Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 2–8 tháng Mười Một. Mặc Môn 7–9: “Tôi Nói với Các Người như thể Các Người Có Trước Mặt Tôi”


“Ngày 2–8 tháng Mười Một. Mặc Môn 7–9: ‘Tôi Nói với Các Người như thể Các Người Có Trước Mặt Tôi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 2–8 tháng Mười Một. Mặc Môn 7–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Mô Rô Ni viết lên các bảng khắc bằng vàng

Moroni Writing on Gold Plates (Mô Rô Ni Viết lên Các Bảng Khắc Bằng Vàng), tranh do Dale Kilborn họa

Ngày 2–8 tháng Mười Một

Mặc Môn 7–9

“Tôi Nói với Các Người như thể Các Người Có Trước Mặt Tôi”

Mặc Môn và Mô Rô Ni có đức tin rằng biên sử của họ sẽ soi dẫn cho những ai sống vào những ngày sau. Trong khi anh chị em đọc Mặc Môn 7–9, hãy viết những ấn tượng đến với anh chị em về cách anh chị em có thể áp dụng điều anh chị em đang học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Mặc Môn và Mô Rô Ni biết rằng sẽ cảm thấy như thế nào khi đơn độc trong một thế giới tà ác. Đối với Mô Rô Ni, nỗi cô đơn hẳn phải đặc biệt kinh khủng sau khi cha ông chết trên chiến trường và dân Nê Phi bị hủy diệt. Ông đã viết: “Chỉ còn một mình tôi.” “Tôi cũng không còn bạn bè nào nữa, cũng không còn nơi nào để đi” (Mặc Môn 8:3, 5). Mọi thứ dường như trở nên vô vọng, nhưng Mô Rô Ni đã tìm thấy hy vọng trong chứng ngôn của ông về Đấng Cứu Rỗi và sự hiểu biết của ông là “mục đích vĩnh cửu của Chúa sẽ còn tiếp tục mãi” (Mặc Môn 8:22). Và Mô Rô Ni đã biết rằng vai trò then chốt trong các mục đích vĩnh cửu đó sẽ được đặt vào Sách Mặc Môn—biên sử mà bấy giờ ông đang chuyên tâm hoàn tất, biên sử mà đến một ngày sẽ “chiếu sáng ngời từ trong bóng tối” và mang nhiều người đến “sự hiểu biết Đấng Ky Tô” (Mặc Môn 8:16; 9:36). Đức tin của Mô Rô Ni trong những lời hứa này làm cho ông có thể tuyên bố với những độc giả tương lai của quyển sách này: “Tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi” và “Tôi biết rằng các người sẽ có được những lời của tôi” (Mặc Môn 8:35; 9:30). Giờ đây chúng ta những lời của ông, và công việc của Chúa đang tiếp tục, phần nào bởi vì Mặc Môn và Mô Rô Ni đã trung thành với sứ mệnh của họ, ngay cả khi họ đơn độc.

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Mặc Môn 7

Tôi phải tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và “nắm vững” phúc âm của Ngài.

Những lời cuối cùng của Mặc Môn được ghi lại trong Mặc Môn 7 nhằm dành cho hậu duệ ngày sau của dân La Man, nhưng những lời đó có các lẽ thật dành cho tất cả chúng ta. Sứ điệp của Mặc Môn dạy anh chị em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm Ngài? Tại sao Mặc Môn đã chọn sứ điệp này để kết thúc bài viết của ông?

Mặc Môn 7:8–10; 8:12–22; 9:31–37

Sách Mặc Môn có giá trị lớn lao.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã hỏi: “Nếu các anh chị em được tặng kim cương hay hồng ngọc, hay Sách Mặc Môn, các anh chị em sẽ chọn thứ nào? Thật ra, thứ nào giá trị hơn với các anh chị em?” (“Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 61).

Mặc Môn và Mô Rô Ni đã biết rằng biên sử mà họ đang giữ sẽ có giá trị lớn lao trong thời đại chúng ta, vì thế họ đã hy sinh hết sức để chuẩn bị và bảo vệ nó. Trong khi đọc Măc Môn 7:8–10; 8:12–22; và 9:31–37, anh chị em hãy xem xét lý do tại sao biên sử này lại vô cùng có giá trị trong thời chúng ta. Anh chị em có thể tìm thấy thêm những hiểu biết sâu sắc trong 1 Nê Phi 13:38–41; 2 Nê Phi 3:11–12; và Giáo Lý và Giao Ước 33:16; 42:12–13. Những kinh nghiệm nào đã giúp anh chị em biết rằng Sách Mặc Môn có giá trị lớn lao?

các cuốn Sách Mặc Môn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau

Những điều các vị tiên tri viết trong Sách Mặc Môn áp dụng cho chúng ta.

