Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 9–15 tháng Chín: “Tin Lành Vui Mừng Lớn Lao.” Hê La Man 13–16


“Ngày 9–15 tháng Chín: ‘Tin Lành Vui Mừng Lớn Lao.’ Hê La Man 13–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Ngày 9–15 tháng Chín. Hê La Man 13–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)

Hình Ảnh
Sa Mu Ên người La Man giảng dạy trên tường thành

Samuel the Lamanite on the Wall (Sa Mu Ên người La Man trên Tường Thành), tranh do Arnold Friberg họa

Ngày 9–15 tháng Chín: “Tin Lành Vui Mừng Lớn Lao”

Hê La Man 13–16

Lần đầu tiên Sa Mu Ên người La Man cố gắng chia sẻ “tin lành” tại Gia Ra Hem La (Hê La Man 13:7), ông bị những người Nê Phi chai đá chối bỏ và đuổi đi. Điều đó giống như họ đã xây nên một bức tường không thể xuyên thủng quanh tấm lòng họ đến nỗi đã ngăn họ tiếp nhận sứ điệp của Sa Mu Ên. Sa Mu Ên hiểu tầm quan trọng của sứ điệp mà ông mang đến và chứng tỏ đức tin bằng cách làm theo lệnh truyền của Thượng Đế là “ông phải quay trở lại và nói tiên tri” (Hê La Man 13:3). Giống Sa Mu Ên, tất cả chúng ta đều gặp phải những bức tường khi “sửa soạn con đường của Chúa” (Hê La Man 14:9) và cố gắng noi theo các vị tiên tri của Ngài. Và giống với Sa Mu Ên, chúng ta cũng làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, “là Đấng chắc chắn sẽ đến,” và mời tất cả mọi người “tin nơi danh Ngài” (Hê La Man 13:6; 14:13). Không phải ai cũng sẽ lắng nghe, và một số người có thể tích cực chống đối chúng ta. Nhưng những ai tin vào sứ điệp này với đức tin nơi Đấng Ky Tô sẽ thấy rằng nó thật sự là sứ điệp về “tin lành vui mừng lớn lao” (Hê La Man 16:14).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Hê La Man 13

Chúa cảnh báo qua các vị tiên tri của Ngài.

Trong thánh thư, các vị tiên tri đôi khi được so sánh với những người canh gác trên tường thành hoặc tháp canh để cảnh báo mối nguy hiểm (xin xem Ê Sai 62:6; Ê Xê Chi Ên 33:1–7). Khi anh chị em học những lời của Sa Mu Ên trong Hê La Man 13, hãy suy ngẫm xem ông giống một người canh gác cho anh chị em như thế nào. Ông đã nói điều gì dường như có liên quan đến thời kỳ của chúng ta? (đặc biệt xin xem các câu 8, 21–22, 26–29, 31, và 38). Ví dụ, Sa Mu Ên đã dạy điều gì về sự hối cải? về lòng khiêm nhường và sự giàu có? về việc tìm kiếm hạnh phúc “bằng cách làm điều bất chính”?

Anh chị em cũng có thể tra cứu các sứ điệp đại hội trung ương gần đây để có những lời cảnh báo tương tự mà Chúa đã ban cho qua các vị tiên tri thời hiện đại. Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm gì với những lời cảnh báo này?

Hãy tìm kiếm các mẫu mực. Một mẫu mực là một kế hoạch hoặc kiểu mẫu mà có thể được sử dụng như sự hướng dẫn để hoàn thành một công việc. Trong thánh thư, chúng ta tìm thấy những mẫu mực cho thấy cách Chúa làm công việc của Ngài, như gửi các tôi tớ Ngài đến để cảnh báo dân chúng.

Hình Ảnh
gia đình đang xem đại hội trung ương

Khi chúng ta nghe theo các tiên tri, họ sẽ hướng chúng ta đến Chúa Giê Su Ky Tô

Hê La Man 13–15

Hình Ảnh
seminary icon
Thượng Đế mời gọi tôi hối cải.

Những lời cảnh báo của Sa Mu Ên về sự phán xét của Thượng Đế luôn luôn đi cùng một lời mời đầy thương xót để hối cải. Hãy tìm kiếm những lời mời này trong Hê La Man 13–15 (đặc biệt xin xem Hê La Man 13:6–11; 14:15–19; 15:7–8). Anh chị em học được gì từ những câu này về sự hối cải? Một số người xem sự hối cải là một hình phạt khắc nghiệt—là một điều gì đó cần tránh. Theo ý kiến của anh chị em, Sa Mu Ên đã muốn dân Nê Phi nhìn nhận sự hối cải như thế nào?

Để tìm hiểu sâu hơn, anh chị em có thể đọc sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn” (Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67–69). Ông định nghĩa sự hối cải như thế nào? Anh chị em tìm thấy các phước lành nào của sự hối cải chân thành trong sứ điệp của ông? Anh chị em cũng có thể tìm kiếm những điều cụ thể mà vị tiên tri đã mời chúng ta thay đổi. Đức Thánh Linh đang nói với anh chị em rằng anh chị em cần phải thay đổi điều gì? Cân nhắc việc viết xuống sự mặc khải cá nhân mà anh chị em nhận được.

Sự hối cải khác với việc chỉ thay đổi hành vi của anh chị em như thế nào? Tại sao là điều quan trọng để chấp nhận lời mời gọi của Thượng Đế để hối cải?

Xin xem thêm “Chúa Giê Su Ky Tô Sẽ Giúp Em,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn, trang 6–9.

Hê La Man 14; 16:13–23

Thượng Đế đã gửi các điềm triệu và những điều kỳ diệu để làm chứng về sự giáng sinh và cái chết của Đấng Cứu Rỗi.

