Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 23–29 tháng Mười Một. Ê The 12–15: “Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện”


“Ngày 23–29 tháng Mười Một. Ê The 12–15: ‘Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 23–29 tháng Mười Một. Ê The 12–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
Ê The đi vào hang đá

Ether Hiding in the Cavity of a Rock (Ê The Trốn trong Hang Đá), tranh do Gary Ernest Smith họa

Ngày 23–29 tháng Mười Một

Ê The 12–15

“Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện”

Việc ghi lại những ấn tượng có thể mời đến nhiều sự mặc khải hơn và củng cố chứng ngôn của anh chị em. Điều đó cũng giúp anh chị em ghi nhớ những ấn tượng của mình và chia sẻ chúng với người khác trong tương lai.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Lời tiên tri của Ê The cho dân Gia Rết thật “vĩ đại và kỳ diệu” (Ê The 12:5). Ông “đã nói với họ sự thật về mọi điều, từ lúc khởi đầu của loài người” (Ê The 13:2). Ông đã thấy trước “thời đại của Đấng Ky Tô” và Tân Giê Ru Sa Lem trong ngày sau (Ê The 13:4). Và ông nói về “hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn, phải, một chỗ bên tay phải của Thượng Đế” (Ê The 12:4). Nhưng dân Gia Rết chối bỏ lời ông, bởi cùng lý do khiến dân chúng chối bỏ những lời tiên tri từ các tôi tớ của Thượng Đế ngày nay—“vì họ không trông thấy những điều ấy” (Ê The 12:5). Cần có đức tin để tin vào những lời hứa hoặc cảnh báo về những điều chúng ta không thể thấy, cũng như cần có đức tin để Ê The tiên tri về “những điều vĩ đại và kỳ diệu” cho một dân chẳng tin. Cần có đức tin để Mô Rô Ni tin cậy rằng Chúa sẽ lấy “sự yếu kém trong văn viết” của ông và làm cho điều đó trở nên mạnh mẽ (xin xem Ê The 12:23–27). Chính là đức tin như vậy mà làm cho chúng ta “được chắc chắn vững vàng, luôn luôn dồi dào những việc làm tốt đẹp, và được dẫn dắt để tôn vinh Thượng Đế” (Ê The 12:4). Và chính là nhờ đức tin như vậy mà “mọi việc sẽ được thực hiện” (Ê The 12:3).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ê The 12

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể dẫn đến phép lạ kỳ diệu.

Nhiều người ngày nay, giống với dân Gia Rết trong thời của Ê The, muốn thấy bằng chứng trước khi họ tin vào Thượng Đế và quyền năng của Ngài. Tuy nhiên, Mô Rô Ni dạy rằng “đức tin là những gì người ta hy vọng nhưng không trông thấy được” và anh chị em “không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của [anh chị em] đã được thử thách” (Ê The 12:6).

Hãy lưu ý mỗi lần anh chị em tìm thấy từ “đức tin” trong Ê The 12, và ghi lại điều anh chị em học về đức tin. Hãy tìm câu trả lời cho những câu hỏi như sau: Đức tin là gì? Những kết quả của một cuộc đời tràn đầy đức tin là gì? Anh chị em cũng có thể ghi lại những suy nghĩ của mình về những bằng chứng đã đạt được “sau khi đức tin của [anh chị em] đã được thử thách” (Ê The 12:16).

Xin xem thêm Hê Bơ Rơ 11; An Ma 32.

Ê The 12:1–9, 28, 32

Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta một “hy vọng toàn hảo hơn.”

Ngoài những hiểu biết sâu sắc về đức tin, Ê The 12 cũng có nói nhiều đến hy vọng—có lẽ anh chị em có thể lưu ý đến mỗi lần từ “hy vọng” xuất hiện. Hy vọng có nghĩa là gì đối với anh chị em? Vì những lý do nào mà Ê The đã có “hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn”? (xin xem Ê The 12:2–5). Làm thế nào phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho anh chị em một “hy vọng toàn hảo hơn”? (ÊThe 12:32).

Xin xem thêm Mô Rô Ni 7:40–41; Dieter F. Uchtdorf, “Quyền Năng Vô Tận của Niềm Hy Vọng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 21–24; Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 136.

Ê The 12:23–29

Chúa Giê Su Ky Tô có thể làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.

Khi chúng ta đọc những lời mạnh mẽ do Mô Rô Ni viết, rất dễ để quên rằng ông đã lo lắng về “sự yếu kém trong văn viết” và sợ rằng loài người sẽ chế giễu những lời của ông (xin xem Ê The 12:23–25). Nhưng Thượng Đế hứa với những người khiêm nhường là Ngài sẽ “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ” (câu 27), và quyền năng thuộc linh trong những lời do Mô Rô Ni viết ra là một bằng chứng đầy thuyết phục rằng Chúa đã giữ trọn lời hứa này.