Mặc Môn 8:26–41; 9:1–30

Sách Mặc Môn được viết cho thời kỳ chúng ta.

Chúa Giê Su Ky Tô cho Mô Rô Ni thấy điều sẽ xảy ra khi Sách Mặc Môn xuất hiện (xin xem Mặc Môn 8:34–35), và điều Mô Rô Ni thấy đã khiến ông đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ cho thời kỳ chúng ta. Trong khi đọc Mặc Môn 8:26–419:1–30, anh chị em hãy suy ngẫm liệu có bất cứ dấu hiệu nào của những thái độ và hành động này trong cuộc sống của anh chị em không. Anh chị em có thể làm gì khác đi?

Ví dụ, Mặc Môn 9:1–30 gồm có sứ điệp của Mô Rô Ni nhằm đáp lại sự chẳng tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô rất phổ biến mà ông đã thấy trước trong thời của chúng ta. Hãy cân nhắc ghi lại những gì anh chị em học được từ lời của ông về những điều sau đây:

  • Hậu quả từ sự chẳng tin nơi Đấng Ky Tô (các câu 1–626)

  • Tầm quan trọng của việc tin vào một Thượng Đế có sự mặc khải và phép lạ (các câu 7–20)

  • Lời khuyên Mô Rô Ni dành cho chúng ta (các câu 21–30)

Anh chị em học được điều gì từ Mô Rô Ni mà có thể giúp anh chị em mang những người khác đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Sau đây là một số ý kiến.

Mặc Môn 7:5–7, 10; 9:11–14

Những câu này dạy chúng ta điều gì về kế hoạch của Cha Thiên Thượng và lý do tại sao chúng ta cần một Đấng Cứu Rỗi?

Mặc Môn 7:8–10

Chúng ta học được gì từ việc học Sách Mặc Môn trong năm nay mà đã giúp củng cố đức tin của chúng ta vào Kinh Thánh? Để bắt đầu thảo luận, anh chị em có thể cùng nhau đọc một vài câu thánh thư từ Sách Mặc Môn và Kinh Thánh mà dạy những lẽ thật tương tự nhau, như là An Ma 7:11–13Ê Sai 53:3–5 hay 3 Nê Phi 15:16–24Giăng 10:16.

Mặc Môn 8:1–9

Cảm giác cô đơn giống với Mô Rô Ni đã trải qua là như thế nào? Điều gì gây ấn tượng với chúng ta về công việc mà ông đã hoàn thành?

Mặc Môn 8:12, 17–21; 9:31

Hãy cân nhắc đọc những câu này cùng gia đình và rồi đọc câu phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland: “Ngoại trừ trường hợp của Con Trai Độc Sinh hoàn hảo của Ngài, Thượng Đế đã phải làm việc với những người không hoàn hảo. … Và khi các anh chị em thấy có điều gì không hoàn hảo, thì hãy nhớ rằng giới hạn không phải là tính chất thiêng liêng của công việc này.” (“Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 94). Tại sao là nguy hiểm khi tập trung vào những điều không hoàn hảo ở người khác, kể cả những người đã viết Sách Mặc Môn?

Mặc Môn 8:36–38

Chúng ta mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? Tại sao một người nào đó có thể xấu hổ khi mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô? Làm thế nào chúng ta có thể dũng cảm trong chứng ngôn của mình về Đấng Cứu Rỗi?

Mặc Môn 9:16–24

Một số nguyên liệu nhất định cần phải có để thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm khoa học hoặc một công thức nấu ăn. Hãy cân nhắc làm một cuộc thử nghiệm hoặc một công thức nấu ăn ưa thích cùng gia đình trước khi đọc Mặc Môn 9:16–24. Trong khi đọc những câu này (đặc biệt các câu 20–21), hãy tìm “những nguyên liệu” cần thiết để làm cho phép lạ có thể xảy ra. Chúng ta thấy những phép lạ nào trên thế giới quanh chúng ta và trong gia đình mình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tham khảo các tài liệu chính thức của Giáo Hội. Nếu anh chị em có những thắc mắc về phúc âm, thì nguồn đáng tin nhất để tìm ra lời giải đáp là sự cầu nguyện, thánh thư, lời của các vị tiên tri tại thế, và những ấn phẩm chính thức khác của Giáo Hội (xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 17–18, 23–24).

Mặc Môn tóm lược các bảng khắc bằng vàng

Mormon Abridging the Plates (Mặc Môn Tóm Lược Các Bảng Khắc), tranh do Jon McNaughton họa