Thư Viện
Áp Ra Ham, Sách


“Nguồn Gốc của Sách Áp Ra Ham,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
Hình Mô Phỏng Số 1

Những Câu Hỏi về Giáo Hội và Phúc Âm

Nguồn Gốc của Sách Áp Ra Ham

Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của chúng ta có thể mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn nếu chúng ta áp dụng các nguyên tắc đúng đắn. Thật là quan trọng để nghiên cứu các nguồn đáng tin cậy khi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi liên quan đến phúc âm. Xin xem đề tài “Tham Khảo Các Nguồn Thông Tin Đáng Tin Cậy” để khám phá thêm những lời khuyên về cách trả lời các câu hỏi.

Khái Quát

Sách Áp Ra Ham là thánh thư đầy soi dẫn được ban cho Tiên Tri Joseph Smith qua sự mặc khải. Sách tiếp nối câu chuyện trong Kinh Thánh về vị tộc trưởng thời xưa ở một số khía cạnh và bổ sung thêm thông tin quan trọng về cuộc đời và những lời giảng dạy của ông. Sách gồm có các lẽ thật sâu sắc về thiên tính của Thượng Đế, mối quan hệ của Ngài với chúng ta là con cái của Ngài và mục đích của cuộc sống này.

Quyển thánh thư này được mặc khải cho Joseph Smith bắt đầu vào năm 1835, vào lúc ông đang nghiên cứu một số giấy cói Ai Cập cổ xưa mà Các Thánh Hữu đã mua. Nhiều người đã nhìn thấy cuộn giấy cói, nhưng không có bài tường thuật nào của nhân chứng về tiến trình phiên dịch. Chỉ còn những mảnh nhỏ của các cuộn giấy cói dài mà Joseph đã từng sở hữu là tồn tại đến ngày nay. Người ta không biết đến sự liên quan giữa các bài viết bằng tiếng Ai Cập trên các cuộn giấy cói đó và văn bản thánh thư chúng ta có ngày nay.

Joseph Smith có thể đã phiên dịch sách Áp Ra Ham từ những phần của bản giấy cói hiện đang bị mất, hoặc việc ông nghiên cứu bản giấy cói có thể đóng vai trò là chất xúc tác dẫn đến một điều mặc khải về Áp Ra Ham. Trong cả hai trường hợp, Joseph đã không phiên dịch sách này bằng cách thức thông thường. Khi nói về việc phiên dịch Sách Mặc Môn, Chúa phán: “Ngươi không thể chép lại được những điều thiêng liêng nếu không do ta ban cho ngươi.” Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho sách Áp Ra Ham.

Lẽ thật và giá trị của sách Áp Ra Ham không thể được định đoạt bằng cuộc tranh luận học thuật. Quyển sách này được xem là thánh thư bởi vì các lẽ thật vĩnh cửu mà sách giảng dạy và tinh thần mạnh mẽ mà sách truyền đạt. Mỗi người chúng ta có thể nghiên cứu những lời giảng dạy của sách này và cầu nguyện để có được sự xác nhận từ Đức Thánh Linh rằng sứ điệp của sách là từ Thượng Đế.

Các hướng dẫn học tập phúc âm liên quan:

Trả Lời Những Câu Hỏi Của Anh Chị Em

Joseph Smith đã phiên dịch sách Áp Ra Ham bằng cách nào?

Tiên Tri Joseph Smith đã không giải thích cách ông phiên dịch sách Áp Ra Ham. Chúng ta biết rằng ông và những người khác đã nghiên cứu kỹ các cuộn giấy cói Ai Cập mà Giáo Hội có được, nhưng ông không hiểu tiếng Ai Cập thời xưa hoặc không tiếp cận được với các công cụ mà có thể giúp ông phiên dịch văn bản bằng cách thức thông thường. Những người cộng sự của Joseph chỉ nhớ lại rằng bản dịch đã được Thượng Đế mặc khải. Như John Whitmer đã nhận xét: “Vị Tiên Kiến Joseph đã nhìn thấy [các] Biên Sử này và nhờ sự mặc khải của Chúa Giê Su Ky Tô đã có thể phiên dịch các biên sử này.” Những nguồn thông tin cho rằng Joseph Smith có thể đã sử dụng một viên đá tiên kiến trong khi ông đọc cho chép văn bản của sách Áp Ra Ham.

