“An Ma 12: Tấm Lòng Mềm Mại hay Chai Đá”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“An Ma 12”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
An Ma 12
Tấm Lòng Mềm Mại hay Chai Đá
Em nghĩ việc có một tấm lòng mềm mại hay chai đá trước Chúa có nghĩa là gì? Khi Giê Rôm bắt đầu hỏi An Ma và A Mu Léc những câu hỏi chân thành, An Ma đã dạy rằng những người không có lòng dạ chai đá có thể học được những điều của Thượng Đế. An Ma cũng giảng dạy về kế hoạch cứu chuộc và khuyến khích dân chúng đánh giá bản thân họ. Bài học này có thể giúp em đánh giá bản thân và mức độ sẵn lòng của mình để đón nhận lời của Thượng Đế.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
So sánh tấm lòng với đất sét
-
Việc sử dụng đất sét mềm hoặc cứng ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của em để nặn thành hình?
Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy vẽ hai trái tim, ghi chú một hình là “tấm lòng chai đá” và hình kia là “tấm lòng mềm mại”. Có thể là hữu ích khi biết rằng trong thánh thư, trái tim hay tấm lòng thường tượng trưng cho “tâm trí và ý chí” của người nào đó (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tấm Lòng,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Hãy so sánh trái tim của chúng ta với đất sét và Chúa với người nhào nặn nó. Khi học bài học này, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để trả lời những câu hỏi sau đây:
-
Có một tấm lòng chai đá hay tấm lòng mềm mại có nghĩa là gì? Tại sao trạng thái của tấm lòng của tôi lại quan trọng?
-
Tôi có thể có một tấm lòng chai đá hay một tấm lòng mềm mại bằng những cách thức nào?
-
Nếu tấm lòng tôi chai đá, làm cách nào tôi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để làm mềm lòng mình?
Khi học, hãy cân nhắc viết ghi chú dưới mỗi trái tim em đã vẽ trong nhật ký ghi chép việc học tập.
Tấm lòng chai đá và tấm lòng mềm mại
Giê Rôm và những người khác đã cố gắng lừa dối và làm mất uy tín của An Ma và A Mu Léc bằng cách đặt ra những câu hỏi nhằm gài bẫy họ (xin xem An Ma 11:21). A Mu Léc đối phó nhờThánh Linh, làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và về Sự Phán Xét Cuối Cùng (xin xem An Ma 11:26–46). An Ma giải thích rằng ông và A Mu Léc biết về sự lừa dối của Giê Rôm qua Thánh Linh (xin xem An Ma 12:3–6).
Đọc An Ma 12:7–8, tìm kiếm những điều đã xảy ra với Giê Rôm.
-
Những cụm từ nào cho em biết rằng Giê Rôm đang thay đổi?
-
Em nghĩ thái độ của Giê Rôm có thể đã tạo ra sự khác biệt gì về khả năng của ông ta để tiếp nhận các câu trả lời?
Do Giê Rôm thực sự muốn biết về Sự Phán Xét Cuối Cùng, An Ma đã sử dụng cơ hội này để dạy về kế hoạch cứu chuộc của Thượng Đế. Tuy nhiên, đầu tiên, An Ma đã cảnh báo Giê Rôm rằng tấm lòng của ông ta cần phải ngay chính trước mặt Thượng Đế.
Khi em đọc An Ma 12:9–11, hãy đánh dấu các từ hoặc cụm từ giúp em hiểu những điều xảy ra do trạng thái của tấm lòng chúng ta. Có thể là hữu ích khi biết rằng “những sự kín nhiệm của Thượng Đế là những lẽ thật thuộc linh mà con người chỉ biết được nhờ sự mặc khải mà thôi” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kín Nhiệm của Thượng Đế, Những”, scriptures.churchofJesusChrist.org).
Hai nguyên tắc em có thể đã xác định là (1) nếu chúng ta không chai đá trong lòng và chúng ta siêng năng chú ý đến lời của Thượng Đế thì chúng ta có thể biết được những điều kín nhiệm của Thượng Đế và (2) nếu chúng ta chai đá trong lòng thì sẽ nhận được ngày càng ít lời của Thượng Đế hơn cho đến khi chúng ta không còn biết gì về những điều kín nhiệm của Thượng Đế. Cân nhắc viết từng lẽ thật bên cạnh những trái tim em đã vẽ trong nhật ký ghi chép việc học tập.
