Joseph Vị Tiên Kiến
Biên sử này làm sáng tỏ việc Joseph Smith đã làm tròn vai trò của ông với tư cách là vị tiên kiến và phiên dịch Sách Mặc Môn.
Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, là ngày Joseph Smith tổ chức Giáo Hội của Đấng Ky Tô (về sau được gọi là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô),1 ông tuyên bố những lời của một điều mặc khải cho những người đã đến tụ họp. Tiếng của Thượng Đế phán trong điều mặc khải đó: “Này, một biên sử phải được lưu giữ giữa các ngươi; và trong biên sử đó ngươi [Joseph Smith] sẽ được gọi là người tiên kiến” (GLGƯ 21:1).
Bằng chứng hiển nhiên nhất về vai trò của Joseph Smith với tư cách là một vị tiên kiến trong Giáo Hội mới được thành lập là Sách Mặc Môn, quyển sách mà ông đã nhiều lần giải thích là đã được phiên dịch “bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”2 Nhiều người thân cận nhất với Joseph trong năm trước khi Giáo Hội được tổ chức đã chứng kiến tiến trình ra đời của Sách Mặc Môn và đã có một số hiểu biết về ý nghĩa của từ vị tiên kiến.
Ý Nghĩa của từ Vị Tiên Kiến
Vị tiên kiến có ý nghĩa gì đối với vị tiên tri trẻ tuổi và những người đương thời với ông? Joseph lớn lên trong một gia đình thường đọc Kinh Thánh và họ đề cập nhiều lần đến vị tiên kiến. Ví dụ, trong 1 Sa Mu Ên, tác giả giải thích: “Thuở xưa, trong Y Sơ Ra Ên, hễ người ta đi cầu vấn Đức Chúa Trời, thì thường nói rằng: Chúng ta hãy đi tìm người tiên kiến; vì người mà thiên hạ ngày nay gọi là tiên tri, ngày xưa gọi là người tiên kiến” (1 Sa Mu Ên 9:9).
Kinh Thánh cũng đề cập đến người nhận được những biểu hiện thuộc linh qua các đồ vật như cây gậy,3 một con rắn bằng đồng ở trên một cây sào (mà đã trở thành một biểu tượng phổ biến của ngành y khoa),4 một bộ áo lễ của thầy tế lễ (một phần của bộ quần áo của thầy tế lễ bao gồm cả hai loại đá quý),5 và U Rim và Thu Mim.6
“Nhìn thấy” và “tiên kiến” là một phần của văn hóa Mỹ và gia đình nơi Joseph Smith đã lớn lên. Được ảnh hưởng nặng nề với ngôn ngữ của Kinh Thánh và một sự pha trộn văn hóa nước Anh và châu Âu do những người di cư đến Bắc Mỹ mang lại, một số người trong những năm đầu thế kỷ 19 tin rằng các cá nhân có thể có năng khiếu để “nhìn thấy,” hay nhận được những biểu hiện thuộc linh, qua các đồ vật như các viên đá tiên kiến.7
Thiếu niên Joseph Smith chấp nhận những sự tin tưởng và thực hành của dân gian như vậy trong thời mình, kể cả ý tưởng sử dụng các viên đá tiên kiến để nhìn những đồ vật bị mất hoặc bị giấu. Vì các câu chuyện trong Kinh Thánh cho thấy Thượng Đế đã sử dụng đồ vật để tập trung đức tin của dân chúng hay giao tiếp phần thuộc linh trong thời xưa, Joseph và những người khác cho rằng điều đó cũng có thể xảy ra trong thời kỳ của họ. Cha mẹ của Joseph, Joseph Smith Sr. và Lucy Mack Smith, khuyến khích gia đình noi theo văn hóa này và việc họ sử dụng đồ vật theo cách này, và dân làng ở Palmyra và Manchester, New York, nơi gia đình Smith sống, nhờ Joseph tìm đồ vật bị mất trước khi ông chuyển đi Pennsylvania vào cuối năm 1827.8
Đối với những người nào không hiểu về những người thời thế kỷ 19 trong khu vực của Joseph sống theo tôn giáo của họ như thế nào, thì các viên đá tiên kiến có thể là lạ lùng, và các học giả đã tranh luận từ lâu về thời kỳ này trong đời ông. Một phần là kết quả của Thời Kỳ Khai Sáng hoặc Thời Đại của Lý Trí, một thời kỳ nhấn mạnh đến khoa học và thế giới quan sát các vấn đề thuộc linh, nhiều người trong thời Joseph bắt đầu cảm thấy rằng việc sử dụng đồ vật như đá hay gậy là mê tín dị đoan hoặc không phù hợp với mục đích tôn giáo.
