“Ngày 25–31 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 6–9: ‘Đây Là Tinh Thần Mặc Khải,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 25–31 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 6–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 25–31 tháng Một
Giáo Lý và Giao Ước 6–9
“Đây Là Tinh Thần Mặc Khải”
Chúa mặc khải những lẽ thật cho chúng ta trong tâm trí và tấm lòng chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 8: 2–3). Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 6–9, hãy ghi xuống bất kỳ ấn tượng nào mà anh chị em nhận được.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Vào mùa thu năm 1828, một thầy giáo trẻ tuổi tên là Oliver Cowdery nhận một công việc giảng dạy tại Manchester, New York, và ở cùng gia đình của Lucy và Joseph Smith Sr. (Cha). Oliver đã nghe về con trai Joseph của họ, hiện đang sống tại Harmony, Pennsylvania, và Oliver, tự xem mình là một người tìm kiếm lẽ thật, đã muốn biết nhiều hơn. Gia đình Smith đã mô tả những cuộc thăm viếng từ các thiên sứ, một biên sử cổ xưa, và ân tứ phiên dịch bởi quyền năng của Thượng Đế. Oliver vô cùng hứng thú. Liệu điều đó có thật không? Lucy và Joseph Sr. đã cho ông lời khuyên mà có thể áp dụng cho bất kỳ ai đang tìm kiếm lẽ thật: hãy cầu nguyện và hỏi Chúa.
Oliver đã làm theo, và Chúa đã đáp lại, phán truyền sự bình an và xoa dịu tâm trí của Oliver. Oliver đã khám phá ra rằng sự mặc khải có thể dành cho cá nhân—là một điều mà ông thậm chí sẽ biết cặn kẽ hơn trong những tháng tới. Sự mặc khải không chỉ dành cho các vị tiên tri; nó dành cho bất kỳ ai có ước muốn và chịu tìm kiếm. Oliver tuy không biết hết mọi điều, nhưng ông đã biết đủ để thực hiện bước đi kế tiếp của mình. Chúa đang làm một việc gì đó quan trọng qua Joseph Smith, và Oliver muốn là một phần của công việc đó.
Để có thêm thông tin về lịch sử đằng sau Giáo Lý và Giao Ước 6–9, xin xem Các Thánh Hữu, 1:58–64.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Cha Thiên Thượng phán bảo với tôi qua “Thánh Linh của lẽ thật.”
Vào mùa xuân năm 1829, Oliver Cowdery đã đi đến Harmony và tình nguyện làm người ghi chép cho Joseph Smith trong khi ông phiên dịch Sách Mặc Môn. Oliver giờ đây đã có một cái nhìn rõ hơn về tiến trình đầy sự mặc khải của công việc phiên dịch. Kinh nghiệm này làm ông rất hân hoan, và ông băn khoăn liệu ông cũng có thể được ban phước với ân tứ phiên dịch chăng. Chúa cho phép ông thử phiên dịch, nhưng việc nhận sự mặc khải thật mới mẻ đối với Oliver, và nỗ lực của ông đã không thành. Ông vẫn còn rất nhiều điều phải học hỏi, và Giáo Lý và Giao Ước 6, 8, và 9 cho thấy rằng Chúa sẵn lòng chỉ dạy ông.
Trong khi anh chị em đọc những tiết này, hãy lưu ý điều Chúa đã dạy về sự mặc khải cá nhân. Làm thế nào những lời của Ngài liên quan đến các kinh nghiệm mà anh chị em đã có—hoặc muốn có?
Ví dụ, Giáo Lý và Giao Ước 6:5–7; 8:1; 9:7–8 đề nghị gì về điều Chúa yêu cầu từ anh chị em trước khi Ngài mặc khải ý muốn của Ngài?
Anh chị em học được gì từ Giáo Lý và Giao Ước 6:14–17, 22–24; 8:2–3; 9:7–9 về những cách thức khác nhau mà sự mặc khải có thể đến?
Có bất kỳ điều nào khác mà anh chị em học về sự mặc khải từ những tiết này?
