Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 9–15 tháng Mười Một. Ê The 1–5: “Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng”


“Ngày 9–15 tháng Mười Một. Ê The 1–5: ‘Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 9–15 tháng Mười Một. Ê The 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
Dân Gia Rết hành trình băng qua vùng hoang dã

The Jaredites Leaving Babel (Dân Gia Rết Rời Khỏi Ba Bên), tranh do Albin Veselka họa

Ngày 9–15 tháng Mười Một

Ê The 1–5

“Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng”

Sách Ê The là biên sử của dân Gia Rết, những người đã đến đất hứa hàng thế kỷ trước dân Nê Phi. Thượng Đế đã soi dẫn Mô Rô Ni để gồm biên sử của Ê The vào Sách Mặc Môn bởi vì sự liên quan của nó với thời kỳ của chúng ta. Anh chị em cảm thấy biên sử này liên quan gì đến cuộc đời mình?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong khi đúng là những đường lối của Thượng Đế thì cao hơn của chúng ta, và chúng ta nên luôn luôn tuân phục ý muốn của Ngài, Ngài cũng khuyến khích chúng ta tự mình suy nghĩ và hành động. Đó là một bài học mà Gia Rết và anh của ông đã học được. Ví dụ, ý tưởng hành trình đến một vùng đất mới “chọn lọc hơn hết thảy mọi vùng đất khác trên thế gian này” dường như bắt nguồn trong tâm trí Gia Rết, và Chúa “động lòng thương hại” nên đã hứa ban theo lời thỉnh cầu, Ngài nói rằng: “Đó là việc ta sẽ làm cho ngươi vì ngươi đã cầu khẩn ta trong bấy lâu nay” (xin xem Ê The 1:38–43). Và khi anh của Gia Rết nhận ra bên trong những chiếc thuyền mà sẽ mang họ đến đất hứa lại tối đến mức nào, thì Chúa mời ông đề nghị một giải pháp, bằng cách đặt một câu hỏi mà chúng ta thường hỏi Ngài: “Ngươi muốn ta làm gì?” (Ê The 2:23). Sứ điệp dường như là chúng ta không nên kỳ vọng Thượng Đế ra lệnh cho chúng ta trong mọi việc. Chúng ta có thể chia sẻ với Ngài những ý nghĩ và ý kiến của chính mình, và Ngài sẽ lắng nghe và ban cho sự xác nhận của Ngài hoặc là khuyên nhủ chúng ta cách khác. Đôi khi điều duy nhất ngăn cách chúng ta khỏi những phước lành mà chúng ta tìm kiếm là “bức màn vô tín ngưỡng” của chính mình, và nếu chúng ta có thể “xé rách được tấm màn [đó]” (Ê The 4:15), thì chúng ta có thể kinh ngạc bởi điều Chúa sẵn lòng làm cho chúng ta.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ê The 1:33–43

Khi tôi kêu cầu lên Chúa, Ngài sẽ thương xót tôi.

Ê The 1:33–43 kể về ba lời cầu nguyện của anh của Gia Rết. Anh chị em học được gì từ cách đáp ứng của Chúa với từng lời cầu nguyện? Hãy nghĩ về một lần khi anh chị em có được lòng thương xót của Chúa trong khi kêu cầu lên Ngài trong lời cầu nguyện. Anh chị em có thể muốn ghi lại kinh nghiệm này và chia sẻ nó với một ai đó cần được nghe chứng ngôn của anh chị em.

Ê The 2; 3:1–6; 4:7–15

Tôi có thể nhận được sự mặc khải cho cuộc đời mình.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Tôi khẩn nài các anh chị em gia tăng khả năng thuộc linh của mình để nhận được sự mặc khải. … Hãy chọn làm công việc thuộc linh được đòi hỏi này để vui hưởng ân tứ Đức Thánh Linh và nghe được tiếng nói của Thánh Linh thường xuyên hơn và rõ ràng hơn” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96).

Trong khi học Ê The 2; 3:1–6; và 4:7–15, anh chị em tìm thấy những lẽ thật nào mà giúp anh chị em hiểu cách để tìm kiếm sự mặc khải cá nhân? Anh chị em có thể đánh dấu bằng một màu mực các câu hỏi hoặc mối bận tâm mà anh của Gia Rết đã có và điều ông đã làm với chúng, và bằng một màu mực khác anh chị em có thể đánh dấu cách Chúa giúp ông và biểu lộ ý muốn của Ngài. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về cách mà anh của Gia Rết đã thưa chuyện với Chúa, và anh chị em học được điều gì từ đó về cách gia tăng khả năng nhận được sự mặc khải trong cuộc đời mình?

