Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 6–12 tháng Năm: “Trong Sức Mạnh của Chúa.” Mô Si A 7–10


“Ngày 6–12 tháng Năm: ‘Trong Sức Mạnh của Chúa.’ Ngày 6–12 tháng Năm,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 6–12 tháng Năm. Mô Si A 7–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
Am Môn giảng dạy Vua Lim Hi

Minerva Teichert (1888–1976), Ammon before King Limhi (Am Môn đứng trước Vua Lim Hi), năm 1949–1951, tranh sơn dầu, khổ 91,2 x 122 cm. Brigham Young University Museum of Art, năm 1969.

Ngày 6–12 tháng Năm: “Trong Sức Mạnh của Chúa”

Mô Si A 7–10

Trong khi dân của Vua Mô Si A vui hưởng “thái bình … liên tiếp” ở Gia Ra Hem La (Mô Si A 7:1), ý nghĩ của họ hướng về một nhóm dân Nê Phi khác, những người đã đi cư ngụ ở xứ Lê Hi–Nê Phi nhiều năm về trước. Nhiều thế hệ đã trôi qua, và dân của Mô Si A không nhận được tin tức gì của những người đó. Vì thế, Mô Si A đã yêu cầu Am Môn dẫn đầu một nhóm người tìm kiếm những người Nê Phi đã rời đi. Nhóm người này tìm hiểu được rằng những người Nê Phi này, “do điều bất chính” (Mô Si A 7:24), đang trong vòng giam cầm của dân La Man. Nhưng với sự xuất hiện của Am Môn và các anh em của ông, bỗng nhiên họ có được hy vọng về sự giải thoát.

Đôi khi chúng ta giống như những người Nê Phi bị giam cầm này, chịu đau khổ bởi vì tội lỗi của mình, tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy bình an một lần nữa. Đôi khi chúng ta giống như Am Môn, cảm thấy được thúc giục để tìm đến những người khác và cuối cùng biết rằng những nỗ lực của mình đã soi dẫn cho họ “ngẩng đầu lên, … vui mừng và tin cậy vào Thượng Đế” (Mô Si A 7:19). Bất chấp hoàn cảnh của mình, tất cả chúng ta đều cần phải hối cải và “quay về với Chúa một cách hết lòng,” với đức tin rằng “Ngài sẽ giải thoát cho [chúng ta]” (Mô Si A 7:33).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Mô Si A 7:14–33

Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để giải thoát tôi.

Việc gặp Am Môn đã cho Vua Lim Hi hy vọng, và ông muốn mang niềm hy vọng đó cho dân của ông. Có lẽ những lời nói của ông cũng có thể mang đến cho anh chị em hy vọng. Để hiểu ngữ cảnh, hãy cân nhắc việc ôn lại tình cảnh của dân của Lim Hi trong Mô Si A 7:20–25. Sau đó hãy suy ngẫm những câu hỏi này khi anh chị em đọc Mô Si A 7:14–33:

  • Lim Hi đã nói gì để củng cố đức tin và hy vọng của dân ông nơi Đấng Ky Tô?

  • Các cụm từ nào giúp anh chị em cảm thấy hy vọng? (xin xem các câu 19, 33).

  • Những kinh nghiệm nào đã giúp anh chị em tin cậy rằng Thượng Đế có thể và sẽ giải thoát anh chị em?

Xin xem thêm bài hát: “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 5.

Mô Si A 7:26–27

Tôi được sáng tạo “theo hình dáng của Thượng Đế.”

Trong Mô Si A 7:26–27, Lim Hi giải thích một số lẽ thật do A Bi Na Đi giảng dạy. Anh chị em có thể nhận ra những lẽ thật nào trong những câu này? Những lẽ thật này ảnh hưởng đến cách anh chị em nhìn nhận Thượng Đế và bản thân mình như thế nào?

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

Mô Si A 8:13–19

Chúa cung ứng các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải vì lợi ích của nhân loại.

Khi Lim Hi nghe chứng ngôn của Am Môn rằng Chúa đã lập lên một vị tiên kiến, Lim Hi “rất đỗi hân hoan và cất lời cảm tạ Thượng Đế” (Mô Si A 8:19). Anh chị em nghĩ tại sao ông cảm thấy như vậy? Anh chị em học được điều gì về các vị tiên kiến từ những lời của Am Môn trong Mô Si A 8:13–19?

Ngày nay, chúng ta tán trợ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Họ đã “mang lại lợi ích lớn lao” cho anh chị em như thế nào? (Mô Si A 8:18). Họ dạy cho anh chị em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?

Làm thế nào để anh chị em, giống như Am Môn, có thể can đảm nói về sự cần thiết của các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải? (xin xem Mô Si A 8:13–18). Ví dụ, anh chị em có thể chia sẻ điều gì với gia đình của mình hoặc trên phương tiện truyền thông xã hội về:

  • Các lẽ thật đã được phục hồi trong thời kỳ của chúng ta bởi Joseph Smith và các vị tiên tri khác của Chúa (chẳng hạn như thiên tính của Thượng Đế, nguồn gốc thiêng liêng của chúng ta, hoặc tính chất vĩnh cửu của gia đình). Việc ôn lại “Sự Phục Hồi Phúc Âm Trọn Vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô” hoặc “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới” (Thư Viện Phúc Âm) có thể giúp anh chị em nghĩ về một số lẽ thật này.

  • Các phước lành của các lệnh truyền hoặc giáo lễ (chẳng hạn như Lời Thông Sáng, luật trinh khiết, hoặc lễ gắn bó gia đình).

Tháng trước, chúng ta đã nghe từ các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải trong đại hội trung ương. Những sứ điệp nào đã soi dẫn anh chị em? Anh chị em sẽ làm điều gì khác biệt dựa trên điều mình đã học được? Các vị tiên kiến của Chúa đã nói gì về “những việc sẽ xảy đến trong tương lai”? (Mô Si A 8:17).