Hầu hết các cuộn giấy cói mà Joseph sở hữu giờ đã bị mất, mặc dù một số mảnh giấy cói vẫn còn sót lại. Chúng bao gồm hai mảnh nhỏ từ sách Book of Breathing for Horos; bốn mảnh nhỏ và một số mẩu vụn từ sách Book of the Dead for Semminis; và một mảnh nhỏ từ sách Book of the Dead for Nefer-ir-nebu. Các nhà Ai Cập Học Thánh Hữu Ngày Sau lẫn không phải Thánh Hữu Ngày Sau đều đồng ý rằng những ký tự trên các mảnh nhỏ này không khớp với bản dịch trong sách Áp Ra Ham.

Một số Thánh Hữu Ngày Sau tin rằng bản văn của sách Áp Ra Ham đã được tìm thấy trên bản giấy cói mà hiện đang bị mất. Những người khác kết luận rằng việc nghiên cứu bản giấy cói của Joseph đã thúc đẩy một điều mặc khải về các sự kiện và những lời giảng dạy chính yếu trong cuộc đời của Áp Ra Ham, giống như ông đã nhận được trước đó một điều mặc khải về cuộc đời của Môi Se trong khi nghiên cứu Kinh Thánh. Theo quan điểm này, bản giấy cói đóng vai trò là chất xúc tác cho một điều mặc khải về Áp Ra Ham.

Giáo Hội không đưa ra luận điểm về các lý thuyết này. Sách chỉ khẳng định rằng bản dịch đã được thực hiện bởi sự mặc khải. Giống như Sách Mặc Môn, sách Áp Ra Ham ra đời nhờ vào “ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”

Sách Áp Ra Ham liên quan như thế nào với các tài liệu bằng tiếng Ai Cập?

Từ tháng Bảy năm 1835 đến tháng Mười Một năm 1835, Joseph Smith và những người ghi chép của ông đã tạo ra một số tài liệu liên quan đến các ký tự trên bản giấy cói Ai Cập. Chúng gồm có những gì được gọi là “Các Tài Liệu Bảng Chữ Cái Ai Cập” và “Ngữ Pháp và Bảng Chữ Cái của Tiếng Ai Cập.” Các tài liệu này dường như là một phần trong nỗ lực của Joseph và những người khác nhằm tìm hiểu các ngôn ngữ và khái niệm thời xưa để họ có thể kết nối với một quá khứ thiêng liêng. Joseph Smith và những người ghi chép của ông đã sao chép các ký tự từ bản giấy cói và những nguồn khác vào các tài liệu này và đề nghị nhiều cách giải thích (được gọi là “mức độ”) cho mỗi ký tự. Những lời giải thích này thường không khớp với cách giải thích học thuật.

Joseph Smith và những người đương thời với ông đã không giải thích các tài liệu này liên quan như thế nào với sách Áp Ra Ham. Một số học giả tin rằng đó là một nỗ lực để học tiếng Ai Cập bằng cách sử dụng các phần đã được mặc khải của sách Áp Ra Ham. Những người khác kết luận rằng Joseph và các cộng sự của ông đã tạo ra các tài liệu bằng tiếng Ai Cập như là một phần tiến trình mà qua đó Joseph nhận được sự mặc khải—bằng cách “nghiên cứu kỹ trong tâm trí [ông]” trước hết. Vẫn còn những người khác tin rằng cả hai lý thuyết này đều không đúng.

Sách Áp Ra Ham có sử dụng lời lẽ từ Phiên Bản King James của Kinh Thánh không?

Phiên bản King James (KJV) của Kinh Thánh có ảnh hưởng sâu rộng đến tiếng tiếng Anh. Phiên bản này đặc biệt được những người trong thời Joseph Smith biết đến. Những điều mặc khải trong Giáo Lý và Giao Ước thường gồm có các cụm từ được tìm thấy trong KJV. Các bản dịch Sách Mặc Môn, sách Môi Se và sách Áp Ra Ham cũng vậy. Tất nhiên là lời lẽ KJV hoặc thậm chí các từ và cụm từ từ các nguồn khác mà Joseph Smith biết cũng sẽ xuất hiện trong những câu thánh thư này. Chúa giải thích rằng Ngài ban mặc khải cho các tôi tớ của Ngài “theo lối ngôn ngữ của họ, để họ có thể hiểu được.” Lời lẽ của Joseph được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nền văn hóa mà ông đang sống và nhất là sự quen thuộc của ông với KJV.

Một số đoạn trong bài tường thuật của Áp Ra Ham trùng lặp với sách Sáng Thế Ký. Mặc dù những đoạn này gồm có một số cụm từ trong câu chuyện quen thuộc trong Kinh Thánh, nhưng chúng cũng có những điểm khác biệt đáng kể mà có thể làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta.

Chúng ta biết gì về những lời giải thích của Joseph Smith về các hình mô phỏng trong sách Áp Ra Ham?

Sách Áp Ra Ham gồm có ba bản in minh họa, được gọi là hình mô phỏng mà dựa trên hình ảnh trên bản giấy cói. Những hình mô phỏng này được gồm vào khi sách Áp Ra Ham được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1842. Những lời giải thích của Joseph Smith về các hình ảnh đã được kèm theo với các hình mô phỏng. Các hình minh họa này được tham khảo trong văn bản của sách Áp Ra Ham. Ví dụ, Áp Ra Ham 1:12 nói đến “bức hình vẽ tiêu biểu ở đầu cuốn biên sử này,” có nghĩa là Hình Mô Phỏng 1.

Hầu hết những lời giải thích mà Joseph đã kèm theo với các hình mô phỏng đều không khớp với những lời giải thích của các nhà Ai Cập Học cận đại. Tuy nhiên, các học giả đã lưu ý một số điểm tương đồng. Ví dụ, Joseph Smith mô tả bốn hình họa trong hình 6 của Hình Mô Phỏng 2 là “trái đất này trong bốn phương của nó.” Các học giả khác đã giải thích tương tự rằng các hình họa giống hệt nhau trong các văn bản Ai Cập khác thời xưa. Hình mô phỏng 1 mô tả một vị thần cá sấu bơi lội trong cái mà Joseph Smith gọi là “bầu trời trên đầu chúng ta.” Các học giả đã xác định tương tự quan niệm của người Ai Cập về thiên thượng là “một đại dương trên trời.”

Chúng ta không biết các hình mô phỏng liên quan như thế nào đến văn bản. Có bằng chứng cho thấy một số tác giả Do Thái trong kỷ nguyên mà bản giấy cói được tạo ra đã phỏng theo và kết hợp các bản vẽ và câu chuyện Ai Cập vào các văn bản thiêng liêng của riêng họ, kể cả những hình ảnh liên quan đến Áp Ra Ham. Những hình minh họa này có thể đã được sử dụng lại theo cách tương tự.

Giáo Hội có minh bạch về những gì chúng ta biết về các bản giấy cói và nội dung của chúng không?

Có. Trong suốt lịch sử của mình, Giáo Hội đã công bố rộng rãi sự hiểu biết của mình về các bản văn Ai Cập mà có liên quan đến sách Áp Ra Ham. Giáo Hội có hai cuộn giấy cói Ai Cập và các mảnh nhỏ của cuộn giấy cói thứ ba từ năm 1835 đến năm 1847. Trong thời gian đó, các bản giấy cói thường được trưng bày cho công chúng xem. Sau khi Joseph Smith qua đời, Emma Smith và người chồng thứ hai của bà đã bán chúng cho một người tên là Abel Combs mà đã chia chúng ra thành ít nhất hai bộ sưu tập và bán chúng cho những nhóm người khác. Nhiều bản giấy cói đã bị mất. Khi có được những mảnh giấy cói còn lại từ Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York City vào năm 1967, Giáo Hội đã công bố một thông báo về việc mua lại và hình ảnh của các mảnh giấy cói trong báo Deseret News và trong tạp chí của Giáo Hội lúc đó là Improvement Era. Những bài báo này đã thảo luận về nguồn gốc của các mảnh giấy cói và mối quan hệ của chúng với những gì được xác định vào thời điểm đó là Sách tang lễ của Người Chết ở Ai Cập.

Từ lúc đó trở đi, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã cho một số học giả tiếp cận trực tiếp các mảnh giấy cói, và cả các học giả Thánh Hữu Ngày Sau lẫn không phải Thánh Hữu Ngày Sau đều xuất bản các bản dịch và bài phân tích những mảnh giấy cói đó. Chỉ một phần nhỏ của hai cuộn giấy cói và nhiều mảnh giấy cói khác nhau do Joseph Smith nắm giữ được biết là còn sót lại. Năm 2018, Các Bài Viết của Joseph Smith đã công bố những hình ảnh và bài phân tích mới về tất cả những mảnh giấy cói này.

Ngày nay, có bao nhiêu mảnh giấy cói bị mất?

