Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 15–21 tháng Hai. Giáo Lý và Giao Ước 14–17: “Đứng Lên làm Nhân Chứng”


“Ngày 15–21 tháng Hai. Giáo Lý và Giao Ước 14–17: ‘Đứng Lên làm Nhân Chứng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 15–21 tháng Hai. Giáo Lý và Giao Ước 14–17,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Joseph Smith và Ba Nhân Chứng quỳ xuống cầu nguyện

Ngày 15–21 tháng Hai

Giáo Lý và Giao Ước 14–17

“Đứng Lên làm Nhân Chứng”

Gia đình và bạn bè của Joseph Smith đôi khi yêu cầu ông tìm kiếm sự mặc khải về điều Thượng Đế muốn họ thực hiện. Trong khi anh chị em đọc những điều mặc khải này, hãy xem xét những sự chỉ dẫn nào mà Thượng Đế dành cho mình.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Tuy công việc phiên dịch đang tiến triển tốt, nhưng trước tháng Năm năm 1829, tình hình tại Harmony đã trở nên khó khăn hơn đối với Joseph, Emma, và Oliver. Sự thù ghét từ những người lân cận đang tăng lên trong khi sự hỗ trợ từ gia đình của Emma thì lại đang mất dần. Khi cảm thấy Harmony không còn là một nơi an toàn, Oliver đã liên lạc một người bạn từng thể hiện sự quan tâm đến công việc của Joseph: David Whitmer. David sống cùng cha mẹ và anh chị em của ông tại Fayette, New York, cách đó khoảng 160 cây số. Ông đã gặp Oliver một năm trước, và Oliver đã viết vài lá thư cho ông kể từ khi đó để chia sẻ các kinh nghiệm khi làm việc với Vị Tiên Tri. Không ai trong gia đình, kể cả David, từng gặp gỡ Joseph. Nhưng khi Oliver hỏi liệu ông và Joseph có thể đi đến ở nhà gia đình Whitmer để hoàn tất phiên dịch Sách Mặc Môn không, thì cả gia đình này đều sẵn lòng mở rộng cửa chào đón họ. Và Chúa đã biết rằng sẽ có thêm nhiều điều quan trọng đến với gia đình Whitmer hơn là chỉ cho Vị Tiên Tri trú ngụ. Ngài đã có một vài chỉ thị cụ thể dành cho họ, được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 14–17, và cuối cùng thì họ đã trở thành một trong những gia đình đặt nền tảng cho Giáo Hội và làm chứng về sự khai mở Thời Kỳ Phục Hồi.

Để biết thêm về gia đình Whitmer, xin xem Các Thánh Hữu, 1:68–71.

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 14

Tôi có thể tham gia vào “công việc vĩ đại và kỳ diệu” của Thượng Đế.

Khi gặp Joseph Smith, David Whitmer là một thanh niên trẻ tuổi tận tâm với công việc đồng áng của gia đình mình. Nhưng Chúa đã dự định một công việc lao nhọc khác dành cho David—mặc dù công việc đó cũng hơi giống việc đồng áng. Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 14:1–4, anh chị em hãy lưu ý cách Chúa so sánh công việc của Ngài với loại công việc mà David đã quen làm. Anh chị em học được điều gì về công việc của Chúa từ phép so sánh này?

Làm thế nào anh chị em có thể “đưa lưỡi hái của mình vào”? (câu 4). Hãy lưu ý những lời hứa được ban ra trong suốt tiết này cho những ai “tìm cách phổ biến và thiết lập Si Ôn” (câu 6).

Giáo Lý và Giao Ước 14:2

Lời của Thượng Đế là “lời sống và mãnh lực.”

Chúa đã so sánh lời Ngài với “gươm hai lưỡi” (Giáo Lý và Giao Ước 14:2). Phép so sánh này gợi ý cho anh chị em điều gì về lời của Thượng Đế? Ví dụ, lời Ngài là lời sống, mạnh mẽ, và sắc bén như thế nào? Anh chị em đã có kinh nghiệm như thế nào về quyền năng của lời Thượng Đế?

Hãy xem xét những cách khác mà Thượng Đế dùng để mô tả lời Ngài. Ví dụ, anh chị em học được điều gì về lời Thượng Đế từ những phép so sánh trong các đoạn thánh thư sau đây?

Thi Thiên 119:105 

Ê Sai 55:10–11 

Ma Thi Ơ 4:4 

1 Nê Phi 15:23–24 

An Ma 32:28 

gươm trên thánh thư

Chúa đã so sánh lời Ngài với một thanh gươm.

