Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 3–9 tháng Sáu: “Họ Vẫn Một Lòng Vững Chắc Không Lay Chuyển.” Mô Si A 29–An Ma 4


“Ngày 3–9 tháng Sáu: ‘Họ Vẫn Một Lòng Vững Chắc Không Lay Chuyển.’ Mô Si A 29–An Ma 4,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 3–9 tháng Sáu. Mô Si A 29–An Ma 4,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
An Ma Con đang thuyết giảng

Alma the Younger Preaching (An Ma Con Đang Thuyết Giảng), tranh do Gary L. Kapp họa

Ngày 3–9 tháng Sáu: “Họ Vẫn Một Lòng Vững Chắc Không Lay Chuyển”

Mô Si A 29An Ma 4

Một số người có thể thấy lời đề nghị của Vua Mô Si A để thay thế các vị vua bằng các phán quan được lựa chọn là một sự cải cách chính trị khôn ngoan. Nhưng đối với dân Nê Phi, đặc biệt là những người sống dưới triều đại của Vua Nô Ê độc ác, sự thay đổi này cũng có ý nghĩa lớn lao về mặt thuộc linh. Họ đã thấy cách một vị vua không ngay chính ảnh hưởng đến dân mình ra sao, và họ đã “hết sức quan tâm” để thoát khỏi sự ảnh hưởng như vậy. Sự thay đổi này sẽ cho phép họ có trách nhiệm với sự ngay chính của mình và “gánh lấy trách nhiệm về tội lỗi của [chính họ]” (Mô Si A 29:38).

Tất nhiên, việc kết thúc triều đại các vị vua không có nghĩa là kết thúc những vấn đề trong xã hội dân Nê Phi. Những kẻ gian xảo như Nê Hô và Am Li Si đã khơi dậy những ý tưởng sai lạc, những người vô tín ngưỡng ngược đãi Các Thánh Hữu, và nhiều tín hữu của Giáo Hội trở nên kiêu ngạo và bội giáo. Nhưng “những tín đồ khiêm nhường của Thượng Đế” vẫn “vững chắc không lay chuyển” bất kể những điều đang xảy ra xung quanh họ (An Ma 4:15; 1:25).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Mô Si A 29:26–27; An Ma 2:1–7

Tôi có thể tạo ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng của mình.

Chỉ 5 năm trong chế độ các phán quan, một sự khủng hoảng xuất hiện mà sẽ kiểm chứng lời tuyên bố của Mô Si A rằng tiếng nói của người dân sẽ thường chọn điều đúng đắn (xin xem Mô Si A 29:26). Hãy nghiên cứu An Ma 2:1–7 để biết vấn đề này là gì và dân Nê Phi đã làm gì để giải quyết vấn đề đó. Điều gì có thể xảy ra nếu “dân của giáo hội” không làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe? Anh chị em học được điều gì khác từ câu chuyện này về cách Chúa muốn anh chị em tham gia vào cộng đồng của mình? (xin xem thêm Mô Si A 29:26–27).

Cộng đồng của anh chị em đang đối mặt với các vấn đề quan trọng nào? Hãy xem xét cách anh chị em, giống như dân Nê Phi, có thể đảm bảo rằng tiếng nói của mình được gồm vào “tiếng nói của dân chúng.” Trong những phương diện nào anh chị em, với tư cách là một tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, có thể có ảnh hưởng tốt đến cộng đồng của mình?

Xin xem thêm bài của Dallin H. Oaks, “Hãy Yêu Kẻ Thù Nghịch Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 26–29.

An Ma 1

Lời của Thượng Đế có thể giúp tôi nhận ra giáo lý sai lạc.

Mặc dù cuối cùng Nê Hô cũng thú nhận rằng điều hắn giảng dạy là sai lạc, nhưng những lời giảng dạy của hắn vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến dân Nê Phi trong nhiều năm. Anh chị em nghĩ tại sao dân chúng thích điều Nê Hô giảng dạy? Trong An Ma 1:2–6, hãy tìm kiếm những điều dối trá trong những lời giảng dạy của Nê Hô—và những lẽ thật mà hắn đã sử dụng để che giấu những lời dối trá đó.

Ghê Đê Ôn đã chống lại Nê Hô với “những lời của Thượng Đế” (An Ma 1:7, 9). Đây là một số thánh thư phản bác những lời dối trá của Nê Hô: Ma Thi Ơ 7:21–23; 2 Nê Phi 26:29–31; Mô Si A 18:24–26; và Hê La Man 12:25–26. Hãy thử tóm lược mỗi đoạn thánh thư. Anh chị em đã học được điều gì từ các vị tiên tri tại thế mà giúp phản bác những lời giảng dạy sai lạc trong thời kỳ của chúng ta?

An Ma 1:19–31; 4:6–15

Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là “những tín đồ khiêm nhường của Thượng Đế.”

Các chương 1 và 4 của Sách An Ma mô tả những giai đoạn khi Giáo Hội thịnh vượng, nhưng các tín hữu của Giáo Hội có những phản ứng khác nhau với sự thịnh vượng đó. Ví dụ, hãy so sánh An Ma 1:19–30 với An Ma 4:6–15 để xem các tín hữu Giáo Hội đã thay đổi như thế nào chỉ trong một vài năm. Dựa trên điều vừa đọc, các tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô có cảm nhận gì khi dân chúng có những niềm tin khác nhau? Các tín đồ chân chính của Đấng Ky Tô có thái độ gì đối với của cải và sự thịnh vượng? Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để thay đổi điều gì trong thái độ của mình?

