Lớp Giáo Lý
Ê The 12:1–22: Nhận Được một Bằng Chứng về Lẽ Thật


“Ê The 12:1–22: Nhận Được một Bằng Chứng về Lẽ Thật”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)

“Ê The 12:1–22”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Ê The 12:1–22

Nhận Được một Bằng Chứng về Lẽ Thật

các thiếu nữ đang học phúc âm

Điều gì đã giúp em trong nỗ lực học hỏi lẽ thật thuộc linh? Sau khi kể lại nhiều năm lịch sử của dân Gia Rết, Mô Rô Ni đã giới thiệu giáo vụ của tiên tri Ê The. Sau đó, Mô Rô Ni đã chia sẻ một số phước lành đến từ việc sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, bao gồm cả làm thế nào mà sự thử thách đức tin của chúng ta có thể giúp chúng ta nhận được một bằng chứng về lẽ thật. Bài học này nhằm giúp em sử dụng đức tin để nhận được một bằng chứng thuộc linh về lẽ thật.

Chuẩn bị bản thân để giảng dạy. Vì Thánh Linh làm chứng về lẽ thật và là nguồn gốc của sự cải đạo, nên các giảng viên phúc âm mạnh mẽ chuẩn bị bản thân họ về mặt thuộc linh từ lâu trước khi họ giảng dạy. Hãy mời Đức Thánh Linh tham gia vào sự chuẩn bị bài học của anh chị em qua lời cầu nguyện chân thành, và tìm cách tuân theo sự hướng dẫn của Ngài khi anh chị em tập trung vào việc giảng dạy giáo lý và các nguyên tắc.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên nghĩ về những ví dụ từ thánh thư trong đó những hành động trung tín đã dẫn đến những bằng chứng, phước lành hoặc câu trả lời thuộc linh từ Thượng Đế.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

“Làm sao các em biết?”

Chị Rebecca L. Craven, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã chia sẻ kinh nghiệm sau đây của bà khi nói chuyện với một thiếu nữ:

10:46

Tôi có một kinh nghiệm tuyệt vời với một thiếu nữ dễ mến đã hỏi tôi một câu hỏi thật chân thành: “Thưa Chị Craven, làm sao chị biết được bất kỳ điều gì về Giáo Hội là chân chính? Vì em không cảm thấy gì hết”.

Trước khi đưa ra câu trả lời, trước tiên tôi đã hỏi em ấy một vài câu hỏi. “Hãy cho tôi biết về việc học thánh thư của em”.

Em ấy trả lời: “Em không đọc thánh thư”.

Tôi hỏi: “Thế còn với gia đình em thì sao? Em có cùng nhau học sách Hãy Đến Mà Theo Ta không?”

Em ấy nói: “Không ạ”.

Tôi hỏi về những lời cầu nguyện của em: “Em cảm thấy ra sao khi cầu nguyện?”

Câu trả lời của em là: “Em không có cầu nguyện”. (Rebecca L. Craven, “Hãy Làm Điều Quan Trọng Nhất”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 62)

  • Dựa trên những kinh nghiệm của em, em có thể nói gì để giúp bạn thiếu nữ này?

Sau khi học viên thảo luận về câu hỏi trước đó, hãy mời các em chia sẻ ví dụ việc mọi người có thể cần tìm kiếm một bằng chứng thuộc linh về những lẽ thật cụ thể nào. Hãy viết những câu trả lời của các em lên trên bảng. (Những câu trả lời có thể gồm một bằng chứng rằng Sách Mặc Môn là chân chính, rằng việc có một cuộc sống trong sạch và đạo đức là quan trọng, hoặc Lời Thông Sáng là một luật pháp của Thượng Đế.)

Hãy suy nghĩ về những lẽ thật thuộc linh mà em muốn nhận được một bằng chứng thuộc linh hoặc một chứng ngôn mạnh mẽ hơn về lẽ thật đó. Hãy cân nhắc ghi lại những lẽ thật này trong nhật ký ghi chép việc học tập của em. Khi em học hôm nay, hãy tìm kiếm những lời giảng dạy có thể giúp em có được một bằng chứng thuộc linh hoặc củng cố chứng ngôn của mình.

“Sự thử thách đức tin của em”

Khi Mô Rô Ni tiếp tục tóm lược biên sử của dân Gia Rết, ông đã giới thiệu giáo vụ của tiên tri Ê The. Mặc dù được sinh ra trong cảnh tù đày và sống giữa những người đã chối bỏ các vị tiên tri (xin xem Ê The 11:20–23), Ê The đã sống một cuộc đời ngay chính và được Thượng Đế kêu gọi làm một vị tiên tri.

Hãy đọc Ê The 12:2–5, tìm kiếm xem lời thuyết giảng của Ê The đã được dân Gia Rết tiếp nhận như thế nào.

  • Tại sao dân chúng lại từ chối tin vào những lời của Ê The?

Hãy đọc Ê The 12:6, tìm kiếm những điều Mô Rô Ni đã dạy về cách để chúng ta có được một bằng chứng thuộc linh về lẽ thật.

