Lớp Giáo Lý
Ê Nót–Lời Mặc Môn: Khái Quát


“Ê Nót–Lời Mặc Môn: Khái Quát”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2023)

“Ê Nót–Lời Mặc Môn”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Ê NótLời Mặc Môn

Khái Quát

Những cuốn sách từ Ê Nót đến Lời Mặc Môn bao quát hàng trăm năm và giới thiệu cho chúng ta nhiều vị tiên tri và những người được soi dẫn. Ê Nót, là con trai của Gia Cốp và cháu nội của Lê Hi, đã cầu nguyện lên Thượng Đế “với lời cầu nguyện mãnh liệt” cho tội lỗi của mình (Ê Nót 1:4). Các cuốn sách của Gia Rôm và Ôm Ni chứa đựng những lời dạy khác nhau có thể ban phước cho cuộc sống của chúng ta. Mặc Môn đã được Thánh Linh của Chúa hướng dẫn để đưa vào biên sử của ông các bảng khắc nhỏ “vì mục đích thông sáng”, theo ý muốn của Chúa (xin xem Lời Mặc Môn 1:3–7). Và Vua Bên Gia Min đã dạy cho các con trai của mình biết vai trò quan trọng của thánh thư đối với đức tin của họ.

Chuẩn Bị Giảng Dạy

Thông tin sau đây cung cấp cho giảng viên ý tưởng về những điều có thể cần được chuẩn bị trước cho mỗi bài học.

Ê Nót

Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải để nhận được sự tha thứ.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc Ê Nót 1:1–8 trước giờ học, suy ngẫm về cảm nhận của Ê Nót và những điều ông đã học được về Chúa và về việc tội lỗi của ông được tha thứ. Cân nhắc yêu cầu học viên suy ngẫm xem các em nghĩ kinh nghiệm này có thể đã thay đổi cuộc sống của Ê Nót như thế nào.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Sau khi mời học viên suy ngẫm các cụm từ quan trọng từ Ê Nót 1:1–8, hãy cân nhắc cho phép các em chia sẻ bằng cách sử dụng tính năng bảng trắng. Học viên có thể chọn một trong những cụm từ các em muốn hiểu rõ hơn và thêm ghi chú từ nghiên cứu của các em bên cạnh cụm từ đó. Sau đó, có thể yêu cầu các em giải thích những ghi chú của mình.

Gia Rôm–Ôm Ni

Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên tập nhận ra và áp dụng các nguyên tắc từ thánh thư có thể ban phước và hướng dẫn cuộc sống của các em.

  • Học viên chuẩn bị: Khi học viên học tập thánh thư hằng ngày, hãy mời các em tập nhận ra những nguyên tắc có thể giúp các em trong cuộc sống. Khuyến khích các em chuẩn bị sẵn để đến lớp chia sẻ ít nhất một nguyên tắc mà các em đã tìm thấy.

  • Hình ảnh: Hình ảnh một con tàu với một người cầm lái, được trưng ra hoặc vẽ trên bảng

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc việc bắt đầu lớp học với câu hỏi này: “Hãy tưởng tượng cuộc hành trình của các em suốt cuộc đời giống như một con tàu đi trên đại dương. Các em có thể so sánh bánh lái hoặc tay lái điều hướng con tàu trong hành trình với một số điều gì?” Mời học viên trả lời câu hỏi bằng cách sử dụng tính năng chat. Đọc to một số câu trả lời của các em trước khi cho thấy lời phát biểu của Anh Cả David A. Bednar.

Lời Mặc Môn

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy được trấn an rằng Chúa biết tất cả mọi điều và công việc của Ngài sẽ được hoàn thành.

  • Học viên chuẩn bị: Học viên có thể hỏi cha mẹ hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội xem họ đã được hướng dẫn hoặc ban phước ra sao nhờ việc làm theo một ấn tượng hoặc sự thúc giục thuộc linh. 

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Khi học viên đọc 1 Nê Phi 9:5–6Lời Mặc Môn 1:7–8, hãy cân nhắc chia lớp thành các phòng họp nhỏ để thảo luận về những câu hỏi và nhận ra các nguyên tắc mà các em tìm thấy. Tùy thuộc vào quy mô của mỗi nhóm, một học viên từ mỗi nhóm có thể chia sẻ với cả lớp những điều nhóm của các em đã thảo luận về 1 Nê Phi 9:5–6, sau đó một học viên khác từ mỗi nhóm có thể chia sẻ những điều mà nhóm của mình đã thảo luận về Lời Mặc Môn 1:7–8.

Lời Mặc Môn 1:12–18; Mô Si A 1

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên gia tăng mong muốn học tập thánh thư.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên học tập thánh thư cá nhân và suy ngẫm về ảnh hưởng của thánh thư đối với các em, đặc biệt là những cảm nhận và sự tin cậy của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Gần cuối bài học, khi học viên có thể chọn một vài sinh hoạt về học tập thánh thư để làm, hãy cân nhắc thực hiện sinh hoạt video cho cả lớp. Tải xuống một trong những video này và mời học viên xem để tìm kiếm các ví dụ về cách mà việc học tập thánh thư có thể ban phước cho cuộc sống của chúng ta và gia tăng đức tin của chúng ta nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Mời học viên chia sẻ những suy nghĩ của các em trước khi chọn hai trong số các sinh hoạt còn lại.

Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý 6

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu sâu hơn và giải thích những lẽ thật từ một hoặc nhiều đoạn thông thạo giáo lý từ Sách Mặc Môn.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên ôn lại các đoạn thánh thư từ bảng biểu trong bài học này và chọn một đoạn mà các em muốn hiểu rõ hơn. Yêu cầu học viên đọc đoạn đã chọn và cố gắng hiểu đoạn đó kỹ hơn. Việc này có thể bao gồm tìm kiếm các phần thánh thư hỗ trợ khác, viết những suy nghĩ của các em về câu thánh thư đó vào nhật ký hoặc hỏi một người khác những điều họ hiểu được từ câu đó. Mời học viên chuẩn bị sẵn để đến lớp chia sẻ về những điều các em đã làm và đã học được.

  • Hình ảnh: Hình ảnh các trò chơi hoặc sự kiện thể thao khác nhau

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc chia học viên vào các phòng họp nhỏ và mời mỗi nhóm cùng nhau tạo ra sinh hoạt “Từng Hàng Chữ Một” của riêng các em. Sau khi đã thấy có đủ thời gian, yêu cầu các em trở lại với nhau để chia sẻ những sinh hoạt của mình với các bạn còn lại trong lớp.