Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 1–7 tháng Hai. Giáo Lý và Giao Ước 10–11: “Để Ngươi Có Thể Trở Thành Kẻ Chiến Thắng”


“Ngày 1–7 tháng Hai. Giáo Lý và Giao Ước 10–11: ‘Để Ngươi Có Thể Trở Thành Kẻ Chiến Thắng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 1–7 tháng Hai. Giáo Lý và Giao Ước 10–11,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Bản thảo Sách Mặc Môn

Bản sao lại từ bản thảo gốc Sách Mặc Môn.

Ngày 1–7 tháng Hai

Giáo Lý và Giao Ước 10–11

“Để Ngươi Có Thể Trở Thành Kẻ Chiến Thắng”

Việc ghi lại những ấn tượng trong khi đọc thánh thư giống như gieo hạt giống; ngay cả những ấn tượng nhỏ bé có thể dẫn đến sự mặc khải cá nhân đầy ý nghĩa.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong khi việc phiên dịch Sách Mặc Môn đang tiến triển, một thắc mắc tự nhiên nảy sinh: Joseph Smith và Oliver Cowdery nên làm gì với những trang của bản dịch mà đã bị mất? Theo lô-gích thì sẽ là trở lui và phiên dịch lại phần đó, nhưng Chúa có thể thấy được điều gì đó mà họ không thể—những kẻ tà ác đang âm mưu sửa đổi từ ngữ trên các trang đó để tạo ra sự hoài nghi về công việc được soi dẫn của Joseph. Thượng Đế đã có một kế hoạch để ngăn trở những nỗ lực của Sa Tan và bù đắp cho phần đã bị mất. Kế hoạch này đã bắt đầu hai ngàn năm trước khi tiên tri Nê Phi cảm thấy được soi dẫn để tạo ra một biên sử thứ hai về cùng một giai đoạn lịch sử. Về sau, Mặc Môn đã được soi dẫn để đưa biên sử này vào Sách Mặc Môn “vì mục đích thông sáng” chỉ Chúa mới biết (xin xem Lời Mặc Môn 1:3–7).

Chúa đã phán cùng Joseph rằng: “Sự thông sáng của ta còn vĩ đại hơn sự xảo quyệt của quỷ dữ” (Giáo Lý và Giao Ước 10:43). Đó là một sứ điệp làm vững lòng trong thời đại của chúng ta, khi các nỗ lực không ngừng nghỉ của kẻ nghịch thù đang ngày càng dữ dội để làm suy yếu đức tin. Giống như Joseph, chúng ta có thể “trung thành và tiếp tục” trong công việc Thượng Đế đã kêu gọi chúng ta làm (câu 3). Rồi chúng ta sẽ thấy rằng Ngài đã cung ứng một cách thức để “các cổng ngục giới sẽ không thắng được” chúng ta (câu 69).

Xin xem Các Thánh Hữu, 1:51–61.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 10:1–33

Sa Tan tìm cách phá hủy công việc của Thượng Đế.

Sa Tan thích chúng ta quên đi sự tồn tại của nó—hoặc ít nhất chúng ta thất bại trong việc nhận ra các nỗ lực của nó để ảnh hưởng chúng ta (xin xem 2 Nê Phi 28:22–23). Nhưng những lời của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 10 mặc khải rằng Sa Tan đang luôn luôn tích cực chống đối công việc của Thượng Đế. Trong khi anh chị em đọc các câu 1–33, hãy nhận ra Sa Tan đã tìm cách phá hủy công việc của Thượng Đế trong thời của Joseph Smith như thế nào (xin xem thêm các câu 62–63). Anh chị em thấy những điểm tương tự nào với các cách thức mà Sa Tan thực hiện ngày nay? Anh chị em cũng có thể cầu xin Chúa giúp mình thấy được cách mà Sa Tan có thể đang cám dỗ mình. Anh chị em học được điều gì từ tiết 10 mà có thể giúp mình chống lại các nỗ lực của Sa Tan?

Giáo Lý và Giao Ước 10:34–52

“Sự thông sáng của [Chúa] còn lớn hơn sự xảo quyệt của quỷ dữ.”

Hơn 2,400 năm, Chúa đã chuẩn bị trước cách để bù đắp cho các trang Sách Mặc Môn bị mất (xin xem 1 Nê Phi 9). Anh chị em học được điều gì về Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 10:34–52? Anh chị em đã thấy bằng chứng nào về sự thông sáng và thấu suốt mọi việc từ trước của Chúa trong cuộc sống của mình?

Biên sử mà Thượng Đế đã chuẩn bị để thay thế cho bản thảo bị mất giờ đây được tìm thấy từ sách 1 Nê Phi đến sách Ôm Ni. Những câu chuyện và lời dạy trong biên sử này đã “nói về những quan điểm rộng lớn hơn về phúc âm” cho anh chị em như thế nào? (Giáo Lý và Giao Ước 10:45).

