Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: An Ma 34:9–10—“Cần Phải Thực Hiện Sự Chuộc Tội, … một Sự Hy Sinh Vô Hạn và Vĩnh Cửu”.


“Thông Thạo Giáo Lý: An Ma 34:9–10—‘Cần Phải Thực Hiện Sự Chuộc Tội, … một Sự Hy Sinh Vô Hạn và Vĩnh Cửu’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Thông Thạo Giáo Lý: An Ma 34:9–10”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Thông Thạo Giáo Lý: An Ma 34:9–10

“Cần Phải Thực Hiện Sự Chuộc Tội, … một Sự Hy Sinh Vô Hạn và Vĩnh Cửu”.

Đấng Ky Tô trên thập tự giá

Trong một bài học trước, em đã học về Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này có thể giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt trong An Ma 34:9–10, giải thích giáo lý được dạy trong những câu thánh thư đó và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào các tình huống thực tế bằng cách sử dụng đoạn thánh thư này.

Hãy giúp học viên tập sử dụng “các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh”. Cố gắng đề cập tới các nguyên tắc theo tên để học viên dễ dàng nhận ra các nguyên tắc này được sử dụng khi nào và như thế nào trong các cuộc thảo luận tại lớp.

Học viên chuẩn bị: Cân nhắc mời học viên suy nghĩ xem làm thế nào mà những lẽ thật được dạy trong An Ma 34:9–10 và các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể giúp ích cho những người cảm thấy họ không thể được tha thứ cho tội lỗi của mình.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học về đoạn thông thạo giáo lý này được thiết kế để dạy sau bài học “An Ma 34:1–17”, là bài học theo ngữ cảnh cho đoạn thông thạo giáo lý An Ma 34:9–10. Nếu cần chuyển bài học về đoạn thông thạo giáo lý này sang một tuần khác thì hãy nhớ dạy bài học về ngữ cảnh tương ứng trong tuần đó.

Giải thích và học thuộc lòng

Em đã bao giờ nhận thấy là một điều gì đó có thể dễ để hiểu trong tâm trí hơn là giải thích bằng lời không? Một trong những mục đích của việc thông thạo giáo lý là cung cấp cho em cơ hội giải thích giáo lý từ các đoạn thông thạo giáo lý bằng lời của riêng em.

Trong quá trình nghiên cứu gần đây về An Ma 34:9–10, em đã học được rằng nếu không có Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô thì tất cả loài người sẽ bị lạc lối mãi mãi.

Hãy tạo cơ hội cho học viên giải thích giáo lý được dạy trong An Ma 34:9–10 theo lời riêng của các em bằng cách chia sẻ các hướng dẫn sau đây.

Hãy tưởng tượng rằng em đã có cơ hội giải thích ý nghĩa của An Ma 34:9–10 cho một người biết rất ít về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy dành một chút thời gian để xem lại những câu này và đánh dấu hoặc viết ra những từ hoặc cụm từ mà em muốn người này hiểu.

Khi học viên đã có đủ thời gian để chuẩn bị thì hãy cân nhắc sắp xếp các em vào các cặp hoặc các nhóm nhỏ và mời mỗi học viên tập chia sẻ lời giải thích của các em.

Cụm từ thánh thư then chốt trong An Ma 34:9–10 là: “Cần phải thực hiện sự chuộc tội, … một sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu”.

Giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt. Chia học viên trong lớp thành từng cặp. Một học viên có thể đọc thuộc lòng nửa đầu của cụm từ, sau đó học viên còn lại có thể đọc thuộc lòng nửa sau. Sau đó, cả hai học viên có thể cùng nhau đọc thuộc lòng phần tham khảo thánh thư. Sau khi làm điều này một vài lần, các học viên có thể đổi vai cho nhau và đọc thuộc lòng nửa còn lại của cụm từ.

Thực hành cách áp dụng

Trước khi chia sẻ tình huống sau đây, hãy cân nhắc yêu cầu học viên nêu thuộc lòng tên các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Viết từng nguyên tắc lên trên bảng khi học viên phát biểu. Giải thích rằng các em sẽ có cơ hội ôn lại và tập áp dụng các nguyên tắc đó trong bài học này.

Sau đó, trưng ra tình huống hoặc cung cấp cho học viên một bản sao để tham khảo khi các em hoàn thành sinh hoạt.

Hãy tưởng tượng rằng em được yêu cầu dạy một bài học về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong lớp Trường Chủ Nhật của mình. Trong phần chuẩn bị, em tìm đến một bạn thiếu nữ trong tiểu giáo khu có tên là Olive và yêu cầu bạn ấy chia sẻ những suy nghĩ của mình về cách Chúa Giê Su Ky Tô đã ban phước cho cuộc sống của bạn ấy nhờ Sự Chuộc Tội của Ngài.

