Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 27 tháng Năm–Ngày 2 tháng Sáu: “Họ Được Gọi Là Dân của Thượng Đế.” Mô Si A 25–28


“Ngày 27 tháng Năm–Ngày 2 tháng Sáu: ‘Họ Được Gọi Là Dân của Thượng Đế.’ Mô Si A 25–28,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2024)

“Ngày 27 tháng Năm–Ngày 2 tháng Sáu. Mô Si A 25–28,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2024)

Hình Ảnh
thiên sứ hiện đến cùng An Ma và các con trai của Mô Si A

Conversion of Alma the Younger (Sự Cải Đạo của An Ma Con), tranh do Gary L. Kapp họa

Ngày 27 tháng Năm–Ngày 2 tháng Sáu: “Họ Được Gọi Là Dân của Thượng Đế”

Mô Si A 25–28

Sau gần ba thế hệ sống trong những vùng đất khác nhau, dân Nê Phi được quy tụ thành một dân tộc trở lại. Dân Lim Hi, dân An Ma, và dân Mô Si A—kể cả dân Gia Ra Hem La, là những người không phải dòng dõi của Nê Phi—giờ đây “đều được kể vào dân Nê Phi” (Mô Si A 25:13). Nhiều người trong số họ cũng muốn trở thành tín hữu của Giáo Hội của Chúa, giống như dân của An Ma. Nên tất cả những người nào “muốn mang danh Đấng Ky Tô” đều được báp têm, “và họ được gọi là dân của Thượng Đế” (Mô Si A 25:23–24). Sau nhiều năm xung đột và bị giam cầm, dường như dân Nê Phi cuối cùng sẽ vui hưởng một khoảng thời gian bình yên.

Nhưng không lâu sau, những người vô tín ngưỡng bắt đầu ngược đãi Các Thánh Hữu. Điều làm cho việc này đặc biệt đau lòng là nhiều người vô tín ngưỡng này chính là con cái của những người có đức tin—“thế hệ đang vươn lên” (Mô Si A 26:1), kể cả các con trai của Mô Si A và một người con trai của An Ma. Biên sử thuật lại một cuộc viếng thăm kỳ diệu của một thiên sứ. Nhưng phép lạ thực sự của câu chuyện này không phải chỉ là về các thiên sứ hiện ra với những người con trai ương ngạnh. Sự cải đạo là một phép lạ mà, theo cách này hay cách khác, cần diễn ra bên trong tất cả chúng ta.

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Mô Si A 26:1–6

Tôi có thể giúp người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự cải đạo là thuộc về cá nhân—nó không thể được truyền lại giống như một di sản cho con cái. Khi anh chị em đọc trong Mô Si A 26:1–6, hãy suy ngẫm những lý do có thể khiến “thế hệ đang vươn lên” sa ngã, và hãy lưu ý những hậu quả đến từ sự vô tín ngưỡng của họ. Anh chị em cũng có thể nghĩ về những người mà anh chị em mong muốn mang đến cùng Đấng Ky Tô. Trong quá trình anh chị em học Mô Si A 25–28, Thánh Linh có thể mách bảo những điều anh chị em có thể làm để giúp họ phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Mô Si A 26:6–39

Các tôi tớ trung tín của Thượng Đế tìm cách làm theo ý của Ngài.

Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng một vị lãnh đạo Giáo Hội như An Ma luôn luôn biết chính xác điều phải làm. Trong Mô Si A 26 chúng ta đọc về một vấn đề trong Giáo Hội mà An Ma chưa bao giờ gặp phải. An Ma đã làm gì trong tình huống này? (xin xem Mô Si A 26:13–14, 33–34, 38–39). Kinh nghiệm của An Ma gợi ra điều gì về cách anh chị em có thể tiếp cận những vấn đề khó khăn trong gia đình hay sự phục vụ trong Giáo Hội?

