“Ngày 7–13 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 7–9: ‘Cầu Xin Đấng Ky Tô Sẽ Nâng Con Lên,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 7–13 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 7–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020
Ngày 7–13 tháng Mười Hai
Mô Rô Ni 7–9
“Cầu Xin Đấng Ky Tô Sẽ Nâng Con Lên”
Trong khi anh chị em học Mô Rô Ni 7–9, hãy lắng nghe những thúc giục của Đức Thánh Linh, và ghi lại các sứ điệp của Ngài dành cho anh chị em. Ngài có thể dạy cho anh chị em cả điều anh chị em cần phải biết lẫn điều cần phải làm.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Trước khi Mô Rô Ni kết thúc biên sử mà ngày nay chúng ta gọi là Sách Mặc Môn bằng những lời cuối cùng của chính mình, ông đã chia sẻ ba sứ điệp từ cha ông, Mặc Môn: một là lời nhắn nhủ đến “những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:3) và hai lá thư mà Mặc Môn đã viết cho Mô Rô Ni. Có lẽ Mô Rô Ni đưa ba sứ điệp này vào Sách Mặc Môn bởi vì ông thấy trước sự tương đồng giữa những hiểm họa của thời ông với thời của chúng ta. Khi những lời này được viết ra, toàn thể dân tộc Nê Phi đang nhanh chóng rơi vào sự bội giáo. Nhiều người trong số họ “mất hẳn tình thương yêu lẫn nhau” và thích thú trong “mọi điều ngoại trừ điều thiện” (Mô Rô Ni 9:5, 19). Và mặc dù vậy Mặc Môn vẫn tìm được lý do để hy vọng—khi giảng dạy chúng ta rằng hy vọng không có nghĩa là lờ đi hoặc ngây thơ không biết gì về các vấn đề của thế giới; nó có nghĩa là có đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, là Hai Đấng có quyền năng lớn lao và vĩnh cửu hơn cả những vấn đề đó. Nó có nghĩa là “nắm vững được mọi điều tốt lành” (Mô Rô Ni 7:19). Nó có nghĩa là để cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô “cùng niềm hy vọng về sự vinh quang của Ngài và về cuộc sống vĩnh cửu sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm trí [anh chị em]” (Mô Rô Ni 9:25). Và cho đến ngày vinh quang khi Đấng Ky Tô Tái Lâm, niềm hy vọng có nghĩa là không bao giờ ngừng “công việc phải làm … để chúng ta có thể thắng được kẻ thù của tất cả mọi điều ngay chính” (Mô Rô Ni 9:6).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Ánh Sáng của Đấng Ky Tô giúp anh chị em phân biệt được giữa thiện và ác.
Thế giới ngày nay đầy những sứ điệp có ảnh hưởng; làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được cái nào đúng và cái nào sai? Những lời của Mặc Môn trong Mô Rô Ni 7 cho chúng ta một số nguyên tắc có thể dùng để tránh “xét đoán sai lầm” (Mô Rô Ni 7:18). Khi anh chị em học Mô Rô Ni 7:12–20, hãy tìm những lẽ thật mà có thể giúp anh chị em biết điều gì sẽ mang anh chị em đến gần Thượng Đế hơn và điều gì không. Anh chị em có thể sử dụng những lẽ thật này để giúp bản thân đánh giá các thông điệp đã bắt gặp và những kinh nghiệm có trong tuần cùng quyết định xem liệu chúng có mời mọc và thuyết phục mình làm điều thiện không (xin xem Mô Rô Ni 7:13).
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ánh Sáng, Ánh Sáng của Đấng Ky Tô.”
Qua đức tin nơi Đấng Ky Tô, tôi có thể “nắm vững được mọi điều tốt lành.”
Sau khi giảng dạy về cách phân biệt điều thiện và điều ác, Mặc Môn đặt ra một câu hỏi dường như liên quan đến ngày nay: “Làm thế nào để các người có thể nắm vững được mọi điều tốt lành?”—đặc biệt khi cám dỗ của kẻ nghịch thù lại rất lôi cuốn (Mô Rô Ni 7:20). Lời giải đáp của Mặc Môn có thể được tìm thấy trong suốt phần còn lại của chương 7. Trong khi anh chị em đọc các câu 20–48, hãy tìm những lẽ thật mà giúp anh chị em nhận ra “mọi điều tốt lành” mà anh chị em có là nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào việc có đức tin nơi Ngài giúp anh chị em tìm ra được những điều tốt lành? Làm thế nào anh chị em có thể “nắm vững được” nhiều điều tốt lành hơn?
