Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 17–23 tháng Tám. Hê La Man 1–6: “Đá của Đấng Cứu Chuộc Chúng Ta”


“Ngày 17–23 tháng Tám. Hê La Man 1–6: ‘Đá của Đấng Cứu Chuộc Chúng Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 17–23 tháng Tám. Hê La Man 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

sóng đập vào đá

Ngày 17–23 tháng Tám

Hê La Man 1–6

“Đá của Đấng Cứu Chuộc Chúng Ta”

Các nguyên tắc trong đại cương này có thể giúp hướng dẫn anh chị em học Hê La Man 1–6, nhưng đừng để mình bị hạn chế bởi chúng. Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn anh chị em đến những lẽ thật mà anh chị em cần học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Sách Hê La Man ghi lại cả những thành công lẫn những thảm kịch ở giữa dân Nê Phi và dân La Man. Sách này mở đầu với “một sự khó khăn nghiêm trọng bắt đầu nhóm lên trong dân Nê Phi” (Hê La Man 1:1), và những khó khăn tiếp tục xuất hiện trong suốt biên sử. Trong đây chúng ta đọc về âm mưu chính trị, các đảng cướp, sự chối bỏ các vị tiên tri, và tính kiêu ngạo cùng sự chẳng tin trên khắp vùng. Nhưng chúng ta cũng tìm thấy các tấm gương như Nê Phi và Lê Hi và “những người khiêm nhường,” là những người không chỉ sống sót mà còn phát triển về mặt thuộc linh (Hê La Man 3:34). Họ đã làm được điều đó bằng cách nào? Làm thế nào họ vẫn vững vàng trong khi nền văn minh của họ bắt đầu suy đồi và tan rã? Trong cùng cách thức đó bất kỳ ai trong chúng ta có thể đứng vững trong “cơn bão tố mãnh liệt” mà quỳ dữ “tới tấp đổ xuống trên [chúng ta]”—bằng cách xây đắp cuộc đời chúng ta “trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, … là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Hê La Man 1–6

Tính kiêu ngạo ngăn cách tôi khỏi Thánh Linh và sức mạnh của Chúa.

Khi đọc Hê La Man 1–6—và xuyên suốt Sách Mặc Môn—anh chị em có lẽ để ý đến một mẫu hình trong hành vi của dân Nê Phi: Khi dân Nê Phi ngay chính, thì Thượng Đế ban phước cho họ và họ được thịnh vượng. Sau một thời gian, họ trở nên kiêu ngạo và tà ác, và có những lựa chọn đưa đến sự hủy diệt và đau khổ. Rồi họ khiêm nhường và được soi dẫn để hối cải, và Thượng Đế lại một lần nữa ban phước cho họ. Mẫu hình này lặp đi lặp lại quá thường xuyên đến độ người ta gọi nó là “chu trình kiêu ngạo.”

chu trình kiêu ngạo

“Chu trình kiêu ngạo.”

Hãy tìm ví dụ về chu trình này trong khi anh chị em đọc. Anh chị em thậm chí có thể muốn đánh dấu các ví dụ khi tìm thấy chúng. Sau đây là một số câu hỏi giúp anh chị em hiểu được mẫu hình này và thấy được cách nó áp dụng cho mình:

  • Anh chị em thấy những chứng cứ nào về sự kiêu ngạo ở giữa dân Nê Phi? (ví dụ, xin xem Hê La Man 3:33–34; 4:11–13). Anh chị em có thấy những ví dụ tương tự về sự kiêu ngạo trong bản thân mình không?

  • Những hậu quả của sự kiêu ngạo và tà ác là gì? (xin xem Hê La Man 4:23–26). Những kết quả của sự khiêm nhường và hối cải là gì? (xin xem Hê La Man 3:27–30, 35; 4:14–16).

  • Hê La Man muốn các con trai mình ghi nhớ điều gì (xin xem Hê La Man 5:4–12). Làm thế nào việc ghi nhớ những lẽ thật này có thể giúp anh chị em tránh trở nên kiêu ngạo?

Xin xem thêm Dieter F. Uchtdorf, “Tính Kiêu Hãnh và Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 55–58.

Hê La Man 3:24–35

Tôi có thể được thánh hóa khi hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế.

Trong Hê La Man 3, Mặc Môn đã mô tả một thời gian khi Giáo Hội vô cùng thịnh vượng và được ban phước đến nỗi những vị lãnh đạo phải kinh ngạc (xin xem các câu 24–32). Cuối cùng một số người lại trở nên kiêu ngạo, trong khi những người khác trở nên “càng ngày càng mạnh hơn trong sự khiêm nhường của họ, … trái tim họ được trở nên thanh khiết và thánh hóa” (Hê La Man 3:35). Hãy lưu ý trong các câu 34–35 những người khiêm nhường hơn đã làm gì để trở nên được thánh hóa. Làm thế nào những điều này giúp anh chị em trở nên được thánh hóa hơn? Có thể hữu ích để biết rằng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org) định nghĩa thánh hóa là “tiến trình của sự trở nên sạch tội lỗi, thanh khiết, thanh sạch và thánh thiện qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.” Anh chị em cảm thấy soi dẫn làm điều gì để theo gương những môn đồ này? Anh chị em đang làm gì để hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế?

