Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:27: Chúng Ta Được Tự Ý Lựa Chọn Qua Đấng Trung Gian Vĩ Đại


“Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:27: Chúng Ta Được Tự Ý Lựa Chọn Qua Đấng Trung Gian Vĩ Đại”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:27”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Thông Thạo Giáo Lý: 2 Nê Phi 2:27

Chúng Ta Được Tự Ý Lựa Chọn Qua Đấng Trung Gian Vĩ Đại

Quyền Năng Cải Đạo của Sách Mặc Môn

Trong bài học trước, “2 Nê Phi 2:26–30”, em đã học được rằng chúng ta được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu qua Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này có thể giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong 2 Nê Phi 2:27, giải thích giáo lý và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào những tình huống thực tế.

Mở rộng sự hiểu biết qua các sinh hoạt ôn tập cho phần ôn tập thông thạo giáo lý.Việc thường xuyên thực hiện các sinh hoạt này giúp học viên học thuộc lòng các cụm từ thánh thư then chốt. Anh chị em có thể muốn khuyến khích các học viên tiếp tục học những đoạn thông thạo giáo lý ở ngoài lớp học.

Học viên chuẩn bị: Anh chị em có thể mời học viên cố gắng học thuộc lòng 2 Nê Phi 2:27. Nhắc nhở học viên rằng các em có thể sử dụng ứng dụng Thông Thạo Giáo Lý.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học về đoạn thông thạo giáo lý này được thiết kế để dạy sau bài học “2 Nê Phi 2:26–30”, là bài học về ngữ cảnh cho đoạn thông thạo giáo lý 2 Nê Phi 2:27. Nếu cần chuyển bài học về đoạn thông thạo giáo lý này sang một tuần khác thì hãy nhớ dạy bài học tương ứng về ngữ cảnh trong tuần đó.

Học thuộc lòng và giải thích

Hãy sử dụng bất kỳ phương pháp hiệu quả và phù hợp để giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt trong 2 Nê Phi 2:27 và giải thích những lẽ thật có trong đoạn này.

Nếu sử dụng gợi ý sau đây, hãy cân nhắc mời cả lớp cùng vẽ lên trên bảng hoặc vẽ trên một tờ giấy lớn. Hãy cẩn thận để tổ chức ngắn gọn sinh hoạt vẽ để có đủ thời gian thực hành cách áp dụng. Nếu có thể, hãy trưng bày bức vẽ của cả lớp trong vài ngày để giúp học viên học thuộc lòng tốt hơn phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt.

Đọc 2 Nê Phi 2:27 và vẽ một bức tranh giúp em hình dung ra ý nghĩa của cụm từ thánh thư then chốt: “Họ được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu … hoặc … cảnh tù đày và sự chết”. Ghi cụm từ then chốt vào bức vẽ của mình để giúp em học thuộc lòng cụm từ đó.

Tiếp theo, hãy viết lên bức vẽ của em ý nghĩa của việc chúng ta được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu qua Chúa Giê Su Ky Tô, hoặc lựa chọn cảnh tù đày và sự chết. Thêm vào ý nghĩa của câu này đối với cá nhân em và cách câu đó có thể giúp em noi theo Chúa Giê Su Ky Tô tốt hơn.

Nếu cả lớp cùng vẽ một bức tranh, thì hãy mời học viên cùng nhau viết một lời giải thích cho câu đó.

Nếu học viên hoàn thành bức vẽ độc lập, thì mời các em viết lời giải thích của chính mình, sau đó mời các em đi xung quanh phòng rồi chia sẻ bức vẽ và lời giải thích của mình với ít nhất hai học viên khác.

Cuối cùng, trong khi xem bức tranh đó, hãy nhắc lại phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt cho đến khi em thuộc lòng.

Thực hành áp dụng

Một thay thế cho gợi ý sau đây để giúp học viên ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh là mời ba học viên lên trước lớp và mỗi em nghiên cứu một trong các nguyên tắc. Tại thời điểm này trong bài học, mời mỗi học viên dành một hoặc hai phút để giải thích cho cả lớp nguyên tắc các em đã học được.

Để ôn lại các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh, hãy xem liệu em có thể nhớ mỗi nguyên tắc trong ba nguyên tắc đó là gì hay không. Sau đó, hãy xem liệu em có thể ghép những cụm từ sau đây với nguyên tắc phù hợp hay không. (Sử dụng các đoạn 5–12 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý [năm 2022] để kiểm tra độ chính xác của em.)

  • “Bảo vệ chúng ta khỏi thông tin sai lạc và khỏi những người tìm cách hủy diệt đức tin”

  • “Nhìn nhận các ý kiến dựa trên tiêu chuẩn về lẽ thật của Chúa thay vì chấp nhận những giả thuyết hoặc giả định của thế gian”

  • “Trông cậy vào chứng ngôn mà chúng ta đã có”

Đừng ngại điều chỉnh những tình huống được gợi ý trong chương trình giảng dạy để phù hợp hơn với hoàn cảnh của học viên. Ví dụ, trong tình huống sau đây, có thể thay thế rượu bằng một hành vi tội lỗi khác.