Ê The 12:6 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách riêng biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội thực hành áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.

Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một ý nghĩa của cụm từ thử thách đức tin của em:

2:3

Các anh chị em có thể sử dụng đức tin một cách hữu hiệu hơn bằng cách áp dụng nguyên tắc này do Mô Rô Ni giảng dạy: “Đức tin là những gì người ta hy vọng nhưng không thấy được; vậy thì các người chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được, vì các người không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của các người đã được thử thách” [Ê The 12:6; sự nhấn mạnh được thêm vào]. Vì vậy, mỗi lần các anh chị em thử thách đức tin, nghĩa là, hành động trong sự xứng đáng theo một ấn tượng, các anh chị em sẽ nhận được bằng chứng xác nhận của Thánh Linh. Những cảm giác đó sẽ củng cố đức tin của các anh chị em. Khi các anh chị em lặp lại mẫu mực đó, đức tin của các anh chị em sẽ trở nên vững mạnh hơn. (Richard G. Scott, “Quyền Năng Nâng Đỡ của Đức Tin trong Những Lúc Bấp Bênh và Thử Thách”, Liahona, tháng Năm năm 2003, trang 76)

  • Em đã học được gì từ Ê The 12:6 và lời phát biểu này mà có thể giúp một người mong muốn có được một bằng chứng thuộc linh hoặc một chứng ngôn vững mạnh hơn về lẽ thật?

Một lẽ thật chúng ta có thể học được từ Ê The 12:6nếu chúng ta mong muốn có được một bằng chứng thuộc linh, thì trước hết chúng ta phải sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Chị Rebecca L. Craven kể lại cách bà trả lời em thiếu nữ mà bà đã trò chuyện:

10:46

Câu trả lời của tôi cho em ấy rất đơn giản: “Nếu em muốn biết bất kỳ điều gì, thì em sẽ phải làm một điều gì đó”.

Chẳng phải đúng như vậy với bất kỳ điều gì chúng ta muốn học hoặc biết không? Tôi đã mời người bạn mới của tôi bắt đầu làm theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô: cầu nguyện, học tập, phục vụ người khác, và tin cậy nơi Chúa. Sự cải đạo sẽ không xảy ra khi không làm gì cả. Sự cải đạo đến qua quyền năng của Đức Thánh Linh khi chúng ta nỗ lực có chủ tâm để biết bằng cách cầu xin, tìm kiếm, và gõ cửa. Sự cải đạo đến bằng cách làm [điều gì đó]. (Rebecca L. Craven, “Hãy Làm Điều Quan Trọng Nhất”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 62)

  • Em nghĩ tại sao việc sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô qua những hành động của chúng ta là một khía cạnh thiết yếu của việc nhận được một bằng chứng thuộc linh về Ngài và phúc âm của Ngài?

  • Việc sống theo phúc âm của Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của chúng ta dành cho Ngài?

Những ví dụ về đức tin

Hãy suy ngẫm về những kinh nghiệm mà em hoặc những người khác đã nhận được một bằng chứng thuộc linh nhờ sống theo phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và sử dụng đức tin nơi Ngài.

Hãy mời một vài học viên chia sẻ những kinh nghiệm mà các em nghĩ tới. Hãy giải thích rằng các em không nên chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư. Hãy cân nhắc chia sẻ kinh nghiệm của chính anh chị em như một phần của cuộc thảo luận này. Cũng có thể sử dụng video sau đây.

Để xem ví dụ về một người đã được củng cố nhờ sử dụng đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, hãy xem “Pure and Simple Faith” (5:21), có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org.

2:3

Khi Mô Rô Ni tiếp tục bài giảng của mình, ông đã chia sẻ nhiều ví dụ về những cá nhân mà đã được ban phước khi họ sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Đối với sinh hoạt sau đây, hãy cân nhắc chia học viên thành bốn nhóm và chỉ định cho mỗi nhóm một trong các bộ câu thánh thư sau đây để nghiên cứu: Ê The 12:7–10, 11–14, 15–18, 19–22. Hãy mời mỗi nhóm chia sẻ với cả lớp những ví dụ về đức tin mà các em đọc được.

Hãy đọc Ê The 12:7–22, tìm kiếm cách Chúa đã ban phước cho những người sử dụng đức tin nơi Ngài. Hãy cân nhắc đánh dấu bất kỳ ví dụ nào mà nổi bật đối với em.

  • Ví dụ nào trong số các ví dụ về đức tin này khiến em thấy ấn tượng nhất? Tại sao?

  • Một hoặc nhiều ví dụ mà em đã nghiên cứu có thể giúp em trong những hoàn cảnh cá nhân mình như thế nào?

Hãy cân nhắc cách em có thể áp dụng những điều đã học được hôm nay vào cuộc sống của mình. Hãy ghi lại hai hoặc ba hành động mà em có thể làm để sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được hoặc củng cố lời chứng của em về phúc âm của Đấng Cứu Rỗi.