Thư Viện
Những Bài Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất


“Nhiều Bài Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
khải tượng thứ nhất

Những Câu Hỏi về Giáo Hội và Phúc Âm

Nhiều Bài Tường Thuật về Khải Tượng Thứ Nhất

Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của chúng ta có thể mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn nếu chúng ta áp dụng các nguyên tắc đúng đắn. Việc học cách đánh giá chất lượng của các nguồn thông tin của chúng ta là một trong những nguyên tắc đó.

Xin xem đề tài “Tham Khảo Các Nguồn Thông Tin Đáng Tin Cậy” để có thêm những lời khuyên về cách đánh giá thông tin.

Khái Quát

Joseph Smith ghi lại rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng ông trong một khu rừng gần nhà cha mẹ ông năm ông khoảng 14 tuổi. Sự hiện đến này được gọi là Khải Tượng Thứ Nhất. Joseph và những người khác đã ghi lại một vài bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất trong suốt cuộc đời của Vị Tiên Tri.

Joseph đã xuất bản hai bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất. Bài tường thuật nổi tiếng nhất đã được xem như thánh thư và có thể được tìm thấy trong sách Trân Châu Vô Giá. Hai bài tường thuật chưa được xuất bản, được ghi lại trong cuốn tự truyện đầu tiên của Joseph Smith và trong nhật ký của ông, nói chung là không được biết đến cho đến khi chúng được Giáo Hội xuất bản vào thập niên 1960.

Những bài tường thuật khác nhau đều cùng kể về một câu chuyện, mặc dù dĩ nhiên chúng khác nhau về điểm nổi bật và chi tiết. Một số người đã sai lầm khi tranh luận rằng bất cứ sự khác nhau nào trong những phần mô tả về Khải Tượng Thứ Nhất đều là bằng chứng của sự bịa đặt. Trái lại, các nhà sử học kỳ vọng rằng khi một cá nhân kể lại một kinh nghiệm trong nhiều bối cảnh cho những người nghe khác nhau trong nhiều năm, thì mỗi câu chuyện sẽ nhấn mạnh vào các khía cạnh khác nhau của kinh nghiệm đó và gồm vào những chi tiết độc đáo.

Những điểm khác biệt đáng kể trong bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith được tìm thấy trong bài tường thuật sớm nhất, được viết vào năm 1832. Nó khác với các bài tường thuật khác ở một vài điểm:

  1. Trong bài tường thuật năm 1832, một trong những người ghi chép của Joseph đã thêm vào cụm từ “khi tôi 16 tuổi.” Các bài tường thuật khác báo cáo rằng ông 14 tuổi. Đây rất có thể là kết quả về một sơ suất của người ghi chép.

  2. Trong bài tường thuật đầu tiên, Joseph đã cầu nguyện để tìm kiếm sự tha thứ cho tội lỗi của mình. Trong các bài tường thuật sau này, ông muốn biết phải gia nhập giáo hội nào. Hai câu hỏi này có lẽ liên quan rất chặt chẽ với nhau trong tâm trí của Joseph, và cả hai đều phản ánh ước muốn của ông để được cứu rỗi.

  3. Bài tường thuật đầu tiên nói rằng: “Chúa mở rộng các tầng trời trên tôi, và tôi trông thấy Chúa, và Ngài phán cùng tôi.” Trong câu chuyện thánh thư, Joseph giải thích rằng Đức Chúa Cha đã giới thiệu Vị Nam Tử, là Đấng sau đó tiếp tục trò chuyện với Joseph. Mặc dù bài tường thuật năm 1832 không gồm có chi tiết này, nhưng tất cả các bài tường thuật đều nhấn mạnh đến vai trò chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô trong khải tượng. Ngài là Đấng đã trả lời những câu hỏi của Joseph.

Nhiều bài tường thuật của Joseph về Khải Tượng Thứ Nhất cho phép chúng ta biết thêm về sự kiện đáng chú ý này so với những gì chúng ta có thể biết nếu có ít chi tiết hơn được ghi lại về sự kiện này. Các Thánh Hữu Ngày Sau đọc các bài này đều có thể có được lòng biết ơn về chứng ngôn chân thành của Vị Tiên Tri rằng Thượng Đế đã đáp ứng lời cầu nguyện của ông bằng một khải tượng phi thường.