Chúa đã dạy cho An Ma điều gì trong Mô Si A 26:15–32? Lưu ý rằng một số câu trả lời của Chúa không trực tiếp trả lời câu hỏi của An Ma. Điều này gợi ý gì về lời cầu nguyện và việc nhận sự mặc khải cá nhân?

Các nguyên tắc là vĩnh cửu. Hãy suy ngẫm cách mà những câu chuyện và những lời giảng dạy trong thánh thư áp dụng vào cuộc sống của anh chị em. Ví dụ, anh chị em có thể tự hỏi: “Tôi đã có những kinh nghiệm nào giống như An Ma?” hoặc “Những lẽ thật nào mà An Ma đã giảng dạy có thể giúp tôi?”

Mô Si A 26:15–31

Thượng Đế sẵn lòng tha thứ cho tôi khi tôi hối cải và tha thứ cho người khác.

Sự hối cải và tha thứ là những chủ đề được lặp đi lặp lại trong Mô Si A 26–27. Hãy tìm kiếm những từ và cụm từ dạy về sự hối cải và sự tha thứ trong Mô Si A 26:22–24, 29–31; 27:23–37.

Một số người có thể tự hỏi liệu Thượng Đế có thực sự tha thứ cho họ không. Anh chị em tưởng tượng An Ma Cha sẽ khuyên một tín hữu của Giáo Hội ở Gia Ra Hem La đang có mối bận tâm đó như thế nào? An Ma đã học được điều gì từ Chúa trong Mô Si A 26:15–31 mà có thể giúp người tín hữu này của Giáo Hội? (xin xem thêm Mô Rô Ni 6:8; Giáo Lý và Giao Ước 19:16–18; 58:42–43).

Hình Ảnh
hình biểu tượng lớp giáo lý

Mô Si A 27:8–37; 28:1–4

Qua Chúa Giê Su Ky Tô, tôi có thể thay đổi để trở nên tốt hơn.

Rõ ràng là An Ma Con cần được sinh lại về phần thuộc linh. Ông và các con trai của Mô Si A là “những kẻ xấu xa nhất trong số những kẻ phạm tội” (Mô Si A 28:4). Nhưng ngay sau sự cải đạo của ông, An Ma đã làm chứng rằng sự cải đạo là thiết yếu—cho tất cả mọi người, ông nói: “Chớ kinh ngạc khi thấy tất cả loài người … đều phải được tái sinh” (Mô Si A 27:25; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Khi đọc về kinh nghiệm của An Ma trong Mô Si A 27:8–37, hãy cân nhắc đặt mình vào câu chuyện của ông. Anh chị em có thể nghĩ ra những điều về bản thân mình mà cần phải thay đổi không? Giống như An Ma Cha, ai đang cầu nguyện cho anh chị em “với một đức tin mãnh liệt”? Những kinh nghiệm nào đã giúp “thuyết phục cho [anh chị em] tin về quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế”? (Mô Si A 27:14). “Những điều … vĩ đại” nào Chúa đã làm cho anh chị em hay cho gia đình của anh chị em mà anh chị em nên “nhớ”? (Mô Si A 27:16). Anh chị em học được gì từ những lời nói và hành động của An Ma Con về ý nghĩa của việc được sinh lại? Anh chị em đã thấy những ví dụ nào?

Hãy dành ra một phút để ghi lại một số cách mà Đấng Cứu Rỗi đang giúp anh chị em thay đổi—hoặc được tái sinh—ngay cả khi những kinh nghiệm của anh chị em không kịch tính hoặc đột ngột như của An Ma. Có một bài thánh ca nào anh chị em có thể hát hoặc lắng nghe mà bày tỏ cảm nghĩ của mình không, như “Lòng Cảm Kích Vô Cùng”? (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 22). Ai có thể được lợi ích khi nghe về những kinh nghiệm của anh chị em?

Anh Cả David A. Bednar đã so sánh việc được tái sinh với quá trình của một trái dưa leo trở thành dưa chua (xin xem “Các Ngươi Phải Được Tái Sinh,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 19–22). Phép so sánh này dạy cho anh chị em điều gì về sự cải đạo?

