Mô Si A 21–24, Phần 1: Tìm Mục Đích của Chúa cho Những Thử Thách và Nỗi Đau Khổ của Chúng Ta
“Mô Si A 21–24, Phần 1: Tìm Mục Đích của Chúa cho Những Thử Thách và Nỗi Đau Khổ của Chúng Ta”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“Mô Si A 21–24, Phần 1”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
Tìm Mục Đích của Chúa cho Những Thử Thách và Nỗi Đau Khổ của Chúng Ta
Em có thể giải thích như thế nào một ai đó về việc tại sao Chúa để cho chúng ta trải qua những thử thách và nỗi đau khổ? Mô Si A 21–24 mô tả những kinh nghiệm của dân Lim Hi và dân An Ma khi cả hai nhóm dân đều gặp phải những thử thách khó khăn. Bài học này nhằm giúp em cảm thấy tin cậy hơn nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô khi em trải qua những thử thách và nỗi đau khổ trong cuộc sống.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Mang những gánh nặng
Hãy tưởng tượng rằng những thử thách, gánh nặng và nỗi đau khổ của em được thể hiện bằng những tảng đá mà em phải mang trong túi hoặc ba lô.
Có một số thử thách hoặc gánh nặng nào mà thanh thiếu niên phải mang như những tảng đá nặng trong ba lô?
Mọi người có thể có những câu hỏi nào về những gánh nặng họ đang mang?
Trong khi học hôm nay, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em hiểu rõ hơn tại sao Chúa để cho em trải qua những thử thách này.
Dân Lim Hi và dân An Ma
Trong Mô Si A 21–24, chúng ta học về hai nhóm dân đã trải qua những thử thách và nỗi đau khổ lớn lao. Nhóm đầu tiên sống ở xứ Nê Phi và được con trai của Vua Nô Ê là Lim Hi lãnh đạo. Nhóm thứ hai sống ở xứ Hê Lam và được An Ma dẫn dắt.
Dân Lim Hi
Sau khi từ chối những lời dạy và cảnh báo của A Bi Na Đi, dân Nê Phi, lúc này do Vua Lim Hi lãnh đạo, đã bị dân La Man bắt tù đày ở xứ Nê Phi và phải đóng thuế nặng nề (xin xem Mô Si A 19:15). Như lời tiên tri của A Bi Na Đi (xin xem Mô Si A 12:5), dân La Man đã buộc dân của Lim Hi phải phục dịch chúng và mang những gánh nặng (xin xem Mô Si A 21:3).
Dân An Ma
Sau cái chết của A Bi Na Đi, An Ma và những người đi theo ông đã chạy trốn đến Dòng Suối Mặc Môn, nơi họ chịu phép báp têm (xin xem Mô Si A 17:1–4; 18:1–14). Sau đó, họ chạy trốn vì sự an toàn của họ và xây dựng một khu định cư ngay chính ở xứ Hê Lam (xin xem Mô Si A 18:32–34; 23:1–4, 19–20). Cuối cùng, dân của An Ma đã bị dân La Man phát hiện và bị bắt vào cảnh tù đày (xin xem Mô Si A 23:25–29, 36–37). A Mu Lôn, một trong những thầy tư tế tà ác của Nô Ê, được trao quyền hành cai trị họ và bắt đầu ngược đãi An Ma và dân của ông (xin xem Mô Si A 24:8–9).
Tại sao Chúa cho phép các thử thách xảy ra
Đọc các đoạn thánh thư sau đây, tìm kiếm những lời dạy có thể giúp em hiểu tại sao Chúa để cho chúng ta trải qua những thử thách và nỗi đau khổ. Em có thể muốn đánh dấu các từ và cụm từ nổi bật đối với mình.
Em đã thấy những điểm tương đồng và khác biệt nào giữa hai nhóm dân và những điều họ đã trải qua?
Em đã thấy bằng chứng nào trong những câu chuyện này về tình thương yêu và sự quan tâm của Chúa dành cho dân chúng?
Em đã học được điều gì về lý do tại sao Chúa để cho mọi người chịu đựng những thử thách và nỗi đau khổ?
Chúa để cho chúng ta trải qua những thử thách để giúp chúng ta trở nên khiêm nhường và trông cậy nơi Ngài nhiều hơn (xin xem Mô Si A 21:5–14).
Một số thử thách và nỗi đau khổ là hậu quả của sự bất tuân (xin xem Mô Si A 21:15).
Những thử thách có thể cho chúng ta cơ hội để tìm kiếm và cảm nhận quyền năng của Chúa trong cuộc sống của mình (xin xem Mô Si A 21:15–16; 24:14).
Chúa sửa phạt dân Ngài và thử lòng kiên nhẫn và đức tin của họ (xin xem Mô Si A 23:21).
Nhiều người nghĩ rằng bị sửa phạt (xin xem Mô Si A 23:21) có ý nghĩa giống như bị trừng phạt. Anh Cả Lynn G. Robbins thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi giải thích: “Từ sửa phạt bắt nguồn từ tiếng Latin castus có nghĩa là ‘trong sạch hoặc thanh khiết’ và sửa phạt có nghĩa là ‘thanh tẩy’ [xin xem Merriam-Webster ‘s Collegiate Dictionary, xuất bản lần thứ 11 (năm 2003), “chasten”]” (“Vị Quan Án Công Bình”, Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 97). Hãy suy ngẫm một chút xem làm thế nào Chúa có thể thanh tẩy em qua những thử thách và nỗi đau khổ của em.
Việc hiểu được những lẽ thật này ảnh hưởng như thế nào đến cách em đối phó với các thử thách của mình?
Những kinh nghiệm nào đã giúp em nhìn thấy mục đích của Chúa khi để cho em trải qua các thử thách?
Em đã học được điều gì hôm nay có thể giúp em hiểu rõ hơn về những thử thách mà em trải qua?