Các học giả nói chung đồng ý rằng bản giấy cói hiện còn tồn tại chỉ chiếm một phần nhỏ của hai cuộn giấy cói gốc và các mảnh giấy cói khác mà ban đầu được Joseph Smith và Giáo Hội mua được. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp khác nhau để ước tính chiều dài ban đầu của các cuộn giấy cói. Ước tính của họ về những gì chúng ta có ngày nay dao động từ ít nhất là 2,5 phần trăm đến nhiều nhất là 30 hoặc 45 phần trăm bản giấy cói thuộc quyền sở hữu của Joseph.

Tại sao sách Áp Ra Ham khẳng định là do chính tay Áp Ra Ham viết?

Khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1842, sách Áp Ra Ham mở đầu bằng một lời giải thích như sau: “Một bản dịch của một số Biên Sử thời xưa đã rơi vào tay chúng tôi, từ Hầm Mộ của Ai Cập, được cho là những bài viết của Áp Ra Ham, trong khi ông đang ở Ai Cập, được gọi là Sách Áp Ra Ham, do chính tay ông viết, trên giấy cói.” Một bản thảo ban đầu của sách Áp Ra Ham chứa đựng lời giới thiệu tương tự. Lời giới thiệu như nó còn tồn tại ngày nay có lẽ đã được tạo ra khi sách Áp Ra Ham được xuất bản vào năm 1842. Những lời giới thiệu tương tự đã được gồm vào với việc xuất bản một vài trong số các văn bản mặc khải khác của Joseph Smith.

Phần phân tích cho thấy rằng bản giấy cói được viết giữa thế kỷ thứ ba và thứ hai trước Công Nguyên, rất lâu sau thời Áp Ra Ham. Cách xác định niên đại này không bác bỏ nội dung của sách Áp Ra Ham. Nhiều văn bản cổ xưa tồn tại ngày nay là bản sao của các bản sao. Tương tự như vậy, sách Áp Ra Ham có thể đã được sao chép lại nhiều lần trong nhiều thế kỷ nhưng vẫn khẳng định rằng Áp Ra Ham là tác giả của nó.

Sách Áp Ra Ham có nhất quán với những gì chúng ta biết về vùng Cận Đông thời xưa không?

Sách Áp Ra Ham chứa đựng những chi tiết mà không có trong Kinh Thánh nhưng phù hợp với văn học của thế giới cổ xưa. Ví dụ, một số tên của người và địa điểm tương tự như tên đã được tìm thấy trong các biên sử cổ xưa. Ví dụ, “đồng bằng Ô Li Sem” đã được một số học giả kết nối với một thị trấn ở tây bắc Syria tên là Ulisum. Đây là một kết hợp rất hợp lý cho Ô Li Sem theo các thực hành ngôn ngữ tiêu chuẩn. Tương tự như vậy, thượng đế của Elkenah đã được một số học giả Thánh Hữu Ngày Sau đề nghị để đại diện cho một hình thức rút gọn của danh hiệu thiêng liêng El Koneh Artzu, được biết đến từ một loạt các chữ khắc Xê Mít ở tây bắc và có nghĩa là một cái gì đó giống như “El, Đấng Sáng Tạo Thế Gian.”

Một số chủ đề chung và cấu trúc tường thuật của sách Áp Ra Ham giống với những câu chuyện từ những nguồn tài liệu cổ xưa không thuộc Kinh Thánh. Những câu chuyện này gồm có việc cha của Áp Ra Ham, Tha Rê, là một người thờ thần tượng; một nạn đói xảy ra tại quê hương của Áp Ra Ham; và một thiên sứ giải cứu Áp Ra Ham khỏi lễ hiến tế con người do một pha ra ôn Ai Cập thực hiện. Các bản văn cổ xưa cũng đề cập đến việc Áp Ra Ham chỉ dẫn người Ai Cập về các tầng trời. Ví dụ, Eupolemus, người sống dưới sự cai trị của Ai Cập vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, viết rằng Áp Ra Ham đã dạy thiên văn học và các ngành khoa học khác cho các thầy tế lễ Ai Cập. Một bản giấy cói vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên ở một thư viện đền thờ Ai Cập đề cập đến tên Áp Ra Ham với một hình minh họa tương tự như Hình Mô Phỏng 1 trong sách Áp Ra Ham. Một số chi tiết này về cuộc đời của Áp Ra Ham nói chung không được biết đến vào thời Joseph Smith.