Mô Si A 27:8–24

Thượng Đế nghe những lời cầu nguyện của tôi và sẽ đáp ứng theo ý muốn và kỳ định của Ngài.

Có thể anh chị em từng ở trong hoàn cảnh của An Ma Cha khi có một thành viên trong gia đình đang đưa ra những lựa chọn mang tính hủy hoại. Anh chị em tìm thấy điều gì trong Mô Si A 27:8–24 mà cho anh chị em hy vọng? Những câu này có thể ảnh hưởng như thế nào đến lời cầu nguyện của anh chị em thay cho những người khác?

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Mô Si A 26:30–31

Chúa muốn tôi tha thứ.

  • Để giúp các bé khám phá điều Chúa đã dạy An Ma về sự tha thứ, anh chị em có thể mời chúng đọc Mô Si A 26:29–31 và đếm xem từ “tha thứ” được lặp lại bao nhiêu lần. Các câu này dạy điều gì về việc tha thứ cho người khác?

  • Để nhấn mạnh vào tấm gương tha thứ của Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể cho xem một bức hình của Ngài trên thập tự giá và cùng nhau đọc Lu Ca 23:33–34. Chúa Giê Su đã cầu xin Cha Thiên Thượng làm gì cho những người đã treo Ngài lên thập tự giá? Sau cuộc thảo luận này, các bé có thể đóng diễn về việc tha thứ cho nhau.

  • Đôi khi rất khó để tha thứ cho bản thân mình khi chúng ta phạm sai lầm. Làm thế nào mà những lời của Thượng Đế phán cùng An Ma có thể giúp ích? Các bé có thể giả vờ rằng chúng đang nói chuyện với một người nào đó mà không nghĩ rằng Thượng Đế sẽ tha thứ cho mình. Mời các bé tìm một điều gì đó Mô Si A 26: 22– 23, 29–30 mà có thể giúp ích cho người đó.

Mô Si A 27:8–37

Chúa Giê Su Ky Tô giúp tôi trở nên giống như Ngài hơn.

  • Sự cải đạo của An Ma Con và các con trai của Mô Si A có thể cho các bé thấy rằng, với quyền năng của Đấng Cứu Rỗi, bất cứ ai cũng có thể thay đổi. Anh chị em hoặc các bé có thể sử dụng các bức tranh trong đại cương này, trang sinh hoạt của tuần này, và một vài câu thánh thư chính yếu từ Mô Si A 27:8–37 để kể lại câu chuyện (xin xem thêm “Chương 18: An Ma Con Hối Cải,” trong Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 49–52). Đặc biệt nhấn mạnh đến câu 24, để giảng dạy rằng An Ma đã hối cải và Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp ông thay đổi. Hãy để cho các bé diễn lại câu chuyện này nếu chúng thích.

Hình Ảnh
An Ma Con được mang về nhà của cha ông

His Father Rejoiced (Cha Ông Rất Vui Mừng), tranh do Walter Rane họa

Mô Si A 27:8–24

Tôi có thể cầu nguyện và nhịn ăn để Thượng Đế ban phước cho những người tôi yêu thương.

  • Hãy cùng nhau đọc Mô Si A 27:8–24, và bảo các bé chỉ ra điều mà An Ma Cha và dân của ông đã làm để giúp An Ma Con. Anh chị em đã bao giờ nhịn ăn và cầu nguyện cho một người nào đó chưa? Chia sẻ kinh nghiệm của anh chị em với các bé, và cho chúng chia sẻ kinh nghiệm của chúng.

  • Anh chị em hoặc các bé có biết một người nào đó cần sự giúp đỡ của Thượng Đế không? Khi noi theo tấm gương của An Ma, anh chị em có thể cùng nhau cầu nguyện cho người đó và, nếu được, các bé cũng có thể nhịn ăn cho họ.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
thiên sứ hiện ra với An Ma Con

Hình ảnh minh họa về một thiên sứ hiện ra với An Ma Con, do Kevin Keele thực hiện

In