Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 23–29 tháng Chín: “Hãy Đứng Dậy và Tiến Lại gần Ta.” 3 Nê Phi 8–11


“Ngày 23–29 tháng Chín: ‘Hãy Đứng Dậy và Tiến Lại gần Ta.’ 3 Nê Phi 8–11,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Ngày 23–29 tháng Chín. 3 Nê Phi 8–11,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)

Hình Ảnh
Chúa Giê Su hiện đến cùng dân Nê Phi

I Am the Light of the World (Ta Là Sự Sáng của Thế Gian), tranh do James Fullmer họa

Ngày 23–29 tháng Chín: “Hãy Đứng Dậy và Tiến Lại gần Ta”

3 Nê Phi 8–11

“Này, ta là Giê Su Ky Tô, người mà các tiên tri đã làm chứng rằng sẽ đến với thế gian” (3 Nê Phi 11:10). Với những từ này, Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã tự giới thiệu mình, làm ứng nghiệm những lời tiên tri hơn 600 năm trong Sách Mặc Môn. Anh Cả Jeffrey R. Holland đã viết: “Sự hiện đến và lời tuyên bố đó tạo ra tâm điểm, thời điểm quan trọng, trong toàn bộ lịch sử của Sách Mặc Môn. Chính sự biểu hiện và sắc lệnh đó đã được báo trước và soi dẫn cho mỗi vị tiên tri người Nê Phi. … Mọi người đã nói về Ngài, hát về Ngài, mơ về Ngài, và cầu nguyện về sự hiện đến của Ngài—nhưng trong giây phút đó Ngài thực sự xuất hiện. Đó chính là ngày quan trọng nhất! Thượng Đế là Đấng biến mỗi đêm tối thành ánh sáng ban mai đã đến” (Christ and the New Covenant [năm 1997], trang 250–251).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

3 Nê Phi 8–11

Chúa Giê Su Ky Tô là Ánh Sáng của Thế Gian.

Anh chị em có thể để ý rằng các đề tài liên quan đến bóng tối và ánh sáng được lặp lại xuyên suốt 3 Nê Phi 8–11. Anh chị em học được gì từ những chương này về bóng tối và ánh sáng thuộc linh? (để có ví dụ, xin xem 3 Nê Phi 8:19–23; 9:18; 10:9–13). Điều gì mang bóng tối vào cuộc đời anh chị em? Điều gì mang lại ánh sáng? Anh chị em nghĩ tại sao Đấng Cứu Rỗi tự giới thiệu Ngài là “sự sáng và sự sống của thế gian”? (3 Nê Phi 9:18; 11:11).

Những sự kiện được mô tả trong 3 Nê Phi 9–11 thuộc vào trong số những sự kiện thiêng liêng nhất trong Sách Mặc Môn. Hãy đọc chậm rãi, và suy ngẫm kỹ. Sau đây là một số câu hỏi để giúp đỡ anh chị em. Hãy cân nhắc việc ghi lại những ấn tượng đến với anh chị em.

  • Tôi sẽ cảm thấy như thế nào nếu tôi ở trong số những người này?

  • Điều gì gây ấn tượng cho tôi về Đấng Cứu Rỗi trong các chương này?

  • Làm thế nào để tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tôi?

  • Ngài là sự sáng trong cuộc đời tôi như thế nào?

Xin xem thêm Sharon Eubank, “Đấng Ky Tô: Sự Sáng Soi trong Tối Tăm,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 73–76.

Hãy ghi lại những ấn tượng. Khi anh chị em viết xuống những ấn tượng thuộc linh mà mình nhận được, anh chị em có nhiều khả năng sẽ nhận được nhiều ấn tượng hơn.

3 Nê Phi 9–10

Chúa Giê Su Ky Tô rất muốn tha thứ.

Anh Cả Neil L. Andersen đã nói: “Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có thể và tha thiết muốn tha thứ tội lỗi của chúng ta” (“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 40). Hãy tìm kiếm trong 3 Nê Phi 9–10 minh chứng cho sự tha thiết muốn tha thứ của Đấng Ky Tô. Anh chị em tìm thấy gì trong 3 Nê Phi 9:13–22; 10:1–6 mà giúp anh chị em cảm thấy được tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài? Đã có lần nào anh chị em cảm thấy Ngài “quy tụ” và “nuôi dưỡng” mình không? (xin xem 3 Nê Phi 10:4).

3 Nê Phi 9:19–22

Chúa đòi hỏi “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.”

Trước khi Đấng Cứu Rỗi đến, những của lễ hy sinh bằng động vật là một biểu tượng về sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Môi Se 5:5–8). Đấng Cứu Rỗi đã ban ra lệnh truyền mới nào trong 3 Nê Phi 9:20–22? Nó hướng chúng ta đến Ngài và sự hy sinh của Ngài như thế nào?

Việc dâng lên của lễ hy sinh bằng một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối có nghĩa là gì đối với anh chị em? Tại sao anh chị em cảm thấy Đấng Cứu Rỗi muốn sự hy sinh này từ mình?

3 Nê Phi 11:1–8

Hình Ảnh
seminary icon
Tôi có thể học cách lắng nghe và hiểu được tiếng nói của Thượng Đế.

Làm thế nào anh chị em có thể biết được khi nào Thượng Đế đang phán bảo mình? Có lẽ kinh nghiệm của dân chúng trong 3 Nê Phi 11:1–8 có thể giúp anh chị em hiểu một số nguyên tắc để nghe và hiểu tiếng nói của Thượng Đế. Anh chị em có thể ghi chú những đặc điểm của tiếng nói của Thượng Đế mà dân chúng đã nghe và điều họ đã làm để hiểu tiếng nói ấy rõ hơn.