Các hướng dẫn học tập phúc âm liên quan:

Trả Lời Những Câu Hỏi Của Anh Chị Em

Tại sao có những điểm khác biệt giữa những bài tường thuật của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất?

Joseph Smith đã ghi lại bốn bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất. Ngoài những bài tường thuật này, năm trong số những người đương thời với ông đã viết những bài tường thuật sau khi nghe Joseph kể về kinh nghiệm của ông. Nhiều câu chuyện với những điểm quan trọng và chi tiết khác nhau cho chúng ta một bức tranh hoàn chỉnh hơn về kinh nghiệm kỳ diệu này.

Mọi người thường nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của một kinh nghiệm tùy thuộc vào những người nghe hoặc những lý do của họ để chia sẻ. Những bài tường thuật của Joseph là những ví dụ tuyệt vời về hiện tượng này. Mặc dù khác nhau về những điểm quan trọng và chi tiết, nhưng những bài này cùng kể một câu chuyện nhất quán. Một ví dụ trong thánh thư về điều này có thể được tìm thấy trong nhiều câu chuyện về sự cải đạo của Phao Lô trong Kinh Tân Ước.

Những bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất được tạo ra trong những hoàn cảnh khác nhau: viết một tiểu sử riêng, kể lại kinh nghiệm của ông cho một người khách tại nhà của ông, đọc cho người khác ghi lại câu chuyện về cuộc đời của ông thành một lịch sử chính thức, hoặc trả lời câu hỏi của một phóng viên. Trong mỗi trường hợp, Joseph dường như đã dựa vào trí nhớ mà ông cảm thấy thích hợp nhất với người nghe. Những điểm khác biệt giữa các bài tường thuật là loại bài mà những nhà sử học và học giả đang nghiên cứu trí nhớ mong tìm thấy trong các tài liệu được tạo ra trong các bối cảnh khác nhau như vậy.

Những khác biệt giữa các bài tường thuật cũng cho thấy sự hiểu biết và quan điểm của Joseph đã mở rộng như thế nào theo thời gian, kinh nghiệm và sự mặc khải thêm nữa. Khi Joseph đọc cho người khác ghi lại bài tường thuật ban đầu của ông vào năm 1832, thì đó vẫn còn là giai đoạn đầu trong giáo vụ của ông. Bài tường thuật này phần lớn mang tính cá nhân và tập trung vào ý nghĩa của khải tượng đối với Joseph. Về sau, khi ông đọc cho người khác ghi lại bài tường thuật hiện được tìm thấy trong sách Trân Châu Vô Giá, ông suy ngẫm về ý nghĩa của khải tượng không những đối với ông mà còn đối với Giáo Hội và thế giới.

Joseph Smith đã trông thấy bao nhiêu nhân vật thiên thượng trong Khải Tượng Thứ Nhất?

Ba trong số bốn bài tường thuật của Joseph mô tả rõ ràng hai “nhân vật”: Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô. Trong một bài tường thuật, ông nói rằng ông cũng đã trông thấy các thiên sứ. Bài tường thuật đầu tiên của Joseph thì có ít chi tiết hơn. Được viết vào năm 1832, bài tường thuật này mô tả “Chúa” đang mở ra các tầng trời và sau đó Joseph đang thấy “Chúa.”

Có vài cách để nghĩ về bài tường thuật này. Joseph Smith chắc hẳn đã nói “Chúa” để chỉ về Thượng Đế Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử, tương tự như cách mà một số người trong thời kỳ của Joseph đã gọi hai Ngài. Hoặc có thể ông chỉ tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, là Nhân Vật thiêng liêng đã tha thứ cho tội lỗi của ông và mang đến sứ điệp về khải tượng.

Joseph Smith có cầu nguyện để xin được tha thứ hoặc để biết phải gia nhập giáo hội nào không?

Bài tường thuật đầu tiên của Joseph về Khải Tượng Thứ Nhất, được viết khi ông còn trẻ, nói rằng ông đã cầu nguyện để tìm kiếm sự tha thứ cho tội lỗi của mình. Những bài tường thuật về sau của ông, được viết sau nhiều năm phục vụ với tư cách là vị lãnh đạo của một giáo hội đang tăng trưởng, đã nhấn mạnh đến sự tìm kiếm của ông về giáo hội nào để gia nhập. Trong thực tế, hai câu hỏi này có liên quan chặt chẽ đối với Joseph. Cả hai đều phản ánh ước muốn của ông để được cứu rỗi.