Trong những năm về sau, khi Joseph kể lại câu chuyện phi thường của mình, ông đã nhấn mạnh đến những khải tượng và kinh nghiệm thuộc linh khác của ông.9 Ngược lại, một số cộng sự cũ của ông đã tập trung vào việc ông sử dụng các viên đá tiên kiến lúc ban đầu trong một nỗ lực để phá hoại thanh danh của ông trong một thế giới càng ngày càng bác bỏ những kiểu thực hành như vậy. Trong các nỗ lực giảng đạo của họ, Joseph và các tín hữu đầu tiên khác đã chọn không tập trung vào ảnh hưởng của văn hóa dân gian trong các nỗ lực truyền đạo của họ, vì nhiều người cải đạo tương lai đang trải qua một sự thay đổi trong cách họ hiểu về tôn giáo trong Thời Đại của Lý Trí. Tuy nhiên, trong những điều mặc khải đã được chính thức công nhận và chấp nhận, Joseph vẫn tiếp tục dạy rằng các viên đá tiên kiến và các thiết bị khác để tiên kiến, cũng như khả năng làm việc với chúng, là các ân tứ quan trọng và thiêng liêng từ Thượng Đế.10
Các Công Cụ Được Sử Dụng để Phiên Dịch Sách Mặc Môn
Các viên đá tiên kiến cũng xuất hiện trong các câu chuyện lịch sử mô tả Joseph Smith và công việc phiên dịch Sách Mặc Môn. Lịch sử chính thức của Joseph, được bắt đầu ghi chép từ năm 1838, mô tả sự hiện đến của một thiên sứ, được nhận ra là Mô Rô Ni, là người đã cho Joseph biết về các bảng khắc bằng vàng chôn ở một ngọn đồi gần đó. Joseph kể lại rằng trong khi ông đang trò chuyện với vị thiên sứ, thì một “khải tượng được mở ra” trong tâm trí của ông rõ ràng đến nỗi ông “nhận ra ngay chỗ” để sau này tận mắt nhìn thấy chỗ đó (Joseph Smith—Lịch Sử 1:42).
Trong lịch sử mà Joseph bắt đầu phác thảo vào năm 1838, Mô Rô Ni cảnh báo ông “rằng Sa Tan sẽ tìm đủ mọi cách để cám dỗ tôi (vì gia đình cha tôi lúc đó rất nghèo túng), xúi giục tôi chiếm đoạt những bảng khắc đó để làm giàu.” Joseph thuật lại rằng vị thiên sứ nghiêm cấm điều này và nói rằng ông không được có “mục đích nào khác hơn” ngoại trừ mục đích xây đắp vương quốc của Thượng Đế, nếu không thì ông “không thể lấy được các bảng khắc đó” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:46). Trong lịch sử đầu năm 1832 của ông, Joseph giải thích: “Tôi … đã muốn lấy Các Bảng Khắc để làm giàu và không tuân giữ lệnh truyền là tôi cần phải có con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế.”11 Dó đó, ông cần phải trở lại ngọn đồi hàng năm trong bốn năm cho đến khi ông sẵn sàng nhận được các bảng khắc (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:53–54).
Joseph thuật lại rằng cuối cùng khi ông nhận được các bảng khắc từ Mô Rô Ni vào năm 1827, thì ông cũng nhận được hai viên đá để sử dụng trong công việc phiên dịch các bảng khắc. Ông và những người quen biết thân cận ghi lại những chi tiết về hai viên đá này, mô tả chúng là màu trắng hoặc rất trong, nằm trong hai cái khung hoặc vành hình vòng cung bằng bạc trông giống như kính đeo mắt hiện đại, và được buộc vào một tấm giáp che ngực lớn.12 Như đã được mô tả, thiết bị tiên kiến này chắc hẳn là cồng kềnh. Mẹ của Joseph Smith nói rằng ông tách hai viên đá ra từ tấm giáp che ngực để được thuận tiện khi sử dụng chúng.13
Bản văn của Sách Mặc Môn gọi hai viên đá này là “dụng cụ phiên dịch” và giải thích rằng chúng “đã được sắm sẵn từ lúc ban đầu và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác với mục đích để phiên dịch các ngôn ngữ,” đã được “bàn tay của Chúa bảo tồn và cất giữ” (Mô Si A 28:14‒15, 20).
