòng đoạn thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt cho 2 Nê Phi 2:25, giải thích giáo lý và tập áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào những tình huống thực tế.

Giúp học viên biết những đóng góp của các em được coi trọng.Thường thì học viên cần can đảm để chia sẻ những suy nghĩ hoặc thắc mắc của mình trong lớp. Việc cảm ơn những đóng góp của học viên sẽ cho các em thấy rằng anh chị em đánh giá cao sự sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, những thắc mắc và chứng ngôn của các em. Điều này cũng sẽ khuyến khích các em chia sẻ trong tương lai.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để sẵn sàng đọc thuộc lòng 2 Nê Phi 2:25 và chia sẻ một cách các em có được niềm vui nhờ vào Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học về đoạn thông thạo giáo lý này được thiết kế để dạy sau bài học “2 Nê Phi 2:17–26”, là bài học theo ngữ cảnh cho đoạn thông thạo giáo lý 2 Nê Phi 2:25. Nếu cần chuyển bài học về đoạn thông thạo giáo lý này sang một tuần khác thì hãy nhớ dạy bài học tương ứng về ngữ cảnh trong tuần đó.

Giải thích và học thuộc lòng

Mời hầu hết các học viên trong lớp nhắm mắt lại và cho một vài học viên mở mắt. Cầm một đồ vật lên và mời các học viên đang mở mắt mô tả đồ vật đó mà không nói tên của đồ vật. Xem các em có thể giúp những học viên còn lại trong lớp đoán được đồ vật đó là cái gì không. Sinh hoạt này có thể giúp học viên tập giải thích các khái niệm cho người khác theo những cách đơn giản.

Một số phần trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng có thể khó giải thích, bao gồm cả Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Trong một bài học trước, em đã học về Sự Sa Ngã. Hãy đọc 2 Nê Phi 2:25, suy ngẫm về những điều em đã học được. Hãy nhớ lại rằng Sự Sa Ngã là một phần thiết yếu trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng.

Viết ra cách em sẽ giải thích Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va cho một đứa trẻ tám tuổi và lý do tại sao Sự Sa Ngã là điều quan trọng cần phải hiểu.

Để giúp học viên ôn lại giáo lý này, có thể là hữu ích để mời các em chia sẻ trong các nhóm nhỏ về những điều các em đã viết. Đi quanh phòng, lắng nghe những lời giải thích của các em. Nếu cần thiết, xem lại tài liệu từ bài học trước để giúp học viên hiểu được Sự Sa Ngã và lẽ thật đã nêu ở trên.

Tập học thuộc lòng đoạn thông thạo giáo lý. Một cách để tập học thuộc lòng là ngắt phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt thành năm phần như sau:

  • 2 Nê Phi 2:25

  • “A Đam sa ngã

  • để loài người sinh tồn;

  • và loài người có sinh tồn,

  • thì họ mới hưởng được niềm vui”.

Nếu có thể, hãy cân nhắc tạo năm nhóm và chỉ định một phần cho mỗi nhóm. Khi anh chị em chỉ vào một nhóm, các em có thể đọc phần được chỉ định của mình. Sau đó hoán đổi phần được chỉ định cho các nhóm, và lặp lại sinh hoạt.

Viết các phần này lên một tờ giấy và đọc lại mỗi phần khi anh chị em chỉ vào đó. Sau đó xóa hoặc che các từ hoặc cụm từ trong khi đọc lại cả câu thánh thư. Tiếp tục cho đến khi mọi thứ đã bị xóa và em có thể đọc thuộc phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt.

Thực hành áp dụng

Giúp học viên ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Một cách để làm việc này là cho học viên thử viết thuộc lòng cả ba nguyên tắc.

Nếu em cần trợ giúp để ghi nhớ các nguyên tắc này, thì hãy tham khảo Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022).

