Thư Viện
Giáo Hội Sinh Động và Chân Chính Duy Nhất


“Giáo Hội Sinh Động và Chân Chính Duy Nhất,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
giáo đoàn hát thánh ca

Những Câu Hỏi về Giáo Hội và Phúc Âm

Giáo Hội Sinh Động và Chân Chính Duy Nhất

Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của chúng ta có thể mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn nếu chúng ta áp dụng các nguyên tắc đúng đắn. Thật là quan trọng để hiểu cách tiếp nhận sự mặc khải khi tìm kiếm các câu trả lời. Xin xem đề tài “Nhận Ra Rằng Sự Mặc Khải Là một Tiến Trình” để khám phá thêm những lời khuyên về cách trả lời các câu hỏi.

Khái Quát

Từ lúc Sự Phục Hồi phúc âm bắt đầu cho đến nay, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã khẳng định rằng tất cả mọi người đều là con cái của Thượng Đế. Cha Thiên Thượng yêu thương và muốn ban phước cho tất cả con cái của Ngài.

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không đòi độc quyền về sự tốt lành và lẽ thật. Có vô số người trên khắp thế giới là những tấm gương chính trực và đầy thiện chí. Và các nguyên tắc chân chính và bổ ích có thể được tìm thấy trong nhiều tôn giáo và hệ thống đạo đức khác nhau trên khắp thế giới. Mỗi người chúng ta đều có quyền tin tưởng và thờ phượng như lương tâm cá nhân của chúng ta dẫn dắt (xin xem Những Tín Điều 1:11).

Đồng thời, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có một nhiệm vụ duy nhất từ Thượng Đế để mang phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đến cho thế gian. Chính Chúa đã phán Giáo Hội phải là “giáo hội sinh động và chân chính duy nhất trên khắp thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 1:30). Sứ điệp phúc âm chúng ta chia sẻ gồm có các lẽ thật quý báu được phục hồi mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác về Thượng Đế và mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Giáo Hội cũng có thẩm quyền chức tư tế từ Thượng Đế để thực hiện các giáo lễ mà qua đó chúng ta lập mối quan hệ giao ước với Ngài.

Các Thánh Hữu Ngày Sau tin và làm chứng rằng việc sống theo phúc âm phục hồi mang đến niềm vui lâu dài, chữa lành những hậu quả của tội lỗi, và chuẩn bị cho con cái của Thượng Đế sống lại nơi hiện diện của Ngài.

Các hướng dẫn học tập phúc âm liên quan:

Trả Lời Những Câu Hỏi Của Anh Chị Em

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô nghĩ thế nào về các truyền thống tôn giáo khác?

Chúng ta tin rằng Thượng Đế soi dẫn những người tốt thuộc mọi tôn giáo và tín ngưỡng. Vào năm 1978, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo tôn giáo vĩ đại của thế gian như Mohammed, Khổng Tử, và Các Nhà Cải Cách, cũng như các triết gia kể cả Socrates, Plato, và những người khác, đã nhận được một phần ánh sáng của Thượng Đế. Những lẽ thật về đạo đức đã được Thượng Đế ban cho họ để soi sáng toàn thể các quốc gia và mang lại một mức độ hiểu biết cao hơn cho các cá nhân.” Chúng ta tham gia với những người có đức tin và thiện chí trên khắp thế giới để củng cố các cộng đồng, chăm sóc những người hoạn nạn và làm công việc của Thượng Đế trên thế gian.

Các Thánh Hữu Ngày Sau quý trọng “điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen” trong các giáo hội và các truyền thống tôn giáo khác trên thế giới. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley dạy: “Trong tinh thần yêu thương, chúng tôi nói với các anh chị em rằng tất cả những gì các anh chị em có về điều thiện và lẽ thật mà các anh chị em đã nhận được từ bất cứ nguồn gốc nào, thì hãy đến và để cho chúng tôi xem chúng tôi có thể thêm vào đó được không.”

