Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 4–10 tháng Một. Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26: “Tôi Thấy Một Luồng Ánh Sáng”


“Ngày 4–10 tháng Một. Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26: ‘Tôi Thấy một Luồng Ánh Sáng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 4–10 tháng Một. Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Khu Rừng Thiêng Liêng

Sacred Grove (Khu Rừng Thiêng Liêng), tranh do Greg K. Olsen họa

Ngày 4–10 tháng Một

Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26

“Tôi Thấy một Luồng Ánh Sáng”

Trong khi đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26, anh chị em tìm được những sứ điệp nào cho cuộc sống của mình? Điều gì có giá trị nhất đối với anh chị em và gia đình mình?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Giáo Lý và Giao Ước là một quyển sách gồm những sự đáp ứng cho các lời cầu nguyện: nhiều điều mặc khải thiêng liêng trong quyển sách này đã đến nhằm trả lời cho những câu hỏi. Bởi vậy thật thích hợp để bắt đầu việc học sách Giáo Lý và Giao Ước bằng cách xem xét câu hỏi mà đã khởi đầu cho sự mặc khải được ban xuống dồi dào ngày sau—là câu hỏi mà Joseph Smith đã cầu vấn trong khu rừng vào năm 1820. Một “trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:10) đã khiến cho Joseph hoang mang về tôn giáo và tình trạng của linh hồn mình; có lẽ anh chị em có thể hiểu được điều đó. Có nhiều ý kiến đối lập và các tiếng nói đầy sức thuyết phục trong thời của chúng ta, và khi chúng ta muốn chọn lọc lại những thông điệp đó và tìm kiếm lẽ thật, thì chúng ta có thể làm giống như Joseph đã làm. Chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi, học thánh thư, suy ngẫm, và cuối cùng cầu vấn Thượng Đế. Để đáp lại lời cầu nguyện của Joseph, một luồng ánh sáng đã hạ xuống từ trên trời; Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô xuất hiện và giải đáp các câu hỏi của ông. Chứng ngôn của Joseph về kinh nghiệm phi thường đó tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng bất kỳ ai “thiếu sự khôn ngoan thì có thể cầu xin Thượng Đế, và sẽ được ban cho” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:26). Tất cả chúng ta đều có thể nhận được, nếu không phải là một khải tượng từ thiên thượng, thì ít nhất cũng là một sự hiểu biết rõ ràng hơn, được tỏ rõ nhờ ánh sáng thiên thượng.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26

Joseph Smith là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi.

Mục đích phần lịch sử của Joseph Smith là để cho chúng ta “nắm được những sự kiện” bởi vì sự thật về Joseph thường bị xuyên tạc (Joseph Smith—Lịch Sử 1:1). Trong khi đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–26, điều gì củng cố chứng ngôn của anh chị em về sự kêu gọi thiêng liêng của ông? Hãy ghi lại các bằng chứng mà anh chị em tìm được cho thấy Chúa đã chuẩn bị Joseph Smith cho sứ mệnh tiên tri của ông. Trong khi đọc, anh chị em cũng có thể ghi lại những ý nghĩ và cảm nghĩ của mình về Joseph Smith và chứng ngôn của ông.

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:3–19.

Joseph Smith—Lịch Sử 1:5–20

Nếu tôi cầu xin bằng đức tin, Thượng Đế sẽ đáp lại.

Anh chị em có bao giờ “thiếu khôn ngoan” hoặc cảm thấy hoang mang về một quyết định mà anh chị em cần đưa ra không? (Joseph Smith—Lịch Sử 1:13). Anh chị em học được gì từ kinh nghiệm của Joseph Smith trong các câu 5–20? Hãy nghĩ về nhu cầu cần sự khôn ngoan và hiểu biết lớn lao hơn cho chính anh chị em, và cân nhắc xem anh chị em sẽ tìm kiếm lẽ thật bằng cách nào.

Xin xem thêm 1 Nê Phi 10:17–19; 15:6–11; Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 93–96.

Hình Ảnh
người thiếu nữ cầu nguyện

Chúng ta có thể cầu vấn Thượng Đế về những câu hỏi của chúng ta trong lời cầu nguyện.

Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–20

Tại sao có những lời kể khác nhau về Khải Tượng Thứ Nhất?

Trong suốt cuộc đời, Joseph Smith đã ghi lại kinh nghiệm của ông tại Khu Rừng Thiêng Liêng ít nhất bốn lần, thường là với một người biên chép lại. Thêm vào đó, một số lời tường thuật gián tiếp cũng được viết xuống bởi những người đã nghe Joseph kể về khải tượng của ông. Mặc dù những câu chuyện này khác biệt về một số chi tiết, phụ thuộc vào người nghe và bối cảnh, nhưng dẫu sao chúng vẫn nhất quán với nhau. Và mỗi câu chuyện kể đều bổ sung các chi tiết giúp chúng ta hiểu rõ hơn kinh nghiệm của Joseph Smith, cũng như mỗi quyển trong số bốn sách Phúc Âm giúp chúng ta hiểu hơn về giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi.

Để đọc các lời kể khác của Joseph, xin xem “First Vision Accounts” (Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org). Anh chị em học được điều gì khi đọc tất cả các lời kể này?

Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–20

Khải Tượng Thứ Nhất khai mở Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Joseph Smith đã tin tưởng rằng Thượng Đế sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của ông, nhưng ông không thể biết trước câu trả lời đó sẽ thay đổi cuộc đời ông—và cả thế giới—như thế nào. Trong khi đọc về kinh nghiệm của Joseph, anh chị em hãy suy ngẫm xem Khải Tượng Thứ Nhất đã thay đổi cuộc sống của mình như thế nào. Ví dụ, anh chị em có thể hoàn tất câu này theo những cách khác nhau: “Nhờ Khải Tượng Thứ Nhất xảy ra, nên tôi biết rằng …” Anh chị em đã được ban phước như thế nào nhờ Khải Tượng Thứ Nhất?

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:14–19; Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 88–92.

Joseph Smith—Lịch Sử 1:21–26

Tôi có thể trung thành với điều tôi biết, dù những người khác bác bỏ tôi.

Một trong những phước lành của thánh thư là trong đó có các tấm gương đầy soi dẫn về những người nam và người nữ dũng cảm đã đối mặt với thử thách bằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Khi Joseph Smith gặp phải sự chống đối bởi khải tượng của ông, ông đã nhận ra mình giống Sứ Đồ Phao Lô, là người cũng bị bắt bớ vì đã nói rằng ông đã thấy một khải tượng. Trong khi đọc câu chuyện của Joseph, điều gì soi dẫn cho anh chị em tiếp tục trung thành với chứng ngôn của mình? Có các tấm gương nào khác—từ thánh thư hoặc những người quen biết—cho anh chị em lòng can đảm để vẫn trung thành với các kinh nghiệm thuộc linh mà anh chị em đã có không?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Joseph Smith—Lịch Sử 1:6.Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết những bất đồng mà không gây tranh cãi như những người được mô tả trong câu này?

Joseph Smith—Lịch Sử 1:11–13.Việc đọc những câu này có thể soi dẫn cho mọi người trong gia đình chia sẻ các kinh nghiệm khi mà một đoạn thánh thư làm họ cảm động và soi dẫn cho họ hành động.

Joseph Smith—Lịch Sử 1:16–20.Trong khi gia đình anh chị em đọc những câu này, hãy cân nhắc cho thấy bức tranh đính kèm trong đại cương này hoặc một bức tranh khác về Khải Tượng Thứ Nhất (có lẽ gia đình anh chị em sẽ thích tự vẽ ra cách miêu tả của chính họ). Mỗi thành viên trong gia đình anh chị em có thể liệt kê ra các lẽ thật mà chúng ta học được từ khải tượng này, rồi chia sẻ với nhau bản liệt kê đó. Đây có thể là thời điểm tốt cho mọi người trong gia đình chia sẻ cách họ có được chứng ngôn của mình về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith.

Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.Khi Thượng Đế hiện đến cùng Joseph Smith, Ngài đã gọi tên ông. Khi nào những thành viên trong gia đình anh chị em cảm thấy Cha Thiên Thượng biết rõ họ?

Joseph Smith—Lịch Sử 1:21–26.Chúng ta có thể phản ứng như thế nào khi người khác nghi ngờ chứng ngôn của chúng ta?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Lời Cầu Nguyện Đầu Tiên của Giô Sép Xi Mích,” Thánh Ca Và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 26.

Hình Ảnh
biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Gia Đình của Joseph Smith

Chúng ta đều chịu ảnh hưởng lớn lao từ cuộc sống của gia đình mình, và Joseph Smith cũng không khác biệt. Sự tin tưởng và lối thực hành tôn giáo của cha mẹ ông đã gieo những hạt giống của đức tin mà làm cho Sự Phục Hồi có thể xảy ra được. Nhật ký của Joseph ghi lại lời tri ân này: “Không có đủ lời lẽ để bày tỏ lòng biết ơn mà tôi nợ Thượng Đế vì đã ban cho tôi [hai đấng sinh thành] đáng kính như vậy.”1

Các câu trích dẫn sau đây của mẹ ông, Lucy Mack Smith; em trai ông William Smith; và của chính Vị Tiên Tri cho chúng ta thấy được phần nào ảnh hưởng tôn giáo trong gia đình Smith.