Tại sao những bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith lại khác biệt với cách ông mô tả tuổi tác của ông?

Joseph Smith soạn bài tường thuật đầu tiên về Khải Tượng Thứ Nhất bằng chính chữ viết tay của ông vào năm 1832. Một thời gian sau khi Joseph viết xong, một người ghi chép đã thêm tuổi của Joseph vào giữa các dòng chữ, cho thấy rằng ông đang ở “tuổi mười sáu” (hoặc 15 tuổi) vào thời điểm khải tượng. Chúng ta không biết liệu người ghi chép đó có hội ý với Joseph về phần thêm vào này không. Trong mỗi bài tường thuật sau đó, Joseph đều nói rằng ông 14 tuổi.

Tất cả những bài tường thuật của Joseph đều được viết ra hơn một thập niên sau khi khải tượng đó xảy ra. Thậm chí nếu ông đã chỉ dẫn cho người ghi chép của ông viết rằng ông mới 15 tuổi, thì dường như sau khi suy nghĩ kỹ hơn, ông cũng đã kết luận rằng ông mới 14 tuổi vào lúc nhận được khải tượng. Các nhà sử học kỳ vọng sẽ tìm thấy sự khác biệt như thế này khi mọi người kể lại cuộc đời của họ từ trí nhớ. Trong mọi trường hợp, thực tế là khải tượng xảy ra là quan trọng hơn nhiều so với ngày chính xác khải tượng đã xảy ra.

Có bằng chứng lịch sử nào về sự giao động về tôn giáo gần Palmyra, New York, vào năm 1820 không?

Có. Trong lịch sử năm 1838 của mình, Joseph Smith đã nói rằng Khải Tượng Thứ Nhất của ông xảy ra vào mùa xuân năm 1820. Joseph đã suy nghĩ về những câu hỏi mà dẫn ông đến việc cầu nguyện một thời gian trước khi ông nhận được khải tượng. Trong bài tường thuật năm 1832 của ông, Joseph đã viết rằng ông bắt đầu suy ngẫm về “những mối quan tâm vô cùng quan trọng đối với sự an lạc của linh hồn bất diệt của tôi” khi ông 12 tuổi, hay khoảng năm 1818. Các biên sử của lịch sử ghi rõ rằng một sự nhiệt tình chung đối với tôn giáo đang lan rộng khắp Hoa Kỳ vào thời điểm này, nhất là miền tây New York, nơi Joseph sống.

Đôi khi sự nhiệt tình này diễn ra dưới hình thức của các buổi họp phục hưng, chẳng hạn như buổi họp do các tín đồ Methodist tổ chức ngay bên ngoài Palmyra vào năm 1818. Các tín đồ Methodist ở địa phương cũng nhóm họp vào năm sau tại Vienna (nay là Phelps), New York, cách nông trại của gia đình Smith 15 dặm. Nhật ký của một vị thuyết giảng lưu động thuộc giáo phái Methodist có ghi về sự giao động về tôn giáo trong khu vực của Joseph vào năm 1819 và năm 1820. Nhật ký của ông ta ghi rằng Ngài George Lane, một mục sư thuộc giáo phái Methodist muốn phục hưng đức tin của dân chúng, đã sống ở vùng đó trong cả hai năm, để nói “về cách của Thượng Đế trong việc đưa đến Sự Cải Cách.” Có một buổi họp cắm trại ba ngày của giáo phái Methodist ở Palmyra vào cuối mùa xuân năm 1820, và nhiều công cuộc phục hưng rộng lớn đã diễn ra vài năm sau đó vào năm 1824. Mặc dù Joseph đã không đề cập cụ thể đến các công cuộc phục hưng, nhưng chúng là bằng chứng rõ ràng về “sự giao động khác thường” mà ông đã mô tả.

Tại sao Joseph chờ đợi lâu như vậy để viết một bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất?

Joseph Smith đã không tạo ra bất cứ hồ sơ tự truyện nào trong suốt 24 năm đầu đời của ông. Ông lớn lên trong một gia đình biết chữ, nhưng ông ít nhận được giáo dục chính quy. Chúng ta biết là ông đã cảm thấy khó bày tỏ bằng văn bản.

Ngay sau khi Giáo Hội được tổ chức, Chúa đã truyền lệnh cho Joseph phải lưu giữ một biên sử. Điều quan trọng là ngay sau khi Joseph nhận được lệnh truyền này, một trong những điều đầu tiên ông ghi lại là bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất.

