Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 16–22 tháng Chín: “Con Hãy Ngẩng Đầu Vui Vẻ Đi.” 3 Nê Phi 1–7


“Ngày 16–22 tháng Chín: ‘Con Hãy Ngẩng Đầu Vui Vẻ Đi.’ 3 Nê Phi 1–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Ngày 16–22 tháng Chín. 3 Nê Phi 1–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)

Dân Nê Phi chứng kiến ngày không có đêm

One Day, One Night, and One Day (Một Ngày, Một Đêm, và Một Ngày), tranh do Jorge Cocco họa

Ngày 16–22 tháng Chín: “Con Hãy Ngẩng Đầu Vui Vẻ Đi”

3 Nê Phi 1–7

Theo một cách nào đó, đây là một thời gian thú vị để làm một người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Các lời tiên tri đang được ứng nghiệm—những điềm triệu và phép lạ vĩ đại giữa dân chúng chỉ ra rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ sớm được sinh ra. Mặc khác, đây cũng là một thời gian đầy lo lắng đối với những người tin, bởi vì mặc cho tất cả các phép lạ, những kẻ chẳng tin khăng khăng rằng “thời gian [mà Đấng Cứu Rỗi được sinh ra] đã qua rồi” (3 Nê Phi 1:5). Những kẻ này đã gây ra “một sự xáo trộn khắp nơi trong nước” (3 Nê Phi 1:7) và thậm chí đã định một ngày để giết tất cả những người tin nếu như điềm triệu do tiên tri Sa Mu Ên người La Man tiên đoán—một đêm không có bóng tối—không xảy ra.

Trong tình cảnh khó khăn này, tiên tri Nê Phi “kêu cầu hết sức tha thiết lên Thượng Đế để xin cho dân ông” (3 Nê Phi 1:11). Lời đáp của Chúa thật đầy soi dẫn cho bất cứ ai đang đối mặt với sự ngược đãi hoặc nghi ngờ và cần được biết rằng ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối: “Con hãy ngẩng đầu vui vẻ đi; … ta sẽ làm tròn tất cả những gì mà ta đã cho nói ra từ miệng các thánh tiên tri của ta” (3 Nê Phi 1:13).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

3 Nê Phi 1–7

Việc trở nên được cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi lòng kiên nhẫn và nỗ lực.

3 Nê Phi 1–7 mô tả những người được cải đạo đến với Chúa và những người khác thì không. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt giữa các nhóm này? Một bảng biểu như sau có thể giúp anh chị em sắp xếp các ý nghĩ của mình:

Những điều làm suy yếu sự cải đạo

Những điều củng cố sự cải đạo

3 Nê Phi 1:5–11

Không tin vào những lời của vị tiên tri và chế nhạo những người ngay chính

Có đức tin nơi những lời của vị tiên tri và cầu nguyện để được giúp đỡ

3 Nê Phi 1:29–30

3 Nê Phi 2:1–3

3 Nê Phi 3:12–16

3 Nê Phi 4:8–10, 30–33

3 Nê Phi 6:13–18

3 Nê Phi 7:15–22

Hãy đặt câu hỏi cho mình trong khi anh chị em học. Ví dụ, trong khi hoàn tất bảng biểu này, anh chị em có thể hỏi những câu hỏi như “Bài học dành cho tôi ở đây là gì?” Điều này sẽ mang đến sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh.

3 Nê Phi 1:1–23

seminary icon
Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, tôi có thể “vui vẻ.”

Cha Thiên Thượng biết rằng cuộc sống của anh chị em sẽ có những giây phút khó khăn, thậm chí còn đáng sợ nữa. Nhưng Ngài cũng muốn anh chị em cảm nhận được niềm vui. Hãy đọc 3 Nê Phi 1:1–23 để biết về những lý do khiến cho dân Nê Phi trung tín phải e sợ. Chúa đã ban cho họ lý do nào để “vui vẻ”?

Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng cụm từ “hãy vui lên” trong vài dịp—ví dụ, trong Ma Thi Ơ 14:24–27; Giăng 16:33; Giáo Lý và Giao Ước 61:36; 78:17–19. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về những lời mời này? Anh chị em có thể đọc các câu xung quanh để hiểu hoàn cảnh mà Đấng Cứu Rỗi đã phán những lời này. Trong mỗi trường hợp, Ngài đã đưa ra những lý do nào để giúp mọi người đối phó với nỗi sợ hãi của họ? Ngài đã làm điều này cho anh chị em như thế nào?

Hãy cân nhắc việc nghiên cứu bài nói chuyện của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh” (Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 81–84). Chủ Tịch Nelson dạy anh chị em điều gì về việc tìm kiếm niềm vui trong bất kỳ hoàn cảnh nào? Hãy lưu ý số lần Chủ Tịch Nelson sử dụng từ tập trung. Anh chị em có thể so sánh việc lấy nét máy ảnh hoặc ống kính với việc tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào anh chị em sẽ tập trung vào Ngài nhiều hơn?