Sau khi đọc Ê The 12:23–29, hãy suy ngẫm những khi Thượng Đế giúp anh chị em nhận ra những yếu kém của mình và làm cho anh chị em mạnh mẽ mặc cho những yếu kém đó. Có lẽ đây cũng là thời điểm tốt để nghĩ về những yếu kém mà hiện tại anh chị em đang phải vật lộn với chúng. Anh chị em cảm thấy mình cần làm gì để khiêm nhường trước Chúa và cho thấy đức tin nơi Ngài để nhận được lời hứa của Ngài “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ”? (ÊThe 12:27).

Khi anh chị em suy ngẫm những câu này, sự hiểu biết sâu sắc do Anh Cả Neal A. Maxwell chia sẻ có thể hữu ích: “Khi chúng ta đọc trong thánh thư về sự ‘yếu kém’ của con người, từ này gồm có … sự yếu kém cố hữu trong tình trạng con người nói chung mà trong đó xác thịt có một ảnh hưởng không ngừng hoặc liên tục đến linh hồn (xin xem Ê The 12:28–29). Sự yếu kém cũng gồm có những yếu kém cụ thể và riêng cá nhân của chúng ta, mà chúng ta được kỳ vọng sẽ khắc phục được (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 66:3; Gia Cốp 4:7)” (Lord, Increase Our Faith [năm 1994], trang 84).

Xin xem thêm “Ân Điển,” Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Ê The 13:13–22; 14–15

Việc chối bỏ những vị tiên tri mang lại sự nguy hiểm về mặt thuộc linh.

Theo lịch sử, làm vua của dân Gia Rết là một địa vị nguy hiểm. Điều này đặc biệt đúng với Cô Ri An Tum Rơ, vì “có nhiều người hùng mạnh … tìm cách hủy diệt [ông]” (Ê The 13:15–16). Trong Ê The 13:15–22, hãy lưu ý điều Cô Ri An Tum Rơ đã làm để bảo vệ bản thân và điều tiên tri Ê The đã khuyên ông nên làm thay vì thế. Trong khi đọc phần còn lại trong sách Ê The, anh chị em hãy suy ngẫm về các hậu quả của việc chối bỏ các vị tiên tri. Điều gì xảy ra cho người ta khi “Thánh Linh của Chúa … ngừng tranh đấu với họ”? (ÊThe 15:19).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Ê The 12:7–22

Trong khi cùng nhau đọc các câu này, anh chị em có thể ôn lại một số tấm gương về đức tin đầy soi dẫn đã đọc trong Sách Mặc Môn. Việc này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận các tấm gương về đức tin trong lịch sử gia đình anh chị em hoặc trong chính cuộc đời anh chị em—hãy cân nhắc ghi lại các kinh nghiệm này nếu anh chị em chưa làm vậy.

Ê The 12:27

Tại sao Chúa ban cho chúng ta sự yếu kém? Phần vụ của chúng ta trong việc “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ” là gì? Phần của Đấng Cứu Rỗi là gì?

Ê The 12:41

Có cách nào vui nhộn mà anh chị em có thể dạy con cái mình “tìm kiếm Chúa Giê Su” không? Một cách có thể là giấu một bức tranh về Chúa Giê Su và mời mọi người trong nhà “tìm kiếm” bức tranh. Chúng ta tìm kiếm Chúa Giê Su bằng cách nào, và chúng ta được ban phước như thế nào khi tìm thấy Ngài?

Ê The 13:13–14; 15:19, 33–34

Các thành viên trong gia đình anh chị em có thể thấy thú vị để so sánh kinh nghiệm của Ê The với kinh nghiệm của Mặc Môn và Mô Rô Ni (xin xem Mặc Môn 6; 8:1–10). Kinh nghiệm của họ tương tự nhau như thế nào? Con đường đến sự hủy diệt của dân Nê Phi tương tự con đường của dân Gia Rết như thế nào? (hãy so sánh Ê The 15:19 với Mô Rô Ni 8:28). Chúng ta học được những lẽ thật nào mà có thể giúp chúng ta tránh được điều đã xảy ra với họ?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy khuyến khích những câu hỏi. Trẻ em có bản tính tò mò. Đôi khi anh chị em có thể thấy những câu hỏi của chúng làm xao lãng điều anh chị em đang cố gắng giảng dạy. Thay vì vậy, hãy xem những câu hỏi như cơ hội. Chúng cho thấy con cái đang sẵn sàng học hỏi—chúng cho anh chị em hiểu được những mối quan tâm của con cái mình và cách chúng cảm nhận về điều chúng đang học (xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 25–26).

Hình Ảnh
Ê The quỳ trước một miệng hang

Marvelous Were the Prophecies of Ether (Những Điều Tiên Tri của Ê The Thật Vĩ Đại và Kỳ Diệu Thay), tranh do Walter Rane họa

In