“Vai Trò của Các Vị Tiên Tri,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)
Những Câu Hỏi về Giáo Hội và Phúc Âm
Vai Trò của Các Vị Tiên Tri
Khái Quát
Từ thời xưa, Thượng Đế đã kêu gọi các vị tiên tri để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và tuyên xưng lời Ngài. Thượng Đế chuẩn bị, kêu gọi và dẫn dắt các vị tiên tri hoàn thành các mục đích vĩnh cửu của Ngài. Thánh thư chứa đựng những lời giảng dạy của nhiều vị tiên tri, chẳng hạn như Môi Se, Ê Sai, Ê Li và Nê Phi. Mỗi vị ngỏ lời cùng dân chúng bằng ngôn ngữ, thời gian và địa điểm của họ cùng đưa ra lời hướng dẫn đầy soi dẫn và lời cảnh báo đúng lúc.
Thượng Đế tiếp tục kêu gọi các vị tiên tri trong thời kỳ của chúng ta. Tiên Tri Joseph Smith nhận được thẩm quyền từ Thượng Đế để thực hiện các giao ước phúc âm và các giáo lễ chức tư tế cũng như phục hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông cũng nhận được sự mặc khải làm sáng tỏ những lẽ thật quan trọng về Thượng Đế và kế hoạch của Ngài dành cho con cái Ngài. Những người kế nhiệm ông với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội đều có cùng thẩm quyền tiếp nhận sự mặc khải để bổ sung cho sự hiểu biết phúc âm và hướng dẫn Giáo Hội. Nguyên tắc mặc khải liên tục này là một đặc điểm chính yếu của phúc âm phục hồi.
Các Thánh Hữu Ngày Sau tán trợ Chủ Tịch của Giáo Hội, các cố vấn của ông trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và các thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Những điều giảng dạy của Giáo Hội được tuyên bố bởi tiếng nói chung của các vị tiên tri tại thế này. Giáo lý được tuyên bố và giải thích bởi Chủ Tịch của Giáo Hội và được tán trợ bởi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai hành động trong sự nhất trí, theo khuôn mẫu được đưa ra trong Giáo Lý và Giao Ước 107:27–31.
Chúa đã kêu gọi những người phàm làm các vị tiên tri của Ngài. Giống như tất cả con cái của Thượng Đế, họ trải qua những thử thách trên trần thế, nhưng Chúa làm việc qua họ để thực hiện công việc của Ngài. Ngài đã truyền lệnh cho Giáo Hội phải lưu tâm đến lời khuyên dạy của họ “với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin.” Nếu chúng ta làm như vậy, thì Ngài hứa sẽ “đánh tan quyền năng của bóng tối ra khỏi [chúng ta], và khiến cho các tầng trời sẽ rung chuyển vì lợi ích của [chúng ta].”
Tại sao việc lắng nghe các vị tiên tri là điều quan trọng đối với tôi?
Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi Giáo Hội của Ngài trong những ngày sau cùng để giúp Ngài hoàn thành công việc kỳ diệu của Ngài: Ngài mong muốn giảng dạy cho tất cả con cái của Thượng Đế về các phước lành của giao ước, tạo điều kiện cho sự tha thứ tội lỗi, và mang đến sự giúp đỡ qua những thử thách; đoàn kết một thế giới bị chia rẽ xung quanh những lời giảng dạy và tấm gương của Ngài; và kết nối tất cả các thế hệ của gia đình nhân loại qua các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao.
Chúa kêu gọi các vị tiên tri và ban cho họ thẩm quyền để hướng dẫn công việc này. Ngài ban cho họ sự mặc khải để giúp họ biết điều gì cần chú trọng và cách xúc tiến công việc của Thượng Đế. Mặc dù các vị tiên tri có thân thế lai lịch khác nhau và có tài năng và quan điểm khác nhau, nhưng họ khiêm nhường tìm kiếm và tiếp nhận ý muốn của Chúa dành cho Giáo Hội của Ngài.
Việc tìm kiếm sự hiểu biết và xác nhận về những chức vụ kêu gọi thiêng liêng của các vị tiên tri bằng cách áp dụng những lời giảng dạy của họ một cách trung tín là một yếu tố của vai trò môn đồ. Việc noi theo các vị tiên tri có thể đòi hỏi “lòng kiên nhẫn và đức tin” vì chúng ta có thể không luôn luôn hiểu được mục đích thiêng liêng của những điều mặc khải và giảng dạy đã được tiết lộ cho một vị tiên tri. Mặc dù chúng ta có thể có thắc mắc, nhưng Chúa cũng yêu cầu chúng ta phải tuân theo sự hướng dẫn của các tôi tớ Ngài với đức tin nơi sự hiểu biết hoàn hảo của Ngài và quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài.
Khi lưu tâm đến những lời của các vị tiên tri, chúng ta mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của mình. Chúng ta gia nhập một cộng đồng các môn đồ toàn cầu của Chúa Giê Su Ky Tô mà cam kết xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Khi tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri, chúng ta tiếp cận với các phước lành của quyền năng thiêng liêng và sự bình an vĩnh cửu đã được hứa cho những người lập và tuân giữ các giao ước phúc âm.
Làm thế nào tôi có thể có được chứng ngôn rằng Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua các vị tiên tri?
Thượng Đế muốn con cái Ngài lắng nghe và tin cậy các vị tiên tri của Ngài. Khi tìm kiếm với chủ ý thực sự, chúng ta có thể có được một chứng ngôn cá nhân rằng Ngài hướng dẫn Giáo Hội của Ngài ngày nay.
Chúng ta có thể thực hành lời khuyên dạy của tiên tri An Ma. Ông đã khuyên nhủ dân Giô Ram: “Trắc nghiệm những lời nói của tôi đây và vận dụng một chút ít đức tin, phải, ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin, thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người, cho đến khi các người tin ngõ hầu các người có thể chừa được chỗ cho một phần nào những lời tôi nói.”
An Ma giải thích thêm: “Chúng ta sẽ so sánh lời của Thượng Đế như một hạt giống. Giờ đây, nếu các người chừa một chỗ để cho hạt giống có thể được trồng trong tim các người, này, nếu quả đó là một hạt giống chân thật,” và “các người không liệng hạt giống ấy ra ngoài vì lòng không tin tưởng, … hạt giống ấy sẽ bắt đầu nẩy nở trong lồng ngực các người” và các người sẽ nói: “Chắc đây phải là một hạt giống tốt, hay là lời của Thượng Đế tốt, vì nó bắt đầu mở rộng tâm hồn ta; phải, vì nó bắt đầu soi sáng sự hiểu biết của ta; phải, nó bắt đầu trở thành ngon ngọt đối với ta.”
Như An Ma đã dạy, chúng ta có thể trắc nghiệm những lời nói của các vị tiên tri. Ví dụ, nếu có thể, chúng ta có thể hành động theo lời khuyên dạy của vị tiên tri là thường xuyên đặt hẹn để thờ phượng trong nhà của Chúa. Khi làm như vậy, chúng ta có thể trông chờ các phước lành mà vị tiên tri đã hứa. Việc nhận ra những phước lành này củng cố đức tin của chúng ta nơi những lời của các vị tiên tri tại thế.
Việc trồng hạt giống bằng đức tin của chúng ta là một tiến trình suốt đời, nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ ngày hôm nay để đạt được sự bảo đảm thuộc linh về các vị tiên tri tại thế và lưu tâm đến lời khuyên dạy của họ với lòng kiên nhẫn và đức tin.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội không thể sai lầm sao?
Chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới sống một cuộc sống hoàn hảo. Các vị lãnh đạo Giáo Hội cố gắng sống cuộc sống ngay chính và mang mọi người đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô qua lời nói và hành động của họ, nhưng họ cũng bị ảnh hưởng bởi sự yếu kém của con người. Các vị lãnh đạo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô cũng có sai lầm.
Nhưng chúng ta cũng chớ quên vai trò thiết yếu của họ. Chúa kêu gọi các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội để làm “những nhân chứng đặc biệt cho tôn danh của Đấng Ky Tô” và hành động với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải trong thời kỳ của chúng ta. Giống như các vị tiên tri thời xưa, họ giao tiếp với Thượng Đế và tiết lộ ý muốn của Ngài. Họ có thẩm quyền thiêng liêng để dẫn dắt Giáo Hội bởi sự mặc khải, thực hiện các giáo lễ của phúc âm, và hướng dẫn công việc của Chúa trên thế gian. Điều này không có nghĩa là họ biết tất cả mọi điều. Họ làm việc theo sự sáng Chúa đã ban cho họ, tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua sự mặc khải liên tục, và trông cậy vào quyền năng củng cố mà họ nhận được nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.
Chúa luôn luôn làm việc qua các vị tiên tri trên trần thế bất chấp sự yếu kém của họ. Giống như Giô Na chạy trốn sự kêu gọi đến Ni Ni Ve, Phi E Rơ chặt đứt tai của người lính, hoặc Joseph Smith đưa các trang từ bản dịch Sách Mặc Môn cho Martin Harris, các vị tiên tri đôi khi có thể mắc sai lầm. Trong những trường hợp như vậy, Chúa sửa dạy các tôi tớ của Ngài, và sau khi họ hối cải, Ngài ban phước cho họ để hoàn thành công việc mà Ngài đã kêu gọi họ làm.
Thật là quan trọng để ghi nhớ cách mà giáo lý của Giáo Hội được thiết lập. Giáo lý được tuyên bố và giải thích bởi Chủ Tịch của Giáo Hội và được tán trợ bởi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai hành động trong sự nhất trí, theo khuôn mẫu được đưa ra trong Giáo Lý và Giao Ước 107:27–31. “Sự đòi hỏi phải nhất trí này sẽ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thành kiến và đặc tính cá nhân. Sự nhất trí bảo đảm rằng Thượng Đế hướng dẫn qua Thánh Linh, chứ không phải thông qua con người với việc bỏ phiếu hoặc sự thỏa hiệp theo đa số.” Một lời giảng dạy của một vị lãnh đạo Giáo Hội có thể tượng trưng cho “một quan điểm cá nhân, dù đã được suy nghĩ chín chắn, nhưng không có nghĩa là chính thức hay ràng buộc toàn thể Giáo Hội.”
Qua Đức Thánh Linh, mỗi người chúng ta có thể nhận được một sự bảo đảm riêng rằng các vị tiên tri được Thượng Đế kêu gọi và Ngài hướng dẫn công việc của Ngài qua họ.
Việc vị tiên tri sẽ không bao giờ dẫn dắt Giáo Hội đi lạc lối có nghĩa là gì?
Chủ Tịch Wilford Woodruff nói: “Chúa sẽ không cho phép tôi hoặc bất cứ người nào khác làm Chủ Tịch của Giáo Hội này để hướng dẫn anh chị em đi sai đường.” Các vị tiên tri và sứ đồ đã tái khẳng định lời dạy này qua nhiều thế hệ. Giáo lý được tuyên bố và giải thích bởi Chủ Tịch của Giáo Hội và được tán trợ bởi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai hành động trong sự nhất trí, theo khuôn mẫu được đưa ra trong Giáo Lý và Giao Ước 107:27–31.
Các Thánh Hữu Ngày Sau tin rằng phúc âm phục hồi trọn vẹn và thẩm quyền của chức tư tế sẽ không bao giờ bị cất khỏi thế gian nữa. Điều này có nghĩa là Thượng Đế sẽ luôn luôn hướng dẫn các vị tiên tri để bảo đảm rằng Giáo Hội làm tròn sứ mệnh của mình là chuẩn bị con cái của Ngài cho các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu. Ngài sẽ tiếp tục mặc khải ý muốn của Ngài cho các vị tiên tri từng hàng chữ một, gia tăng sự hiểu biết của chúng ta và loại bỏ lỗi lầm như là một phần của Sự Phục Hồi phúc âm đang diễn ra.
