Lớp Giáo Lý
An Ma 34:17–41: Cuộc Sống Này Là Thời Gian Chuẩn Bị để Gặp Thượng Đế


“An Ma 34:17–41: Cuộc Sống Này Là Thời Gian Chuẩn Bị để Gặp Thượng Đế”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 34:17–41”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 34:17–41

Cuộc Sống Này Là Thời Gian Chuẩn Bị để Gặp Thượng Đế

một chiếc đồng hồ cát

Em có bao giờ tự hỏi rằng sẽ như thế nào khi gặp Cha Thiên Thượng sau cuộc sống này không? A Mu Léc nhắc dân Giô Ram rằng “cuộc sống này là thời gian … chuẩn bị để gặp Thượng Đế” (An Ma 34:32) và khẩn nài họ đừng trì hoãn ngày hối cải của họ. Bài học này nhằm giúp em trong nỗ lực của mình để chuẩn bị gặp Thượng Đế.

Hãy giúp học viên nhìn thấy cách mà các nguyên tắc phúc âm hướng các em đến Chúa Giê Su Ky Tô. Khi giảng dạy giáo lý và các nguyên tắc phúc âm, hãy kết nối những lẽ thật này với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Cung cấp các ví dụ về việc sống theo các nguyên tắc phúc âm có thể giúp học viên tiếp cận với quyền năng, lòng thương xót và ân điển của Đấng Cứu Rỗi ra sao. Khuyến khích các em hành động theo đức tin và chọn sống theo các lẽ thật này.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc An Ma 34:32 và suy ngẫm về những cách để các em có thể làm theo lời khuyên trong câu đó. Các em có thể viết ra một số cách thức mà các em đang chuẩn bị để trở về với sự hiện diện của Thượng Đế và những thay đổi mà các em có thể thực hiện để giúp mình sẵn sàng hơn.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Tầm quan trọng của sự chuẩn bị

Hãy suy ngẫm về một điều gì đó em cần phải chuẩn bị cho nó trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như một bài kiểm tra, một buổi biểu diễn, hoặc một sự kiện thể thao.

Cân nhắc mời học viên thảo luận những câu hỏi sau đây với một người bạn cùng cặp hoặc một nhóm nhỏ.

  • Em đã sử dụng một số chiến lược gì để giúp em sẵn sàng?

  • Một số điều nào đã hoặc có thể làm cho việc chuẩn bị trở nên khó khăn?

Hãy nhớ lại rằng An Ma và A Mu Léc đã thuyết giảng cho một nhóm dân Giô Ram đã bị xua đuổi khỏi nhà hội vì sự nghèo khó của họ. Những người dân Giô Ram này trước đây đã không tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem An Ma 31:16), vì vậy An Ma và A Mu Léc đã khuyến khích họ chừa một chỗ trong lòng mình để phát triển một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi (xin xem An Ma 32:27–28; 34:4–6). Trong khi giảng dạy cho những người này, A Mu Léc đã chia sẻ một điều mà tất cả chúng ta đều nên chuẩn bị.

Hãy đọc An Ma 34:32 và tìm kiếm những điều A Mu Léc đã dạy.

Anh chị em có thể muốn viết câu in đậm sau đây lên trên bảng. Khuyến khích học viên đánh dấu những lời của lẽ thật này trong câu 32.

Từ những lời dạy của A Mu Léc, chúng ta học được rằng cuộc sống này là thời gian cho chúng ta chuẩn bị để gặp Thượng Đế.

  • Em kỳ vọng/cho rằng một số thái độ và hành vi nào ở một người đang chuẩn bị để gặp Thượng Đế?

Hãy cho học viên thời gian để tự đánh giá bằng cách cân nhắc những ý tưởng sau đây. Phần này không nhằm mục đích yêu cầu học viên chia sẻ suy nghĩ của các em.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm những cảm nhận của em về việc trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế. Hãy suy ngẫm xem liệu em có đang phấn đấu để xứng đáng trở lại nơi hiện diện của Ngài hay không và điều gì có thể làm em bị xao lãng khỏi mục tiêu đó. Khi tiếp tục nghiên cứu, hãy suy ngẫm về những cách mà em có thể áp dụng những lời dạy trong An Ma 34 để giúp em sẵn sàng hơn cho việc gặp Thượng Đế.

Những cách chúng ta có thể chuẩn bị để gặp Thượng Đế

Nhiều lời dạy của A Mu Léc trong An Ma 34 giúp chúng ta hiểu cách chúng ta có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ để gặp Thượng Đế.

Hãy mời học viên nghiên cứu các câu sau đây và tìm kiếm những lời dạy có thể giúp chúng ta chuẩn bị để gặp Thượng Đế. Chia học viên thành các nhóm nhỏ và chỉ định cho mỗi nhóm những câu cụ thể để cùng nhau nghiên cứu. Ví dụ, một nhóm có thể nghiên cứu câu 17–27, một nhóm khác có thể nghiên cứu câu 28–34, và một nhóm khác có thể nghiên cứu câu 37–41.