Ê The 2:16–25

Chúa sẽ chuẩn bị cho tôi vượt qua “vực sâu” của mình.

Để đến được đất hứa, dân Gia Rết đối mặt với một trở ngại lớn: vượt qua “vực sâu” (Ê The 2:25). Cụm từ “vực sâu” có thể là một cách phù hợp để mô tả những thử thách và khó khăn của chúng ta đôi khi giống như thế nào. Và đôi khi, cũng như trường hợp của dân Gia Rết, việc vượt qua “vực sâu” là phương cách duy nhất để làm tròn ý muốn của Thượng Đế dành cho chúng ta. Anh chị em có thể thấy những sự tương đồng với cuộc đời mình trong Ê The 2:16–25 không? Bằng cách nào Chúa đã chuẩn bị anh chị em cho những thử thách của anh chị em? Ngài đang yêu cầu anh chị em làm gì bây giờ để chuẩn bị cho điều Ngài cần anh chị em làm trong tương lai?

Ê The 3

Tôi được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế.

Trên núi Se Lem, anh của Gia Rết học được nhiều điều về Thượng Đế và về bản thân ông. Anh chị em học được gì từ Ê The 3 về bản chất thuộc linh và thuộc thể của Thượng Đế? Làm thế nào những lẽ thật này giúp anh chị em hiểu được nguồn gốc thiêng liêng và tiềm năng của mình?

Hình Ảnh
người phụ nữ và hai đứa con đang chơi trên bãi biển

Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế.

Ê The 3:6–16

Anh của Gia Rết có phải là người đầu tiên trông thấy Chúa không?

Thượng Đế đã cho những vị tiên tri khác trước anh của Gia Rết được trông thấy Ngài (ví dụ, xin xem Môi Se 7:4, 59), vì thế tại sao Chúa nói với ông: “Ta chưa bao giờ hiện ra cho loài người”? (Ê The 3:15). Anh Cả Jeffrey R. Holland đã đưa ra lời giải thích khả thi này: “Đấng Ky Tô đã phán cùng anh của Gia Rết: ‘Ta chưa bao giờ hiện ra cho loài người được trông thấy theo cách này, ngoài ý muốn của ta, mà hoàn toàn nhờ vào đức tin của người được mục kích’” (Christ and the New Covenant [năm 1997], trang 23).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Ê The 1:34–37

Chúng ta học được điều gì về việc cầu nguyện cho người khác từ những câu này? Những câu này minh họa các lẽ thật nào khác về lời cầu nguyện?

Ê The 2:16–3:6

Tấm gương của anh của Gia Rết dạy cho chúng ta điều gì về cách tìm lời giải đáp cho những vấn đề và thắc mắc của chúng ta? Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi họ tìm kiếm và nhận được các câu trả lời từ Chúa.

Ê The 4:11–12

Sau khi đọc những câu này, mọi người có thể viết xuống một số thứ hằng ngày mà ảnh hưởng đến gia đình anh chị em (như phim ảnh, các bài hát, trò chơi, hoặc con người) lên những mẩu giấy và bỏ chúng vào một cái tô. Rồi họ có thể lần lượt bốc một mẩu giấy và thảo luận xem nó có “thuyết phục [họ] làm điều thiện” không (Ê The 4:12). Gia đình anh chị em cảm thấy được soi dẫn để thực hiện những thay đổi gì?

Ê The 5

Anh chị em có thể giấu một đồ vật hoặc bánh kẹo trong một cái hộp và mời một người trong gia đình nhìn vào bên trong và cho những người còn lại manh mối để giúp họ đoán vật đó là gì. Trong khi cùng nhau đọc Ê The 5, hãy thảo luận lý do tại sao là quan trọng khi Chúa sử dụng những nhân chứng trong công việc của Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ lời chứng của mình về Sách Mặc Môn với người khác?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy luôn luôn sẵn sàng. “Những giây phút giảng dạy đời thường sẽ trôi qua nhanh, vậy nên điều quan trọng là phải tận dụng những giây phút đó khi chúng đến. … Ví dụ, một thiếu niên với một quyết định khó chọn có thể sẵn sàng để tìm hiểu về cách nhận được sự mặc khải cá nhân” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 16).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chạm vào mười sáu viên đá trong sự hiện diện của anh của Gia Rết

Sawest Thou More Than This? (Vậy Ngươi Còn Thấy Gì Hơn Nữa Không?) tranh do Marcus Alan Vincent họa

In