Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 28 tháng Ba. Tại Sao Tôi Cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Giáo Lý và Giao Ước 29


“Ngày 28 tháng Ba. Tại Sao Tôi Cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Giáo Lý và Giao Ước 29,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 28 tháng Ba. Tại Sao Tôi Cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2021

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô cầu nguyện

Christ in Gethsemane (Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê), tranh do Heinrich Hofmann họa

Ngày 28 tháng Ba

Tại Sao Tôi Cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?

Giáo Lý và Giao Ước 29

Hình Ảnh
biểu tượng cùng nhau hội ý

Cùng Nhau Hội Ý

Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc lớp học; khoảng 10–20 phút

Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau lặp lại Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn hoặc Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ. Sau đó hãy hướng dẫn một cuộc thảo luận về những điều như sau, và hoạch định cách để thực hiện điều mà các em thảo luận (các em có thể quyết định những điều nào cần thảo luận trong lúc họp chủ tịch đoàn):

  • Nhóm túc số hoặc lớp học của chúng ta. Chúng ta có thể làm gì để xây dựng tình đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học? Chúng ta muốn cùng nhau thực hiện những mục tiêu nào?

  • Bổn phận hoặc trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta đang làm gì để chia sẻ phúc âm? Chúng ta đã có được những kinh nghiệm gì khi làm công việc đền thờ và lịch sử gia đình?

  • Cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đã thấy được ảnh hưởng của Chúa trong cuộc sống của mình như thế nào? Điều gì đã soi dẫn chúng ta trong việc học thánh thư tuần này?

Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:

  • Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.

  • Nhắc cho các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.

Hình Ảnh
biểu tượng giảng dạy giáo lý

Giảng Dạy Giáo Lý

Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; khoảng 25–35 phút

Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy: “Giống như một người không thực sự thèm ăn cho đến khi đói, người ấy cũng không muốn có được sự cứu rỗi của Đấng Ky Tô cho đến khi người ấy biết lý do tại sao phải cần Đấng Ky Tô. Không một người nào biết một cách thỏa đáng và chính xác lý do tại sao mình cần Đấng Ky Tô cho đến khi người đó hiểu được và chấp nhận giáo lý về Sự Sa Ngã và ảnh hưởng của Sự Sa Ngã đối với tất cả nhân loại” (“The Book of Mormon and the Doctrine and Covenants,” Ensign, tháng Năm năm 1987, trang 85). Khi nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 29 trong tuần này, anh chị em có thể đã chú ý đến lời miêu tả của Đấng Cứu Rỗi về Sự Sa Ngã và cách chúng ta được cứu chuộc khỏi Sự Sa Ngã. Làm thế nào anh chị em đã có được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và về vai trò của Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của mình? Hãy nghĩ về cách mà việc củng cố chứng ngôn của các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học về Ngài sẽ thay đổi họ. Khi anh chị em chuẩn bị, hãy nghĩ đến việc nghiên cứu “Quyền Tự Quyết và Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va,” “Sự Chuộc Tội,” và “Qua Đấng Ky Tô, Chúng Ta Có Thể Được Thanh Tẩy khỏi Tội Lỗi” trong chương 3 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta ([năm 2004], trang 54–57, 67–68).

Hình Ảnh
các thiếu nữ trong lớp học

Bởi vì Đấng Cứu Rỗi đã cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui.

Cùng Nhau Học Tập

Để giới thiệu buổi thảo luận hôm nay, anh chị em có thể mời những người mình dạy liệt kê lên trên bảng bất cứ điều gì họ biết về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Ví dụ, họ biết được điều gì về Sự Sa Ngã từ Giáo Lý và Giao Ước 29:36–50? Chúng ta thấy được những bằng chứng nào về Sự Sa Ngã xung quanh chúng ta? Các sinh hoạt dưới đây sẽ giúp nhóm túc số hoặc lớp học của anh chị em khám phá ra cách mà Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta vượt qua những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã.

  • Để hiểu rõ hơn về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học có thể đọc mục “Sa Ngã, Sự” trong tài liệu Trung Thành với Đức Tin (trang 161–164) hoặc “Quyền Tự Quyết và Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va” trong chương 3 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta (trang 54–55). Mời mọi người tưởng tượng rằng một người bạn hỏi họ: “Tại sao tôi cần Chúa Giê Su Ky Tô?” Mời họ giảng dạy lẫn nhau theo cặp về cách để trả lời câu hỏi đó dựa trên những gì họ đã học được từ phần đọc của mình.

  • Làm cách nào anh chị em có thể giúp các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học tìm hiểu từ thánh thư về lý do mà họ cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Một cách là viết lên trên bảng một số câu thánh thư tham khảo từ “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ” và sau đó viết phần tóm lược cho những câu thánh thư đó lên trên những mảnh giấy. Đưa cho mỗi thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học một trong những mảnh giấy đó. Mời họ đọc những câu thánh thư tham khảo được viết trên bảng và tìm ra câu thánh thư tương hợp với phần tóm lược của họ. (Một số câu tóm lược đề cập đến nhiều hơn một câu thánh thư.) Mời mỗi thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học đọc to đoạn thánh thư tương hợp với câu tóm lược của họ và chia sẻ điều họ học được về lý do chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

  • Mời các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học tự trả lời những câu hỏi sau đây: Tôi được ban phước như thế nào qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Đấng Cứu Rỗi sẽ phán bảo tôi phải thay đổi điều gì để tôi có thể trải nghiệm các phước lành đến từ Sự Chuộc Tội của Ngài một cách trọn vẹn hơn? Sau đó yêu cầu họ cùng nhau thảo luận câu hỏi đầu tiên. Họ có thể ôn lại mục “Sự Chuộc Tội” và “Qua Đấng Ky Tô, Chúng Ta Có Thể Được Thanh Tẩy khỏi Tội Lỗi” trong chương 3 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta (trang 54–57, 67–68). Mời họ chia sẻ điều họ đã học được.

Hành Động theo Đức Tin

Khuyến khích các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo các ấn tượng mà họ đã nhận được hôm nay. Bài học hôm nay có liên quan như thế nào đến những mục tiêu cá nhân mà họ đã đặt ra? Nếu muốn, các thành viên trong nhóm túc số hoặc lớp học có thể chia sẻ ý kiến của họ.

Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện cho các môn đồ của Ngài và liên tục phục vụ họ. Ngài tìm cơ hội để ở cùng họ và bày tỏ tình yêu thương của Ngài. Anh chị em có những cơ hội nào để làm điều đó cho những người mà mình giảng dạy? (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi [năm 2016], trang 6.)

In