Hê La Man 5:14–52

Đức tin của tôi được củng cố nhờ “những bằng chứng hiển nhiên lớn lao mà [tôi] đã nhận được.”

Anh Cả Jeffrey R. Holland có lần đã nói với những người đang gặp khó khăn với đức tin của họ: “Các anh chị em có nhiều đức tin hơn các anh chị em nghĩ nhờ vào điều mà Sách Mặc Môn gọi là ‘những bằng chứng hiển nhiên lớn lao’ [Hê La Man 5:50]. … Những thành quả của việc sống theo phúc âm thật được thấy rất rõ trong cuộc sống của Các Thánh Hữu Ngày Sau ở khắp mọi nơi” (“Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 94). Trong khi anh chị em đọc các câu này, hãy nghĩ về các bằng chứng mà Chúa đã ban cho mình. Ví dụ, có lẽ anh chị em không nghe được tiếng nói của Chúa, nhưng anh chị em có từng cảm thấy “một lời thì thầm” từ Đức Thánh Linh mà “quả thật xuyên thấu tận tâm hồn”? (Hê La Man 5:30; xin xem thêm GLGƯ 88:66). Có lẽ anh chị em khi đang ở trong bóng tối thì đã cầu khẩn lên Thượng Đế để xin có đức tin mạnh mẽ hơn, và được “tràn đầy niềm vui sướng khó tả và tràn đầy vinh quang” (Hê La Man 5:40–47). Những kinh nghiệm nào khác đã củng cố đức tin của anh chị em nơi Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Hê La Man 3:27–30

Khi tiên tri Mặc Môn tóm tắt các biên sử thiêng liêng, ông đôi khi sử dụng cụm từ “do đó chúng ta thấy rằng” để nhấn mạnh những lẽ thật quan trọng. Ông muốn chúng ta thấy gì trong Hê La Man 3:27–30? Trong khi học tập tuần này, anh chị em nên thỉnh thoảng dừng lại để hỏi các thành viên trong gia đình cách họ sẽ hoàn tất cụm từ “và do đó chúng ta thấy rằng” về điều mà họ đang đọc. Họ muốn nhấn mạnh các lẽ thật nào?

Hê La Man 5:6–7

George A. Smith, người ông quá cố của Chủ Tịch George Albert Smith đã hiện đến với ông trong một giấc mơ và hỏi: “Ông muốn biết cháu đã làm gì với tên của ông.” Chủ Tịch Smith đáp: “Cháu không bao giờ làm điều gì với tên của ông mà làm cho ông phải xấu hổ cả” (trong Teachings of Presidents of the Church: George Albert Smith [năm 2011], trang xxvi). Sau khi đọc Hê La Man 5:6–7, có lẽ anh chị em có thể nói chuyện với mọi người trong nhà về việc ghi nhớ và vinh danh những cái tên mà mình mang, kể cả tên của Đấng Cứu Rỗi.

Hê La Man 5:12

Để giúp gia đình của anh chị em hình dung ra ý nghĩa của việc có “một nền móng vững chắc,” có lẽ anh chị em có thể cùng nhau xây một kết cấu nhỏ và đặt nó lên trên những loại nền khác nhau. Rồi anh chị em có thể tạo ra một “cơn bão tố mãnh liệt” bằng cách xịt nước lên nó và dùng một cái quạt hay máy sấy tóc để tạo gió. Điều gì xảy ra cho kết cấu đó khi nó ở trên các nền khác nhau? Chúa Giê Su Ky Tô giống như “một nền móng vững chắc” trong cuộc đời chúng ta như thế nào?

Hê La Man 5:29–33

Chúng ta đã có những kinh nghiệm nào với việc nhận ra tiếng nói của Thượng Đế trong đời mình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy kiên nhẫn với bản thân mình. Một nền móng của đức tin được xây dựng từng chút một mỗi lần. Nếu anh chị em thấy có những giáo lý rất khó hiểu được bây giờ, thì hãy kiên nhẫn. Hãy tin cậy rằng sự hiểu biết sẽ đến khi anh chị em xây dựng nền móng của mình trong Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách thực hành đức tin và chuyên tâm học tập.

Nê Phi và Lê Hi trong ngục

© The Book of Mormon for Young Readers, Nephi and Lehi Encircled by a Pillar of Fire (Nê Phi và Lê Hi Được Bao Quanh bởi Cột Lửa), tranh do Briana Shawcroft họa; không được sao chép