Câu trả lời của Olive làm em ngạc nhiên. Bạn ấy nói: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là điều tuyệt vời cho hầu hết mọi người, nhưng tôi không chắc nó áp dụng được bao nhiêu cho tôi nữa vì một số lỗi lầm mà tôi đã và tiếp tục phạm phải. Có những tội lỗi mà tôi không biết là mình có thể khắc phục hay không”.

Khi em tiếp tục chuẩn bị bài học, em cứ suy nghĩ về những lời nói của Olive và muốn giúp bạn ấy. Hãy suy ngẫm xem những lời dạy trong An Ma 34:9–10 và các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể giúp ích như thế nào cho Olive trong vấn đề của bạn ấy.

Cân nhắc sắp xếp học viên thành các nhóm nhỏ và chỉ định cho mỗi nhóm tập trung vào một trong các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Học viên có thể lập một bản liệt kê trên giấy hoặc trên bảng về tất cả những cách các em nghĩ rằng nguyên tắc này có thể giúp ích cho Olive trong tình huống của bạn ấy. Sau đó, có thể mời học viên từ mỗi nhóm báo cáo cho cả lớp những điều các em đã thảo luận.

Khi cần thiết, có thể chia sẻ những câu hỏi sau đây với các nhóm để sử dụng như một phần trong cuộc thảo luận.

Hành Động theo Đức Tin

  • Em nghĩ là Olive có thể làm những hành động trung tín cụ thể nào để giúp cô ấy?

  • Em có thể dạy Olive điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài để giúp bạn ấy hành động theo đức tin? Những lời dạy trong An Ma 34:9–10 có thể giúp ích như thế nào?

Để có các ý tưởng khác về cách Olive có thể hành động theo đức tin, em có thể đọc các đoạn 5–7 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý.

Xem xét các khái niệm và câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu

Một cách thức khác để dạy phần này là mời học viên liệt kê trên bảng một số giả thuyết không chính xác mà Olive có thể có về Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Chuộc Tội của Ngài, và vai trò của bạn ấy trong việc tiếp cận lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi. Sau đó, mời các học viên giúp Olive điều chỉnh lại mối bận tâm của mình (hoặc nhìn nhận nó khác đi) bằng cách chia sẻ những lẽ thật mà các em hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Chuộc Tội của Ngài và vai trò của chúng ta trong việc có được quyền tiếp cận với lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi.

  • Em nghĩ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ nhìn nhận như thế nào về mối bận tâm như của Olive?

  • Tại sao điều quan trọng đối với Olive là phải nhớ rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là “vô hạn và vĩnh cửu” (An Ma 34:10)?

  • Làm thế nào mà việc ghi nhớ rằng tất cả mọi người đều sa ngã và lạc lối nếu không có Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp bạn ấy nhìn nhận mối bận tâm của mình theo một cách khác?

Để biết các ý tưởng khác về cách Olive có thể xem xét các khái niệm hoặc câu hỏi với quan điểm vĩnh cửu, em có thể đọc đoạn 8 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý.

Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định

  • Em sẽ giới thiệu cho Olive những loại nguồn phương tiện thiêng liêng nào đã được Chúa quy định để giúp Olive nhận được sự hướng dẫn và phương hướng? Tại sao?

  • Ngoài An Ma 34:9–10, em có thể chia sẻ với Olive một câu thánh thư hoặc một lời phát biểu nào từ một vị lãnh đạo Giáo Hội? Điều này có thể giúp ích như thế nào cho bạn ấy?

Để biết thêm các ý tưởng khác về cách Olive có thể tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định, em có thể đọc các đoạn 11–12 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý.

Mời học viên suy ngẫm về những điều các em đã học hoặc cảm nhận được hôm nay mà có thể ban phước cho cuộc sống của các em hoặc cuộc sống của những người mà các em biết. Hãy khuyến khích các em tìm kiếm các cơ hội để áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và giáo lý được dạy trong thánh thư cho các tình huống mà các em gặp.

Ôn lại phần thông thạo giáo lý

Trong một bài học trong tương lai, hãy giúp học viên ôn lại phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt trong An Ma 34:9–10: “Cần phải thực hiện sự chuộc tội, … một sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu”.

Một cách để thực hiện điều này là viết các chữ cái đầu tiên của phần tham khảo và cụm từ then chốt lên trên bảng và mời học viên cố gắng ghi nhớ các từ liên quan đến từng chữ cái. Luyện tập việc này một vài lần cho đến khi học viên có thể đọc thuộc lòng phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt.