Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 18–24 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 3–5: “Công Việc của Ta Vẫn Tiến Hành”


“Ngày 18–24 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 3–5: ‘Công Việc của Ta Vẫn Tiến Hành,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 18–24 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 3–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
dân chúng đang làm việc trên đồng

Harvest Time in France (Mùa Gặt tại Pháp), tranh do James Taylor Harwood vẽ

Ngày 18–24 tháng Một

Giáo Lý và Giao Ước 3–5

“Công Việc của Ta Vẫn Tiến Hành”

Hãy viết xuống điều anh chị em học và cảm nhận được trong khi học thánh thư. Điều này sẽ giúp anh chị em ghi nhớ những ấn tượng đó và chia sẻ chúng với người khác.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong những năm đầu tiên đảm nhận vai trò là vị tiên tri của Chúa, Joseph Smith không biết hết mọi điều về “công việc kỳ diệu” mà ông được kêu gọi để thực hiện. Nhưng ông đã học được từ các kinh nghiệm thuở ban đầu rằng để có đủ tư cách làm công việc của Thượng Đế, thì mắt ông phải thật sự “duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 4:1, 5). Ví dụ, nếu Chúa ban cho lời khuyên nhủ mà trái ngược với mong muốn của chính ông, thì ông cần phải làm theo lời khuyên nhủ của Chúa. Và mặc dù có được “nhiều điều mặc khải, và có khả năng làm những việc phi thường,” nhưng nếu trong mắt ông ý muốn riêng lại trở nên quan trọng hơn ý muốn của Thượng Đế, thì ông “phải sa ngã” (Giáo Lý và Giao Ước 3:4). Nhưng Joseph đã học được một điều khác cũng rất quan trọng khi làm công việc của Thượng Đế: “Thượng Đế đầy lòng thương xót,” và nếu Joseph hối cải chân thành, ông sẽ “vẫn được chọn” (câu 10). Sau cùng thì, công việc của Thượng Đế là công việc của sự cứu chuộc. Và công việc đó “không thể bị thất bại” (câu 1).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 3:1–15

Tôi nên tin cậy Thượng Đế thay vì sợ hãi loài người.

Thời gian đầu trong giáo vụ của Joseph Smith, những người bạn tốt khó mà tìm được—đặc biệt những người bạn như Martin Harris, một người đáng kính, giàu có, là người ở một vị thế có thể cung ứng sự hỗ trợ đầy giá trị. Và Martin sẵn lòng hỗ trợ Joseph, dù việc đó khiến ông mất đi sự tôn trọng từ bạn bè mình và phải hy sinh tài chính.

Vì vậy thật là dễ để hiểu lý do tại sao Joseph muốn tôn trọng yêu cầu của Martin xin mang phần đầu tiên của bản dịch Sách Mặc Môn cho vợ ông xem, là người nghi ngờ lẽ thật của Sách Mặc Môn. Joseph đã liên tục hỏi xin Chúa về yêu cầu này, thậm chí khi Ngài cấm đoán điều đó, để cuối cùng, sau khi Joseph đã hỏi xin lần thứ ba, Chúa đã đồng ý. Trớ trêu thay, bản thảo đó đã bị thất lạc trong khi đang ở trong tay của Martin, và Joseph cùng Martin đã bị Chúa sửa phạt nghiêm khắc (xin xem Các Thánh Hữu, 1:51–53).

Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 3:1–15, anh chị em hãy suy ngẫm xem những ý kiến của người khác có thể ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào. Anh chị em cũng có thể ghi chú rằng ngoài việc khiển trách Joseph Smith, Chúa còn phán những lời đầy thương xót. Anh chị em học được điều gì từ cách Chúa vừa khiển trách lẫn khuyến khích Joseph? Anh chị em tìm được lời khuyên nào mà có thể giúp anh chị em khi bị cám dỗ để sợ người khác hơn cả Thượng Đế?

Giáo Lý và Giao Ước 4

Chúa yêu cầu tôi phục vụ Ngài với trọn tấm lòng mình.

Tiết 4 thường được áp dụng cho những người truyền giáo trọn thời gian. Tuy nhiên, là điều thú vị khi lưu ý rằng điều mặc khải này ban đầu được ban cho Joseph Smith, Sr. (Cha), người mà không được kêu gọi đi phục vụ truyền giáo nhưng vẫn có “mong muốn phục vụ Thượng Đế” (câu 3).

Một cách để đọc tiết này là tưởng tượng nó giống như một bản mô tả công việc dành cho một ai đó muốn làm công việc của Chúa. Có những yêu cầu nào? Tại sao những kỹ năng hoặc đặc tính này lại cần thiết? Có lẽ anh chị em có thể thành tâm chọn một điều anh chị em có thể làm để bản thân có “đủ tư cách để làm công việc của Ngài” hơn (câu 5).