Hình Ảnh
Gia đình Smith

Joseph Smith Family (Gia Đình Joseph Smith), tranh do Dan Baxter họa

Lucy Mack Smith

Hình Ảnh
Lucy Mack Smith

“[Trong khoảng năm 1802], tôi lâm bệnh. … Tôi tự nói với bản thân mình rằng tôi chưa sẵn sàng để chết vì tôi không biết các đường lối của Đấng Ky Tô, và đối với tôi dường như có một hố sâu tối tăm và cô đơn giữa tôi và Đấng Ky Tô mà tôi không dám thử vượt qua. …

“Tôi hướng về Chúa cùng nài xin và khẩn khoản với Chúa xin Ngài tha mạng cho tôi để tôi có thể nuôi nấng con cái và an ủi tấm lòng chồng tôi; thế là tôi nằm cả đêm. … Tôi đã giao ước với Thượng Đế rằng nếu Ngài để tôi sống thì tôi sẽ cố gắng hết sức đi tìm tôn giáo mà sẽ cho phép tôi phục vụ Ngài đúng đắn, dù tôn giáo đó ở trong Kinh Thánh hay ở bất cứ nơi nào nó có thể được tìm thấy, dù là có phải tìm nó từ thiên thượng qua lời cầu nguyện và đức tin. Cuối cùng một tiếng nói phán cùng tôi rằng: ‘Hãy tìm kiếm, ngươi sẽ gặp; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho ngươi. Tâm hồn ngươi hãy yên ổn. Ngươi tin nơi Thượng Đế; vậy cũng hãy tin ta.’ …

“Kể từ thời điểm đó trở đi tôi đã luôn luôn có được sức lực. Tôi ít nói về chủ đề tôn giáo mặc dù nó chiếm trọn tâm trí tôi, và tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ siêng năng hết sức ngay khi tôi có thể để tìm kiếm một người ngoan đạo biết các đường lối của Thượng Đế để chỉ dẫn cho tôi về những sự việc của Thiên Thượng.”2

William Smith

Hình Ảnh
William Smith

“Mẹ tôi, một phụ nữ rất ngoan đạo và quan tâm nhiều đến sự an lạc của con cái bà, cả ở cuộc sống hiện tại và sau này, đã tận dụng mọi phương tiện mà một người mẹ giàu tình mẫu tử có thể nghĩ đến, để khiến chúng tôi tham gia vào việc tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn mình, hoặc (như cách nói thời đó là) ‘tìm kiếm tôn giáo.’ Bà khuyến khích chúng tôi tham gia các buổi họp, và gần như cả gia đình đều trở nên quan tâm đến tôn giáo, và là những người tìm kiếm lẽ thật.”3

“Chúng tôi luôn luôn có lời cầu nguyện gia đình kể từ khi tôi có thể nhớ. Tôi nhớ rõ cha thường mang theo cặp kính trong túi áo khoác của ông, … và khi các cậu bé chúng tôi thấy ông lần tìm cặp kính của mình, thì chúng tôi biết đó là một dấu hiệu để chuẩn bị sẵn sàng cho lời cầu nguyện, và nếu chúng tôi không để ý điều đó thì mẹ sẽ nói: ‘William,’ hay bất kỳ ai đang lơ đễnh, ‘hãy sẵn sàng cho lời cầu nguyện.’ Sau lời cầu nguyện chúng tôi sẽ hát một bài hát.”4

Hình Ảnh
cặp kính trên thánh thư

Joseph Sr. (Cha) và Lucy Smith đã dạy gia đình họ học thánh thư.

Joseph Smith

Hình Ảnh
Joseph Smith

“Giờ đây tôi nói rằng [cha tôi] không bao giờ làm một hành động thấp kém mà có thể nói là cố chấp trong đời ông, theo như tôi biết. Tôi yêu thương cha tôi và ký ức về ông; và ký ức về những hành vi cao quý của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí tôi; và nhiều lời nói đầy nhân từ của một người cha cho tôi đã được ghi khắc vào lòng tôi. Có những ý nghĩ thiêng liêng đối với tôi mà tôi trân quý về cuộc đời ông, mà đã trôi qua trong tâm trí tôi, và đã được in sâu vào đó qua sự quan sát của tôi, kể từ khi tôi sinh ra. … Mẹ tôi cũng là một trong số tất cả các phụ nữ cao quý và tốt nhất.”5

Ghi Chú

  1. Journal, December 1841–December 1842, trang 180, josephsmithpapers.org.

  2. Lucy Mack Smith, History, 1844–1845, sách số 2, các trang 2–4, josephsmithpapers.org; chính tả và dấu câu đã được hiện đại hóa.

  3. William Smith on Mormonism: A True Account of the Origin of the Book of Mormon (năm 1883), trang 6.

  4. Trong J. W. Peterson, “Another Testimony: Statement of William Smith, concerning Joseph, the Prophet,” Deseret Evening News, ngày 20 tháng Một, năm 1894, trang 11.

  5. Journal, December 1841–December 1842, trang 180, josephsmithpapers.org.

Hình Ảnh
Khải Tượng Thứ Nhất

The First Vision of the Restoration (Khải Tượng Thứ Nhất của Thời Kỳ Phục Hồi), tranh do Michael Bedard họa

In