Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 14–20 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 10: “Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô để được Toàn Thiện trong Ngài”


“Ngày 14–20 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 10: ‘Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô để được Toàn Thiện trong Ngài,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 14–20 tháng Mười Hai. Mô Rô Ni 10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô hiện ra cùng dân Nê Phi

That Ye May Know (Để Ngươi Biết Được), tranh do Gary L. Kapp họa

Ngày 14–20 tháng Mười Hai

Mô Rô Ni 10

“Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô để được Toàn Thiện trong Ngài”

Khi anh chị em kết thúc đọc Sách Mặc Môn, hãy cân nhắc tìm một lời chứng được làm mới lại từ Đức Thánh Linh rằng sách này là chân chính. Khi làm vậy, hãy ghi lại những ấn tượng anh chị em nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Sách Mặc Môn bắt đầu với lời hứa của Nê Phi sẽ chỉ cho chúng ta thấy “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa, nhờ đức tin của họ” (1 Nê Phi 1:20). Sách kết thúc với một sứ điệp tương tự từ Mô Rô Ni khi ông chuẩn bị “niêm phong” các biên sử: ông mời chúng ta “nhớ Chúa đã thương xót … biết bao” (Mô Rô Ni 10:2–3). Thậm chí nếu chúng ta chỉ nghĩ về nhiều lần sự thương xót đã được ghi lại trong Sách Mặc Môn, thì điều đó cũng cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Những ví dụ nào đến với tâm trí anh chị em? Anh chị em có thể suy ngẫm về lòng thương xót của Thượng Đế khi dẫn dắt gia đình Lê Hi vượt qua vùng hoang dã và băng qua những đại dương, về lòng thương xót dịu dàng Ngài dành cho Ê Nót khi tâm hồn ông khao khát được tha thứ, hay lòng thương xót Ngài bày tỏ cho An Ma, một kẻ thù gay gắt của Giáo Hội mà sau đó đã trở thành một người bảo vệ Giáo Hội không chút sợ hãi. Hoặc ý nghĩ của anh chị em có thể hướng về lòng thương xót mà Đấng Cứu Rỗi được phục sinh đã bày tỏ cho dân chúng khi Ngài chữa lành những người đau ốm của họ và ban phước cho các trẻ nhỏ của họ. Có lẽ quan trọng nhất, tất cả những điều này có thể nhắc anh chị em về “Chúa đã thương xót [anh chị em] biết bao”, vì một trong những mục đích chính của Sách Mặc Môn là mời mỗi người chúng ta đón nhận lòng thương xót của Thượng Đế—một lời mời được bày tỏ rất giản dị qua những lời tạm biệt của Mô Rô Ni: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Mô Rô Ni 10:3–7

Tôi có thể biết lẽ thật bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

Lời hứa trong Mô Rô Ni 10:3–7 đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Điều đó thay đổi cuộc sống của anh chị em như thế nào? Dù là anh chị em có đang tìm cách đạt được hay là củng cố chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn, thì lời mời của Mô Rô Ni cũng áp dụng cho anh chị em. Trong khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 10:3–7, hãy cân nhắc để đọc một cách cẩn thận hơn trước đây. Anh chị em có thể nghiên cứu mỗi đoạn, tự đặt cho mình những câu hỏi như sau: Điều này có nghĩa là gì? Tôi có thể làm điều này tốt hơn bằng cách nào? Tôi đã có những kinh nghiệm gì với điều này? Đức Thánh Linh đã biểu lộ lẽ thật của Sách Mặc Môn cho tôi như thế nào?

Cũng hãy nghĩ về một ai đó cần được nghe chứng ngôn của anh chị em về Sách Mặc Môn. Anh chị em sẽ giúp người đó tìm kiếm lời chứng riêng của mình bằng cách nào?

Mô Rô Ni 10:8–25

“Chớ chối bỏ các ân tứ của Thượng Đế.”

Có nhiều cách mà một người có thể “chối bỏ các ân tứ của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 10:8). Một số người chối bỏ ngay cả sự tồn tại của các ân tứ này. Những người khác có thể phủ nhận rằng họ có các ân tứ thuộc linh nhưng lại ghi nhận các ân tứ này ở người khác. Những người khác nữa chối bỏ các ân tứ của họ đơn giản bằng cách thờ ơ hoặc thất bại trong việc phát triển chúng.

Trong khi đọc Mô Rô Ni 10:8–25, anh chị em hãy tìm những lẽ thật mà sẽ giúp anh chị em khám phá ra các ân tứ thuộc linh của mình và sử dụng chúng với quyền năng lớn lao hơn để ban phước cho bản thân mình và người khác. Hãy tìm những sự hiểu biết sâu sắc về các ân tứ mà Thượng Đế đã ban cho anh chị em hoặc các ân tứ mà Ngài muốn anh chị em tìm kiếm. Tại sao lại quan trọng để “nhớ rằng mọi ân tứ tốt lành đều từ Đấng Ky Tô mà đến”? (Mô Rô Ni 10:18).