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc có một tấm lòng chai đá hoặc những điều chúng ta có thể làm cho Chúa để làm mềm lòng mình, hãy đọc một số câu sau đây. Bên cạnh những trái tim tương ứng trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình, hãy viết những điều em học hoặc các cụm từ quan trọng từ những câu này và những câu em đọc từ An Ma 12:7–11.
-
Dân chúng khi cứng lòng: 1 Nê Phi 15:3; 2 Nê Phi 33:2; Mô Si A 11:29.
-
Những điều dân chúng đã làm cho Chúa để làm mềm lòng họ: 1 Nê Phi 2:16; An Ma 24:8.
-
Em nghĩ khi người nào đó đặt ra những câu hỏi với một tấm lòng chai đá sẽ trông ra sao? Người đó sẽ trông như thế nào nếu hỏi với sự “chú tâm và cần mẫn” (An Ma 12:9) với Chúa?
-
Tại sao đôi khi chúng ta có thể cảm thấy bị cám dỗ để chai đá trong lòng?
-
Em nghĩ tại sao trạng thái tấm lòng của chúng ta đối với Chúa có thể tạo ra sự khác biệt như vậy trong cuộc sống của chúng ta?
Kế hoạch cứu chuộc của Thượng Đế
Vì Giê Rôm bắt đầu có một mong muốn chân thành để hiểu về sự phục sinh và Ngày Phán Xét, An Ma đã dạy cho ông ta về kế hoạch cứu chuộc của Thượng Đế. Ông dạy rằng cuộc sống này là “một thời gian chuẩn bị để gặp Thượng Đế” và về vai trò thiết yếu của Đấng Cứu Rỗi trong việc khắc phục những tội lỗi và cái chết của chúng ta (xin xem An Ma 12:16–18, 24–28, 33). Ông chỉ ra tầm quan trọng của việc không chai đá trong lòng.
Hãy dành một chút thời gian để tưởng tượng sẽ như thế nào khi đứng trước Thượng Đế vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng sau khi đã sống với một tấm lòng chai đá. Cũng hãy tưởng tượng việc đó sẽ như thế nào sau khi đã sống với một tấm lòng mềm mại.
Đọc An Ma 12:12–15, 33–37, tìm hiểu xem tấm lòng của em có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Em có thể muốn đánh dấu các từ hoặc cụm từ quan trọng trong thánh thư của mình.
-
Theo An Ma 12:33–34, tại sao chúng ta không nên chai đá trong lòng và nên hối cải?
-
Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương toàn hảo như thế nào về việc có một tấm lòng mềm mại và khiêm nhường trước Cha của Ngài? (Xin xem Ma Thi Ơ 26:39; 2 Nê Phi 31:4–7; Giáo Lý và Giao Ước 19:18–19.)
Tấm lòng của em
Để giúp em đánh giá tấm lòng của chính mình, hãy trả lời các câu hỏi sau theo thang điểm từ 1 đến 5, với 1 có nghĩa là “không bao giờ đúng với tôi” và 5 có nghĩa là “luôn đúng với tôi”.
-
Tôi muốn có sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
-
Tôi sẵn sàng vâng theo Cha Thiên Thượng.
-
Tôi chấp nhận bị chấn chỉnh.
-
Tôi cảm thấy cần sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của tôi.
-
Tôi sẵn sàng tìm đến Đấng Cứu Rỗi và hối cải.
Hãy tưởng tượng rằng người nào đó cảm thấy họ có một tấm lòng chai đá theo một cách nào đó và muốn có sự giúp đỡ của Chúa để có tấm lòng mềm mại. Em có thể áp dụng những điều đã học được hôm nay như thế nào để giúp người đó? Em cũng có thể chia sẻ tấm gương về Đấng Cứu Rỗi và kinh nghiệm cá nhân của riêng em.