Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 16–22 tháng Mười Một. Ê The 6–11: “Để Cho Sự Tà Ác Có Thể Được Loại Bỏ”


“Ngày 16–22 tháng Mười Một. Ê The 6–11: “Để Cho Sự Tà Ác Có Thể Được Loại Bỏ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 16–22 tháng Mười Một. Ê The 6–11,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Những chiếc thuyền của dân Gia Rết trên biển

I Will Bring You up Again out of the Depths (Ta Sẽ Đem Các Ngươi trở lên Khỏi Vực Sâu), tranh do Jonathan Arthur Clarke họa

Ngày 16–22 tháng Mười Một

Ê The 6–11

“Để Cho Sự Tà Ác Có Thể Được Loại Bỏ”

Nói về biên sử của dân Gia Rết, Mặc Môn nhận xét rằng “mọi người cần phải biết những điều ghi chép trong đó” (Mô Si A 28:19). Hãy ghi nhớ điều này trong tâm trí trong khi anh chị em đọc Ê The 6–11. Tại sao những điều này lại cần phải được biết—hay có lợi ích—đối với anh chị em và những người thân yêu của mình?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hàng trăm năm sau khi dân Gia Rết bị hủy diệt, dân Nê Phi đã khám phá ra những tàn tích của nền văn minh cổ xưa của họ. Giữa những tàn tích này là một biên sử bí ẩn—những bảng khắc bằng “vàng y” trên đó “có ghi đầy những chữ chạm khắc” (Mô Si A 8:9). Vị vua người Nê Phi, Lim Hi, có thể cảm nhận rằng biên sử này rất quan trọng: “Thật không còn nghi ngờ gì nữa, một sự mầu nhiệm lớn lao được chứa đựng trong những bảng khắc này,” ông đã nói vậy (Mô Si A 8:19). Ngày nay anh chị em có bảng tóm tắt của biên sử này, được phiên dịch sang ngôn ngữ của anh chị em, và nó được gọi là sách Ê The. Sách này đến từ cùng một biên sử mà dân Nê Phi “vô cùng khao khát” muốn đọc, và khi họ đã đọc, “họ tràn đầy nỗi buồn thảm; tuy nhiên, nó cũng đem lại cho họ nhiều sự hiểu biết, mà nhờ đó họ cảm thấy hân hoan vô cùng” (Mô Si A 28:12, 18). Trong khi anh chị em đọc về những thăng trầm đầy bi thương của dân Gia Rết, anh chị em sẽ có nhiều giây phút buồn bã. Nhưng đừng bỏ qua niềm vui khi học được những bài học từ câu chuyện lịch sử này. Sau tất cả, như Mô Rô Ni đã viết: “vì sự thông sáng của Thượng Đế nên các điều này mới được tiết lộ cho các người biết” (Ê The 8:23), vì nếu chúng ta có thể học được từ những thất bại và thành công của dân Gia Rết, “sự tà ác có thể được loại bỏ, và có thể đến một thời gian kia Sa Tan sẽ không còn quyền năng chi đối với trái tim con cái loài người nữa” (Ê The 8:26).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ê The 6:1–12

Chúa sẽ dẫn tôi hướng đến vùng đất hứa của tôi.

Anh chị em có thể tìm thấy những hiểu biết thuộc linh sâu sắc nếu so sánh cuộc hành trình của dân Gia Rết băng qua đại dương với cuộc hành trình của anh chị em đi qua cuộc sống trần thế. Ví dụ, Chúa đã cung ứng điều gì để soi sáng con đường cho anh chị em giống với những viên đá trong các chiếc thuyền của dân Gia Rết? Những chiếc thuyền có thể tượng trưng cho điều gì, hay những trận gió “thổi họ hướng về đất hứa”? (ÊThe 6:8). Anh chị em học được gì từ những hành động của dân Gia Rết trước, trong, và sau cuộc hành trình? Bằng cách nào Chúa đang dẫn anh chị em hướng đến vùng đất hứa dành cho anh chị em?

Dân Gia Rết hành trình với các con thú

Journey of the Jaredites across Asia (Cuộc hành trình của dân Gia Rết băng qua Châu Á), tranh do Minerva Teichert họa

Ê The 6:5–18, 30; 9:28–35; 10:1–2

Chúa ban phước cho tôi khi tôi khiêm nhường.

Mặc dù tính kiêu ngạo và sự tà ác dường như vượt trội trong lịch sử dân Gia Rết, cũng có những tấm gương về sự khiêm nhường trong những chương này—đặc biệt trong Ê The 6:5–18, 30; 9:28–35; và 10:1–2. Việc suy ngẫm những câu hỏi sau đây có thể giúp anh chị em học từ các tấm gương này: Tại sao những người Gia Rết này hạ mình khiêm nhường trong những hoàn cảnh này? Họ đã làm gì để cho thấy lòng khiêm nhường của họ? Kết quả là họ đã được ban phước ra sao? Hãy lưu ý rằng trong một vài trường hợp, dân chúng bị bó buộc bởi những hoàn cảnh của họ để khiêm nhường. Xem xét điều anh chị em có thể làm để sẵn lòng “bước đi một cách khiêm nhường trước mặt Chúa” (Ê The 6:17) thay vì bị bó buộc để khiêm nhường (xin xem Mô Si A 4:11–12; An Ma 32:14–18).

