Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 24–30 tháng Tám. Hê La Man 7–12: “Nhớ Tới Chúa”


“Ngày 24–30 tháng Tám. Hê La Man 7–12: ‘Nhớ Tới Chúa,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 24–30 tháng Tám. Hê La Man 7–12,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Nê Phi cầu nguyện trên tháp trong vườn

Hình minh họa Nê Phi trên tháp trong vườn do Jerry Thompson thực hiện

Ngày 24–30 tháng Tám

Hê La Man 7–12

“Nhớ Tới Chúa”

Nê Phi, Lê Hi, và những người khác “nhận được nhiều điều mặc khải mỗi ngày” (Hê La Man 11:23). Những sự mặc khải thường xuyên không chỉ dành cho các vị tiên tri—mà còn có sẵn cho anh chị em nữa. Việc ghi lại những ấn tượng của mình có thể giúp anh chị em nhận được sự mặc khải liên tục hơn.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hê La Man, cha của Nê Phi, đã khẩn nài các con trai ông “hãy nhớ, hãy nhớ”: ông muốn họ nhớ đến tổ tiên họ, nhớ lời của các vị tiên tri, và trên hết là nhớ về “Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, tức là Đấng Ky Tô” (xin xem Hê La Man 5:5–14). Rõ ràng Nê Phi quả thật đã nhớ, bởi vì ông tuyên bố cùng sứ điệp đó cho dân chúng nhiều năm sau đó mà “không biết mệt mỏi” (Hê La Man 10:4). “Làm sao các người lại có thể quên được Thượng Đế của các người?” (Hê La Man 7:20), ông đã hỏi vậy. Tất cả những nỗ lực của Nê Phi—thuyết giảng, cầu nguyện, thực hiện các phép lạ, và thỉnh cầu Thượng Đế xin một nạn đói—là những cố gắng để giúp dân chúng trở về với Thượng Đế và nhớ đến Ngài. Trong nhiều phương diện, quên Thượng Đế là một vấn đề lớn hơn cả việc không biết Ngài, và rất dễ để quên Ngài khi tâm trí chúng ta bị phân tâm bởi “những điều phù phiếm của thế gian” và bị tội lỗi làm cho vẩn đục (Hê La Man 7:21; xin xem thêm Hê La Man 12:2). Nhưng, như giáo vụ của Nê Phi đã chỉ ra, không bao giờ là quá trễ để nhớ và “quay về với Chúa, Thượng Đế của mình” (Hê La Man 7:17).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Hê La Man 7–11

Các vị tiên tri tiết lộ ý muốn của Thượng Đế.

Có nhiều vị tiên tri đã được mô tả xuyên suốt Sách Mặc Môn, nhưng Hê La Man 7–11 là một phần đặc biệt hay để học về một vị tiên tri là ai, ông làm gì, và chúng ta nên chấp nhận lời của ông như thế nào. Khi đọc những chương này, anh chị em hãy tập trung vào những hành động, suy nghĩ, và sự tương tác của Nê Phi với Chúa. Làm thế nào giáo vụ của Nê Phi giúp anh chị em hiểu hơn về vai trò của vị tiên tri trong thời đại chúng ta? Đây là một vài ví dụ. Anh chị em tìm thấy điều gì khác?

Hê La Man 7:17–22:Các vị tiên tri rao truyền sự hối cải và cảnh báo những hậu quả của tội lỗi.

Hê La Man 7:29; 9:21–36:Các vị tiên tri biết qua sự mặc khải từ Thượng Đế về điều gì dân chúng cần phải nghe.

Hê La Man 10:7:Các vị tiên tri được ban cho quyền năng gắn bó trên thế gian và trên trời (xin xem thêm Ma Thi Ơ 16:19; GLGƯ 132:46).

Hê La Man 10:4–7, 11–12:

Những câu này ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của anh chị em về vị tiên tri tại thế của chúng ta? Ông đã dạy điều gì gần đây? Anh chị em đang làm gì để lắng nghe và làm theo sự hướng dẫn của ông ấy?

Hê La Man 9–10

Những điềm triệu và phép lạ rất hữu ích nhưng không đủ để xây đắp một đức tin vững mạnh.

Nếu các điềm triệu hoặc phép lạ là đủ để thay đổi tấm lòng của một người, thì tất cả những người Nê Phi đã được cải đạo bởi những điềm triệu đặc biệt mà Nê Phi đã đưa ra trong Hê La Man 9. Thay vì vậy, “trong đám dân chúng ấy nổi lên một sự chia rẽ” (Hê La Man 10:1) bởi vì nhiều người “vẫn chai đá trong lòng” (Hê La Man 10:15). Những người tà ác thường phản ứng lại trước những điềm triệu và phép lạ như thế nào? (xin xem Hê La Man 10:12–15; xin xem thêm 3 Nê Phi 2:1–2). Việc lấy các điềm triệu làm nền tảng của một chứng ngôn mang lại mối nguy hiểm gì?