Giáo Lý và Giao Ước 5

Tôi có thể có được chứng ngôn của riêng mình về Sách Mặc Môn.

Hình Ảnh
Martin Harris

Martin Harris, tranh do Lewis A. Ramsey vẽ

Nếu anh chị em được kêu gọi để làm chứng trước tòa án về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn, thì anh chị em sẽ cung cấp chứng cứ gì? Một câu hỏi tương tự xuất hiện trong tâm trí của Martin Harris khi vợ ông, Lucy, cáo buộc Joseph Smith đang lừa dối mọi người bằng cách giả bộ phiên dịch các bảng khắc bằng vàng (xin xem Các Thánh Hữu, 1:56–58). Vì vậy Martin đã yêu cầu Joseph đưa thêm bằng chứng cho thấy các bảng khắc bằng vàng là có thật. Giáo Lý và Giao Ước 5 là một điểu mặc khải để đáp lại yêu cầu của Martin.

Anh chị em học được gì từ Giáo Lý và Giao Ước 5 về những điều sau đây:

  • Chúa cảm thấy như thế nào về những người không tin vào các lẽ thật thuộc linh trừ phi họ có được bằng chứng (xin xem các câu 5–8; xin xem thêm Giăng 20:24–29).

  • Vai trò của các nhân chứng trong công việc của Chúa (xin xem các câu 11–15; xin xem thêm 2 Cô Rinh Tô 13:1).

  • Cách để có được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn cho chính mình (xin xem câu 16; xin xem thêm Mô Rô Ni 10:3–5).

Giáo Lý và Giao Ước 5:1–10

Thế hệ này sẽ nhận được lời của Thượng Đế qua Joseph Smith.

Giáo Lý và Giao Ước 5:1–10 dạy anh chị em điều gì về vai trò quan trọng của Joseph Smith trong gian kỳ của chúng ta—và trong cuộc sống của anh chị em? Hãy suy ngẫm làm thế nào anh chị em nhận được lời của Thượng Đế qua Tiên Tri Joseph Smith. Cân nhắc ghi lại trong nhật ký hoặc chia sẻ với một ai đó lòng biết ơn của anh chị em về những lẽ thật mà đã được phục hồi hoặc minh giải qua ông.

Xin xem thêm 2 Nê Phi 3:6–24.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 3:1–4.Yêu cầu một người trong gia đình bước theo một đường “quanh co” và rồi theo một đường “thẳng”. Biết rằng “những con đường của [Thượng Đế] rất thẳng” có nghĩa là gì đối với gia đình anh chị em?

Giáo Lý và Giao Ước 3:7–10.Khi một ai đó đang gây áp lực khiến chúng ta bất tuân Thượng Đế, những lẽ thật nào trong các câu này có thể giúp chúng ta tiếp tục trung thành? Có lẽ mọi người trong gia đình có thể đóng diễn một tình huống trong đó một ai đó vẫn trung tín mặc cho áp lực phải bất tuân Thượng Đế.

Giáo Lý và Giao Ước 4.Trong khi gia đình anh chị em thảo luận ý nghĩa của việc lao nhọc trên cánh đồng của Thượng Đế, họ có thể làm một số công việc trong vườn (hoặc giả bộ làm). Những công cụ nào cần cho việc làm vườn? Thượng Đế mô tả điều gì trong tiết 4 mà có thể được xem là những công cụ cần thiết để làm công việc của Ngài? Gia đình của anh chị em có thể thảo luận lý do tại sao mỗi công cụ đều quan trọng để làm công việc của Thượng Đế.

Giáo Lý và Giao Ước 5:7.Có những ví dụ nào về lẽ thật mà chúng ta tin nhưng không thể thấy được? Chúng ta có thể đáp lại như thế nào với một người bạn muốn có chứng cứ cho thấy Sách Mặc Môn là chân chính?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Hãy hát một bài hát liên quan đến đề tài về công việc truyền giáo.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy thuộc lòng một câu thánh thư. “Thuộc lòng một câu thánh thư tức là tạo ra một tình bạn mới. Điều đó giống như khám phá ra một người bạn mới, là người có thể giúp đỡ trong lúc mình cần, để soi dẫn, an ủi, và là một nguồn động lực khi cần thay đổi” (Richard G. Scott, “Quyền Năng của Thánh Thư,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 6).

Hình Ảnh
Joseph Smith với cha mẹ của ông

Devastating Weight of 116 Pages (Gánh Nặng To Lớn của 116 Trang) , tranh do Kwani Povi Winder vẽ

In