Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 30 tháng Mười Một–Ngày 6 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 1–6: “Để Giữ Họ Đi Con Đường Đúng”


“Ngày 30 tháng Mười Một–Ngày 6 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 1–6: “Để Giữ Họ Đi Con Đường Đúng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 30 tháng Mười Một–Ngày 6 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 1–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
An Ma làm phép báp têm cho dân chúng tại Dòng Suối Mặc Môn

Minerva Teichert (1888–1976), Alma Baptizes in the Waters of Mormon (An Ma Làm Phép Báp Têm tại Dòng Suối Mặc Môn), 1949–1951, tranh sơn dầu trên gỗ masonite, 91 x 122cm. Bảo Tàng Nghệ Thuật Trường Brigham Young University, năm 1969

Ngày 30 tháng Mười Một–Ngày 6 tháng Mười Hai

Mô Rô Ni 1–6

“Để Giữ Họ Đi Con Đường Đúng”

Mô Rô Ni đã ghi lại điều ông hy vọng sẽ “có giá trị … một ngày nào đó trong tương lai” (Mô Rô Ni 1:4). Anh chị em tìm thấy điều gì trong Mô Rô Ni 1–6 mà có giá trị với anh chị em? Hãy ghi lại điều anh chị em khám phá ra, và cân nhắc chia sẻ nó với một ai đó mà cũng có thể thấy nó có giá trị.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Sau khi hoàn tất biên sử của cha ông về dân Nê Phi và tóm lược biên sử của dân Gia Rết, Mô Rô Ni ban đầu đã nghĩ rằng công việc lưu giữ biên sử của ông đã xong (xin xem Mô Rô Ni 1:1). Còn gì hơn nữa để nói về hai dân tộc mà đã bị hủy diệt hoàn toàn? Nhưng Mô Rô Ni đã thấy được thời đại của chúng ta (xin xem Mặc Môn 8:35), và ông được soi dẫn để “viết thêm một vài điều nữa, mà có lẽ sẽ có giá trị … một ngày nào đó trong tương lai” (Mô Rô Ni 1:4). Ông đã biết sự bội giáo lan tràn đang đến cùng với sự nhầm lẫn về các giáo lễ chức tư tế và tôn giáo nói chung. Đây có lẽ là lý do tại sao ông đưa ra những chi tiết làm sáng tỏ lễ Tiệc Thánh, lễ báp têm, lễ truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh, và những phước lành của việc nhóm họp với những người có cùng đức tin để “giữ [nhau] đi con đường đúng, … chỉ trông cậy vào công nghiệp của Đấng Ky Tô, là Đấng tạo nên và hoàn tất đức tin của [chúng ta]” (Mô Nô Ni 6:4). Những hiểu biết sâu sắc quý báu như vậy sẽ cho chúng ta lý do để biết ơn Chúa đã bảo tồn mạng sống của Mô Rô Ni để mà ông có thể “viết thêm một vài điều nữa” (Mô Rô Ni 1:4).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Mô Rô Ni 1

Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô vẫn trung tín mặc cho sự chống đối.

Đối với một số người, sẽ dễ dàng hơn để trung tín trong thời gian thoải mái và dễ chịu. Nhưng với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta vẫn phải trung tín ngay cả khi đối mặt với thử thách và chống đối. Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 1, điều gì về sự trung tín của Mô Rô Ni với Chúa và với sự kêu gọi của ông soi dẫn anh chị em? Làm thế nào anh chị em có thể noi theo tấm gương của ông?

Mô Rô Ni 2–6

Các giáo lễ chức tư tế phải được thực hiện theo như lời Chúa truyền lệnh.

Trong suốt giáo vụ trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã nhận và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng, như phép báp têm (xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17; Bản Dịch Joseph Smith, Giăng 4:1–3 [trong phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư]), sự sắc phong chức tư tế (xin xem Mác 3:13–19), và lễ Tiệc Thánh (xin xem Ma Thi Ơ 26:26–28). Tuy nhiên, bởi vì Sự Đại Bội Giáo, nhiều người ngày nay bị hoang mang về cách mà các giáo lễ phải được thực hiện—và thậm chí là tất cả các giáo lễ có cần thiết hay không. Trong Mô Rô Ni 2–6, Mô Rô Ni đã cung cấp các chi tiết quan trọng về các giáo lễ chức tư tế nhất định mà có thể giúp làm sáng tỏ một số sự nhầm lẫn đó. Những ấn tượng nào đến khi anh chị em học về các giáo lễ trong những chương này? Sau đây là một số câu hỏi mà anh chị em có thể đặt ra để giúp mình học:

Lễ xác nhận (Mô Rô Ni 2; 6:4).Những chỉ thị nào của Đấng Cứu Rỗi trong Mô Rô Ni 2:2 dạy anh chị em về giáo lễ xác nhận? Anh chị em nghĩ “được quyền năng của Đức Thánh Linh tác động cùng tẩy sạch” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 6:4).