Xin xem thêm Những Tín Điều 1:13.
“Lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.”
Chủ Tịch Dallin H. Oaks quan sát thấy rằng: “Lý do mà lòng bác ái không bao giờ hư mất và lý do mà lòng bác ái thậm chí còn cao quý hơn cả những hành động tốt lành quan trọng nhất … là lòng bác ái, ‘tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô’ (Mô Rô Ni 7:47), không phải là một hành động mà là một tình trạng hoặc trạng thái phải có. … Lòng bác ái là một điều mà một người trở thành” (“The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 34). Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 7:44–48, hãy xem xét cách Mặc Môn mô tả lòng bác ái, và lắng nghe những ấn tượng từ Đức Thánh Linh; Ngài có thể giúp anh chị em tìm ra những phương diện mà anh chị em có thể cải thiện. Tại sao chúng ta cần có đức tin và hy vọng để nhận được ân tứ về lòng bác ái?
Sự trinh khiết và đức hạnh có thể bị lấy đi khỏi tôi không?
Lời mô tả của Mặc Môn về những tội ác kinh khiếp của dân Nê Phi đã làm một số người kết luận sai lầm rằng nạn nhân bị tấn công hoặc lạm dụng tình dục đã vi phạm luật trinh khiết. Tuy nhiên, Anh Cả Richard G. Scott đã giải thích rằng đó không phải là trường hợp như vậy. Ông đã dạy: “Tôi trang trọng làm chứng rằng khi những hành vi bạo lực, trụy lạc, loạn luân của một người nào đó làm tổn thương anh chị em trầm trọng, đi ngược với ý muốn của anh chị em, thì anh chị em không phải chịu trách nhiệm và anh chị em không được cảm thấy có tội” (“Healing the Tragic Scars of Abuse,” Ensign, tháng Năm năm 1992, trang 32).
Tôi có thể có niềm hy vọng nơi Đấng Ky Tô bất chấp những hoàn cảnh của mình.
Sau khi mô tả sự tà ác mà ông đã chứng kiến, Mặc Môn đã nói con trai ông đừng quá đau buồn. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em trong sứ điệp về niềm hy vọng của Mặc Môn? Anh chị em hiểu gì về việc để cho Đấng Ky Tô “nâng [chúng ta] lên”? Những thuộc tính nào của Đấng Ky Tô và những nguyên tắc nào của phúc âm Ngài “tồn tại … trong tâm trí [anh chị em]” và cho anh chị em có hy vọng? (Mô Rô Ni 9:25).
Xin xem thêm Dieter F. Uchtdorf, “Hy Vọng nơi Ánh Sáng của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 70, 75–77.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.
Mô Rô Ni 7:5–11
Theo như Mô Rô Ni 7:5–11, tại sao là quan trọng để làm những điều đúng vì những lý do đúng? Làm thế nào chúng ta có thể biết nếu chúng ta đang cầu nguyện và tuân theo những lệnh truyền của Thượng Đế với “ý định chân thật”? (câu 6).
Mô Rô Ni 7:12–19
Làm thế nào lời khuyên của Mặc Môn có thể giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn đúng về cách sử dụng thời gian của chúng ta và ai mà chúng ta nên dành thời gian cùng? Anh chị em có thể mời mọi người trong gia đình mình tìm kiếm trong nhà và “nắm vững” (Mô Rô Ni 7:19), hoặc giữ chặt, những thứ mời họ “làm điều thiện, cùng yêu mến Thượng Đế và phục vụ Ngài” (Mô Rô Ni 7:13). Khen ngợi họ khi họ tìm được những điều tốt.
Mô Rô Ni 7:29
Sau khi đọc câu này, mọi người trong gia đình có thể nói về những phép lạ họ đã chứng kiến hoặc những phương diện khác mà họ đã thấy bàn tay của Thượng Đế trong cuộc sống của họ.
Mô Rô Ni 8:5–26
Những người Nê Phi mà báp têm các trẻ nhỏ đã hiểu sai điều gì về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Chúng ta học được điều gì về Sự Chuộc Tội từ những lời giảng dạy của Mặc Môn?
Mô Rô Ni 8:16–17
Có “tình thương trọn vẹn” nghĩa là gì? Điều đó giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách nào? Làm thế nào nó giúp chúng ta giảng dạy lẽ thật một cách mạnh dạn? Làm thế nào chúng ta phát triển được điều đó?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.