Sách này cũng kể lại cách Chúa đã ban “hai viên đá” này cho anh của Gia Rết, với một lời hứa rằng chúng phụ giúp các thế hệ tương lai nhận được lời Ngài một lần nữa. Chúa chỉ thị cho ông: “Hãy viết những điều này, và niêm phong lại; và ta sẽ cho con cái loài người thấy những điều này vào kỳ định của ta. Chúa giải thích rằng hai viên đá này “rọi cho mắt loài người thấy rõ những điều ngươi sẽ viết ra.” (Ê The 3:24, 27).
Đến lúc Joseph Smith hoàn tất việc đọc lời phiên dịch Sách Mặc Môn cho những người khác chép lại vào giữa năm 1829, thì ý nghĩa của vị tiên kiến đã được làm rõ hơn nữa trong bản văn. Sách Mặc Môn chép lại một lời tiên tri được coi như của Joseph ở Ai Cập tuyên bố rằng một trong những hậu duệ của ông—rõ ràng là Joseph Smith—sẽ là “một vị tiên kiến chọn lọc” mang đến sự hiểu biết cho các hậu duệ khác để “hiểu được những giao ước” mà Thượng Đế đã lập với các tổ phụ của họ (2 Nê Phi 3:6, 7).
Trong một câu chuyện khác trong Sách Mặc Môn, An Ma Con đưa các dụng cụ phiên dịch cho con trai của ông là Hê La Man. An Ma khuyên Hê La Man “phải bảo tồn những dụng cụ phiên dịch này,” khi ông ám chỉ đến hai viên đá gắn trên gọng bằng bạc. Nhưng An Ma cũng trích dẫn một lời tiên tri dường như ám chỉ đến chỉ một viên đá: “Và Chúa có phán bảo: Ta sẽ sắm sẵn cho tôi tớ Ga Giê Lem của ta một viên đá, viên đá này sẽ chiếu rọi chỗ tối tăm thành nơi sáng sủa” (An Ma 37:21, 23).
Đặc biệt là mặc dù được đưa ra trong văn cảnh của “các dụng cụ phiên dịch” (số nhiều), nhưng lời tiên tri này nói về việc đưa cho một người tôi tớ tương lai “một viên đá” (số ít) mà sẽ tỏa sáng trong chỗ tối tăm thành nơi sáng sủa.”14 Các Thánh Hữu ban đầu tin rằng tôi tớ đã được tiên tri này là Joseph Smith.15
Trong thực tế, bằng chứng lịch sử cho thấy rằng ngoài hai viên đá tiên kiến được gọi là “các dụng cụ thông dịch”, Joseph Smith đã sử dụng ít nhất một viên đá tiên kiến khác trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn, thường đặt viên đá này vào một chiếc mũ để ngăn chặn ánh sáng. Theo những người đương thời với Joseph, ông đã làm điều này để xem chữ ở trên viên đá rõ hơn.16
Đến năm 1833, Joseph Smith và các cộng sự của ông đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ Kinh Thánh “U Rim và Thu Mim” để chỉ bất cứ viên đá nào được sử dụng để nhận được sự mặc khải thiêng liêng, kể cả các dụng cụ phiên dịch của dân Nê Phi và viên đá duy nhất.17 Thuật ngữ không chính xác này đã làm cho nỗ lực thành phức tạp để tìm ra phương pháp chính xác mà Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn. Ngoài việc sử dụng các dụng cụ phiên dịch, theo Martin Harris, Joseph còn sử dụng một trong hai viên đá tiên kiến của mình để được thuận tiện trong lúc phiên dịch Sách Mặc Môn. Các nguồn thông tin khác chứng thực cách thay đổi các dụng cụ phiên dịch.18
Sau Khi Sách Mặc Môn Được Xuất Bản
Sau khi Sách Mặc Môn được xuất bản vào tháng Ba năm 1830, Joseph Smith và các thư ký của ông bắt đầu cuốn sách mà giờ đây được gọi là Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith, một bản hiệu đính về lời tiên tri của Phiên Bản King James.19 Theo lời tường thuật của Joseph, việc sử dụng các dụng cụ phiên dịch của dân Nê Phi cho dự án dịch thuật này không phải là một sự lựa chọn vì ông không còn các dụng cụ đó nữa.