Sắc phong chức tư tế (Mô Rô Ni 3).Anh chị em tìm thấy trong chương này điều gì mà có thể giúp một ai đó chuẩn bị để được sắc phong chức tư tế? Anh chị em tìm thấy điều gì mà sẽ giúp ai đó thực hiện một lễ sắc phong?

Lễ Tiệc Thánh (Mô Rô Ni 4–5; 6:6).Hãy lưu ý các lời hứa trong những lời cầu nguyện Tiệc Thánh (xin xem Mô Rô Ni 4:3; 5:2), và suy ngẫm điều anh chị em đang làm để giữ những lời hứa của mình. Anh chị em có thể làm điều gì để mời ảnh hưởng của Thánh Linh đến một cách mạnh mẽ hơn khi anh chị em dự phần Tiệc Thánh?

Phép báp têm (Mô Rô Ni 6:1–3).Anh chị em có thể tiếp tục làm gì để đáp ứng các điều kiện của phép báp têm được đưa ra trong những câu này, kể cả sau khi anh chị em đã chịu phép báp têm? Những câu này đề nghị gì với anh chị em về ý nghĩa của việc làm một tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô?

Dựa vào điều anh chị em đã học, anh chị em sẽ thay đổi cách mình nghĩ, tham dự, hoặc chuẩn bị người khác cho các giáo lễ này như thế nào? Tại sao là quan trọng để cho các giáo lễ này “[được thực hiện] theo lệnh truyền của Đấng Ky Tô”? (Mô Rô Ni 4:1).

Xin xem thêm “Giáo Lễ,” Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Hình Ảnh
thiếu nữ đang nhận một phước lành

Chúa Giê Su dạy cách thực hiện các giáo lễ.

Mô Rô Ni 6:4–9

Những môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô chăm lo lẫn nhau về sự an lạc của tâm hồn họ.

Trong khi đúng là tất cả chúng ta “làm nên sự cứu rỗi của [chính] mình” (Mặc Môn 9:27), Mô Rô Ni cũng dạy rằng việc “thường nhóm họp” với những anh chị em cùng đức tin có thể giúp giữ cho chúng ta “đi con đường đúng” (Mô Rô Ni 6:4–5). Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 6:4–9, hãy suy ngẫm về những phước lành đến từ việc “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 6:4). Làm thế nào anh chị em có thể giúp làm cho những kinh nghiệm mà anh chị em và những người khác có tại nhà thờ trở nên giống với điều Mô Rô Ni mô tả, cho dù anh chị em là người lãnh đạo hay là người tham dự?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Mô Rô Ni 1; Mô Rô Ni 6:3

“Chối bỏ Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 1:2–3). Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy “quyết tâm [của chúng ta để] phục vụ Ngài cho tới cùng”? (Mô Rô Ni 6:3). Hãy chia sẻ tấm gương của những người anh chị em biết mà có quyết tâm phục vụ Ngài như vậy.

Mô Rô Ni 4:3; Mô Rô Ni 5:2

Việc đọc những lời cầu nguyện Tiệc Thánh cùng gia đình có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về cách tiếp nhận Tiệc Thánh một cách trang nghiêm hơn. Có lẽ mọi người trong gia đình có thể thảo luận các cụm từ trong những lời cầu nguyện này mà đặc biệt có ý nghĩa đối với họ. Họ cũng có thể ghi lại cảm nghĩ của họ về những cụm từ này hoặc vẽ một bức tranh giúp họ nghĩ về Đấng Cứu Rỗi. Họ có thể mang theo điều họ viết hoặc vẽ đến buổi lễ Tiệc Thánh để giúp họ tập trung các ý nghĩ của mình về Ngài. Hãy nói cho gia đình biết anh chị em cảm thấy như thế nào về lễ Tiệc Thánh và sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi.

Mô Rô Ni 6:1–4

“Có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 6:2). Làm thế nào điều đó giúp chúng ta chuẩn bị cho phép báp têm? Nó có thể giúp chúng ta như thế nào sau khi chúng ta chịu phép báp têm?

Mô Rô Ni 6:4–9

Theo những câu này, một số phước lành nào đến từ việc “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô”? (Mô Rô Ni 6:4). Tại sao chúng ta cần Giáo Hội?

Mô Rô Ni 6:8

Câu này dạy gì về sự hối cải? Tìm kiếm sự tha thứ với “chủ ý thật sự” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 6:8). Hãy cân nhắc hát một bài ca về sự tha thứ.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm bằng chứng về tình yêu thương của Thượng Đế. Chủ Tịch M.Russell Ballard dạy: “Phúc âm [này] là phúc âm của tình yêu thương—tình yêu thương dành cho Thượng Đế và tình yêu thương dành cho nhau” (“God’s Love for His Children,” Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 59). Khi anh chị em đọc thánh thư, hãy cân nhắc ghi lại hoặc đánh dấu những bằng chứng về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho anh chị em và toàn thể con cái Ngài.

Hình Ảnh
Mô Rô Ni ẩn trốn trong hang

Moroni in the Cave (Mô Rô Ni ở trong Hang), tranh do Jorge Cocco họa

In