Mặc dù những ví dụ này có sức thuyết phục, nhưng cũng có nhiều ví dụ về cách giải thích của Joseph Smith về các hình mô phỏng mà không phù hợp với những gì chúng ta hiện biết về thế giới cổ xưa. Mặc dù công nhận rằng có nhiều điều chúng ta không hiểu về tiến trình phiên dịch, nhưng điều quan trọng là cần ghi nhớ rằng lẽ thật và giá trị của sách Áp Ra Ham không thể được định đoạt bằng cuộc tranh luận học thuật về việc phiên dịch sách đó. Việc đọc sách Áp Ra Ham, suy ngẫm nội dung của sách và cầu nguyện về những điều giảng dạy của sách có thể giúp anh chị em đạt được sự làm chứng thuộc linh về giá trị vĩnh cửu của sách này.

Làm thế nào tôi có thể đạt được một chứng ngôn về sách Áp Ra Ham và các thánh thư khác mà đã được mặc khải cho Joseph Smith?

Có nhiều điều chúng ta không biết về cách sách Áp Ra Ham đã được mặc khải cho Joseph Smith. Nhưng trong nhiều phương diện, những câu hỏi của chúng ta về tiến trình này không quan trọng bằng câu hỏi liệu Thượng Đế có mặc khải thánh thư mới cho Joseph Smith hay không. Đây là vấn đề đức tin. Cách tốt nhất để nhận được sự xác nhận của Thánh Linh cho câu hỏi này là đọc sách Áp Ra Ham, suy ngẫm các lẽ thật mà sách tiết lộ, thực hành những điều giảng dạy của sách, và tìm kiếm sự làm chứng từ Đức Thánh Linh. Tiến trình này có thể giúp chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Đó là cuộc thử nghiệm tột bậc về giá trị của sách Áp Ra Ham.

Tìm hiểu thêm

  • Tiểu Luận về Các Đề Tài Phúc Âm: “Translation and Historicity of the Book of Abraham

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 9:9.

  2. John Whitmer, History, 1831–khoảng năm 1837, trang 76, trong Karen Lynn Davidson, Richard L. Jensen, và David J. Whittaker, các chủ biên, Histories, Volume 2: Assigned Historical Writings, 1831–1847, tập 2 loạt Lịch Sử của The Joseph Smith Papers, do Dean C. Jessee, Ronald K. Esplin, và Richard Lyman Bushman biên tập (năm 2012), trang 86.

  3. Wilford Woodruff, Journal, ngày 19 tháng Hai năm 1842, trang 134, wilfordwoodruffpapers.org; Parley P. Pratt, “Editorial Remarks,” Millennial Star, số 3 (tháng Bảy năm 1842), trang 46–47.

  4. Xin xem lời giới thiệu Môi Se 1.

  5. Trang tựa của Sách Mặc Môn.

  6. Những tài liệu này được xuất bản trong Robin Scott Jensen và Brian M. Hauglid, các chủ biên, Joseph Smith Papers, Revelations and Translations, Tập 4: Book of Abraham and Related Manuscripts (năm 2018).

  7. Giáo Lý và Giao Ước 9:8.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 1:24.

  9. Introduction to Egyptian Papyri, circa 300–100 BC, The Joseph Smith Papers, josephsmithpapers.org.

  10. Lời Giới Thiệu Áp Ra Ham 1.

  11. Jensen và Hauglid, các biên tập, Joseph Smith Papers, Revelations and Translations, Tập 4: Book of Abraham and Related Manuscripts, trang 219.

  12. Áp Ra Ham 1:10.

  13. John Gee, “Has Olishem Been Discovered?” Journal of the Book of Mormon and Other Restoration Scriptures, số 2 (năm 2013), trang 104–107.

  14. Xin xem Áp Ra Ham 1:17.

  15. Xin xem Kerry Muhlestein, “Egyptian Papyri and the Book of Abraham: A Faithful, Egyptological Point of View,” trong Robert L. Millet, biên tập, No Weapon Shall Prosper: New Light on Sensitive Issues (năm 2011), trang 222–224.

  16. Xin xem E. Douglas Clark, phần đánh giá của Michael E. Stone, Armenian Apocrypha Related to Abraham (năm 2012), trong BYU Studies Quarterly, 53:2 (năm 2014), trang 173–179; Tvedtnes, Hauglid, và Gee, Traditions about the Early Life of Abraham; Hugh Nibley, Abraham in Egypt, xuất bản lần thứ 2 (năm 2000), trang 1–73.

  17. Xin xem Mô Rô Ni 10:5.

  18. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:63.