Xin xem thêm “Khiêm Nhường, Khiêm Tốn,” Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Ê The 7–11

Những vị lãnh đạo ngay chính ban phước cho những người mà họ dẫn dắt.

Các chương 7–11 trong sách Ê The kể về ít nhất 28 thế hệ. Mặc dù không thể có nhiều chi tiết được ghi lại trên chỗ hạn hẹp như vậy, nhưng một khuôn mẫu nhanh chóng hiện lên: những vị lãnh đạo ngay chính dẫn đến các phước lành và sự thịnh vượng, trong khi những người lãnh đạo tà ác dẫn đến sự cầm tù và hủy diệt.

Bên dưới chỉ là một vài vị vua được nói đến trong những chương này. Hãy đọc các câu thánh thư về họ, và xem anh chị em có thể học được điều gì từ những tấm gương của họ—cả tích cực lẫn tiêu cực—về cách lãnh đạo. Trong khi làm vậy, hãy nghĩ về các cơ hội anh chị em có thể có để lãnh đạo hoặc ảnh hưởng người khác trong gia đình, cộng đồng mình, sự kêu gọi trong Giáo Hội, và vân vân.

Ê The 8:7–26

Tập đoàn bí mật là gì?

Khi hai hoặc nhiều người hơn âm mưu giữ bí mật những hành vi tà ác của họ, thì họ đang tham gia vào một tập đoàn bí mật. Họ thường có động cơ xuất phát từ mong muốn có được quyền hành hoặc giàu có. Ngoài tập đoàn bí mật được mô tả trong Ê The 8:7–18, các ví dụ khác có thể được tìm thấy trong Hê La Man 1:9–12; 2:2–11; 6:16–30, và Môi Se 5:29–33. Trong Ê The 8:18–26, Mô Rô Ni mô tả những hậu quả của các tập đoàn bí mật (xin xem thêm Ê The 9:4–12) và cảnh báo chúng ta không được ủng hộ chúng.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Ê The 6:2–12

Gia đình anh chị em sẽ thích đóng diễn cuộc hành trình của dân Gia Rết đi đến đất hứa không? Anh chị em có thể sử dụng một căn phòng tối như một chiếc thuyền và đèn pin để tượng trưng cho các viên đá phát sáng. Anh chị em có thể nói về cách dân Gia Rết cho thấy đức tin của họ nơi Chúa bằng cách đi vào trong những chiếc thuyền, mặc dù biết là họ sẽ “bị chìm sâu dưới lòng biển” (Ê The 6:6). Sau khi đọc câu 9, các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ những bài thánh ca yêu thích về chủ đề ngợi khen và cùng hát với nhau. Làm thế nào mái ấm gia đình của chúng ta có thể được so sánh với những chiếc thuyền của dân Gia Rết? Vùng đất hứa mà Chúa đang dẫn gia đình chúng ta hướng đến là gì?

Ê The 6:22–23

Trong suốt tuần này, gia đình anh chị em có thể theo dõi xem lời cảnh báo về cảnh tù đày do anh của Gia Rết tiên tri được ứng nghiệm như thế nào. Các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta đã đưa ra những cảnh báo gì cho chúng ta? Trong những phương diện nào việc bỏ qua lời khuyên bảo của họ có thể đưa đến cảnh tù đày?

Ê The 8:23–26

Theo như những câu này, tại sao Mô Rô Ni được truyền lệnh phải viết “các điều này” về những tập đoàn bí mật? (Ê The 8:23). Chúng ta học được gì từ sách Ê The mà có thể giúp chúng ta có được các phước lành được mô tả trong câu 26?

Ê The 9:11

Những ước muốn của chúng ta ảnh hưởng đến những lựa chọn của chúng ta như thế nào? Cả gia đình với nhau có thể làm gì để đảm bảo rằng chúng ta mong muốn những việc của Thượng Đế?

Ê The 11:8

Để biết thêm về lòng thương xót của Chúa dành cho những người biết hối cải, anh chị em có thể đọc Mô Si A 26:29–30; 29:18–20; An Ma 34:14–16; hoặc Mô Rô Ni 6:8. Mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những ví dụ về lòng thương xót của Thượng Đế từ thánh thư hoặc từ chính cuộc sống của họ.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy hành động theo điều anh chị em học được. Việc học hỏi phúc âm không chỉ có đọc và suy ngẫm mà thôi. Chúng ta thường học được nhiều nhất khi hành động theo những lẽ thật trong thánh thư (xin xem Giăng 7:17). Anh chị em sẽ làm gì để áp dụng điều anh chị em đọc trong Ê The 6–11?

Những chiếc thuyền của dân Gia Rết trên biển

Jaredite Barges (Những Chiếc Thuyền của Dân Gia Rết), tranh do Gary Ernest Smith họa