3 Nê Phi 1:4–21; 5:1–3

Chúa sẽ làm ứng nghiệm tất cả những lời của Ngài theo kỳ định của Ngài.

Hãy đọc 3 Nê Phi 1:4–7 và suy nghĩ về cảm nhận của anh chị em nếu anh chị em là một trong những người có đức tin. Họ đã làm gì để giữ cho đức tin được vững mạnh? (xin xem 3 Nê Phi 1:4–21 và 5:1–3). Những lời của Sa Mu Ên đã được ứng nghiệm như thế nào? (xin xem 3 Nê Phi 1:19–21). Chúa đã làm tròn lời của Ngài trong cuộc sống của anh chị em ra sao?

3 Nê Phi 1:4–15; 5:12–26; 6:10–15; 7:15–26

Tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mặc Môn đã tuyên bố: “Này, tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô” (3 Nê Phi 5:13). Câu này có ý nghĩa gì đối với anh chị em? Hãy cân nhắc việc tra cứu 3 Nê Phi 1:4–15; 5:12–26; 6:10–15; và 7:15–26, tìm kiếm những đức tính, niềm tin, và hành động của các môn đồ của Đấng Ky Tô.

3 Nê Phi 2:11–12; 3:1–26

Khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, tôi không cần phải sợ hãi.

Kinh nghiệm của dân Nê Phi với những đảng cướp chứa đựng các bài học mà có thể giúp anh chị em đối phó với những mối nguy hiểm thuộc linh mà mình gặp phải. Hãy tìm những bài học này trong 3 Nê Phi 2:11–12 và 3:1–26. Ví dụ, anh chị em có thể tìm kiếm lời của Ghi Đi An Hi trong 3 Nê Phi 3:2–10 và so sánh chúng với những cách thức Sa Tan cố gắng để lừa dối anh chị em. Anh chị em học được điều gì từ tấm gương của La Cô Nê?

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

3 Nê Phi 1:4–15, 19–21

Một ngôi sao mới xuất hiện khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh.

3 Nê Phi 1:4–21

Những lời của các vị tiên tri luôn luôn được ứng nghiệm.

  • Khi anh chị em và các bé đọc 3 Nê Phi 1:4–10, hãy mời chúng nói về cảm nhận của một trong những tín đồ sống vào thời đó. Sau đó, khi chúng đọc phần còn lại của câu chuyện trong các câu 11–15, chúng có thể đề nghị những cách để hoàn thành câu này: “Bài học từ câu chuyện này dành cho con là …”

  • Có lẽ các bé có thể giúp anh chị em nghĩ về những lần khác khi Thượng Đế làm tròn những lời hứa của Ngài được ban cho qua vị tiên tri của Ngài. Chúng có thể thích tìm những bức tranh về những câu chuyện này trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm (ví dụ, xin xem các số 7–881). Hãy để chúng chia sẻ những điều chúng biết về những câu chuyện này, kể cả cách mà những lời hứa của Thượng Đế đã được ứng nghiệm. Hãy cùng nhau đọc 3 Nê Phi 1:20 và chia sẻ lời chứng của riêng anh chị em về các lẽ thật này.

3 Nê Phi 2:11–12; 3:13–14, 24–26

Chúng ta mạnh mẽ hơn khi quy tụ lại với nhau.

  • Hãy giúp các bé khám phá lý do tại sao dân Nê Phi quy tụ lại với nhau và các phước lành đến với họ trong 3 Nê Phi 2:11–123:13–14, 24–26. Tại sao là điều quan trọng đối với chúng ta ngày nay để tụ họp trong gia đình của mình và tại nhà thờ?

  • Anh chị em có biết một bài học dùng dụng cụ trực quan dạy về sức mạnh của tình đoàn kết không? Các bé có thể thử bẻ một cây que và sau đó là một bó que hoặc xé một tờ giấy và sau đó là một xấp giấy. Chúng ta giống như những cây que hoặc tờ giấy như thế nào?

3 Nê Phi 5:12–26; 6:14; 7:15–26

Tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Sau khi đọc 3 Nê Phi 5:13 cùng nhau, hãy mời các bé lặp lại cụm từ “Tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.” Để biết ý nghĩa của việc làm một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy cùng nhau đọc một số ví dụ này: dân La Man được cải đạo (xin xem 3 Nê Phi 6:14), Mặc Môn (xin xem 3 Nê Phi 5:12–26), và Nê Phi (xin xem 3 Nê Phi 7:15–26).

  • Trên một tờ giấy, hãy giúp các bé vẽ theo bàn tay của chúng và cắt hình bàn tay đó ra. Viết “Tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô” lên một mặt, và mời chúng vẽ một điều gì đó chúng có thể làm để trở thành một môn đồ ở mặt bên kia.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Dân Nê Phi chứng kiến ngày không có đêm

A Day, a Night, and a Day (Một Ngày, Một Đêm, và Một Ngày), tranh do Walter Rane họa.