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “giáo hội sinh động và chân chính duy nhất” có nghĩa là gì?

Giáo Hội được hướng dẫn bởi Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mặc khải ý muốn của Ngài trong thời kỳ chúng ta cho các vị tiên tri tại thế và các vị lãnh đạo đầy soi dẫn khác. Sự mặc khải liên tục từ Đấng Cứu Rỗi cho phép Giáo Hội được liên kết với thiên thượng và cũng tăng trưởng và tiến triển—để trở nên một giáo hội sinh động và chân chính. Tất cả các sinh vật tăng trưởng và thay đổi. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúng ta là nhân chứng cho một tiến trình phục hồi. Nếu anh chị em nghĩ là Giáo Hội đã được phục hồi trọn vẹn, thì thật ra anh chị em chỉ đang thấy sự khởi đầu. Còn nhiều điều nữa sẽ tới.”

Phúc âm phục hồi được tìm thấy trong Giáo Hội của Chúa mang đến kiến thức và lẽ thật mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Phúc âm cho phép cá nhân tiếp cận quyền năng thánh hóa của Thượng Đế qua Đức Thánh Linh và sự cứu rỗi cùng sự tôn cao của gia đình của Thượng Đế qua các giáo lễ chức tư tế. Trong Giáo Lý và Giao Ước 1:30, Chúa phán rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “giáo hội sinh động và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này, mà ta là Chúa rất hài lòng, muốn nói chung với toàn thể giáo hội chứ không phải với riêng ai.”

Anh chị em có cần phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô để được cứu rỗi không?

Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tin rằng Thượng Đế đã chuẩn bị một đường lối cho tất cả con cái của Ngài để đạt được sự cứu rỗi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tất cả mọi người đều sẽ được cứu khỏi cái chết nhờ vào Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Một khải tượng vinh quang được cho Tiên Tri Joseph Smith thấy tiếp tục dạy rằng hầu như tất cả con cái của Thượng Đế đều sẽ thừa hưởng một vương quốc vinh quang sau Sự Phục Sinh.

Những lời dạy này khẳng định quyền năng lớn lao của Thượng Đế nhân từ của chúng ta để cứu rỗi và ước muốn sâu xa của Ngài để làm như vậy. Thượng Đế ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Nhưng chúng ta cần phải chọn để chấp nhận các phước lành này. Để nhận được sự tôn cao, vinh quang trọn vẹn mà Thượng Đế ban cho, chúng ta cần phải lập giao ước với Ngài, chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, cố gắng sống theo những lời giảng dạy và tấm gương của Chúa Giê Su, và khiêm nhường hối cải tội lỗi của mình khi chúng ta vấp ngã. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có thẩm quyền từ Thượng Đế để ban cho các giao ước và giáo lễ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô để chuẩn bị chúng ta cho mức độ vinh quang cao nhất trong thượng thiên giới của Thượng Đế.

Dĩ nhiên, hầu hết con cái của Thượng Đế trong suốt lịch sử thế gian chưa bao giờ là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Thật ra, hầu hết những người từng sống trên thế gian đều chưa nghe nói về Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, có vô số người tốt—ở mọi thời đại, tôn giáo và văn hóa trên thế gian—là những người nêu gương về sự tin kính trong cuộc sống của họ. Mỗi người sẽ có một cơ hội, trong cuộc sống này hoặc cuộc sống mai sau, để được giảng dạy phúc âm trọn vẹn và chấp nhận hoặc khước từ các giáo lễ và giao ước của phúc âm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:30–35, 57–59).

Tại sao Giáo Hội không chấp nhận phép báp têm của các Ky Tô hữu khác?