Trong Hê La Man 14, Sa Mu Ên giải thích rằng Chúa đã ban cho các điềm triệu về sự giáng sinh và cái chết của Đấng Cứu Rỗi để dân chúng “có thể biết về … sự hiện đến của Ngài” và “tin nơi danh Ngài” (Hê La Man 14:12). Khi anh chị em học Hê La Man 14; hãy ghi lại các điềm triệu về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi trong các câu 1–8 và các điềm triệu về cái chết của Ngài trong các câu 20–28. Anh chị em nghĩ tại sao những điềm triệu này là cách hữu hiệu để báo hiệu về sự giáng sinh và cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô?

Các điềm triệu mang tính cá nhân hơn và ít nổi bật hơn có thể giúp anh chị em “tin nơi danh [của Đấng Cứu Rỗi].” Ngài đã làm gì để củng cố niềm tin của anh chị em nơi Ngài?

Lời cảnh báo nào được đưa ra về các điềm triệu trong Hê La Man 16:13–23? Làm thế nào anh chị em có thể tránh rơi vào thái độ của dân chúng được miêu tả trong những câu này?

Xin xem thêm An Ma 30:43–52; Ronald A. Rasband, “Theo Kế Hoạch Thiêng Liêng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 55–57.

Hê La Man 15:3

Sự sửa phạt từ Chúa là một dấu hiệu về tình yêu thương của Ngài.

Những lời của Sa Mu Ên chứa đựng nhiều câu quở phạt nghiêm khắc, nhưng Hê La Man 15:3 đưa ra một quan điểm về sự quở phạt từ Chúa. Làm thế nào sự quở phạt từ Chúa có thể là một dấu hiệu về tình yêu thương của Ngài? Anh chị em thấy bằng chứng nào về tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa trong những lời tiên tri và cảnh báo của Sa Mu Ên?

Cân nhắc việc nghiên cứu sứ điệp của Anh Cả D. Todd Christofferson “Phàm Những Kẻ Ta Yêu thì Ta Quở Trách Sửa Phạt” (Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 97–100), và tìm kiếm ba mục đích của sự quở phạt thiêng liêng. Có khi nào anh chị em đã thấy Thượng Đế tác động theo những cách này trong cuộc sống của mình không?

Hê La Man 16

Các vị tiên tri hướng tôi đến với Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong Hê La Man 16, anh chị em học được gì từ những người đã chấp nhận lời giảng dạy của Sa Mu Ên? Anh chị em học được gì từ những người đã chối bỏ ông? Hãy nghĩ về việc tuân theo các vị tiên tri tại thế đã giúp anh chị em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn như thế nào.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Hê La Man 13:2–5

Thượng Đế có thể ngỏ lời với tôi trong lòng tôi.

  • Làm thế nào anh chị em có thể giảng dạy các bé rằng Thượng Đế có thể phán bảo với tâm hồn chúng ta, như Ngài đã làm cho Sa Mu Ên? Anh chị em có thể yêu cầu chúng cho anh chị em thấy những cách khác nhau để giao tiếp mà không cần lời nói (chẳng hạn như cử chỉ hoặc nét mặt). Điều này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về những cách khác nhau mà Cha Thiên Thượng giao tiếp với chúng ta. Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em và các bé có thể nhìn vào một bức hình của Sa Mu Ên người La Man (đề cương này có hai bức hình) và đọc Hê La Man 13:2–5 trong khi các bé lắng nghe cách Thượng Đế phán bảo Sa Mu Ên về điều phải nói.

  • Nhiều người trong chúng ta—nhất là trẻ em—cần được giúp đỡ để nhận ra cách thứcthời điểm Thượng Đế phán bảo chúng ta. Anh chị em có thể kể cho các bé về một lần mà Đức Thánh Linh đã giúp anh chị em biết trong tim mình điều Thượng Đế muốn anh chị em làm hoặc nói. Hãy giải thích cách làm thế nào anh chị em biết rằng Thượng Đế đang giao tiếp với mình. Các bé có thể chia sẻ bất kỳ kinh nghiệm tương tự nào mà chúng đã có.

Hê La Man 14:2–7, 20–25

Các vị tiên tri giảng dạy về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Việc chia sẻ “Chương 40: Sa Mu Ên người La Man Nói về Chúa Giê Su Ky Tô” (Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 111–113) có thể là một cách hay để dạy các bé những điều Sa Mu Ên đã dạy về Chúa Giê Su Ky Tô. Sa Mu Ên dạy điều gì về Đấng Cứu Rỗi? Có lẽ anh chị em cũng có thể chia sẻ điều mà các vị tiên tri thời hiện đại giảng dạy về Ngài. Lời của họ xây đắp đức tin của chúng ta nơi Ngài như thế nào?

Hê La Man 16:1–6

Tôi được phước khi vâng theo vị tiên tri.

  • Anh chị em có thể xây đắp sự tin cậy của các bé nơi vị tiên tri bằng cách cho chúng thấy tấm gương của những người trung tín. Một số điều này được tìm thấy trong Hê La Man 16:1, 5. Trong khi anh chị em đọc, các bé có thể đứng lên khi chúng nghe thấy một điều gì đó mà dân chúng đã làm khi họ tin vào những lời của Sa Mu Ên. Sau đó, khi anh chị em đọc các câu 2 và 6, các bé có thể ngồi xuống khi chúng nghe được một điều gì đó mà dân chúng đã làm khi họ không tin. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng mình tin những lời của vị tiên tri tại thế? Nói cho các bé biết anh chị em được ban phước như thế nào khi tuân theo lời khuyên dạy của Chúa qua các vị tiên tri của Ngài.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
Sa Mu Ên người La Man

Samuel the Lamanite (Sa Mu Ên người La Man), tranh do Lester Yocum họa.

In