Sử dụng các nguyên tắc này trong tình huống sau:

Trong khi tìm hiểu về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va trong lớp học Trường Chủ Nhật của mình, Gideon ngạc nhiên khi nghe giảng viên nói rằng Sự Sa Ngã là một phần thiết yếu trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Bạn ấy bắt đầu suy nghĩ về tất cả những điều tiêu cực có thể xảy ra vì Sự Sa Ngã—tội lỗi, cái chết, bệnh tật, khuyết tật, bệnh tâm thần, thử thách và nhiều điều khác nữa. Bạn ấy nhận ra rằng những điều mình phàn nàn nhiều nhất thường là hậu quả của Sự Sa Ngã. Bạn tự hỏi làm thế nào Sự Sa Ngã có thể là một điều gì đó mà Cha Thiên Thượng muốn nó xảy ra.

Khi học viên trả lời, anh chị em có thể giúp các em tạo ra một kế hoạch để giải quyết thắc mắc này. Anh chị em có thể đặt những câu hỏi như sau: Các em sẽ làm gì trước tiên? Các em sẽ ghi lại những gì vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình? Các em có thể muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi nào khác?

Hãy dành thời gian chuẩn bị bài học của anh chị em để suy ngẫm những cách thức khác để giúp học viên tập sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và giáo lý của Sự Sa Ngã.

Anh chị em cũng có thể thảo luận một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây với học viên.

Tìm cách hiểu biết thêm qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định

Ôn lại các đoạn 11–12 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý.

  • Em có thể sử dụng nguyên tắc này như thế nào để giải quyết thắc mắc của Gideon?

Các cách khác để sử dụng nguyên tắc này

  • Em sẽ đề xuất cho Gideon xem những nguồn phương tiện thiêng liêng nào đã được Chúa quy định để có thêm sự giúp đỡ?

Nếu học viên gặp khó khăn trong việc xác định các nguồn tài liệu, thì anh chị em có thể nhắc các em về 2 Nê Phi 2:24–26 hoặc Môi Se 5:9–10. Anh chị em cũng có thể chỉ cho các em xem “Sa Ngã của A Đam và Ê Va, Sự” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

  • Tại sao em lại đề xuất những nguồn tài liệu đó?

Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu

Ôn lại các đoạn 8–10 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý.

  • Em có thể sử dụng nguyên tắc này như thế nào để giải quyết thắc mắc của Gideon?

Các cách khác để sử dụng nguyên tắc này

  • Sự hiểu biết của em về Sự Sa Ngã và vai trò của nó trong kế hoạch cứu rỗi có thể giúp ích như thế nào trong tình huống này?

  • Em biết điều gì về Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài mà có thể giúp ích?

  • Chúng ta có thể nhìn nhận tình huống này với một quan điểm vĩnh cửu bằng cách nào khác?

Hành động với đức tin

Hãy ôn lại các đoạn 5–7 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý.

  • Em có thể sử dụng nguyên tắc này như thế nào để giải quyết thắc mắc của Gideon?

Các cách khác để sử dụng nguyên tắc này

Hãy nghĩ về những kinh nghiệm của chính em khi đương đầu với những thử thách liên quan đến Sự Sa Ngã. Suy ngẫm về những gì em đã làm để hành động trong đức tin và trông cậy nơi Đấng Cứu Rỗi khi đương đầu với những thử thách liên quan đến cuộc sống trần thế.

  • Những kinh nghiệm của em có thể giúp gì trong tình huống của Gideon?

  • Còn cách thức nào khác để Gideon thể hiện đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Ôn lại phần thông thạo giáo lý

Trong một bài học trong tương lai, hãy cân nhắc viết phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt theo thứ tự xáo trộn lên trên bảng. (Anh chị em có thể sử dụng các đoạn nằm trong sinh hoạt học thuộc lòng trong bài học này.) Mời mỗi học viên cố gắng viết các đoạn đó theo đúng thứ tự.

Nếu được, anh chị em có thể viết phần tham khảo và các phần của cụm từ đó trên các tờ giấy riêng biệt để trưng ra cho cả lớp. Một học viên có thể đi lên bảng để xếp các cụm từ theo đúng thứ tự với sự giúp đỡ của cả lớp.