Tại sao một số điều trong Giáo Hội thay đổi theo thời gian?
Trong Giáo Lý và Giao Ước 1:30, Chúa tuyên phán rằng Giáo Hội là “giáo hội sinh động và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này.” Tuy nhiên, tất cả các sinh vật đều phát triển và thay đổi. Các lối thực hành của Giáo Hội ngày nay còn khác hơn cả lối thực hành của chỉ một vài năm trước đây. Đây là một đặc điểm thiết yếu của Giáo Hội mà được dựa trên nguyên tắc của sự mặc khải liên tục. Các Thánh Hữu Ngày Sau tin rằng Thượng Đế “sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng.”
Sự mặc khải liên tục có thể khai triển hoặc cải tiến sự hiểu biết của chúng ta, đưa chúng ta đến việc thay đổi một số truyền thống của mình, và giúp chúng ta càng tiến gần hơn đến lý tưởng của Si Ôn. Giáo Hội toàn cầu điều chỉnh để các chính sách của Giáo Hội có thể đáp ứng những nhu cầu về thời gian và địa điểm cụ thể. Xét cho cùng, những nhu cầu của Các Thánh Hữu ở biên giới Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 đã khác biệt rất nhiều so với những nhu cầu của hàng triệu tín hữu Giáo Hội sống rải rác trên toàn cầu ngày nay.
Hầu hết những thay đổi chúng ta trải qua trong Giáo Hội đều liên quan đến sự thực hành thiết thực của các nguyên tắc phúc âm, chẳng hạn như cách chúng ta điều khiển buổi thờ phượng trong ngày Sa Bát hoặc phục sự lẫn nhau trong các tiểu giáo khu và chi nhánh của mình. Đôi khi sự mặc khải đã dẫn đến những thay đổi quan trọng hơn trong những điều giảng dạy và lối thực hành của Giáo Hội. Các ví dụ gồm có các tuyên ngôn chính thức được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước, mà dẫn đến việc chấm dứt sự thực hành tục đa hôn và ban chức tư tế và các phước lành đền thờ cho tất cả mọi người bất kể chủng tộc.
Những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế có quan trọng hơn những lời giảng dạy trong thánh thư hoặc của các vị lãnh đạo Giáo Hội trước đây không?
Các vị tiên tri tại thế, thánh thư và các vị lãnh đạo Giáo Hội trước đây đều quan trọng. Mục đích chính của ba nguồn lẽ thật này là để làm chứng về sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta nên tìm cách hiểu vai trò quan trọng của mỗi nguồn tài liệu và cách chúng liên quan với nhau.
Thánh thư là nguồn lẽ thật quan trọng được mặc khải qua hàng ngàn năm và trong nhiều bối cảnh văn hóa. Thánh thư giúp chúng ta luôn tập trung vào các lẽ thật phúc âm. Thánh thư làm chứng về Đấng Ky Tô và cho Thánh Linh cơ hội nói chuyện với chúng ta. Những lời giảng dạy của các vị tiên tri trước đây của thời kỳ Phục Hồi cũng mang đến một nguồn thuộc linh tương tự. Chúng ta nên tìm cách hiểu thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri trước đây trong bối cảnh mà thánh thư được ban cho và chấp nhận với lòng biết ơn các lẽ thật đã được mặc khải mà thánh thư chia sẻ.
Các vị tiên tri tại thế nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế cần thiết để hướng dẫn Giáo Hội và thực hiện các giáo lễ của phúc âm ngày nay. Họ thêm chứng ngôn của mình về Đấng Ky Tô vào chứng ngôn do các vị tiên tri trước đây đưa ra. Họ giúp chúng ta thấy các lẽ thật của phúc âm áp dụng như thế nào cho hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Họ nhận được sự mặc khải mới cho Giáo Hội, điều chỉnh những hướng dẫn trước kia cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại như đã được Chúa chỉ dẫn. Đôi khi những lời giảng dạy của họ thay thế cho những lời giảng dạy của các vị tiên tri trước kia. Thường nhất, những lời của họ củng cố những điều giảng dạy trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri trước đây.