Để biết thêm về sự mặc khải, xin xem Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 93–96; Julie B. Beck, “Trong Những Ngày Đó, Dầu Những Đầy Tớ Trai và Đầy Tớ Gái, Ta Cũng Đổ Thần Ta Lên,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 10–12. Để có thêm thông tin về “ân tứ này của A Rôn” được mô tả trong tiết 8, xin xem “Oliver Cowdery’s Gift,” Revelations in Context, trang 15–19.
Giáo Lý và Giao Ước 6:18–21, 29–37
Hãy hướng về Đấng Ky Tô trong mọi ý nghĩ.
Mặc dù Joseph đã trải qua những “[hoàn cảnh] khó khăn” trong khi làm công việc của Chúa (Giáo Lý và Giao Ước 6:18), ông và Oliver dường như không có ý niệm gì về mức độ khó khăn của những hoàn cảnh đó trong những năm kế tiếp. Nhưng Chúa biết, và Ngài cũng biết những khó khăn nào sẽ có trong tương lai của anh chị em. Lời khuyên dạy của Ngài dành cho Joseph và Oliver trong Giáo Lý và Giao Ước 6:18–21, 29–37 cũng có thể giúp anh chị em. Joseph và Oliver có lẽ cảm thấy như thế nào sau khi nghe những lời này? Anh chị em tìm thấy điều gì trong các câu này mà giúp mình tin cậy Chúa? Làm thế nào anh chị em có thể hướng về Đấng Ky Tô nhiều hơn trong cuộc sống của mình?
Giáo Lý và Giao Ước 6–7; 9:3, 7–14
“Nếu ngươi mong muốn điều đó ở nơi ta thì ngươi sẽ được như ý.”
Hãy lưu ý có bao nhiêu lần những từ như “mong muốn” hoặc “sự mong muốn” xuất hiện trong tiết 6 và 7. Anh chị em học được gì từ các tiết này về tầm quan trọng mà Thượng Đế dành cho ước muốn của anh chị em? Hãy hỏi bản thân mình câu hỏi của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 7:1: “Ngươi ước muốn điều chi?”
Một trong những ước muốn ngay chính của Oliver—phiên dịch giống như Joseph Smith—đã không được làm thỏa nguyện. Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 9:3, 7–14, anh chị em nhận được ấn tượng nào mà có thể giúp anh chị em khi những ước muốn ngay chính của mình không được làm thỏa nguyện?
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 11:8; Dallin H. Oaks, “Ước Muốn,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 42–45.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Giáo Lý và Giao Ước 6:7, 13.Làm thế nào anh chị em có thể giúp gia đình mình hiểu rằng “của cải” thật sự được tìm thấy trong cuộc sống vĩnh cửu? (câu 7). Anh chị em có thể mời mọi người trong gia đình cắt những tờ giấy giả bộ làm tiền hoặc vẽ lên đó một vài trong số nhiều phước lành mà gia đình anh chị em đã nhận được nhờ vào phúc âm phục hồi.
-
Giáo Lý và Giao Ước 6:15, 22–23; 8:2–3; 9:7–9.Việc đọc những câu này về cách Thượng Đế phán bảo con cái Ngài có thể là một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ với gia đình anh chị em về cách Ngài phán cùng anh chị em.
-
Giáo Lý và Giao Ước 6:33–37.Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ những cách họ có thể “làm điều tốt,” ngay cả khi cảm thấy e sợ. Có thể là một điều hữu ích để xem trọn vẹn hoặc một phần sứ điệp của Anh Cả Ronald A. Rasband “Chớ Bối Rối” (Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 18–21). “Hướng về [Đấng Ky Tô] trong mọi ý nghĩ” có nghĩa là gì? (câu 36). Có những ví dụ nào khác về những người đã hướng về Chúa để vượt qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ? (xin xem, ví dụ, Ê Xơ Tê 4; An Ma 26:23–31).
-
Giáo Lý và Giao Ước 8:10.Đây có thể là một cơ hội tuyệt vời để cho thấy làm thế nào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô giúp củng cố anh chị em và gia đình mình. Tại sao điều quan trọng là chúng ta phải “cầu xin trong đức tin”? Anh chị em đã thấy những phước lành nào đến từ việc tìm kiếm câu trả lời hay sự giúp đỡ trong đức tin?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Dám Làm Điều Tốt,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 64.
Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi
Phiên dịch Sách Mặc Môn
Vào tháng Tư năm 1829, là tháng khi nhận được các tiết 6–9 trong Giáo Lý và Giao Ước, công việc chính của Joseph Smith là phiên dịch Sách Mặc Môn. Sau này khi được yêu cầu kể lại cách mà biên sử này được phiên dịch, Joseph đã nói rằng “công việc này không phải là để kể cho cả thế giới biết tất cả mọi chi tiết.”1 Ông thường tuyên bố giản dị rằng sách đó được phiên dịch “nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”2
Chúng ta không biết nhiều chi tiết về quá trình phiên dịch phi thường này, nhưng chúng ta quả thật biết rằng Joseph Smith là một vị tiên kiến, được trợ giúp bởi các dụng cụ mà Thượng Đế đã chuẩn bị sẵn: hai viên đá trong suốt được gọi là U Rim và Thu Mim và một viên đá khác được gọi là viên đá tiên kiến.3
Những lời phát biểu sau đây, đến từ các nhân chứng đã thấy tận mắt quá trình phiên dịch, ủng hộ lời chứng của Joseph.
Emma Smith
“Khi chồng tôi dịch Sách Mặc Môn, tôi có chép lại một phần, trong khi anh ấy đọc lên từng câu, từng từ một, và khi anh gặp những tên riêng mà không biết cách phát âm, hoặc những từ dài, thì anh đã đánh vần chúng, và trong khi tôi chép xuống, nếu tôi viết sai chữ nào, anh ấy sẽ dừng tôi lại và sửa chính tả giúp tôi mặc dù anh ấy không thể nào thấy được những chữ tôi đang viết xuống vào lúc đó. Ngay cả cái tên Sa Ra mà anh ấy ban đầu không biết cách đọc, đã phải đánh vần ra, và tôi sẽ phát âm tên đó giúp anh ấy.”4
“Các bảng khắc thường được đặt lên trên bàn mà [không hề cất giấu], bọc trong một tấm khăn trải bàn nhỏ do tôi đưa cho anh. Có một lần tôi đã chạm vào các bảng khắc, trong khi chúng nằm trên bàn, tôi lần theo đường nét và hình dạng của chúng. Chúng mềm như giấy cứng, và phát tiếng sột soạt của kim loại khi dùng ngón cái nâng nhẹ phần rìa, giống như người ta hay dùng ngón cái miết lên rìa của một quyển sách. …
“Tôi tin rằng Sách Mặc Môn có tính xác thật thiêng liêng—tôi chẳng có chút nghi ngờ nào về điều đó. Tôi hài lòng khi không có một người nào có thể đọc được cho người khác viết ra các bản thảo trừ phi người ấy được soi dẫn; vì, khi tôi làm người ghi chép cho anh, [Joseph] thường đọc cho tôi [chép] hết giờ này qua giờ khác; và lúc trở lại sau khi ăn, hay sau khi bị gián đoạn, anh thường bắt đầu ngay nơi anh đã ngừng lại, mà không xem lại bản thảo hoặc yêu cầu đọc lại cho anh bất cứ phần nào. Đây là việc làm bình thường đối với anh. Một người có học thức có lẽ không thể nào làm được việc đó; và đối với một người ít học và thiếu hiểu biết như anh, thì việc đó đơn giản là bất khả thi.”5
Oliver Cowdery
“Tôi đã viết, bằng ngòi bút của tôi, toàn bộ Sách Mặc Môn (ngoại trừ một vài trang) khi nó được thốt ra từ miệng của vị tiên tri, khi ông phiên dịch nó bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, dùng các phương tiện U Rim và Thu Mim, hay, theo như cách chúng được gọi trong sách, các dụng cụ phiên dịch thiêng liêng. Tôi đã thấy bằng chính mắt tôi, và cầm bằng chính tay tôi các bảng khắc bằng vàng mà sách này đã được dịch ra từ đó. Tôi cũng đã thấy các dụng cụ phiên dịch.”6