Tại sao một số tín hữu Giáo Hội ban đầu đã không đề cập đến Khải Tượng Thứ Nhất trong các bài tường thuật của họ về Sự Phục Hồi?

Các tín hữu Giáo Hội ban đầu đôi khi thuật lại Sự Phục Hồi mà không đề cập đến Khải Tượng Thứ Nhất. Ví dụ, mẹ của Joseph Smith, là Lucy, lẫn em trai William của ông đều ghi lại những câu chuyện mà bắt đầu với sự hiện đến của thiên sứ Mô Rô Ni vào năm 1823 chứ không đề cập đến sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tương tự như vậy, bài tường thuật được xuất bản sớm nhất của Oliver Cowdery về Sự Phục Hồi bắt đầu với sự hiện đến của Mô Rô Ni.

Chính Joseph cũng đã không nhấn mạnh hoặc thường xuyên nói về khải tượng đó trước công chúng trong nhiều năm. Một trong những bài tường thuật của ông nói rằng lúc đầu, ông còn ngần ngại chia sẻ chi tiết với gia đình mình, có lẽ vì miễn cưỡng chia sẻ một kinh nghiệm thiêng liêng độc nhất vô nhị. Mặt khác, Joseph thường làm chứng về sự hiện đến của Mô Rô Ni và bản dịch Sách Mặc Môn. Nhiều tín hữu Giáo Hội ban đầu xem những sự kiện này là bằng chứng chính về sự kêu gọi thiêng liêng của Joseph. Những bài tường thuật do các tín hữu Giáo Hội này đưa ra không làm suy yếu chứng ngôn tận mắt chứng kiến của Joseph, nhưng chúng phản ánh sự phấn khởi và chứng ngôn của Thánh Hữu Ngày Sau ban đầu về Sách Mặc Môn.

Có những điểm tương đồng nào giữa bài tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith vào năm 1832 và những câu chuyện cải đạo của các Ky Tô Hữu khác trong thời của ông không?

Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith là một khoảnh khắc siêu việt trong lịch sử nhân loại. Mặc dù những người khác trong thời kỳ của ông đã viết về các khải tượng thuộc linh, nhưng những bài tường thuật của họ đều vẫn còn là những câu chuyện về sự cải đạo cá nhân. Kinh nghiệm độc nhất vô nhị của Joseph đánh dấu sự khởi đầu của một loạt phép lạ mà dẫn đến Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bài tường thuật năm 1832 về Khải Tượng Thứ Nhất chia sẻ một số lời lẽ cũng được tìm thấy trong những câu chuyện về sự cải đạo của các Ky Tô hữu khác trong thời kỳ của ông. Không có gì ngạc nhiên khi Joseph thường sử dụng lời lẽ quen thuộc với ông để mô tả khải tượng này. Trong một cách tương tự, các tín hữu Giáo Hội ngày nay chia sẻ chứng ngôn của họ bằng cách sử dụng các cụm từ mà họ đã học được từ những người khác. Nhưng trong khi ngôn ngữ chúng ta sử dụng để chia sẻ chứng ngôn của mình thường tuân theo một khuôn mẫu, thì những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân của chúng ta lại độc nhất vô nhị và riêng tư.

Tìm Hiểu Thêm

Ghi Chú

  1. Joseph Smith, trong History, circa Summer năm 1832, trang 3, josephsmithpapers.org.

  2. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3–9; 22:6–10; 26:12–18.

  3. Joseph Smith, trong History, circa Summer năm 1832, trang 3, josephsmithpapers.org.

  4. Joseph Smith, trong History, circa Summer năm 1832, trang 3, josephsmithpapers.org.

  5. Nhật ký của Benajah Williams, ngày 15 tháng Bảy năm 1820, bản sao ở trong Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City; chính tả đã được điều chỉnh.

  6. Joseph Smith—Lịch Sử 1:5.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 69:2–8.

  8. Xin xem Oliver Cowdery, “Letter III,” Messenger and Advocate, tháng Mười Hai năm 1834; “Letter IV,” Messenger and Advocate, tháng Hai năm 1835.

  9. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:20, 49.

  10. Xin xem D. Todd Christofferson, “The Book of Mormon and Your Mission” (buổi họp đặc biệt devotional ở MTC, Provo, Utah, ngày 17 tháng Một năm 2023); xin xem thêm 3 Nê Phi 21:1–2, 7.