Hãy thảo luận với học viên về những điều các em đã học được khi nghiên cứu những câu này. Có thể sử dụng những câu hỏi sau đây như một phần của cuộc thảo luận.

  • A Mu Léc đã dạy điều gì trong những câu này mà có thể giúp em chuẩn bị để gặp Thượng Đế?

  • Làm thế nào mà việc tuân theo những lời dạy này có thể giúp chúng ta trở nên sẵn sàng hơn để xứng đáng trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế?

  • Em có thể học được điều gì về thiên tính và mong muốn của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ những câu em đã nghiên cứu?

Ví dụ về các câu trả lời mà học viên có thể đưa ra cho câu hỏi trước đó bao gồm chúng ta có thể tiếp cận Thượng Đế, bất kể chúng ta ở đâu hoặc muốn cầu xin gì (xin xem câu 17–27). Các em cũng có thể chỉ ra rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ ban phước cho chúng ta nhanh như thế nào khi chúng ta hối cải (xin xem câu 31).

Đừng trì hoãn sự hối cải của mình

Đề cập đến lời A Mu Léc đã nói trong câu 33: “Các người chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình cho đến lúc cuối cùng”. Cân nhắc đánh dấu cụm từ này trong thánh thư của em.

  • Tại sao một số người có thể bị cám dỗ để trì hoãn sự hối cải?

Hãy đọc An Ma 34:33–35 và tìm kiếm lý do tại sao A Mu Léc thúc giục chúng ta không nên trì hoãn sự hối cải của mình.

Có thể là hữu ích khi mời học viên xác định các câu hỏi hoặc mối bận tâm mà người nào đó có thể có sau khi đọc những câu này. Cân nhắc liệt kê những câu trả lời của học viên lên trên bảng. Khi học viên nghiên cứu các tài liệu sau đây, các em có thể xác định những lời dạy mà giúp giải quyết những câu hỏi hoặc mối bận tâm đó.

Chúng ta được dạy rằng sự hối cải có thể xảy ra trong thế giới linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:31, 33, 58). Nhưng các vị tiên tri trong thánh thư và các vị tiên tri ngày sau đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta hối cải trong cuộc sống trần thế. Anh Cả Melvin J. Ballard [1873–1939] thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra hướng dẫn này:

Việc khắc phục tội lỗi và phục vụ Chúa khi cả thể xác và linh hồn kết hợp thành một thì dễ dàng hơn nhiều. Đây là thời gian khi con người dễ được ảnh hưởng và dễ tiếp thu. … Cuộc sống này là thời gian để hối cải. (Melvin J. Ballard: Crusader for Righteousness (năm 1966), trang 212–213; trích trong Dallin H. Oaks, “Được Thanh Tẩy nhờ vào Sự Hối Cải”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 94)

  • Các câu 33–35 và lời phát biểu này giúp em hiểu được điều gì về lý do tại sao chúng ta không nên trì hoãn sự hối cải của mình?

Sự hối cải là một phần thiết yếu cho sự chuẩn bị trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế. Hãy nhớ rằng Chúa nhân từ mở lòng thương xót cho những người cố gắng hối cải, ngay cả khi họ gặp khó khăn trong việc vượt qua một số tội lỗi.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Đôi khi trong lúc hối cải, trong nỗ lực hằng ngày của mình để trở thành giống như Đấng Ky Tô hơn, chúng ta cũng thấy mình nhiều lần vất vả với cùng những nỗi khó khăn. …. Đừng chán nản. Nếu các anh chị em đang cố gắng và nỗ lực hối cải, thì các anh chị em đang ở trong tiến trình hối cải. (Neil L. Andersen, “Hối Cải …. Để Ta Có Thể Chữa Lành Cho Các Ngươi”, Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 41)

Trước khi đặt ra các câu hỏi sau đây, hãy mời học viên tưởng tượng rằng các em có một người bạn đang tránh hối cải vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như xấu hổ hoặc không có mong muốn thay đổi.

Có thể là hữu ích cho học viên khi sắp xếp những suy nghĩ của mình bằng cách trả lời các câu hỏi trong nhật ký ghi chép việc học tập trước khi cả lớp cùng nhau thảo luận về những câu hỏi này.

  • Em có thể chia sẻ điều gì từ những lời dạy của A Mu Léc trong An Ma 34:30–38 mà có thể giúp một người đang bị cám dỗ để đợi đến sau này trong cuộc sống mới hối cải và thay đổi?

  • Em nghĩ tại sao sự hối cải là đáng thực hiện, bất chấp những lý do mà người này đưa ra để không phải hối cải?

  • Em biết điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể khuyến khích người này hối cải sớm và thường xuyên?

Hãy làm chứng về những lẽ thật mà anh chị em đã thảo luận hôm nay và về sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi dành cho học viên khi các em cố gắng sẵn sàng hơn để gặp Thượng Đế.

Suy ngẫm về những điều em đã học và cảm nhận được hôm nay về việc chuẩn bị gặp Thượng Đế và không trì hoãn sự hối cải. Suy ngẫm về những hành động em muốn thực hiện nhờ những điều em đã học được hôm nay. Ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng của em vào nhật ký ghi chép việc học tập.