Giáo Lý và Giao Ước 14:7

Cuộc sống vĩnh cửu là “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”

Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 14:7, anh chị em hãy suy ngẫm lý do tại sao cuộc sống vĩnh cửu là “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.” Sự hiểu biết sâu sắc này từ Chủ Tịch Russell M. Nelson có thể hữu ích: “Nhờ vào kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế, gia đình có thể được làm lễ gắn bó trong đền thờ cũng như được chuẩn bị để trở lại và sống ở nơi hiện diện thiêng liêng của Ngài mãi mãi. Đó là cuộc sống vĩnh cửu!” (“Xin Dâng Lời Cảm Tạ Lên Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm 2012, trang 77).

Cân nhắc thêm những đoạn tham khảo chéo cho câu 7 mà giúp anh chị em hiểu thêm về cuộc sống vĩnh cửu (xin xem “Cuộc Sống Vĩnh Cửu” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Anh chị em học được điều gì mà soi dẫn cho mình nỗ lực để có được cuộc sống vĩnh cửu?

Giáo Lý và Giao Ước 15–16

Việc mang thêm người về với Đấng Ky Tô thì có giá trị lớn lao.

Cả John và Peter Whitmer đều muốn biết điều “giá trị nhất” trong đời họ (Giáo Lý và Giao Ước 15:4; 16:4). Anh chị em có bao giờ tự hỏi mình về điều này chưa? Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 15–16, anh chị em hãy suy ngẫm lý do tại sao mang thêm người đến cùng Đấng Ky Tô lại có giá trị lớn lao. Bằng cách nào anh chị em có thể mời người khác đến cùng Đấng Ky Tô?

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 18:10–16.

Giáo Lý và Giao Ước 17

Chúa sử dụng các lời chứng để thiết lập lời Ngài.

Một lời chứng là gì? Tại sao Chúa sử dụng các lời chứng trong công việc của Ngài? (xin xem 2 Cô Rinh Tô 13:1). Hãy suy ngẫm những câu hỏi này trong khi anh chị em đọc lời Thượng Đế phán cùng Ba Nhân Chứng trong Giáo Lý và Giao Ước 17. Cũng có thể hữu ích để xem lại “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng” trong Sách Mặc Môn. Bằng cách nào những lời chứng giúp mang lại “những mục đích ngay chính” của Thượng Đế? (câu 4).

Anh chị em có biết rằng Mary Whitmer cũng đã nhận được một lời chứng về các bảng khắc bằng vàng không? Thiên sứ Mô Rô Ni đã cho bà thấy các bảng khắc như một cách công nhận những sự hy sinh của bà khi cho Joseph, Emma, và Oliver sống trong nhà mình (xin xem Các Thánh Hữu, 1:70–71). Anh chị em học được điều gì từ kinh nghiệm của bà về việc nhận được một lời chứng?

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:73–75; Ulisses Soares, “Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 32–35.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 14:1–4.Cân nhắc mời gia đình anh chị em tìm các cụm từ liên quan đến công việc đồng áng trong các câu này. Tại sao Chúa so sánh công việc của Ngài với một vụ mùa? Chúng ta có thể làm gì để phụ giúp công việc của Ngài?

Giáo Lý và Giao Ước 14:2.Sinh hoạt dành cho câu này trong “Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân” liệt kê một số đoạn thánh thư về lời của Thượng Đế. Có lẽ mọi người trong gia đình có thể đọc chúng và chia sẻ điều họ học được. Làm thế nào những đoạn thánh thư này soi dẫn cho chúng ta “chú tâm nghe” lời nói của Thượng Đế?

Giáo Lý và Giao Ước 15:6; 16:6.Những câu này có thể truyền cảm hứng cho một cuộc trò chuyện về những điều có giá trị nhất đối với gia đình anh chị em (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 18:10).

