Lớp Giáo Lý
An Ma 32: “Làm Cho Đức Tin của Các Người Vững Mạnh Thêm”


“An Ma 32: ‘Làm Cho Đức Tin của Các Người Vững Mạnh Thêm’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 32”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 32

“Làm Cho Đức Tin của Các Người Vững Mạnh Thêm”

bàn tay cầm một hạt giống

Có thể sử dụng nhiều dụng cụ trực quan khác nhau để giúp chúng ta hiểu về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi An Ma dạy cho dân Giô Ram, ông đã so sánh lời của Thượng Đế với một hạt giống mà chúng ta có thể gieo vào lòng mình để cuối cùng có thể trở thành “một cây lớn mạnh cho tới cuộc sống vĩnh viễn” (An Ma 32:41). Bài học này nhằm giúp em gieo trồng lời của Thượng Đế vào lòng và nuôi dưỡng chứng ngôn của em về lời đó.

Giảng dạy tính chất thiêng liêng của những kinh nghiệm thuộc linh. Hãy nhắc học viên về tính chất thiêng liêng của những kinh nghiệm thuộc linh. Học viên không bao giờ nên cảm thấy bị ép buộc phải chia sẻ những cảm nghĩ hoặc kinh nghiệm của các em. Khuyến khích các em chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân một cách phù hợp khi được Thánh Linh thúc giục.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên hỏi một người thân yêu mà có chứng ngôn về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô những điều đã giúp người ấy nhận được hoặc củng cố chứng ngôn đó.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Những sự so sánh

Hãy trưng ra những câu còn dở dang sau đây. Anh chị em có thể chọn các câu khác mà khiến học viên hứng thú, nhưng hãy cân nhắc sử dụng sự so sánh cuối cùng để giúp dẫn dắt vào nội dung bài học.

Việc đưa ra những sự so sánh có thể là một cách hiệu quả để giảng dạy và học phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy điền vào các chỗ trống sau đây. Em hãy sáng tạo và xem liệu có nhiều hơn một cách để hoàn thành các câu này hay không.

  • Cuộc sống giống như bởi vì .

  • Điện thoại thông minh giống như bởi vì .

  • Việc đạt được một chứng ngôn giống như bởi vì .

Khi An Ma và A Mu Léc đang phục vụ trong dân Giô Ram, một nhóm người đã bày tỏ sự lo lắng rằng họ không thể thờ phượng Thượng Đế vì họ đã bị xua đuổi khỏi nơi thờ phượng vì sự nghèo nàn của mình (xin xem An Ma 32:5). Trong khi chúng ta biết Chúa đã dạy rõ ràng về tầm quan trọng của việc tham dự Giáo Hội của Ngài vào ngày Sa Bát, An Ma đã trả lời bằng cách dạy những người không được phép tham dự Giáo Hội những lẽ thật quan trọng về việc sự thờ phượng có thể diễn ra trong tấm lòng chúng ta, bất kể chúng ta đang ở đâu đi nữa.

Hãy đọc câu đầu tiên trong An Ma 32:28, sau đó đọc câu 41 và tìm kiếm sự so sánh An Ma đã sử dụng mà cũng có thể áp dụng cho em.

  • Em thấy có những điểm tương đồng nào giữa việc trồng cây ăn quả từ một hạt giống và việc phát triển chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài?

Nếu học viên không biết chắc chứng ngôn là gì, thì hãy giúp các em hiểu rằng đó là “sự hiểu biết và bằng chứng thuộc linh được Đức Thánh Linh ban cho” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Chứng Ngôn”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Cách so sánh lời của Thượng Đế với một hạt giống của An Ma có thể áp dụng cho việc đạt được chứng ngôn về bất cứ khía cạnh nào của phúc âm. Tuy nhiên, sau đó An Ma giải thích rằng chính chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô mới là điều mà ông hy vọng dân Giô Ram sẽ gieo trồng vào tim họ (xin xem An Ma 33:22–23).

  • Tại sao niềm tin nơi Đấng Cứu Rỗi lại là một “hạt giống” rất quan trọng để gieo vào lòng em?

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về sức mạnh hiện tại của toàn bộ chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài. Ngoài ra, hãy suy ngẫm xem liệu có những khía cạnh cụ thể trong chứng ngôn của em mà em muốn củng cố chẳng hạn như tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho em hoặc tính xác thực của Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith. Khi em tiếp tục học hôm nay, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em hiểu rõ hơn về cách để có được hoặc củng cố chứng ngôn của mình.

biểu tượng tài liệu phát tay Cân nhắc chia học viên thành các nhóm nhỏ và đưa cho mỗi học viên một bản tài liệu phát tay sau đây. Mời học viên cùng nhau đọc và thảo luận theo nhóm về các tài liệu trong phần “Gieo trồng hạt giống”. Có thể là hữu ích khi chỉ định một học viên từ mỗi nhóm làm trưởng nhóm trong cuộc thảo luận.

Sau đó, anh chị em có thể xáo trộn các nhóm và yêu cầu học viên thảo luận về các tài liệu bên dưới đề mục “Nuôi dưỡng hạt giống” với nhóm mới.

Gieo Trồng và Nuôi Dưỡng Lời của Thượng Đế trong Lòng của Chúng Ta

Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)—“An Ma 32: ‘Làm Cho Đức Tin của Các Người Vững Mạnh Thêm’”

Gieo trồng hạt giống

Hãy đọc An Ma 32:21–23, 26–30 và đánh dấu các từ và cụm từ giúp em hiểu cách để bắt đầu phát triển một chứng ngôn.