Hê La Man 10:2–4

Việc suy ngẫm mời mọc sự mặc khải.

Nếu anh chị em từng cảm thấy bị áp bức, lo âu, hoặc bối rối, thì có lẽ anh chị em sẽ học một bài học quan trọng từ tấm gương của Nê Phi trong Hê La Man 10:2–4. Ông đã làm gì khi cảm thấy “hết sức buồn nản”? (câu 3).

Chủ Tịch Henry B. Eyring đã dạy rằng: “Nhưng khi suy ngẫm, chúng ta mời mọc sự mặc khải qua Thánh Linh. Đối với tôi, suy ngẫm là suy nghĩ và cầu nguyện sau khi tôi đã đọc và học kỹ thánh thư rồi” (“Phục Vụ với Thánh Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 60). Làm thế nào anh chị em tạo được một thói quen suy ngẫm? Để đọc về một cách thức thường xuyên suy ngẫm lời của Thượng Đế, xin xem sứ điệp của Anh Devin G. Durrant “Lòng Tôi Không Ngớt Suy Ngẫm về Những Điều Tôi Đã Nghe và Thấy” (Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 112–115).

Xin xem thêm Châm Ngôn 4:26; Lu Ca 2:19; 1 Nê Phi 11:1; 2 Nê Phi 4:15–16; 3 Nê Phi 17:3; Mô Rô Ni 10:3; GLGƯ 88:62.

Hê La Man 12

Chúa muốn tôi nhớ đến Ngài.

Trong Hê La Man 12, Mặc Môn, người đang tóm lược biên sử, đã tóm tắt một vài bài học chúng ta có thể học được từ câu chuyện của Nê Phi trong những chương trước đó. Hãy cân nhắc sử dụng bản tóm tắt của ông ấy như một cơ hội để đánh giá chính tấm lòng của anh chị em. Thậm chí anh chị em có thể lập một bản liệt kê những điều Mặc Môn nói là làm cho người ta quên đi Chúa. Điều gì giúp anh chị em nhớ đến Ngài? Anh chị em được soi dẫn để thay đổi điều gì dựa vào điều đã học?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Hê La Man 7–9

Chúng ta thấy những điểm tương tự nào giữa điều Nê Phi đã làm với điều các vị tiên tri làm ngày nay? Vị tiên tri của chúng ta giảng dạy điều gì ngày nay? Anh chị em có thể chọn một số lời khuyên nhủ mà vị tiên tri đã đưa ra gần đây và thảo luận chung với gia đình về những cách thức để tuân theo lời khuyên đó tốt hơn.

Hê La Man 10:4–5, 11–12

Nê Phi đã cho thấy rằng ông đã tìm kiếm ý muốn của Chúa thay vì ý muốn của riêng ông như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương của ông? Theo một số cách nào mà gia đình chúng ta có thể tìm kiếm ý muốn của Chúa tốt hơn?

Hê La Man 11:1–16

Nê Phi đã ước muốn điều gì và đã làm gì về điều đó? Chúng ta học được gì về lời cầu nguyện từ tấm gương của Nê Phi?

Hê La Man 11:17–23

Chúng ta học được gì về Lê Hi, em của Nê Phi, trong Hê La Man 11:17–23? Chúng ta có biết ai là người sống một cuộc đời ngay chính mà không nhận được nhiều sự ghi nhận không?

Hê La Man 12:1–6

Anh chị em có thể nghĩ về một bài học sử dụng đồ vật mà có thể giúp gia đình mình hiểu “bất thường” (bản tiếng Anh là “unsteadiness” có nghĩa là “không vững”) nghĩa là gì không? Ví dụ, anh chị em có thể mời một người trong gia đình cố gắng giữ thăng bằng một vật gì đó trên đầu người ấy. Rồi anh chị em có thể mời mọi người tìm kiếm trong Hê La Man 12:1–6 những lý do khiến con người ta không vững vàng mà theo Chúa. Làm thế nào chúng ta có thể giữ được sự kiên định về mặt thuộc linh?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy ôn tập. Đây là một ý kiến giúp các thành viên trong gia đình ghi nhớ thánh thư mà họ đang học: Hãy chọn một câu mà anh chị em thấy ý nghĩa, và trưng nó trong nhà nơi mọi người có thể thường xuyên thấy nó. Mời những người khác trong nhà lần lượt chọn một câu thánh thư để trưng ra, và thảo luận câu đó khi gia đình tập trung lại, như vào bữa ăn hoặc khi gia đình cầu nguyện.

Vạch trần Sê An Tum là kẻ giết người

© The Book of Mormon for Young Readers, Sê An Tum—Kẻ Giết Người Bị Vạch Trần, tranh do Briana Shawcroft họa; không được sao chép