Hình Ảnh
Mặc Môn tóm lược các bảng khắc bằng vàng

Mormon Abridging the Plates (Mặc Môn Tóm Lược Các Bảng Khắc), tranh do Tom Lovell họa

Giáo Lý và Giao Ước 11

Nếu tôi cầu xin Thượng Đế, thì tôi sẽ nhận được.

Một vài người trong gia đình và bạn bè của Joseph Smith đã yêu cầu ông tìm kiếm ý muốn của Chúa thay cho họ. Joseph vui vẻ làm như vậy, nhưng Chúa cũng sẵn lòng ban cho họ sự mặc khải cá nhân. Trong Giáo Lý và Giao Ước 11, một sự mặc khải mà Joseph đã nhận được cho anh trai Hyrum của ông, Chúa đã phán: “Ta sẽ truyền cho ngươi Thánh Linh của Ta, … và rồi ngươi sẽ biết … tất cả những gì ngươi mong ước nơi ta” (Giáo Lý và Giao Ước 11:13–14).

Chúa đã phán rằng những lời của Ngài là dành cho “tất cả những ai có những ước muốn tốt lành và đã đưa lưỡi hái của mình vào để gặt” (câu 27). Trong Giáo Lý và Giao Ước 11, Chúa đang cố gắng phán bảo anh chị em điều gì về sự mặc khải cá nhân? về việc tham dự vào công việc của Thượng Đế? Ngài có những sứ điệp nào khác dành cho anh chị em?

Giáo Lý và Giao Ước 11:15–26

Khi tôi tìm kiếm để “thu nhận lời của [Thượng Đế],” tôi sẽ nhận được Thánh Linh và quyền năng của Ngài.

Ngay cả trước khi Sách Mặc Môn được phiên dịch, Hyrum Smith đã rất nôn nóng để đi thuyết giảng phúc âm. Trong khi đọc lời Chúa đáp lại mong muốn của ông, hãy xem xét việc “thu nhận lời của [Thượng Đế]” có nghĩa là gì đối với anh chị em (câu 21). Làm thế nào việc thu nhận lời của Thượng Đế giúp anh chị em phục vụ trong Giáo Hội? Làm thế nào điều đó mang quyền năng của Thượng Đế vào cuộc sống của anh chị em?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 10:5.Chúng ta học được điều gì từ câu này về quyền năng của lời cầu nguyện? Làm thế nào để chúng ta “cầu nguyện luôn luôn”? (Để có thêm ý kiến, xin xem David A. Bednar, “Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 41–44.)

Giáo Lý và Giao Ước 10:38–46.Để giúp gia đình mình thảo luận về cách Chúa bù đắp cho các trang đã mất của bản dịch Sách Mặc Môn, có lẽ mọi người trong nhà có thể nói chuyện về một vật nào đó mà họ đánh mất gần đây. Họ đã cảm thấy như thế nào khi phát hiện ra vật đó bị mất? Họ đã cảm thấy gì khi nó được tìm ra? Mặc dù các trang Sách Mặc Môn bị mất đã không bao giờ được tìm thấy, Chúa đã bù đắp cho sự mất mát đó bằng cách nào, theo Giáo Lý và Giao Ước 10:38–46?

Giáo Lý và Giao Ước 10:55–70.Mời những thành viên trong gia đình tìm hoặc đánh dấu các cụm từ bắt đầu bằng “Ta là” hoặc “Ta sẽ.” Chúng ta học được điều gì từ các cụm từ “Ta là” về Chúa Giê Su Ky Tô là ai và Ngài là người như thế nào? Chúng ta học được điều gì từ các cụm từ “Ta sẽ” về điều Ngài làm? Hãy khuyến khích các thành viên trong gia đình chia sẻ cách mà những lẽ thật này củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Giáo Lý và Giao Ước 11:12–14.Việc đọc các câu này có thể giúp gia đình anh chị em nhận ra khi nào Thánh Linh đang giao tiếp với họ. Anh chị em có thể rọi đèn pin xuống sàn nhà và mời một người di chuyển đến nơi mà ánh sáng rọi đến. Điều này giống với việc tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh như thế nào? Anh chị em có thể chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân nào?

Giáo Lý và Giao Ước 11:15–30.Hãy cân nhắc lập một bản liệt kê những điều Chúa phán bảo Hyrum Smith phải làm để ông có thể sẵn sàng chia sẻ phúc âm. Chúng ta nên làm điều gì chung với cả nhà?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Tôi Biết Rằng Cha Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 59; xin xem “Các Ý Kiến để Cải Thiện Việc Học Thánh Thư với Gia Đình của Anh Chị Em.”

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy áp dụng thánh thư vào cuộc sống của anh chị em. Sau khi đọc xong một đoạn thánh thư, hãy yêu cầu mọi người trong gia đình chia sẻ những cách áp dụng sứ điệp này vào cuộc sống của họ. Ví dụ, họ có thể chia sẻ Thánh Linh ảnh hưởng họ như thế nào theo những cách được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 11:12–13.

Hình Ảnh
Joseph và Hyrum Smith

Joseph and Hyrum Smith (Joseph và Hyrum Smith), tranh do Ken Corbett vẽ

In