Ngay sau khi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức vào năm 1830, các tín hữu tương lai đã được báp têm trước đó đã tự hỏi liệu họ có cần được báp têm một lần nữa trong Giáo Hội mới được phục hồi hay không. Để đáp lại, Chúa đã mặc khải qua Joseph Smith rằng cần phải chịu phép báp têm bởi thẩm quyền của chức tư tế mà Ngài đã phục hồi. Mặc dù Giáo Hội tôn trọng ý định ngay chính của các Ky Tô hữu khác trong các phép báp têm trước đây của họ, nhưng chúng ta vẫn tuân theo lời giảng dạy này ngày nay.

Thượng Đế có một “dân tộc chọn lựa” không?

Mỗi chúng ta đều là con yêu quý của Thượng Đế. Thánh thư dạy rằng Thượng Đế lập giao ước với con cái của Ngài để mời họ lập một mối quan hệ ràng buộc vĩnh viễn với Ngài. Từ Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Thượng Đế đã thiết lập giao ước của Ngài với Áp Ra Ham, tuyên phán rằng qua gia đình của Áp Ra Ham tất cả thế gian sẽ được phước (xin xem Sáng Thế Ký 17:1–7; 22:17–18). Giao ước này được tái lập với con cái của Y Sơ Ra Ên, con cháu của Áp Ra Ham (xin xem Sáng Thế Ký 28:10–15). Mặc dù người ta vào những thời điểm khác nhau trong suốt lịch sử đã hiểu giao ước này chỉ giới hạn cho một dòng dõi cụ thể, nhưng Chúa đã mặc khải cho Các Sứ Đồ của Ngài rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai; nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa.”

Sự Phục Hồi phúc âm qua Joseph Smith là một sự tái lập giao ước vĩnh viễn của Thượng Đế trong những ngày sau cùng. Bất cứ người nào chọn lập giao ước với Chúa bằng thẩm quyền hợp thức đều là một phần của dân giao ước của Ngài. Như Thượng Đế đã phán với Áp Ra Ham: “Tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ … được xem như dòng dõi của ngươi.” Vì chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, nên họ trở thành “một dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân [được gìn giữ] thuộc về Đức Chúa Trời.”

Quan điểm của Giáo Hội về tự do tôn giáo là gì?

Kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng tùy thuộc vào khả năng của chúng ta để tự lựa chọn, làm cho tự do tôn giáo thành nguyên tắc cốt lõi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Thánh Hữu Ngày Sau đã quý trọng sự tự do tôn giáo kể từ những thời kỳ đầu của Giáo Hội. Kinh nghiệm của Joseph Smith với tư cách là nạn nhân của sự ngược đãi và bạo lực đã dạy cho ông đứng lên bênh vực cho tự do tôn giáo, không những cho Các Thánh Hữu Ngày Sau mà còn cho tất cả mọi người. Ông khuyến khích Các Thánh Hữu “[ném] bỏ khỏi chúng tôi mọi tinh thần cố chấp và không khoan dung đối với những quan điểm tôn giáo của một người.” Ông dạy rằng “quyền bất khả xâm phạm của con người được suy nghĩ [và] được thờ phượng theo ý mình” là “luật đầu tiên của tất cả mọi điều thiêng liêng.”

Các vị lãnh đạo Giáo Hội ngày nay khẳng định tầm quan trọng của việc cho phép tất cả mọi người “thờ phượng gì, bằng cách nào hay ở đâu tùy theo họ chọn.” Khi ngỏ lời với tất cả những người có đức tin, Chủ Tịch Dallin H. Oaks khuyên nhủ: “Với tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau được các lệnh truyền thiêng liêng giảng dạy, chúng ta cần phải tìm cách học hỏi lẫn nhau và củng cố những cam kết chung mà giữ chúng ta lại với nhau và thúc đẩy các xã hội đa nguyên ổn định. Chúng ta nên kề vai sát cánh trên con đường tự do tôn giáo dành cho tất cả mọi người, trong khi vẫn thực hiện quyền tự do đó để theo đuổi niềm tin đặc biệt của mình.”

Tìm hiểu thêm