Áp dụng thánh thư vào cuộc sống của anh chị em. Hãy suy ngẫm về cách mà những câu chuyện và những lời giảng dạy từ thánh thư áp dụng vào cuộc sống của mình. Ví dụ, anh chị em có thể tìm thấy những điểm tương đồng giữa các vấn đề anh chị em nhận thấy ngày nay và những vấn đề dân Nê Phi gặp phải trong An Ma 1–4.

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

An Ma 4:6–20

Tấm gương và chứng ngôn của tôi có thể làm thay đổi tấm lòng.

Có lẽ anh chị em có thể đồng cảm với nỗi buồn của An Ma khi ông thấy điều đang xảy ra ở giữa dân của mình. Hãy tìm kiếm những vấn đề ông đã thấy trong An Ma 4–15. Anh chị em có nhận thấy bất kỳ vấn đề tương tự nào không? Có lẽ anh chị em đang lo lắng về một người thân đang gặp khó khăn với những vấn đề này. Anh chị em có tự hỏi liệu mình có thể làm gì để giúp đỡ không?

Một số người có thể nói rằng với tư cách là trưởng phán quan, An Ma là người tốt nhất để giải quyết các vấn đề này. Nhưng An Ma cảm thấy rằng có một cách tốt hơn. Khi anh chị em đọc các câu 16–20, điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về cách tiếp cận của ông để giúp đỡ dân mình?

An Ma có đức tin lớn lao nơi lời của Thượng Đế và “lời chứng thuần nhất” (câu 19). Anh chị em đã thấy những ví dụ nào về quyền năng của lời chứng thuần nhất? Khi suy ngẫm về nhiều cách khác nhau để chia sẻ chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, anh chị em có thể đọc lại An Ma 4:6–14. Những hành động của các tín hữu Giáo Hội trong các câu này tiết lộ điều gì về chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài? Anh chị em nhận thấy điều gì về ảnh hưởng của các hành động của họ—đối với bản thân họ và những người khác? Anh chị em cũng có thể nghĩ về những cách anh chị em đã được ban phước bởi chứng ngôn thuần khiết của người khác, cho dù chứng ngôn đó đã được chia sẻ qua lời nói hoặc hành động.

Hãy nghĩ về những cách anh chị em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô—bằng lời nói hoặc hành động. Ai sẽ được lợi ích từ lời chứng của anh chị em?

Xin xem thêm Gary E. Stevenson, “Nuôi Dưỡng và Chia Sẻ Chứng Ngôn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 111–114.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

An Ma 1:2–9

Chúa có thể giúp tôi nhận ra những lời giảng dạy sai lạc.

  • Một cách để nghiên cứu An Ma 1:2–4 với các bé là giúp chúng tạo ra một bài kiểm tra đúng-sai bằng cách sử dụng những lời nói của Nê Hô, một thầy giảng giả. Sau đó, anh chị em có thể nói chuyện với chúng về lý do tại sao Sa Tan thường kết hợp các lẽ thật với những điều sai lạc. Hãy giúp các bé nghĩ ra một số ví dụ. Trong các câu 7–9, Ghê Đê Ôn đã chống lại những lời dối trá của Nê Hô như thế nào? (Xin xem thêm “Chương 20: An Ma và Nê Hô,” Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 54–55.)

An Ma 1:19–25

Là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi yêu thương và phục vụ người khác.

  • Một số tín hữu của Giáo Hội của Chúa vào thời của An Ma rất hào phóng và tốt bụng, còn những tín hữu khác thì không tử tế và kiêu căng. Để giúp các bé học hỏi từ những kinh nghiệm này, anh chị em có thể cùng nhau đọc An Ma 1:27, 30 và lập một bản liệt kê những nhóm người mà các tín hữu của Giáo Hội của Chúa đã giúp đỡ. Chúng ta biết ai mà có thể “cần” (An Ma 1:30) tình yêu thương hoặc sự giúp đỡ của mình?

  • Chúng ta nên làm gì khi người khác không tử tế với chúng ta? Hãy cân nhắc việc đọc cùng các bé về cách các tín đồ của Đấng Ky Tô đã bị đối xử như thế nào trong An Ma 1:19–20. Nói về cách họ phản ứng trong các câu 22 và 25. Có lẽ anh chị em có thể luyện tập những cách để phản ứng lại khi người khác không tử tế với chúng ta.

An Ma 4:8–20

Chứng ngôn của tôi có thể củng cố người khác.

  • Thường thì “lời chứng thuần nhất” (An Ma 4:19) của một đứa trẻ có thể có một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với người khác. Để giúp các bé khám phá ra điều này, anh chị em có thể đọc với chúng An Ma 4:8–12, 15, giúp chúng nhận ra những vấn đề đang xảy ra trong Giáo Hội. An Ma có thể làm gì để giải quyết những vấn đề này? Hãy giúp chúng tìm ra những điều mà An Ma đã quyết định làm trong An Ma 4:16–20. Anh chị em có thể chia sẻ với nhau về việc chứng ngôn của một người khác về Đấng Ky Tô đã củng cố anh chị em như thế nào.

  • Nếu các bé cần những ví dụ về chứng ngôn là gì, hãy cân nhắc việc cho xem một đoạn video của một người nói chuyện trong đại hội trung ương chia sẻ chứng ngôn. Anh chị em có thể sử dụng trang sinh hoạt của tuần này. Chúng ta học được điều gì về chứng ngôn từ các nguồn tài liệu này? Hãy để cho các bé tập chia sẻ chứng ngôn của chúng.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Dân Nê Phi đánh nhau với dân Am Li Si

Alma and Amlici (An Ma và Am Li Si), tranh do Scott M. Snow họa

In