“An Ma 30:1–29: Những Lời Dạy của Cô Ri Ho Dẫn Dắt Nhiều Người Xa Rời Đấng Cứu Rỗi”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“An Ma 30:1–29”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
An Ma 30:1–29
Những Lời Dạy của Cô Ri Ho Dẫn Dắt Nhiều Người Xa Rời Đấng Cứu Rỗi
Trong dân Nê Phi có một kẻ tà ác tên là Cô Ri Ho. Hắn đã thuyết giảng chống lại những lời tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô và dẫn dắt trái tim nhiều người xa rời Thượng Đế. Trong thời đại của chúng ta, có nhiều tiếng nói tìm cách dẫn dắt chúng ta rời xa Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này có thể giúp em nhận ra và bác bỏ những lời dạy sai lạc có thể khiến em xa rời Chúa Giê Su Ky Tô.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Sự lừa dối của Sa Tan
Bẫy maka-feke là một loại mồi bạch tuộc. Mồi bạch tuộc được thiết kế để trông giống như một bữa ăn thực sự đến nỗi một con bạch tuộc bị lừa sẽ không muốn từ bỏ một khi bắt được mồi đó. Khi bạch tuộc cắn mồi, ngư dân có thể dễ dàng ném con bạch tuộc lên thuyền của mình.
Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã sử dụng ví dụ về một cái bẫy maka-feke để dạy về cách thức hoạt động của Sa Tan.
Ngày nay chúng ta bị bao quanh bởi cái bẫy maka-feke mà quỷ dữ đưa ra để nhử chúng ta và nó cố gắng cám dỗ và rồi gài bẫy chúng ta. Một khi đã bị chộp lấy thì những cái bẫy maka-feke như vậy rất khó—và đôi khi hầu như không thể nào—thả ra. Để được an toàn, chúng ta phải nhận ra chúng là ai và rồi hãy kiên trì trong quyết tâm của mình để tránh xa chúng. (Thomas S. Monson, “Trung Thành cùng Đức Tin”, Liahona, tháng Năm năm 2006, trang 18)
-
Em cảm thấy tự tin đến mức nào về khả năng của em để nhận ra những lời dạy sai lạc của Sa Tan mà có thể “lôi kéo” và “gài bẫy” em?
Tránh những điều khiến chúng ta rời xa Đấng Cứu Rỗi
Sau một trận đại chiến giữa dân Nê Phi và dân La Man thì hòa bình được vãn hồi trong xứ. Khoảng hai năm sau, một người đàn ông tên là Cô Ri Ho bắt đầu thuyết giảng trong dân chúng ở Gia Ra Hem La. Sa Tan bảo Cô Ri Ho điều phải nói (xin xem An Ma 30:53). Khi em nghiên cứu hôm nay, hãy chú ý cách Cô Ri Ho đã sử dụng những lời nói và lời dạy sai lạc của mình như một cái mồi maka-feke để gài bẫy mọi người.
Hãy đọc An Ma 30:6, 12 và tìm kiếm các từ và cụm từ mô tả thông điệp và nhiệm vụ của Cô Ri Ho.
-
Em nghĩ việc ông ta “chống báng Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? (An Ma 30:6).
Từ chống báng Đấng Ky Tô đề cập đến “bất cứ người nào hay bất cứ điều gì mà làm giả mạo kế hoạch phúc âm chân chính của sự cứu rỗi và công khai hoặc kín đáo chống đối Đấng Ky Tô” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kẻ Chống Lại Đấng Ky Tô”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ câu chuyện của Cô Ri Ho là Sa Tan sử dụng những lời dạy sai lạc để kéo chúng ta rời xa Chúa Giê Su Ky Tô.
Những lời dạy chống báng Đấng Ky Tô của Cô Ri Ho
Đọc An Ma 30:12–18 và tìm kiếm những lời dạy sai lạc của Cô Ri Ho. Hãy cân nhắc đánh dấu những lời dạy của Cô Ri Ho theo cách thức để phân biệt chúng (ví dụ, bằng một màu sắc hoặc biểu tượng khác biệt) hoặc viết vào nhật ký ghi chép việc học tập của em.
-
Đâu là một số lời dạy sai lạc của Cô Ri Ho?
-
Em có thể trình bày lại những lời dạy của Cô Ri Ho bằng cách sử dụng cách nói phổ biến hơn trong thời đại của chúng ta như thế nào?
-
Sử dụng thang điểm từ 1 đến 10 (với 10 là mức độ cao nhất), em thấy những lời dạy của Cô Ri Ho đang được quảng bá mạnh mẽ như thế nào ngày nay?
-
Điều gì về những lời dạy này sẽ dẫn dắt mọi người rời xa Chúa Giê Su Ky Tô? Tại sao các ý tưởng này lại nguy hiểm?
Tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh và suy ngẫm về ảnh hưởng từ những lời dạy của Cô Ri Ho trong cuộc sống của riêng em. Hãy suy ngẫm các cách thức mà bất kỳ những lời dạy sai lạc nào trong số này có thể ảnh hưởng đến cá nhân em.
Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về Cô Ri Ho và lời dạy của hắn ta. Em có thể muốn xem video “Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải” từ phút 2:08 đến 2:40, có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org.
[Những người khác cùng với] Cô Ri Ho chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Ky Tô cũng như sự hiện hữu của tội lỗi. Học thuyết của họ là các giá trị, tiêu chuẩn và ngay cả lẽ thật đều chỉ là tương đối. Do đó, bất cứ điều gì một người cảm thấy là đúng đối với mình thì không thể bị những người khác phê phán là sai lầm hay có tội.
Thoạt tiên, những triết lý như vậy dường như đầy hấp dẫn vì chúng cho phép chúng ta chiều theo ham muốn hoặc dục vọng mà không cần quan tâm đến hậu quả. (D. Todd Christofferson, “Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải”, Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 38)
-
Em nghĩ làm thế nào mà những lời dạy này có thể dẫn dắt người ta phạm tội? (Xin xem câu 18.)
Hãy đọc An Ma 30:19–21 và tìm kiếm xem dân Giê Sơn và dân Ghê Đê Ôn đáp lại những lời dạy của Cô Ri Ho như thế nào.
Em nghĩ tại sao câu trả lời của họ lại “khôn ngoan hơn” (An Ma 30:20) so với câu trả lời của dân Gia Ra Hem La? (xin xem An Ma 30:18).
-
Làm thế nào chúng ta có thể trở nên “khôn ngoan hơn” và chối bỏ các thông điệp chống báng Đấng Ky Tô?
-
Sự hiểu biết và mối quan hệ của em với Đấng Cứu Rỗi có thể tác động như thế nào đến mức độ ảnh hưởng của những lời dạy chống báng Đấng Ky Tô này đối với em?
Suy ngẫm về những điều em đã học và cảm nhận được từ việc nghiên cứu của mình. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và từ chối những lời dạy mà sẽ dẫn dắt em rời xa Ngài.