Giáo Lý và Giao Ước 17.Gia đình anh chị em có thể thích vẽ tranh về từng đồ vật mà Ba Nhân Chứng đã thấy (xin xem câu 1). Trong khi đọc tiết 17, anh chị em hãy tìm những cụm từ dạy về tầm quan trọng của Sách Mặc Môn. Làm thế nào chúng ta có thể trở thành các nhân chứng của Sách Mặc Môn?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46.

biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Lucy Mack Smith cùng Ba và Tám Nhân Chứng

Thiên sứ Mô Rô Ni đã cho Joseph Smith, Oliver Cowdery, David Whitmer và Martin Harris xem các bảng khắc bằng vàng trong khu rừng gần nhà Whitmer tại Fayette, New York. Cha mẹ của Joseph đang đến thăm gia đình Whitmer vào lúc đó. Lucy Mack Smith, mẹ của Joseph, đã mô tả ảnh hưởng của kinh nghiệm diệu kỳ này đối với các nhân chứng:

Lucy Mack Smith

“Đó là khoảng giữa ba và bốn giờ. Bà Whitmer, Ông Smith và tôi, đang ngồi trong phòng ngủ. Tôi ngồi ở mép giường. Khi Joseph đi vào, nó buông người ngồi xuống bên cạnh tôi. Nó nói: ‘Cha! Mẹ ơi! Cha mẹ không biết là con vui mừng biết bao. Chúa đã khiến cho ba người khác, ngoài con ra, thấy được các bảng khắc, những người này cũng đã thấy một thiên sứ và sẽ phải làm chứng về sự thật của điều con đã nói. Vì họ tự biết rằng con không lừa gạt người ta. Và con thật sự cảm thấy như thể con đã được giải thoát khỏi gánh nặng khủng khiếp mà gần như quá sức chịu đựng của con. Nhưng giờ đây, họ sẽ phải gánh một phần trách nhiệm, và điều này làm cho tâm hồn con hân hoan vì con không còn cô đơn một mình trên thế gian nữa.’ Rồi Martin Harris đi vào. Ông cũng dường như vui mừng đến lả người đi. Rồi ông làm chứng về điều ông đã thấy và nghe, và những người khác là Oliver và David cũng làm như vậy. Lời chứng của họ có cùng những điểm quan trọng như đã được gồm vào trong Sách Mặc Môn. …

“Đặc biệt Martin Harris dường như hoàn toàn không thể mô tả được cảm nghĩ của ông bằng lời. Ông nói: ‘Giờ đây tôi đã thấy một thiên sứ từ Trời là người đã làm chứng chắc chắn về lẽ thật của mọi điều mà tôi từng nghe về biên sử này, và chính mắt tôi đã trông thấy vị ấy. Tôi cũng nhìn vào chữ viết trên các bảng khắc và chính tay tôi đã cầm chúng lên và có thể làm chứng với cả thế giới. Nhưng bản thân tôi cũng nhận được một lời chứng mà không từ ngữ nào có thể lột tả hết, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được, và tôi thành thật ca ngợi Thượng Đế của tôi vì Ngài đã hạ cố chọn tôi, ngay cả tôi, trở thành một nhân chứng cho sự vĩ đại của công việc và các kế hoạch của Ngài dành cho con cái của loài người.’ Oliver và David cũng cùng với ông dâng những lời tán dương thành kính lên Thượng Đế vì lòng nhân từ và thương xót của Ngài. Nhóm nhỏ chúng tôi trở về nhà [tại Palmyra, New York] vào ngày hôm sau đầy hân hoan, vui mừng.”1

Ba Nhân Chứng

Chân dung của Oliver Cowdery, David Whitmer, và Martin Harris do Lewis A. Ramsey họa

Lucy Mack Smith cũng có mặt khi Tám Nhân Chứng trở về sau kinh nghiệm của họ:

“Sau khi những nhân chứng này quay trở về căn nhà, vị thiên sứ một lần nữa hiện ra với Joseph, là lúc mà Joseph trao trả các bảng khắc vào tay vị đó. Buổi tối đó, chúng tôi tổ chức một cuộc họp, trong buổi đó tất cả các nhân chứng chia sẻ chứng ngôn về các sự kiện như đã được nói ở trên; và toàn thể gia đình chúng tôi, kể cả Don Carlos [Smith], chỉ mới 14 tuổi, đã làm chứng về lẽ thật của gian kỳ của ngày sau—rằng gian kỳ này khi ấy đã được khai mở hoàn toàn.”2

Joseph Smith cho Tám Nhân Chứng thấy các bảng khắc

Tượng Joseph Smith và Tám Nhân Chứng do Gary Ernest Smith thực hiện

thiên sứ Mô Rô Ni cho Joseph Smith, Oliver Cowdery, và David Whitmer thấy các bảng khắc bằng vàng

The Angel Moroni Showing the Gold Plates to Joseph Smith, Oliver Cowdery, and David Whitmer (Thiên Sứ Mô Rô Ni Cho Joseph Smith, Oliver Cowdery, và David Whitmer Thấy Các Bảng Khắc Bằng Vàng), tranh do Gary B. Smith họa