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tiên tri,” Thư Viện Phúc Âm.

Mô Si A 9–10

Tôi có thể đối mặt với thử thách của mình “trong sức mạnh của Chúa.”

Giê Níp thừa nhận rằng những lỗi lầm của ông đã đặt dân của ông vào một tình huống khó khăn. Nhưng về sau, trong các trận chiến chống lại dân La Man, ông đã giúp dân của mình đối phó với thử thách bằng đức tin nơi Chúa. Khi anh chị em đọc Mô Si A 9–10, hãy tìm kiếm những điều mà dân của Giê Níp đã làm để cho thấy đức tin của họ. Thượng Đế đã củng cố họ như thế nào? Ngài đã củng cố anh chị em ra sao? Việc tiến bước “trong sức mạnh của Chúa” có ý nghĩa gì đối với anh chị em? (Mô Si A 9:17; 10:10–11).

Mô Si A 10:11–17

Những lựa chọn của tôi có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

Khi anh chị em đọc Mô Si A 10:11–17, hãy tìm hiểu xem những hành động và thái độ của các thế hệ trước của dân La Man đã ảnh hưởng như thế nào đến các thế hệ tiếp theo. Điều này gợi ý gì về cách mà những lựa chọn của anh chị em có thể ảnh hưởng—tốt hay xấu—đến người khác kể cả những người chưa được sinh ra?

Sử dụng các bài học dùng dụng cụ trực quan. Các bài học với dụng cụ trực quan khiến cho việc học trở nên thú vị và dễ nhớ. Có lẽ việc xếp một dãy cờ đô mi nô có thể cho thấy cách mà những lựa chọn của mọi người có thể ảnh hưởng đến con cháu của họ như thế nào (xin xem Mô Si A 10:11–17).

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Mô Si A 7:19

Thượng Đế đã giúp đỡ dân chúng trong thánh thư và Ngài có thể giúp đỡ tôi.

  • Khi dân của ông gặp khó khăn, Vua Lim Hi đã chia sẻ thánh thư để xây đắp đức tin của họ. Hãy hỏi các bé về những câu chuyện hoặc các nhân vật trong thánh thư mà giúp chúng có đức tin. Sau đó, anh chị em có thể đọc Mô Si A 7:19 cho chúng nghe và ôn lại các câu chuyện được đề cập đến trong câu này (xin xem “Lễ Vượt Qua” và “Dân Y Sơ Ra Ên trong Đồng Vắng” trong Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước, trang 70–76). Có lẽ các bé muốn diễn lại các câu chuyện đó. Chúa đã giúp đỡ dân chúng trong những câu chuyện này như thế nào? Ngài có thể giúp đỡ chúng ta như thế nào?

  • Hãy giúp các bé nhận ra cách Chúa đã giúp đỡ dân chúng trong Sách Mặc Môn—và cách mà Ngài có thể giúp chúng ta.

Mô Si A 8:16–18

Thượng Đế ban cho chúng ta các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải.

  • Một cách để giảng dạy về các vị tiên kiến là so sánh họ với những thứ giúp chúng ta thấy rõ hơn, như mắt kính, ống nhòm hoặc kính hiển vi. Sau đó, khi anh chị em đọc Mô Si A 8:17 cho các bé nghe, chúng có thể đưa tay lên mắt giống như chúng nhìn qua ống nhòm mỗi lần chúng nghe từ “tiên kiến” (xin xem thêm Môi Se 6:35–36). Hãy nói với chúng về những điều mà Chúa giúp các vị tiên tri “thấy” mà chúng ta không thể thấy được. Các vị tiên tri hoặc tiên kiến của chúng ta, chẳng hạn như Joseph Smith, đã tiết lộ cho chúng ta điều gì?

  • Sau khi cùng các bé đọc Mô Si A 8:16–18, anh chị em có thể giúp chúng nghĩ về những cách để hoàn thành một câu như Một vị tiên kiến giống như một … giúp đỡ chúng ta … . Ví dụ, một vị tiên kiến giống như một tấm biển giao thông chỉ đường cho chúng ta đến với Chúa Giê Su.

  • Anh chị em cũng có thể làm những dấu chân bằng giấy và cho các bé vẽ lên các dấu chân đó về những điều mà các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải đã khuyên bảo chúng ta phải làm. Đặt các dấu chân thành một con đường xung quanh phòng, và để cho các bé đi trên những dấu chân này. Làm thế nào một vị tiên kiến có thể “mang lại lợi ích lớn lao” cho chúng ta? (xin xem Mô Si A 8:17–18).

Mô Si A 9:14–18; 10:10–11

Khi tôi yếu đuối, Chúa có thể củng cố tôi.

  • Khi gặp thử thách, trẻ em thường cảm thấy yếu kém và cần được giúp đỡ. Anh chị em sẽ làm thế nào để có thể giúp các bé biết nương cậy vào sức mạnh của Chúa? Anh chị em có thể hỏi chúng điều chúng ta làm để trở nên mạnh mẽ về thể chất. Có được “sức mạnh của loài người” có nghĩa là gì? (xin xem Mô Si A 10:11). Có được “sức mạnh của Chúa” có nghĩa là gì? (xin xem Mô Si A 9:17–18; 10:10). Làm thế nào để chúng ta nhận được sức mạnh của Chúa? Các bé có thể vẽ tranh về những điều mà giúp chúng nhận được sức mạnh của Chúa.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Joseph Smith với Mô Rô Ni

Vision to Joseph Smith (Khải Tượng Đến Với Joseph Smith), tranh do Clark Kelley Price họa

In