Chia sẻ với nhóm của em những từ hoặc cụm từ nổi bật đối với em và giải thích lý do tại sao. Sau đó, thảo luận những câu hỏi sau đây:

  • Em nghĩ “chừa một chỗ” trong lòng em cho Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài có nghĩa là gì?

  • Điều gì khiến mọi người khó có thể làm được việc này?

  • Theo các câu 28–30, điều gì có thể xảy ra khi chúng ta chừa một chỗ trong lòng mình cho Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài?

Viết tóm tắt trong một câu về những điều em đã học được từ những câu thánh thư này về việc giúp ích cho chứng ngôn của em ở giai đoạn đầu.

Nuôi dưỡng hạt giống

An Ma dạy rằng việc gieo trồng hạt giống và phát hiện ra rằng đó là hạt giống tốt chỉ là phần đầu của việc phát triển một chứng ngôn. Hãy đọc An Ma 32:37–43 và tìm kiếm những lời dạy giúp em hiểu cách để giúp một chứng ngôn tiếp tục phát triển.

Chia sẻ với nhóm của em những từ hoặc cụm từ nổi bật đối với em và giải thích lý do tại sao. Sau đó, thảo luận những câu hỏi sau đây:

  • Em đã học được điều gì từ các câu 38–40 về những điều xảy ra nếu chúng ta xao lãng lời của Thượng Đế mà đang nảy nở trong lòng của chúng ta?

  • Có một số ví dụ nào về người nào đó có thể xao lãng ra sao với chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài?

  • Em có thể nuôi dưỡng chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài để giúp nó phát triển mạnh mẽ hơn bằng những cách thức nào?

Viết tóm tắt trong một câu về những điều em đã học được từ những câu thánh thư này về việc củng cố một chứng ngôn đã phát triển trong em.

Sau khi học viên đã hoàn thành nghiên cứu và thảo luận về các câu trước với nhóm của các em, cả lớp hãy cùng nhau thảo luận về những điều các em đã học được. Anh chị em có thể chọn một số câu hỏi trong tài liệu phát tay để cho cả lớp cùng nhau thảo luận nhằm đảm bảo rằng học viên hiểu các khái niệm được dạy trong những câu này. Mời một vài học viên chia sẻ phần tóm tắt trong một câu của các em từ mỗi phần của tài liệu phát tay.

Là một phần của cuộc thảo luận này, hãy chắc chắn rằng những lẽ thật tương tự như sau được đề cập: Nếu chúng ta chừa một chỗ trong lòng mình cho Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài thì chứng ngôn của chúng ta sẽ bắt đầu phát triển (xin xem An Ma 32:28–30); Khi chúng ta siêng năng nuôi dưỡng lời của Thượng Đế trong lòng mình thì chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài sẽ tiếp tục phát triển (xin xem An Ma 32:37, 40–42).

Chứng ngôn của em

Để giúp em nhận thấy sự so sánh của An Ma liên quan như thế nào đến chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, em hãy vẽ một sơ đồ như sau vào nhật ký ghi chép việc học tập. Dàn hình ảnh trên cả trang để có chỗ trống để viết dưới mỗi giai đoạn phát triển.

Hãy trưng ra hoặc vẽ những hình ảnh này lên trên bảng để học viên chép vào nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

các giai đoạn phát triển của một cây ăn quả

Hãy dành một chút thời gian để so sánh chứng ngôn của em về Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài với sự phát triển của một cây ăn quả. Chọn một số khía cạnh của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và viết mỗi khía cạnh dưới các giai đoạn phát triển mà em cảm thấy minh họa tốt nhất cho chứng ngôn hiện tại của em trong các khía cạnh đó.

Ví dụ, một người có thể viết “Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống” dưới cây ăn quả và “quyền năng chức tư tế” dưới hạt giống. Sau đó, người đó có thể viết các khía cạnh khác về phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, chẳng hạn như “một vị tiên tri tại thế”, “công việc đền thờ”, “Sách Mặc Môn” và “lời cầu nguyện” vào bên dưới các giai đoạn phát triển minh họa cho chứng ngôn của họ trong mỗi khía cạnh đó.

Cân nhắc sử dụng hình vẽ trên bảng để chia sẻ sự phát triển của một phần chứng ngôn của em từ một hạt giống trở thành một cái cây. Nên cẩn thận để không sử dụng các ví dụ hiếm khiến học viên có thể khó liên hệ. Giúp các em nhận thấy rằng sự phát triển ổn định qua những kinh nghiệm với Thánh Linh dẫn đến đức tin gia tăng và chứng ngôn mạnh mẽ hơn theo thời gian. Anh chị em cũng có thể mời học viên chia sẻ một tiến trình tương tự về một phần chứng ngôn của các em.

Lập kế hoạch về cách em sẽ cố gắng áp dụng những lời dạy của An Ma vào cuộc sống của mình. Em có thể nghĩ về những điều em có thể làm để “chừa một chỗ” trong lòng và cuộc sống của mình cho một khía cạnh trong chứng ngôn được nảy nở. Em cũng có thể cân nhắc cách em có thể “nuôi dưỡng” các phần chứng ngôn của mình mà đã bắt đầu phát triển. Hãy ghi lại những suy nghĩ, ấn tượng và mục tiêu của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.