Lịch sử của Joseph giải thích rằng “nhờ sự thông sáng của Thượng Đế nên [các bảng khắc và những dụng cụ phiên dịch này] vẫn được tiếp tục an toàn trong tay tôi, cho đến ngày tôi hoàn tất những gì đòi hỏi ở nơi bàn tay tôi. Theo như đã dự định, khi vị sứ giả đến lấy, tôi giao hoàn cho ông, và ông vẫn gìn giữ chúng cho đến ngày nay” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:60).
Như Chủ Tịch Brigham Young (1801–77) đã giải thích điều này: “Joseph trả lại hai viên đá U Rim và Thu Mim với các bảng khắc khi ông đã phiên dịch xong.”20
Joseph có các viên đá tiên kiến khác, nhưng theo Anh Cả Orson Pratt (1811-1881), một thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và về sau là Sử Gia của Giáo Hội, Joseph cũng đã trưởng thành lúc này trong sự hiểu biết thuộc linh. Tại một buổi họp vào ngày 28 tháng Sáu năm 1874, có sự tham dự của Chủ Tịch Brigham Young và nhiều Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác, Anh Cả Pratt nói với cử tọa của mình về việc “có mặt rất nhiều lần” khi Joseph Smith “đang phiên dịch Kinh Tân Ước.” Vì thấy không có các dụng cụ phiên dịch được sử dụng trong tiến trình phiên dịch, ông tự hỏi tại sao Joseph “đã không sử dụng U Rim và Thu Mim, như khi ông phiên dịch Sách Mặc Môn.”
Trong khi Anh Cả Pratt nhìn Vị Tiên Tri phiên dịch, “thì Joseph, như thể ông đọc được ý nghĩ của Anh Pratt, ngước lên và giải thích rằng Chúa đã ban cho ông U Rim và Thu Mim khi ông thiếu kinh nghiệm trong sự soi dẫn của Thánh Linh. Nhưng bây giờ ông đã tiến rất xa đến nỗi ông đã hiểu được cách hoạt động của Thánh Linh, và không cần đến sự trợ giúp của dụng cụ đó nữa.”21
Brigham Young nói với một cử tọa khác về việc ông nghĩ rằng ông sẽ nhận được một viên đá tiên kiến. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng tôi mong muốn có được một viên đá tiên kiến.”22 Lời tuyên bố của Brigham đã bày tỏ sự hiểu biết của ông rằng viên đá tiên kiến là không cần thiết để trở thành một vị tiên kiến.
Ngày 25 tháng mười năm 1831, Joseph Smith tham dự một đại hội ở Orange, Ohio. Trong thời gian đại hội, anh Hyrum của ông nói rằng ông “nghĩ tốt nhất là thông tin về sự ra đời của Sách Mặc Môn phải do chính Joseph thuật lại cho Các Anh Cả có mặt nghe để tất cả có thể tự mình biết được.” Theo biên bản của buổi họp, Joseph “nói rằng ông không có ý định nói cho thế giới biết tất cả những chi tiết cụ thể về sự ra đời của Sách Mặc Môn” và “điều đó không thích hợp cho ông để thuật lại những điều này.”23 Vì đã trưởng thành trong vai trò của mình là vị tiên tri, và tiến tới việc tin rằng các viên đá tiên kiến là không cần thiết cho sự mặc khải, nên có lẽ ông lo lắng rằng dân chúng có thể tập trung quá nhiều vào cách ra đời của sách ấy và quá ít đến chính cuốn sách ấy.
Điểm nổi bật nhất mà Joseph Smith đưa ra về công việc phiên dịch Sách Mặc Môn là ông đã làm điều đó “bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”24 Qua các cuốn sách riêng của mình, ông đã dạy cho các vị lãnh đạo Giáo Hội biết rằng sách ấy chính “là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta,” và bằng cách tuân theo nhưng lời giảng dạy trong sách đó, độc giả sẽ đến “gần Thượng Đế hơn… bất cứ cuốn sách nào khác.”25