Cũng hãy cân nhắc lời khuyên này từ Anh Cả John C. Pingree Jr.: “Vậy thì làm thế nào để chúng ta tiến đến việc biết được các ân tứ của chúng ta? Chúng ta có thể tham khảo phước lành tộc trưởng của mình, hỏi những người biết chúng ta rõ nhất và tự nhận ra điều chúng ta giỏi tự nhiên và ưa thích. Quan trọng hơn hết, chúng ta có thể cầu vấn Thượng Đế (xin xem Giăng 1:5; GLGƯ 112:10). Ngài biết các ân tứ của chúng ta, vì Ngài đã ban các ân tứ đó cho chúng ta” (“Ta Có một Công Việc cho Ngươi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 33).

Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân Tứ của Thánh Linh, Các”; scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

Mô Rô Ni 10:30–33

Tôi có thể được toàn hảo qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.

Lời khuyên bảo của Mô Rô Ni hãy “đến cùng Đấng Ky Tô” không chỉ gồm việc học về Ngài hoặc nghĩ về Ngài thường xuyên hơn hay thậm chí cố gắng hơn để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, dù những điều này cũng thật quan trọng. Hơn thế nữa, đây là một lời mời để đến cùng Đấng Ky Tô theo một ý nghĩa trọn vẹn nhất có thể—tức là trở nên giống như Ngài. Khi anh chị em đọc Mô Rô Ni 10:30–33, hãy lưu ý những cụm từ mà giúp anh chị em hiểu ý nghĩa của việc đến cùng Đấng Ky Tô một cách trọn vẹn, như là “hãy nắm giữ mọi ân tứ tốt lành,” “hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính,” và tất nhiên, “trở nên toàn thiện trong Ngài” (chữ in nghiên được thêm vào).

Làm thế nào để có thể được như vậy? Hãy tìm những câu trả lời trong Mô Rô Ni 10:30–33. Thánh Linh đang phán gì với anh chị em về điều anh chị em nên làm để “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” một cách trọn vẹn hơn?

Xin xem Ôm Ni 1:26; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hoàn Hảo,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Mô Rô Ni 10

Hãy cùng nhau đọc chương này, tìm kiếm mỗi lần Mô Rô Ni sử dụng từ khuyên nhủ. Liệt kê hoặc đánh dấu điều Mô Rô Ni đang khuyên nhủ—hay khuyến khích một cách mạnh mẽ—cho chúng ta làm theo. Chúng ta có thể làm gì để làm theo những lời khuyên nhủ của ông?

Mô Rô Ni 10:3

Chúng ta học được điều gì về lòng thương xót của Chúa khi đọc Sách Mặc Môn trong năm nay? Chúa đã thương xót gia đình anh chị em bằng cách nào?

Mô Rô Ni 10:3–5

Sau khi đọc những câu này, anh chị em có thể yêu cầu mọi người trong gia đình chia sẻ cách họ tiến đến việc biết được Sách Mặc Môn là chân chính. Cân nhắc cùng nhau hát một bài về việc tìm kiếm lẽ thật. Anh chị em cũng có thể mời các thành viên trong gia đình ghi lại chứng ngôn của họ trong một quyển nhật ký gia đình.

Mô Rô Ni 10:8–18

Lễ Giáng Sinh là một dịp tự nhiên để nghĩ về việc nhận quà. Có lẽ mọi người trong nhà có thể gói quà cho nhau mà tượng trưng cho “các ân tứ của Thượng Đế” được nói đến trong Mô Rô Ni 10:9–16. Những món quà này cũng có thể tượng trưng cho những ân tứ tốt lành đến từ Đấng Ky Tô mà họ thấy ở nhau.

Mô Rô Ni 10:27–29, 34

Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ điều họ muốn nói với Mô Rô Ni khi họ “gặp lại [ông] trước rào phán xét dễ chịu của Đấng Giê Hô Va vĩ đại.”

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô. Mục đích của Sách Mặc Môn—và tất cả các thánh thư—là để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô trong Mô Rô Ni 10? Anh chị em cảm thấy được soi dẫn làm gì để đến cùng Ngài?

Hình Ảnh
Mô Rô Ni chôn giấu các bảng khắc bằng vàng

Moroni Burying the Plates (Mô Rô Ni Chôn Giấu Các Bảng Khắc), tranh do Jon McNaughton họa

In