Cũng có thể sử dụng những tình huống khác nhau để đạt được cùng một mục đích. Ví dụ, học viên có thể tập trung vào một tình huống thay thế về một tín hữu của Giáo Hội đang bực tức vì cha mẹ cô ấy khuyến khích tuân theo một tiêu chuẩn cụ thể của Giáo Hội. Khi giận dữ, cô ấy có thể đáp lại rằng: “Con có quyền tự quyết của mình! Con có thể làm bất cứ điều gì mà con muốn!” Sau đó, học viên có thể áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và 2 Nê Phi 2:27 vào tình huống này.

Đọc tình huống sau đây và suy ngẫm về cách Ivan có thể áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Ivan đã lên kế hoạch dành buổi chiều thứ Bảy với bạn bè của mình, nhưng khi một trong số những người bạn này bất ngờ xuất hiện và mang theo rượu để uống chung, cậu ấy cảm thấy đã đến lúc phải rời đi. Cậu ấy biết rằng những người bạn của mình sẽ không ngạc nhiên vì trước đây cậu luôn về nhà trong các tình huống tương tự. Khi bước đi, cậu nghe người bạn Daniel của mình nói rằng: “Có vẻ như Giáo Hội của Ivan sẽ không để cậu ta làm bất cứ điều gì”.

Ivan tiếp tục suy nghĩ về nhận xét của Daniel khi đi bộ về nhà.

Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu

Đọc đoạn 8 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022). Hãy đặc biệt chú ý đến ý nghĩa của việc thay đổi cách nhìn nhận các câu hỏi.

  • Em sẽ mô tả như thế nào về ý nghĩa của việc thay đổi cách nhìn nhận một lời nhận xét hoặc câu hỏi?

Hãy lắng nghe kỹ câu trả lời của học viên cho câu hỏi trước để giúp anh chị em biết học viên hiểu khái niệm này như thế nào. Nếu các em hiểu rõ khái niệm này, thì hãy cân nhắc mời một học viên dẫn dắt các học viên khác để thay đổi cách nhìn nhận lời nhận xét của Daniel.

Nếu học viên chưa sẵn sàng thay đổi cách nhìn nhận các ý kiến khi không có sự trợ giúp, thì hãy cân nhắc sử dụng một số gợi ý sau đây để giúp các em.

  1. Nhận ra các giả thuyết hoặc giả định có thể có.

    • Daniel có vẻ như tin vào điều gì về sự tự do và mục đích của quyền tự quyết?

    • Cậu ấy có vẻ như tin vào điều gì về các tiêu chuẩn của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi?

  2. Tiếp theo, hãy suy ngẫm vấn đề theo ngữ cảnh của kế hoạch cứu rỗi và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi.

    • Em đã trải qua điều gì khi sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà giúp em nhìn mọi việc khác đi so với Daniel?

    • Em nghĩ những khía cạnh nào của kế hoạch cứu rỗi sẽ giúp ích nhất cho Daniel có thể hiểu?

    • Đấng Cứu Rỗi ban loại tự do nào cho những người dùng quyền tự quyết của mình để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài? Cảnh tù đày nào là hậu quả của việc chối bỏ các lệnh truyền đó?

Cân nhắc chia học viên thành các cặp và mỗi học viên nghiên cứu một trong hai nguyên tắc sau đây để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Sau đó, mời các em chia sẻ câu trả lời của mình cho các câu hỏi đi kèm với người bạn cùng cặp.

Đọc các đoạn 5–7, 11 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022) và suy ngẫm cách áp dụng hai nguyên tắc sau đây trong tình huống của Ivan.

Hành động theo đức tin

  • Nếu Ivan bắt đầu nghi vấn về quyết định của mình để rời khỏi những tình huống nguy hiểm về mặt thuộc linh, thì em có thể chia sẻ với cậu ta điều gì từ các đoạn 5–7? Tại sao?

Tìm cách hiểu biết thêm qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định

  • Em nghĩ nguồn phương tiện nào được đề cập đến trong đoạn 11 sẽ hữu ích nhất cho Ivan?

  • Những lẽ thật trong 2 Nê Phi 2:27 có thể giúp ích như thế nào cho cậu ta?

Ôn lại phần thông thạo giáo lý

Trong những bài học sắp tới, hãy giúp học viên ôn lại vắn tắt phần tham khảo thánh thư và cụm từ then chốt trong 2 Nê Phi 2:27. Một cách để thực hiện việc này là mời học viên nhìn vào bức vẽ của mình và xem liệu các em có còn nhớ phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt hay không. Có thể lặp lại sinh hoạt này ở đầu hoặc cuối các bài học khác nhau trong tương lai.