Cũng có thể hữu ích để khám phá những câu thánh thư khác mô tả tiếng nói của Thượng Đế hoặc ảnh hưởng của Thánh Linh Ngài. Đây là một vài ví dụ. Có lẽ, sau khi đọc những điều này, anh chị em có thể viết một số chỉ dẫn để nhận ra sự mặc khải: 1 Các Vua 19:11–12; Ga La Ti 5:22–23; An Ma 32:27–28, 35; Hê La Man 10:2–4; Ê The 4:11–12; Giáo Lý và Giao Ước 9:7–9; 11:11–14.

Anh chị em cũng có thể được lợi ích từ việc lắng nghe các vị tiên tri, sứ đồ ngày nay, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội mà đã có kinh nghiệm lắng nghe và tuân theo tiếng nói của Thượng Đế.

Làm thế nào anh chị em sẽ áp dụng điều mình đã học được để nghe và nhận ra tiếng nói của Thượng Đế một cách rõ ràng hơn?

Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 88–92.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su cho dân Nê Phi thấy các vết đinh trên tay Ngài

One by One (Từng Người Một), tranh do Walter Rane họa

3 Nê Phi 11:8–17

Chúa Giê Su Ky Tô mời tôi đạt được một sự làm chứng cá nhân về Ngài.

Khoảng 2.500 người đã quy tụ tại đền thờ ở xứ Phong Phú khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến (xin xem 3 Nê Phi 17:25). Mặc cho số lượng lớn như vậy, Đấng Cứu Rỗi vẫn mời họ “từng người một” sờ vào vết đinh đóng trên tay và chân Ngài (3 Nê Phi 11:14–15). Trong khi anh chị em đọc, hãy tưởng tượng anh chị em sẽ như thế nào khi ở đó. Trong những phương diện nào Đấng Cứu Rỗi mời anh chị em “đứng dậy và tiến lại gần” Ngài? (3 Nê Phi 11:14).

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm trong tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Bởi vì Chủ Nhật này là ngày Chủ Nhật tuần thứ năm của tháng, các giảng viên Hội Thiếu Nhi được khuyến khích sử dụng các sinh hoạt học tập trong “Phụ Lục B: Chuẩn Bị Cho Trẻ Em Bước Đi trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Đời.”

3 Nê Phi 8–9

Khi tôi ở trong bóng tối, Chúa Giê Su Ky Tô có thể là ánh sáng của tôi.

  • Để giúp các bé liên tưởng đến các kinh nghiệm được mô tả trong 3 Nê Phi 8–9, anh chị em có thể kể lại hoặc nghe một đoạn ghi âm các phần của những chương này trong một căn phòng tối. Hãy thảo luận việc ở trong bóng tối trong ba ngày sẽ giống như thế nào. Rồi anh chị em có thể nói về lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô gọi Ngài là Sự Sáng của Thế Gian (xin xem 3 Nê Phi 9:18). Chúa Giê Su đã mời gọi dân chúng, và chúng ta, làm gì để Ngài có thể là ánh sáng cho chúng ta? (xin xem 3 Nê Phi 9:20–22).

3 Nê Phi 10:4–6

Chúa Giê Su bảo vệ dân Ngài như gà mái túc con mình.

  • Hình ảnh gà mái túc con mình có thể là một công cụ giảng dạy mạnh mẽ để giúp trẻ em hiểu thiên tính và giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em có thể đọc 3 Nê Phi 10:4–6 trong khi gia đình mình xem một bức hình con gà mái và đàn gà con. Tại sao gà mái cần phải túc con mình? Tại sao Đấng Cứu Rỗi muốn quy tụ chúng ta lại gần Ngài? Làm thế nào chúng ta đến cùng Ngài để được an toàn?

3 Nê Phi 11:1–15

Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi tôi đến cùng Ngài.

  • Làm thế nào anh chị em giúp các bé cảm nhận được Thánh Linh khi anh chị em cùng nhau đọc 3 Nê Phi 11:1–15? Anh chị em có thể bảo chúng nói cho anh chị em biết khi chúng tìm thấy điều gì đó trong các câu này mà giúp chúng cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Hãy nói cho các bé nghe về điều mà anh chị em cảm nhận được khi đọc và suy ngẫm về những sự kiện này. Hãy để chúng chia sẻ những cảm nhận của chúng.

3 Nê Phi 11:1–8

Thượng Đế phán bảo tôi bằng một tiếng nói nhỏ nhẹ.

  • Có lẽ anh chị em có thể đọc một số câu này bằng một giọng nhẹ nhàng, “nhỏ nhẹ” (3 Nê Phi 11:3). Hoặc bật một bài thánh ca hoặc bài hát thiếu nhi với âm lượng nhỏ đến mức khó mà nghe được. Dân chúng đã phải làm gì để hiểu được tiếng nói từ trên trời? (xin xem các câu 5–7). Chúng ta học được điều gì từ kinh nghiệm của họ?

3 Nê Phi 11:21–26

Chúa Giê Su Ky Tô muốn tôi chịu phép báp têm.

  • Khi anh chị em đọc 3 Nê Phi 11:21–26, anh chị em có thể mời các bé đứng lên mỗi lần chúng nghe thấy từ báp têm. Chúa Giê Su đã dạy điều gì về phép báp têm? Nếu các bé đã từng thấy một lễ báp têm, hãy yêu cầu chúng mô tả những điều chúng đã thấy. Tại sao Chúa Giê Su muốn chúng ta được báp têm?

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm trong tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su hiện đến cùng dân Nê Phi

One Shepherd (Một Người Chăn), tranh của Howard Lyon.

In